Chuyện tử tế – phim của đạo diễn Trần Văn Thủy
Trước đây tôi đã từng viết về “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy trên blog. Ra đời cùng một thời với “Hà Nội trong mắt ai”, song ít người biết đến “Chuyện tử tế” và càng ít người đã từng xem phim tài liệu này.
Phong cách phim tài liệu của ĐD Trần Văn Thủy là một phong cách khó có thể phân loại được. Dường như phim tài liệu là ngôn ngữ để phát ngôn, để nói những điều uẩn khúc trong lòng mình theo cách vòng vèo hơn và như vậy cũng trở nên an toàn hơn chút ít. Cách làm phim như thế có thể khiến người xem hiện đại cảm thấy phim dở, phim nói quá nhiều mà không tận dụng được lợi thế của hình ảnh. Cũng có phần đúng. Nhưng đối với phim của Trần Văn Thủy hay đối với nhiều bộ phim khác, chúng đã trở thành biểu tượng về dấu ấn của một thời. Phim có thể không hay, nhưng không có nghĩa là nó không đúng.
“Chuyện tử tế” được diễn tả theo phong cách tự sự. Nếu như trong “Hà Nội trong mắt ai”, Trần Văn Thủy mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, thỉnh ra những Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Quang Trung Nguyễn Huệ để nói đến người thời nay, thì “Chuyện tử tế” chỉ toàn chuyện nay. Nó nhắc đến những người, những cảnh tử tế, những chuyện tử tế mà không hiểu sao luôn thấy lấp ló đằng sau những kẻ không tử tế, dù đôi khi họ không tử tế là do niềm tin của họ, hoặc do dạ dày của họ.
Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình … |
Trần Văn Thủy kể chuyện ông đi quay phim về công việc lao động nặng nhọc mà vinh quang của một ông thợ làm gạch. Rồi một buổi sáng, ông thợ chạy ra quát tháo và đuổi đoàn làm phim đi. Ông ta nói “Tại sao các ông không quay cảnh thực xem chúng tôi đang sống như thế nào ? Các ông chỉ tô vẽ những điều không có thật, còn chúng tôi sống như thế nào thì mặc kệ”. Đó là dấu ấn của nền văn nghệ minh họa, khi người nghệ sỹ sáng tác theo đơn đặt hàng, theo những gì mà “người ta” muốn. Để làm mặt này sáng đẹp hơn, họ phải tạm lờ tịt cái mặt kia của đời sống đi, coi như không thấy. Nhưng như thế là không tử tế.
Phim có diễn biến chậm, lại dây cà ra dây muống, tưởng như không đi vào một cái gì. Hóa ra ông đạo diễn làm thế mà khôn. Nếu đi vào “một cái gì”, Trần Văn Thủy sẽ sớm đi vào tù vì những gì ông nói có thể bị coi là “nghe đài địch”, “chống phá chế độ”, “gây dư luận xấu trong nhân dân”… Cứ làm lửng lơ với những câu hỏi lơ lửng, ai là người tử tế, đâu là chuyện tử tế rồi người xem khắc tự hiểu. Khoảng trống ấy thành ra đắt giá.
Những chuyện không tử tế trên đời xem bao giờ cho hết. Chỉ biết, đằng sau mỗi khung hình là những lời gan ruột của Trần Văn Thủy và các đồng đội.
Chừng nào vẫn còn những kẻ chỉ biết chăm sóc cho bộ da của mình, và vẫn còn những người với đôi chút lương tâm tồn tại trên trái đất, người ta vẫn sẽ còn nhắc đến Chuyện tử tế, dù là dưới dạng này, hay dạng khác, dù không đi kèm với cái tên Trần Văn Thủy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý