Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp Việt Nam

TS. Viện Nghiên cứu phát triển
10:31 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Bảy, 2009

Trong bài viết này, sau khi nói về trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tác giả tập trung luận giải vấn đề xây dựng xã hội dân sự và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Theo tác giả trách nhiệm xã hội ở Việt Nam đã được nhận thức và bước đầu được thực hiện và đó chính là cơ sở để chúng ta tin rằng, cùng với quá trình phát triển đất nước, trách nhiệm đó sẽ được đề cao cùng với sự hoàn thiện của khung pháp luật, bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường và các thể chế của xã hội dân sự.

1. Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Hội thảo của chúng ta diễn ra trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn. Nhân loại đang đứng trước những nguy cơ lớn về khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, trái đất ấm lên do hiệu ứng khí thải. Tất cả các hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về trách nhiệm xã hội của chính phủ, của doanh nghiệp, của người dân và xã hội dân sự. Cuộc khủng hoảng toàn cầu khởi đầu từ nước Mỹ và nhanh chóng lan rộng ra các nước khác trên thế giới, từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ lan sang khủng hoảng “nền kinh tế thực” (real economy), dẫn đến khủng hoảng việc làm và khủng hoảng xã hội. Ở một số nước đã và sẽ diễn ra khủng hoảng chính trị như ở Băng Đảo (iceland). Câu hỏi được đặt ra là, hệ thống kinh tế thị trường hiện nay với các biến thể của nó từ kinh tế thị trường tân tự do (Neoliberalism) ở Hoa Kỳ đến nền kinh tế thị trường xã hội (Social market economy) như ở Đức, nền kinh tế phúc lợi xã hội (wealthfare economy) như ở Bắc Âu, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của thị trường và doanh nhân, trách nhiệm và quyền giám sát của người dân có những thiếu sót gì để dẫn đến một thảm hoạ như vậy. Mới đây, vụ sữa nhiễm độc melamine của công ty Tam Lộc (San Lu) ở Trung Quốc đã gây ra biết bao đau khổ cho các gia đình, trẻ nhỏ thì trách nhiệm của nhà nước, của doanh nghiệp như thế nào. Trách nhiệm (responsibility) là một khái niệm rất rộng và được nhiều khoa học cùng nghiên cứu. Luật học xác định các khái niệm trách nhiệm khác nhau, như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kinh tế trách nhiệm tài chính và trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể, v.v., kèm theo đó là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm bồi thường, các mức phạt cao thấp khác nhau nếu vi phạm.

Xã hội học coi trách nhiệm xã hội như một sự cam kết về tinh thần, đạo đức, văn hoá đối với gia đình, cộng đồng địa phương và toàn xã hội, nhân viên, môi trường. Trong nền kinh tế thị trường, mọi cá nhân và doanh nghiệp đều hành xử sao cho có lợi nhất cho mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Kinh tế thị trường được mô tả trong Tư bản của C.Mác không có trách nhiệm xã hội, ở đó người ta thấy người chủ tư bản được mô tả là một kẻ bóc lột tàn bạo, mù quáng, mất nhân tính, vô văn hoá đến kiệt sức người lao động nhằm tối đa hoá lợi nhuận ngắn hạn. Sự mô tả chính xác đó đã giúp kinh tế thị trường tự hoàn thiện trong quá trình đấu tranh của nhân dân cùng với tiến bộ trong nhận thức của khoa học kinh tế. (Chẳng hạn như kinh tế học về thông tin đã chỉ rõ bản chất của sự lừa đảo là bất đối xứng thông tin, giải pháp là công khai, minh bạch, giám sát nhằm giảm bớt sự bất đối xứng thông tin đó chứ không phải gán ghép lừa đảo như một bản chất của kinh tế thị trường). Kinh tế kế hoạch hoá tập trung dưới chế độ toàn trị một đảng đã không đem lại giải pháp thực chất và bền vững cho tăng trưởng, không đem lại hệ thống động lực cho người lao động, không phát huy sức sáng tạo, sáng kiến của mỗi một cá nhân, nên nó đã không vượt qua được thử thách của lịch sử. Trong một chế độ như vậy, khái niệm trách nhiệm xã hội chỉ thuộc về những người có quyền quyết định, người dân chỉ biết tuân thủ các quy định và được thụ hưởng trong phần họ được cho phép. Các hiện tượng lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ém nhẹm các tai hoạ là những ví dụ về thiếu trách nhiệm xã hội trong quá trình quyết định và điều hành nền kinh tế theo mô hình này. Kinh tế thị trường ngày nay đã hình thành một hệ thống các quy định pháp luật chi tiết nhằm chế định hành vi của các bên tham gia và bảo vệ lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Các quy định đó đã giảm bớt đáng kể những hành vi vô trách nhiệm một cách thái quá của những người có quyền lực trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Chính trị gia không được lòng dân sẽ bị hệ thống bầu cử dân chủ thay thế (như việc bầu cử tổng thống Obama thay thế tổng thống Bush vừa qua). Doanh nhân hành xử tư lợi, thiếu hiệu quả, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế khi doanh nghiệp thua lỗ hay phá sản.

Song, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã cho thấy mô hình hiện thời của kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước không những không hoàn hảo mà còn có những khiếm khuyết nghiêm trọng, rất cần được phát hiện và chỉnh sửa. Việc đóng gói (packaging) những món nợ hay thế chấp (debt and mortgages) thành những sản phẩm phái sinh điên loạn (derivates) đem bán trên thị trường chứng khoán, việc nới lỏng trần tín dụng để đẩy việc xây nhà và tiêu dùng lên cao, việc đồng loã giữa các công ty đánh giá và xếp hạng (rating company) với ngân hàng được xếp hạng (như Lehman Brothers), che dấu và lừa dối khách hàng, việc cho phép lòng tham vô hạn độ của những người điều hành hệ thống tài chính ngân hàng hoành hành, v. v. đều cần phải điều chỉnh và xem xét trách nhiệm của từng bên tham gia và có quy định pháp luật chặt chẽ để khắc phục.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility CSR) có thể được định nghĩa ngắn gọn như một sự cam kết của công ty trong ứng xử phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng, môi trường. Theo đó, trách nhiệm xã hội được coi là một phạm trù của đạo đức kinh doanh (Business Ethics), có liên quan đến mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ở thế kỷ thứ XXI, trong nền kinh tế toàn cầu hoá, khi ý thức của loài người về các nguy cơ đối với môi trường sống ngày càng cao thì các đòi hỏi về trách nhiệm xã hội cũng ngày càng tăng lên, như đòi hỏi phải kiểm soát khí thải của xe hơi lưu hành trên đường phố, kiểm soát mức độ khói bụi trong các khu dân cư, v.v.. Như vậy, có thể thấy, ít nhất đã có bốn nhóm đối tượng mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong ứng xử đối với các đối tượng sau đây:

- Thị trường và người tiêu dùng, bao gồm cả nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung ứng và hợp tác;
-Người lao động;
- Cộng đồng trong khu vực và trong xã hội trong nước và thế giới (như vụ sữa nhiễm độc melamine của công ty Tam Lộc ở Trung Quốc);
- Môi trường sống.

Đối với thị trường và người tiêu dùng, doanh nghiệp phải bảo đảm chữ “tín”, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thực hiện đúng các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, thực hiện các cam kết dịch vụ sau khi bán như đã bảo đảm với khách hàng, không quảng cáo quá sự thật. Pháp luật không thể quy định và tiết chế tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp phải bảo đảm thương hiệu của mình bằng cách duy trì chất lượng, tính ổn định của chất lượng sản phẩm, dịch vụ không vượt ra khỏi các quy định của pháp luật. Trong kinh doanh, doanh nghiệp có quan hệ không chỉ với khách hàng, mà còn quan hệ với các nhà đầu tư ngân hàng, nhà cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trợ giúp, các viện khoa học, trường đại học thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, giảng dạy, thiết kế, v.v.. Trong tất cả các mối quan hệ đó, doanh nghiệp không chỉ thực hiện đúng các cam kết theo Luật Dân sự, Luật Hợp đồng, mà còn phải từ bỏ tham vọng làm “giàu nhanh” một cách bất chính bằng cách lừa đảo khách hàng và đối tác. Việc làm giàu của doanh nghiệp không những phải phù hợp với pháp luật, mà còn phải bảo đảm và tôn trọng lợi ích chính đáng và hợp pháp của khách hàng và đối tác. Như vậy, cách làm giàu “chụp dật” là hoàn toàn xa lạ với trách nhiệm xã hội. Không thể chỉ trông đợi vào sự tự nguyện hay kêu gọi đạo đức, luật pháp, người tiêu dùng, xã hội phải phát hiện, ngăn chặn và trừng phạt các hành động gian trá, lừa đảo, đồng thời khuyến khích, ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chính đáng.

Đối với người lao động, doanh nghiệp phải coi người lao động là tài sản lớn nhất của mình, chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho người lao động, bảo đảm cho người lao động không chỉ tái sản xuất sức lao động, mà còn được nâng cao trình độ chuyên môn, chăm lo sức khoẻ cho người lao động. Về phía người lao động cũng phải tôn trọng các cam kết trong hợp đồng lao động, làm việc tại doanh nghiệp phù hợp với những cam kết khi được bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Luật pháp phải bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa hai bên phải thường xuyên trao đổi thông tin để thông cảm lẫn nhau, tránh sự hiểu lầm không cần thiết hay sự ưu đãi thái quá cho một bên.

Doanh nghiệp cũng cần phải tôn trọng và bảo vệ môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau.
Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều tiêu chuẩn, định mức quy định chế độ hạch toán xã hội (social accounting), kiểm toán xã hội (social auditing) và báo cáo cho xã hội (social reporting) biết kết quả thực hiện. Hiện nay, các nước nhập khẩu đã đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước đang phát triển như Việt Nam phải tuân thủ hàng loạt quy định (guidelines) hay tiêu chuẩn (standards), như SA 8000, AA1000, ISO 14000, v.v.. Vì lợi ích kinh doanh, doanh nghiệp phải bảo đảm sự tuân thủ các quy định được đòi hỏi để có thể tiếp tục duy trì quan hệ kinh doanh.

Vấn đề ở đây là có thể trông cậy đến đâu vào sự tự nguyện của doanh nghiệp, nếu thiếu khung pháp luật, thiếu chế tài và sự giám sát cần thiết của xã hội dân sự và công chúng. Kinh nghiệm cho thấy, mãnh lực của lợi nhuận có thể làm cho doanh nhân trở nên mù quáng, vô trách nhiệm bằng cách che dấu các hành vi phạm pháp của mình và sự tự nguyện của doanh nghiệp là rất mỏng manh. Ngay cả sau khi phải cầu cứu chính phủ trợ giúp bằng tiền đóng thuế của người dân, họ vẫn chia nhau cả 18 tỷ USD tiền thưởng (CNN, ngày 30.1.2009) làm cho tổng thống Obama phải thốt lên là “đáng hổ thẹn”; song vấn đề không phải là quở mắng, mà là làm cho họ có trách nhiệm hơn và ngăn chặn những hành vi như vậy trong tương lai. Như vậy, có thể thấy vai trò then chốt của hệ thống luật pháp, các tiêu chuẩn về đạo đức được quy định thành tiêu chuẩn pháp luật để thực hiện trách nhiệm xã hội của cá nhân và doanh nghiệp nhằm chế ngự lòng tham và kiểm soát các hành vi làm giàu vô đạo đức, gây nguy hại cho cộng đồng.

Bên cạnh vai trò của nhà nước, rõ ràng là cần phải có vai trò bổ sung của xã hội dân sự nhằm phát huy các mặt tích cực của nhà nước, đồng thời bổ sung cho nhà nước, giám sát và hạn chế các hành vi tư lợi, lạm dụng chức quyền của nhà nước.

2. Kinh tế thị trường, xã hội dân sự và trách nhiệm xã hội ở Việt Nam

Chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, trong đó nhà nước có vai trò tuyệt đối trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đang từng bước hình thành các tổ chức của xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội đông đảo của Việt Nam được hình thành và có thói quen hoạt động theo mô hình kinh tế chỉ huy trước đây đang từng bước thay đổi để hoạt động có hiệu quả hơn trong kinh tế thị trường. Các tổ chức đó đang từng bước chuyển sang cách hoạt động tự chịu trách nhiệm, phản ứng kịp thời trước các biến động của kinh tế thị trường, như ô nhiễm môi trường, đình công, v.v.. Hiện nay, Việt Nam chưa có Luật về các hội, khái niệm xã hội dân sự chưa được chính thức chấp nhận, các cơ quan nhà nước đang đảm nhận một khối lượng ngày càng lớn các công việc và bị quá tải. Bộ máy nhà nước ngày càng được mở rộng hơn; mặc dù đã có sự kêu gọi giảm biên chế, nhưng cấp xã hiện nay vẫn được giao (theo thống kê chưa đầy đủ) đến 320 việc (từ cấm đốt pháo đến hạn chế sinh con thứ ba, xoá đói giảm nghèo, đăng ký hộ khẩu đến chuẩn bị hồ sơ để trình cấp huyện cấp sổ đỏ sở hữu đất đai, v.v.) với bộ máy đầy đủ lên đến hơn 100 người. Bộ máy nhà nước không thể thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, như bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, chất lượng dịch vụ massage, cắt tóc, v.v..

Hệ thống luật pháp đã được đổi mới và xây dựng lại một cách sâu rộng, từ Hiến pháp đến hệ thống luật, nghị định song còn thiếu đồng bộ, giữa các luật được chuẩn bị bởi các Bộ khác nhau, được ban hành vào những thời điểm khác nhau còn không ít chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Việc thực thi luật pháp còn có nhiều vấn đề phải đổi mới, khoảng cách giữa luật trên văn bản và luật trong thực tế còn lớn.

Do cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý còn chưa được thể chế hoá đầy đủ và cụ thể, cơ quan đảng có quyền quyết định cao nhất, trong khi Nhà nước, cụ thể là Chính phủ chịu trách nhiệm trước pháp luật và Quốc hội về việc tổ chức thực hiện làm cho quá trình quyết định và tổ chức thực hiện khá phức tạp, như sơ đồ sau đây cho thấy.

Hệ quả là hiệu lực của pháp luật chưa cao, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật chưa cao. Đã xuất hiện nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận, như vụ công ty Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải nhưng không được xử lý nghiêm minh; có tới bốn Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế), nhưng trách nhiệm chưa rõ ràng và tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều thiếu sót kéo dài.

Về các doanh nghiệp tham gia thị trường, bên cạnh khoảng 350.000 doanh nghiệp có đăng ký có đến 3 triệu hộ kinh doanh gia đình, 5 triệu hộ nông dân có quy mô rất nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa có thương hiệu, chưa đăng ký chất lượng sản phẩm, số nông sản được sản xuất theo quy trình hiện đại (GAP Good Agricultural Practice), có đăng ký nhãn hiệu vùng sản xuất, như thanh long, xoài, cà phê, bưởi, v. v. tuy đã tăng lên nhiều, nhưng vẫn còn ít so với tổng sản lượng các sản phẩm gieo trồng và chăn nuôi. Việc các doanh nghiệp lớn như Metro đã ký kết hợp đồng và hướng dẫn sản xuất, thu mua nhiều mặt hàng nông sản bảo đảm chất lượng đã đem lại nhiều tiến bộ trong cung ứng nông sản, kể cả cho xuất khẩu. Trình độ hiểu biết về pháp luật và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhỏ còn nhiều hạn chế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lớn đã được đề cao và có nhiều tiến bộ, song tại các doanh nghiệp nhỏ, các hộ gia đình và hộ nông dân, việc tuân thủ luật lao động, các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhều hạn chế.

Các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có nhãn hiệu đăng ký, hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu đạt trình độ về trách nhiệm xã hội được các nhà nhập khẩu chấp nhận được. Các doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghiêm túc các tiêu chuẩn SA 8000, ISPO 14000, bảo đảm trình độ vệ sinh và an toàn thực phẩm tốt. Các doanh nghiệp này đã có chiến lược dài hạn để thực hiện ngày càng đầy đủ hơn trách nhiệm xã hội cả về bảo vệ môi trường, hạn chế lượng khí thải v.v.. Một hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam là các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, như giúp đỡ nạn nhân của bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ xoá đói giảm nghèo của các tổ chức quần chúng khác nhau. Bên cạnh mặt tích cực của sự đóng góp, do thiếu quy định pháp luật chặt chẽ về việc khấu trừ số tiền đóng góp vào chi phí trước thuế, v.v., nên còn có không ít ý kiến khác nhau về động cơ lành mạnh của sự đóng góp này và liệu có thể đồng nhất sự đóng góp với trách nhiệm xã hội hay không. Bên cạnh ý kiến hoan nghênh, có không ít ý kiến cho rằng, một số doanh nghiệp có động cơ “đánh bóng hình ảnh” và có mục đích vụ lợi.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có khung pháp luật và hướng dẫn về việc các doanh nghiệp phải có báo cáo về hạch toán xã hội, kiểm toán xã hội và báo cáo xã hội để cộng đồng biết và giám sát.

Về luật pháp chế định các thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam đã ban hành luật Cạnh tranh, nhưng chưa có Luật Kiểm soát độc quyền và việc thực hiện Luật Cạnh tranh còn có nhiều hạn chế. Các luật pháp về kế toán, kiểm toán, các chuẩn mực đã được ban hành, nhưng việc thực hiện trong thực tế còn nhiều hạn chế. Việt Nam đang chuẩn bị Luật về Quyền tiếp cận thông tin, song chưa có luật về Hiệp hội và chưa chuẩn bị Luật về Vận động hành lanh. Thông tin kinh tế còn nhiều hạn chế, nhiều số liệu chưa được công bố công khai và kịp thời. Các hoạt động giám sát đối với ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản còn sơ khai và cần được nhanh chóng hoàn thiện.

Các tổ chức thuộc xã hội dân sự Việt Nam đã được hình thành và hoạt động, có đóng góp thiết thực, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề, như Dệt may, Xuất khẩu Thuỷ sản, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, v. v… Nhiều tổ chức đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động thực hiện các tiêu chuẩn và quy định của trách nhiệm xã hội, nhất là đối với người lao động và người tiêu dùng. Song, do thiếu cơ sở pháp lý cần thiết, nên sự đóng góp đó còn hạn chế. Bản thân các hiệp hội đó còn cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả thiết thực đối với hội viên.

Tóm lại, trách nhiệm xã hội ở Việt Nam đã được nhận thức và bước đầu được thực hiện. Chắc chắn rằng, cùng với quá trình phát triển của đất nước, trách nhiệm đó sẽ được đề cao hơn cùng với sự hoàn thiện của khung pháp luật, bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường và các thể chế của xã hội dân sự.

(*) Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu phát triển.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kinh tế thị trường và trách nhiệm xã hội

    26/07/2019Nguyễn Trọng ChuẩnÝ thức về trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại giúp cho người ta thấy rằng, thị trường thế giới rộng lớn, đầy tiềm năng trên phạm vi toàn cầu là môi trường vô cùng thuận lợi để tìm kiếm lợi nhuận không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả quê hương, đất nước và cho sự phát triển, sự tiến bộ chung của xã hội.
  • Kết hợp ba cơ chế đối với trách nhiệm thực thi Công vụ

    31/12/2008Nguyễn Tất ThịnhNhững tiêu cực trong lĩnh vực quản lí kinh tế xã hội ở mức độ khác nhau xảy ra ở nước ta trong những năm gần đây cho thấy sự suy đồi về tinh thần thực thi công vụ, thoái hóa về nhân cách của nhiều Quan chức và Công chức có nguyên nhân nằm sâu trong cơ chế...
  • Vai trò của nhà nước và vấn đề trách nhiệm xã hội

    16/10/2008Nguyễn Văn ThứcBài viết góp phần làm rõ thêm những nội dung cơ bản của khái niệm trách nhiệm xã hội và vai trò của nhà nước trong việc tổ chức và thực thi trách nhiệm xã hội. Theo tác giả, vai trò đó của Nhà nước thể hiện tập trung ở những điểm: 1) Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của đời sống xã hội, 2) Xây dựng và đảm bảo thực hiện các chính sách xã hội, 3) Quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
  • Trách nhiệm

    18/06/2008Nguyễn Đức SơnChưa có bao giờ chữ ‘trách nhiệm’ được nhắc nhiều như bây giờ và cũng chưa bao giờ xã hội cần đến tinh thần đó như hiện nay. Tưởng như là nghịch lý, nhưng chỉ cần lướt qua những vụ việc xảy ra hàng ngày và chỉ trên phương tiện thông báo chí thôi, ai cũng có thể thấy được điều đó...
  • Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

    03/04/2008Tiếp tục những trăn trở của một người đi trước dành cho giới trẻ, chị Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với bạn đọc một cách sống và làm việc theo triết lý nhà Phật trong thời đại cạnh tranh ý tưởng...
  • Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội

    30/12/2007Mai Anh - Lâm Kiên“Danh tiếng thương hiệu lừng lẫy hàng chục năm trời đế tạo dựng có thể bị hủy hoại chỉ trong chốc lát chỉ vì những sự cố như xì căng đan lừa đảo vài khâu trong quy trình công nghệ, hoặc hiểm họa môi trường”...
  • Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trước những đòi hỏi của thực tiễn

    24/05/2007Mai Hải OanhNhững năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, thậm chí có những doanh nghiệp không hề tiếc tiền mời công ty nước ngoài vào hoạch định văn hóa doanh nghiệp cho công ty mình. Học tập văn hóa doanh nghiệp tiên tiến nước ngoài đã trở thành tư duy mới của các nhà doanh nghiệp Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp khởi nguồn từ nước Mỹ, sau đó được Nhật Bản xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp phải bám sâu vào nền văn hóa dân tộc mới phát huy được tối đa hiệu quả...
  • Văn hóa kinh doanh

    21/05/2007Lan OanhKhi nói kinh doanh có văn hoá (hay văn hoá kinh doanh) là ta đã nói đến một vấn đề cốt lõi, mang tính bản chất của kinh doanh đó là vấn đề đạo đức của người kinh doanh. Nói cách khác kinh doanh có văn hoá là kinh doanh phải có đạo đức.
  • Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

    12/01/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngKinh doanh thực chất là khai thác nhu cầu của con người: các nhu cầu đang, sẽ và có thể tạo ra. Bạn không thể bán máy tính trên sao hỏa. Đơn giản vì trên đó không có nhu cầu. Như vậy, sự giàu có của các doanh nghiệp suy cho cùng là do các khách hàng tạo ra...
  • xem toàn bộ