Làm gì với Vedan?
"Không bị bắt không phải là kẻ trộm". Câu ngạn ngữ này của người Nga khẳng định rằng quan trọng là phải "bắt tận tay, day tận trán", bằng không một tên trộm có thể tồn tại trên thực tế nhưng lại không tồn tại đối với pháp luật. Với hành vi xả nước thải độc hại xuống sông Thị Vải bị bắt quả tang, Công ty Vedan đã thật sự đối mặt với pháp luật như một đối tượng cần bị xử lý. Đây quả thật là một tin rất đáng phấn khởi.
Cái ít đáng phấn khởi hơn là tình trạng có vô số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đang tồn tại trên thực tế, nhưng lại vẫn không tồn tại đối với pháp luật. Việc bắt quả tang hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan vì vậy sẽ có ý nghĩa hơn, nếu đó chỉ là sự khởi đầu cho một chiến dịch gắt gao và lâu bền nhằm áp đặt việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật về môi trường.
Bắt kẻ trộm và xử lý kẻ trộm là hai việc khác nhau. Và việc sau chưa chắc đã ít quan trọng hơn việc trước. Chúng ta từng bắt quả tang một công ty của Tập đoàn Vinashin chôn trộm các chất phế thải độc hại của mình. Nhưng việc xử lý hành vi nguy hại nói trên lại diễn ra khá nhẹ nhàng “dễ chịu”. Cách xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí “giơ” không cao và “đánh” còn rất khẽ như vừa qua là rất rủi ro. Cách xử lý như vậy không sớm thì muộn sẽ làm pháp luật mất hết tính răn đe. Và khi pháp luật đã mất hết tính răn đe, vi phạm pháp luật về môi trường sẽ xảy ra tràn lan. Chúng ta sẽ không thể nào có đủ nguồn lực để phát hiện và xử lý.
Vai trò của Nhà nước và pháp luật trong việc xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường là rất quan trọng, nhưng vai trò xã hội dân sự của giới truyền thông cũng quan trọng không kém. Xã hội dân sự và giới truyền thông có thể kêu gọi ủng hộ những sản phẩm của các công ty thân thiện môi trường và ngược lại. Điều này có thể giúp các công ty và các nhà kinh doanh hiểu rằng bảo vệ môi trường cũng là một cách làm đẹp hình ảnh trong mắt người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh doanh dài lâu và bền vững.
Vedan: Sai sót quản lý hay sai phạm về đạo lý?
(Duyên Kỳ, Vietnam Net)
…Cho dù có xử lý nghiêm khắc, bắt đền bồi, thì trong cái phần thắng của chúng ta, nước sở tại, của ngành tài nguyên- môi trường, lại có vị đắng của “học phí” quá đắt, vì sự bất ngờ, thiếu hiểu biết, kém cỏi và lơi lỏng quản lý…
Thế là cuối cùng, cái chết oan khuất và âm thầm của con sông Thị Vải, dù vẫn phơi dưới thanh thiên bạch nhật suốt 14 năm nay, đã được đưa ra ánh sáng.
Thế là cuối cùng, Công ty Vedan- “thủ phạm” trực tiếp gây nên cái chết của sông, cũng được điểm mặt chỉ tên, sau khi các cơ quan điều tra chính thức vào cuộc với sự mật phục gian nan, vất vả.
Người viết bài này, không muốn nhắc lại 10 hành vi sai phạm của Vedan đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận và những thủ đoạn quá tinh vi của họ khi đổ thẳng chất thải xuống sông, không qua xử lý bằng những thiết kế kỹ thuật bắt buộc phải có, vì những thông tin trên báo chí quá đủ đầy.
phải có, vì những thông tin trên báo chí quá đủ đầy.
Nước từ Nhà máy bột ngọt Vedan thải rasông Thị Vải
Ảnh: vnexpress.netÔng Yang, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vedan xin lỗi báo chí.
Ảnh: thanhnien.com.vn
Mà chỉ muốn nói về thái độ nhận thức và xin lỗi của Vedan, đại diện ở đây là ông K.H.Yang, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vedan Việt Nam. Tại cuộc họp báo mới đây, vị đại diện Công ty Vedan đã phải ba lần xin lỗi trước các cơ quan báo chí, nhưng lại gọi những tổn thất do họ gây ra, tạo nên cơn “sốc nặng” cho cả xã hội chỉ là những sai sót về quản lý.
Xin trích nguyên văn: “Về bản thân, tôi chưa bao giờ nghe về hai đường ống ấy. Trên danh nghĩa, đó là thiết bị hút nước, làm mát máy…Công ty chúng tôi có những sai sót về vấn đề quản lý. Chúng tôi đã gây ra cho xã hội mọi sự xáo trộn. Chúng tôi đã tỏ thái độ thành khẩn, xin báo chí và xã hội cho chúng tôi thời gian để khắc phục…”
Đọc đến đây, tôi đâm nghi ngờ cái thái độ khiêm tốn cúi đầu lẫn câu nói “thành khẩn” của vị đại diện Vedan và tự đặt câu hỏi: “ Chỉ sai sót về quản lý hay thực chất là cả sai sót quản lý lẫn sai phạm về đạo lý”. Đây là nhận thức hời hợt, là sự cố tình làm giảm nhẹ những lỗi nghiêm trọng hay là sự đánh tráo những khái niệm?
Ai cũng biết, Vedan là doanh nghiệp lớn, già đời của một vùng lãnh thổ có nền kinh tế thị trường mạnh và sớm phát triển. Chọn một quốc gia, một vùng đất đời sống người dân còn rất nghèo, nhận thức của người dân về nhiều phương diện còn lõm bõm; và trình độ lãnh đạo cùng quản lý kinh tế- xã hội của quốc gia đó còn nhiều hạn chế, để đầu tư, kinh doanh và kiếm lợi, hẳn Vedan quá hiểu cái giá phải trả của những xứ nghèo, đặc biệt về môi trường.
Nhất là mặt hàng kinh doanh của Vedan là sản phẩm tinh tuý của những nguyên liệu nông sản thô (khoai, sắn, mì…). 14 năm đã qua, cái chết âm thầm và khổ đau của con sông Thị Vải, từ một “lá phổi” khoẻ mạnh, trong lành của cả một vùng đất đai rộng lớn, trở thành một “lá phổi” mang mầm bệnh, tiêu diệt sự sống của cá tôm, của các loại phù du sinh vật. Nghiêm trọng hơn, để lại hệ lụy đe doạ sức khoẻ của hàng vạn người dân nghèo lương thiện vốn háo hức, trông chờ vào sự đổi đời.
Sự đổi đời với những người nông dân nghèo chưa thể cân đong đo đếm, thì họ đã phải đối diện với môi trường ô nhiễm, với bệnh tật, sống chung với xú khí… Quả thật, trong quy luật cay đắng của kinh tế thị trường giữa xứ giầu, phát triển, khôn ngoan trong dịch vụ thương mại, thuê nhân công rẻ mạt sản xuất hàng hoá, với xứ nghèo chậm phát triển, hạn chế về nhận thức, người dân cần quá nhiều việc làm, cấp quản lý chuyên môn về môi trường lại thiếu nhiều những quy định, chế tài luật pháp, thì sự thua thiệt, thiệt thòi, thông thường thuộc về những xứ nghèo, về những người nghèo.
Tuy nhiên, sự việc của Vedan không phải là dị biệt. Các nhà tư tưởng, các nhà kinh tế- chính trị học kinh điển đã từng cảnh báo, lợi nhuận có thể làm cho những "ông chủ" mờ mắt, bất chấp tội ác với con người. Sự việc của Vedan hẳn chỉ là thêm một minh chứng tàn nhẫn và sinh động của thời hiện đại, củng cố cho quy luật lợi nhuận đó mà thôi
Hệ thống xả thải của Vedan như bát quái trận đồ! - Ảnh: beta.baomoi.com
Vedan ngọt, “ngọt” với những ông chủ Vedan và cũng “đắng nghét" với người nghèo!
Chỉ có điều sự nguỵ biện của Vedan là không thể chấp nhận.Việc Vedan thiết kế hẳn một đường ống ngầm suốt 14 năm qua, xả thẳng 5000 m3 nước phế thải/ ngày ra sông Thị Vải không qua xử lý, trốn hơn 90 tỷ đồng phí nước thải; vi phạm nghiêm trọng hàng ngàn lần chỉ tiêu đã quy định, khiến chính các cơ quan chức năng điều tra khi kết luận đã không khỏi bàng hoàng, chẳng lẽ, ban lãnh đạo Vedan không hề biết?
Chẳng lẽ, chỉ khi nghe kết luận của các cơ quan điều tra “bắt tận tay, day tận trán” họ mới cảm thấy “buồn trước những sai sót trên”. Vậy thì những đồng tiền lờ lãi kiếm được nhờ gian lận thiết kế, nhờ nguồn nhân công lao động giá rẻ Vedan có quản lý được không, hay cũng không biết nốt?
Đó thực chất không chỉ là sai sót về quản lý. Đó còn là sai phạm cả về đạo lý, có thể coi là tội ác trong kinh doanh. Bởi lẽ, một vụ giết người, có thể gây ra cái chết của một người, hai người…và thủ phạm dưới bàn tay nghiệp vụ của cơ quan điều tra, có thể điểm mặt chỉ tên. Nhưng sự ô nhiễm trầm trọng dẫn đến cái chết của một dòng sông làm tổn hại sức khoẻ, thẩm thấu và di truyền bệnh tật cho biết bao con người, bao thế hệ của cả một vùng đất, chưa ai có thể thống kê và hình dung hết được, lại chỉ nhân danh “sai sót về quản lý” thôi sao?
Đương nhiên, luật đời nhân- quả, có vay có trả. Với vụ đổ bể này, người tiêu dùng trong nước cực kỳ phẫn nộ. Còn người tiêu dùng các quốc gia sẽ nhìn thương hiệu Vedan với con mắt khác. Và hẳn các quốc gia nghèo mà Vedan có tham vọng nhảy vào đầu tư, cũng sẽ phải cảnh giác hơn, tỉnh táo hơn từ cái chết cảnh báo của con sông Thị Vải.
Nhưng sự sai sót về quản lý, sai phạm về đạo lý cũng không hẳn chỉ có Vedan, mà còn nằm ngay ở cách quản lý và hành xử với dân của các cấp chính quyền cơ sở. Theo phản ảnh của nhiều người dân ấp 1A, xã Phước Thái (Long Thành- Đồng Nai), khu vực ô nhiễm nặng, đã hơn 10 năm nay, bà con nhiều lần lên tiếng kêu cứu, nhờ chính quyền can thiệp, xử lý, nhưng dân kêu cứ kêu, chính quyền nhận đơn cứ nhận, sau đó…im lặng và không trả lời. Nhiều lần như vậy, người dân mất hết niềm tin, phải “cắn răng” sống chung với ô nhiễm (Sông Thị Vải “bệnh nhiều năm”, dân kêu cứu vô vọng)
Vì sao mà các cấp quản lý, chính quyền sở tại lại “vô cảm” với nỗi khốn khổ của dân đến vậy? Vì quá bận, vì nhận thức cũng hời hợt và ngây thơ, hay vì những gì khác? Vì sao con sông Thị Vải chết suốt 14 năm, nước trắng xóa, ai đi qua cũng có thể nhận ra, dù chỉ bằng mắt thường, mà cơ quan quản lý tài nguyên- môi trường như không hề hay biết? Để đến bây giờ, khi mọi việc ngã ngũ, đại diện Bộ Tài nguyên- Môi trường mới lên án Vedan một cách đầy tức giận tại cuộc họp báo mới đây? Cơ quan quản lý tài nguyên- môi trường cũng "vô cảm" nốt, hay vì yếu kém, lơi lỏng quản lý? Vì sao đất nước chúng ta có rất nhiều việc, cơ sự xảy ra đều theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng"? Vì sao chỉ luôn "chữa bệnh" một cách vô vọng mà không phải là dự báo và "phòng bệnh"?
Hay chính sự vô cảm, quan liêu, yếu kém và xa rời dân ấy, vô tình “tiếp tay” cho những gian lận của Vedan khiến Vedan nhởn nhơ kiếm lời một cách nhẫn tâm, bỏ mặc ngoài tai những lời kêu “không thấu”. Chỉ khi bị bắt quả tang về cả thiết kế kỹ thuật lẫn hành vi phạm tội, không chối cãi nổi, họ mới cúi đầu xin lỗi.
Còn sự "sai phạm về đạo lý" ứng xử với môi trường cũng không chỉ có Vedan, không chỉ có chính quyền sở tại, mà còn ở ngay trong mỗi chúng ta, trong tôi, trong anh, trong chị, trong các anh, các chị…Chúng ta phá rừng, chúng ta bắn giết những con chim vô tội, chúng ta thản nhiên vặt hoa, thản nhiên xả rác không chút xấu hổ. Một bộ phận những kẻ lắm tiền còn tàn sát rừng, tàn sát những loài thú quý hiếm với lối sống hưởng thụ ngông cuồng, rửng mỡ…
Không chỉ có các dòng sông, mà môi trường thiên nhiên trong lành, môi trường sống cũng từ đó mà ô nhiễm, mang mầm bệnh. Ngày 5/6, Ngày Môi trường thế giới chỉ được khuyếch trương như một khẩu hiệu hô hào với vài ba hoạt động nhạt nhẽo, hình thức, không đủ sức biến một vấn đề có tầm quan trọng lớn của cả nhân loại, của mỗi quốc gia thành hiểu biết sâu sắc để từ đó thành hành động của cả quốc gia, thành nếp sống, lối sống văn minh mỗi con người, ứng xử tôn trọng với môi trường, chưa nói đến làm trong lành và làm đẹp môi trường.
Bài học từ sự ô nhiễm dẫn đến cái chết của con sông Thị Vải là bài học đắt giá vô cùng xót xa, vừa nhãn tiền, vừa lâu dài, nhất là với ngành tài nguyên- môi trường, với các cơ quan quản lý chức năng ở một đất nước nông nghiệp đang lẫm chẫm trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hẳn cái chết của con sông Thị Vải không phải bài học đầu tiên, càng chưa phải là bài học cuối cùng. Bởi đất nước ta, còn biết bao dự án, khu công nghiệp, khu chế xuất đang chờ đợi, còn biết bao con sông có thể là nguồn chứa nước thải?
Có bao nhiêu con sông đã qua đời? Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Thị Vải… Và còn bao nhiêu "con sông Thị Vải" nữa chưa được phát hiện, chưa được đưa ra ánh sáng?
Mọi xử lý về Vedan chắc sẽ phải chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhưng cái chết của sông Thị Vải liệu có giúp ích và thức tỉnh gì các cơ quan quản lý và bảo vệ tài nguyên- môi trường về những chế tài, những luật định giám sát, thanh tra chặt chẽ từ thủ tục, thiết kế đến thi công, những quy định mang tính pháp lý ràng buộc...khi đất nước này còn phải tiếp tục làm ăn với các đối tác nước ngoài? Khi mà công nghiệp hoá, hiện đại hoá vẫn là mục tiêu đất nước phải hướng tới. Bài học gìn giữ và bảo vệ môi trường, bài học làm ăn với các đối tác...xin đừng quên, phải là bài học song hành cùng mục tiêu đó.
Liệu cái chết của sông Thị Vải, có giúp ích gì cho chúng ta? Cho dù có xử lý nghiêm khắc, bắt đền bồi, thì trong cái phần thắng của nước sở tại, của ngành tài nguyên- môi trường, lại có vị đắng của “học phí” quá đắt, vì sự bất ngờ, thiếu hiểu biết, kém cỏi và lơi lỏng quản lý…Có thức tỉnh và giúp ích gì cho mỗi người chúng ta, một thái độ ứng xử văn minh với môi trường, với những dòng sông?
“Hồn sông” Thị Vải có linh thiêng, xin hãy mách bảo cho các cơ quan chức năng, quản lý, mách bảo cho mỗi người dân Việt hành xử làm sao để bảo toàn được sự sống của những dòng sông khác, những vùng đất khác, thoát khỏi cái chết oan vì ô nhiễm trong tương lai, trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005