Nhân quả trong phim bạo lực
Tôi thường rất thích xem phim “hành động” là loại phim thường có những hình ảnh bạo lực. Nhiều người cho rằng không nên xem phim có hình ảnh bạo lực vì dễ bị ảnh hưởng, nhất là khiến cho lúc ngủ sẽ có những cơn chiêm bao dữ dội và giấc ngủ sẽ không được êm ả. Điều này xem ra cũng đúng. Hình ảnh bạo lực rất dễ ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là đối với giới trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy mà trước khi trình chiếu một phim bạo lực, màn ảnh lúc nào cũng hiện ra câu cảnh báo người xem.
Riêng tôi, tôi không bị ảnh hưởng mấy, vì lúc xem bất cứ một phim truyện nào, đầu tiên tôi cũng luôn nghĩ rằng đây chỉ là chuyện phim. Dù nhà làm phim có dựa theo một câu chuyện thật, thì cũng vẫn có thêm thắt chút hư cấu và cường điệu mọi chi tiết để hấp dẫn người xem. Thứ nữa, phim bạo lực, tuy vậy, luôn luôn là một phim có tính cách giáo dục và làm cho người xem phân biệt được cái xấu và cái tốt, cái thiện và cái ác, và nhất là cái nhân quả báo ứng. Dĩ nhiên những phim tình cảm thì lúc nào cũng có thể làm cho người xem mủi lòng rung động theo diễn tiến tình cảm của câu chuyện, nhưng chỉ trong khi xem mà thôi. Chuyện tình thì đầu phim đến cuối phim cũng chỉ là chuyện tình, có hậu hoặc không có hậu, nhưng chuyện phim hành động thì nhất định là có một đoạn kết mà luôn luôn kẻ ác phải trả giá, để cho người xem phải suy nghĩ.
Cảnh chiến đấu trong phim Iron man
.
Cái lý do tôi thích phim hành động, là luôn luôn trong chuyện phim, những kẻ ác lúc nào cũng bị trừng phạt, chịu quả báo vào cuối câu chuyện. Thường thì nhân vật ác trong chuyện phim phần lớn là những người giàu có, quyền lực, nhưng là những kẻ xấu xa, gian manh, đồi bại, độc ác, hiếp đáp, hại người lương thiện. Hoặc là những kẻ đội lốt một khuôn mặt đạo đức để dễ bề lừa đảo kẻ khác. Tôi cảm thấy thú vị và luôn luôn chờ đợi cuối phim để thấy cảnh những kẻ đó bị lột mặt nạ, chịu sự trừng phạt, dù bất cứ là ai, kể cả có khi là một vị tổng thống hoặc các quan chức cao cấp trong các phim Mỹ.
Người ta thường nói “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Có lẽ cũng đúng, vì thực tâm không ai sinh ra bản chất đã là kẻ ác, mà chỉ vì hoàn cảnh xã hội đã biến đổi con người. Do cờ bạc, rượu chè, nghèo túng, bần cùng sinh đạo tặc, đạo tặc sinh sát nhân… Cứ lấy những nhà làm những cuốn phim bạo lực mà suy ra. Chưa có một cuốn phim hành động nào mà kẻ ác được nhởn nhơ sau những hành vi xấu xa độc ác. Điều đó chứng tỏ con người luôn luôn hướng thiện hoặc ít nhất là có lòng hướng thiện. Tuy nhiên, vì cuộc sống hàng ngày, hoàn cảnh thường làm con người đổi thay, ở với Thiện thì sẽ lây cái thiện, ở với Ác thì sẽ nhiễm cái ác. Có những cô gái bẩm sinh thấy một giọt máu đã có thể xâm xoàng, nhưng lúc đã là sinh viên, vào học y khoa, bắt buộc phải tiếp xúc với cơ thể con người, dần dần cầm con dao mổ, xẻ da thịt một cách dễ dàng. Có những anh học trò thư sinh ốm yếu trói gà không chặt, nhưng sau một thời gian sống trong quân ngũ, cũng có thể cầm súng bắn chết người một cách thản nhiên. Đó là lý do con người cần có một tôn giáo tốt để nương theo. Bạo lực không ở trong phim ảnh, mà ở trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cờ bạc, rượu chè, ma túy làm cho con người bị đẩy vào tội ác một cách dễ dàng.
Một cảnh đánh nhau trong phim Fast and Furious 8
.
Bây giờ những tin tức hàng ngày trên báo chí, có những tin tức làm cho người đọc không thể nào hình dung nổi như những chuyện giết nhau không có một lý do chính đáng nào. Giết người nguyên nhân chỉ vì chuyện dẫm phải chân nhau trong đám đông, chạy xe lấn đường nhau chút đỉnh hay chỉ sau vài lời qua tiếng lại không đâu trong một quán nhậu… Giết người cướp của thì đã đành, chứ giết người chỉ vì không hài lòng một cái nhìn của đối phương mà mình cho là cái nhìn “đểu” thì quả là thật phi lý. Không hiểu ảnh hưởng xã hội trên con người thế nào mà lại có những tình trạng tệ hại đến thế. Có thể là những con người đó thiếu một sự giáo dục gia đình tối thiểu, mất cả lòng tin vào cuộc sống, và nhất là không có một tinh thần tôn giáo nào trong cuộc sống hàng ngày. Đó là những con người chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn dục tính và coi thường mạng sống không phải của kẻ khác mà là ngay cả chính mình. Giết người một lần được thì có thể lặp lại nhiều lần không chút đắn đo ngần ngại mãi cho đến khi bị báo ứng.
Thường những kẻ giết người, làm việc ác, trái với đạo đức, khi phải ra tòa, bị kết án nặng nề thì hầu hết đều ân hận vì những hành vi không kiểm soát được của mình lúc gây ra tội ác. Điều đó cũng có thể chứng tỏ phần nào con người vốn không ai muốn làm điều ác. Không có một người nào trước khi làm một điều ác mà lại có thì giờ nghĩ đến chuyện một quả báo có thể chờ đợi mình sau đó. Vậy thì tư duy về luật nhân quả phải được cấy vào trong từng con người, để sẵn sàng thức tỉnh lương tâm của họ. Nhiều người cho rằng con người không cần theo một tôn giáo nào cả, chỉ cần sống cho có ý nghĩa. Và người ta giải thích sống có ý nghĩa, có nghĩa là làm điều thiện và không làm điều ác, nghĩa là đừng làm những điều mà mình không muốn người ta làm với mình. Sống có ý nghĩa, có nghĩa là không làm điều ác đức hại người và phải tin vào nhân quả. Thực ra, đó chính là những lời dạy của đạo Phật, nhưng nếu nói là không cần nghe lời Phật dạy mà chỉ tự mình nghĩ ra như thế thì quả là không thực tế chút nào. Tôi không biết những tôn giáo khác dạy cho tín đồ những gì. Riêng Phật giáo, dạy cho con người làm thiện và không làm ác, từ bi hỷ xả. Có theo Phật giáo thì mới có thể hiểu và thấm nhuần được thuyết nhân quả của nhà Phật, còn bỗng dưng nghĩ ra chuyện nhân quả để mà tránh điều ác thì quá khó. Có lẽ tôn giáo nào cũng có chút mù quáng thì mới gọi là tôn giáo, vì tôn giáo nào phần nhiều cũng có một đấng giáo chủ đầy quyền năng ban phát ân huệ cho tín đồ. Bởi vậy đấng giáo chủ quyền năng có thể trừng phạt tín đồ nếu không theo lời dạy của vị đó, và vì có chút mù quáng, nên tín đồ mới tin tưởng tối đa vào quyền năng đó, và sợ bị trừng phạt. Phật tử đúng nghĩa thì không bị mù quáng. Người theo Phật giáo thì phải tự mình ý thức lời dạy của Đức Phật để đạt đến từ bi hỷ xả, nghĩa là làm thiện tránh ác mà thôi. Vì vậy, con người muốn làm những điều tốt thì dù sao cũng phải ở trong một môi trường tôn giáo để được hướng dẫn tu tập, nhắc nhở thường xuyên thì mới có thể ghi nhớ vào trong tâm mình dễ dàng hơn. Hậu quả của chuyện làm ác theo Phật giáo, chỉ bản thân người đó phải chịu chứ chẳng có ai trừng phạt hoặc tha thứ cho mình cả.
Cảnh chiến đấu chống lại cái ác trong phim Avengers
.
Người ta tránh xem phim bạo lực vì sợ bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực thường còn được cường điệu thêm cho hấp dẫn người xem. Tuy nhiên, phim bạo lực chính là những phương tiện để truyền bá thuyết nhân quả một cách hữu hiệu.
Thường ai cũng tự nhủ mình lái xe phải cẩn thận, không chạy nhanh để xảy ra tai nạn. Nhưng gặp lúc gấp chuyện thì ai cũng có thể quên mất sự cẩn thận ngay. Trong tất cả mọi trường hợp đều như thế, nghĩa là ai ai cũng biết đến cái gọi là nhân quả, nhưng nhập tâm để ghi nhớ trong lòng lại là chuyện khác. Bởi vậy, phải tu tập để tâm lúc nào cũng được sáng suốt, an lạc thì mới mong tránh được phần nào hậu quả do cái nhân không đúng của mình làm ra. Nếu không có một tôn giáo để nương theo, thì con người khó để có thể tự mình tu thân được. Có một ai đó soi đường cho mình, thường xuyên nhắc nhở mình, hướng dẫn mình thì mới mong có thể tạo thành thói quen tốt ngay cả trong tư duy.
Biết về nhân quả là một chuyện, nhưng biết để tránh những hành động sai trái có thể đem đến hậu quả cho mình là chuyện khác. Ai cũng biết bốn chữ “ngoại thân chi vật”, ai cũng biết đời là vô thường, nhưng khi mất mát vẫn không khỏi khổ đau. Có một tôn giáo để duy trì niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống đầy rẫy tội ác xấu xa là một điều cần thiết. Đối với tôi, xem phim hành động, bạo lực chỉ như một sự nhắc nhở thường xuyên đến lý thuyết nhân quả vậy. Trong cuộc sống thực, có những kẻ ác không phải trả giá và chính bản thân họ chưa chắc đã thấy rõ ràng cái hậu quả của những hành động sai trái của họ. Tuy nhiên khi làm phim, đạo diễn luôn luôn cho khán giả thấy cái hậu quả đó, không những vừa làm cho câu chuyện có ý nghĩa thêm, mà còn có mục đích răn dạy về đạo đức luân lý.
Thường, phim ảnh chỉ là những tác phẩm dựa theo thực tế đã xảy ra và dĩ nhiên là không thể tránh khỏi phần nào ảnh hưởng xấu cho những kẻ dễ bị ảnh hưởng phim ảnh, nhưng dù sao vẫn có cái lợi ích trong đó.
Tóm lại, bạo lực ngoài đời chỉ là bạo lực. Bạo lực trong phim ảnh là cái bạo lực dẫn đến cái hậu quả của nó làm cho người xem phải có suy nghĩ về luật nhân quả báo ứng vậy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)