Phim "Rừng Na Uy" - đi tìm bản ngã bằng tình dục?
Vấn đề đặt ra từ truyện đến phim không hề xa lạ với thế hệ thanh niên ở thập niên 60-70 của thế kỷ XX. Quả thực, đây là câu chuyện lồng trong bối cảnh xã hội 50 năm trước, thời cường thịnh của nước Nhật. Và cũng là thập niên có 4 vấn đề lớn được giới trẻ quan tâm: Chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism), Cách mạng tình dục (Sexual liberation), Nữ quyền (Feminism) và Chống chiến tranh (Anti-war). Cả 4 vấn đề này đều được đề cập trong ca khúc Norwegian Wood (Rừng Na Uy) của nhóm Beatles trong album Rubber Soul phát hành năm 1965 nổi tiếng khắp thế giới…
Phải thực sự hiểu bối cảnh xã hội của 50 năm trước, ta mới có thể hiểu thấu hết ý nghĩa của câu chuyện và những nhân vật loanh quanh trong đó. Đó là thời giới trẻ các nước phương Tây bắt đầu chạm mặt với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, cuộc sống thay đổi, và chính vật chất đã phần nào làm đảo lộn xã hội truyền thống… Chủ nghĩa cá nhân phát triển với mầm mống chống đối lại lề thói trong từng mái gia đình, vì vậy, đây là lúc mà triết học hiện sinh của Jean Paul Sartre trở thành cứu cánh của một bộ phận giới trẻ.
Trong tâm trạng hoảng loạn vì mất phương hướng, giới trẻ dễ dàng sa vào hư vô, coi cuộc sống là vô nghĩa và phi lý đến mức không thể tồn tại với chính nó... Phong trào hippy cũng phát sinh từ đây với một lớp thanh niên mới lớn thoát ly hẳn khỏi gia đình, sống lang thang, bất cần đời, sống không mục đích và tôn sùng chủ nghĩa Hiện sinh, tự do tình dục, nam nữ bình đẳng trên mọi phương diện và chống chiến tranh. Tâm trạng của những nhân vật trong Rừng Na Uy cũng không nằm ngoài vòng xoáy thời đại họ sống. Đó là những con người mất phương hướng, họ không hiểu thực sự bản thân họ muốn gì và sống để làm gì? Nước Nhật thời ấy đang tiến lên như vũ bão, nhưng lại là giai đoạn khó khăn nhất của giới trẻ với hàng loạt những vụ tự sát tập thể mà trong đó không ít những trí thức trẻ…
Quyển truyện Rừng Na Uy của nhà văn Haruki Murakami là một hồi ức của Watanabe Toru, một người đã thoát ra khỏi cái vòng xoáy ấy, đó là một cuộc soi rọi vào chính bản thân mình, một hồi ức đau đớn của những tâm hồn trẻ dại loay hoay tìm hướng đi và dùng tình dục như một sự lấp đầy cuộc sống. Những chàng trai kiểu Nagasawa, anh chàng lúc nào cũng chứng tỏ cái tôi của mình bằng bảng thành tích qua đêm với hàng trăm cô gái, và Toru cũng đã từng ngưỡng mộ, đi theo Nagasawa, cũng từng sống trụy lạc như anh ta, với những trò chơi tình dục, cùng đổi bạn gái cho nhau, cùng ngủ với những cô gái vừa bắt gặp trên đường, để khi tỉnh dậy, càng thấy chán chường với chính bản thân mình.
Nagasawa chưa bao giờ hiểu thế nào hạnh phúc, dù bên cạnh anh luôn có cô gái tội nghiệp, yêu anh mãnh liệt đến nỗi chấp nhận hết những cuộc tình trác táng của anh. Thực ra, ở đây, không có ai hạnh phúc, trong tâm hồn mỗi người đều có những vết thương, có người tự tạo ra vết thương cho chính mình như Nagasawa, một kiểu tự tàn phá chính cảm xúc của mình bằng sự chai sạn của trái tim và cao ngạo với cuộc đời.
Cuộc tình tay ba của Toru (Kenichi Matsuyama), Naoko (Rinko Kikuchi), Midori (Kiko Mizuhara) cũng không có gì khác với kiểu yêu của phim Hàn Quốc, nhưng phim Hàn Quốc có cách diễn giải gần gũi với con người hơn, đời hơn và lãng mạn hơn. Còn mối tình của ba con người trong Rừng Na Uy được đạo diễn khoác cho chiếc áo hào nhoáng của chủ nghĩa Hiện sinh, nên bỗng dưng nó được nhuốm màu triết học, và được tung lên một cấp bậc cao hơn. Và người ta thi nhau phân tích ngấu nghiến sự cô đơn, để cùng đồng cảm với nỗi buồn và cái sắc màu tình dục trong phim. Cái gì gọi là chuỗi hình ảnh cảm xúc, cái gì gọi là sự thăng hoa mà không phải là khoái lạc nhục dục, tất cả thực ra chỉ là một cách nói, thực tế trên phim ngoài những hình ảnh, âm thanh đầy chất gợi dục, còn là sự táo tợn trong những lời thoại của Naoko và Midori đến nỗi khán giả phải ồ lên ngượng ngùng…
Hình ảnh giới thiệu về Rừng Na Uy - Ảnh: imdb.com.
Những mối tình trong Rừng Na Uy rõ ràng là hiện thực của đời sống thanh niên Nhật lúc bấy giờ, họ mất phương hướng, họ cô đơn và cảm thấy cuộc đời vô vị, buồn nôn. Vì thế, họ coi tình dục là cứu cánh, nhưng tình dục rõ ràng không thể lấp đầy cuộc sống của họ. Và Nhật có lẽ là nước châu Á tiên phong trong trào lưu cách mạng tình dục. Naoko bị chấn thương tinh thần vì phải chịu đựng cùng lúc hai cái chết của người tình và người chị ruột. Cả hai đều tự sát ở tuổi 17. Không ai hiểu vì sao họ phải chết, bởi vì đêm trước họ còn cười đùa với mọi người, đêm sau họ đã tự rời bỏ cuộc đời.
Vết thương của Naoko càng lớn khi cô đã không thể làm tình được với người cô yêu, cô mang một thứ mặc cảm phạm tội với Kizuki, khi cô đã có thể “trơn tru” được với Toru (dù chỉ một lần) mà với Kizuki thì không thể… Toru yêu Naoko, thứ tình yêu của sự chở che, như một sứ mạng mà anh tự mình muốn gánh lấy, dù anh biết rõ cô gái này chông chênh, dễ vỡ như bọt xà phòng. Midori đi bên cạnh tình yêu ấy, ví như một sức sống níu anh trở lại với cuộc đời… Trong cuộc tình tay ba này, tất cả đều đáng thương.
Naoko loanh quanh trong cái vòng luẩn quẩn mỏng manh giữa cái chết và sự sống. Cách cư xử của cô gái rõ ràng là bệnh lý tâm thần, nhưng Toru không muốn tin điều đó, anh muốn kéo cô đi cùng anh, và kiên trì muốn mang cô về lại với cuộc đời. Để cuối cùng anh được tin cô tự sát… Midori là nhân vật duy nhất trong phim cho thấy được ánh sáng và niềm tin cùng cuộc sống. Cô gái đầy tự tin và bản lĩnh này đã đẩy được cuộc đời Toru đi theo hướng tích cực hơn, rõ ràng hơn, bởi cô biết rõ là cô muốn sống hạnh phúc, cô biết rõ cô yêu ai và cố gắng đạt được điều mình muốn…
Có lẽ đây là nhân vật tích cực nhất mà nhà văn hướng tới, bởi tất cả chỉ là tâm trạng chông chênh nhất thời khi người ta trẻ. Bởi vì nước Nhật vẫn tiến lên như vũ bão với những thành tựu lớn về kinh tế. Chính guồng máy lớn dữ dội ấy đã cuốn người ta đi theo chiều phát triển của xã hội, nhưng sự thành tựu nào cũng đều có mặt trái của nó. Con người sẽ ngày càng cảm thấy mình giống như một cái máy trong guồng máy khổng lồ của xã hội, và ngày cảm thấy nhàm chán với sự thừa mứa vật chất, và sự đều đặn như những con số của thời gian.
Trong phim, Toru đi bên lề cuộc sống, anh hoàn toàn dửng dưng bên cạnh những cuộc biểu tình đấu tranh của công nhân. Nghĩa là mọi biến động xã hội không liên quan gì đến anh. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của chủ nghĩa cá nhân. Với Toru lúc đó, ý nghĩa cuộc đời anh là Naoko, còn tất cả là vô nghĩa. Nhưng khi Naoko mất, anh tìm đến với Midori. Dường như trong câu chuyện tình yêu này chỉ có Midori biết rõ thế nào là tình yêu thực sư.
Naoko luôn chông chênh giữa Kizuki và Toru, Toru vẫn chông chênh giữa Naoko và Midori. Và thực sự cuộc cách mạng tình dục ở thế hệ thập niên 60 trong Rừng Na Uy đến nay, sau 50 năm vẫn còn là điều khó chấp nhận được trong tinh thần Á Đông. Cuộc làm tình giữa Toru và Reiko - người chị đỡ đầu của Naoko trong trại an dưỡng - như là một cách đưa Reiko về với cuộc sống theo cách nghĩ của tác giả và với những người xem tình dục như một thứ cơm ăn, nước uống. Đó là quan niệm tình dục không cần tình yêu.
Thật là lạ lẫm khi Reiko muốn trở lại với cuộc đời phải qua sự thử nghiệm tình dục này để biết mình vẫn còn là người đàn bà bình thường?! Nghĩa là tình dục ở đây được sử dụng như một phương tiện để đi tìm bản ngã của mình chứ không phải xuất phát từ tình yêu và cảm xúc. Có lẽ vì vậy mà những nhân vật trong Rừng Na Uy đã vô cùng hào phóng với tình dục. Họ làm tình với nhau mà không cần biết cả tên, tuổi… Và gọi đó là sự tự do, sự giải phóng con người ra khỏi những ràng buộc của truyền thống Á Đông!?
Đã nửa thế kỷ qua đi, nhưng có lẽ ngay thời đại bây giờ, bản tuyên ngôn này chỉ có thể thích hợp với một số người, thực sự không thể là số đông, ngay cả với phương Tây. Bởi khi người ta xem tình dục như một phương tiện mà không phải là cảm xúc thực sự của tình yêu thì đó chỉ còn là sự dung tục giữa hai giống cái và đực. Bởi ai cũng biết rõ không ai có thể lấp đầy sự cô đơn bằng tình dục, mà phải chính bằng tình yêu đích thực giữa người và người và với chính cuộc đời mình đang sống. Bản tuyên ngôn ấy thực sự chỉ có thể sống cùng chủ nghĩa Hiện sinh ở nửa thế kỷ trước, nó hoàn toàn không có gì mới với những từ ngữ vô nghĩa, buồn nôn, cô đơn trong một thế giới vật chất thừa mứa…
Đạo diễn Trần Anh Hùng đã dùng ngôn ngữ điện ảnh bằng cảnh trí và âm nhạc để thể hiện tâm trạng và tâm lý nhân vật. Vì thế, khán giả dường như bị hớp hồn bởi những góc quay quá đẹp khung cảnh thiên nhiên Nhật Bản: đồng cỏ xanh mượt, màu tuyết trắng với những cành cây khô vắt ngang bầu trời… Âm nhạc vừa dịu dàng vừa da diết, có lẽ hơn 2 tiếng với tiết tấu phim khá chậm rãi và rời rạc thì chính những khuôn hình được chắt lọc như tranh và âm nhạc phim đã kéo được khán giả ngồi lại đến phút cuối…
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá