Ngừa & cai nghiện
Phòng và cai nghiện quyền lực rất khó. Thế giới đã chứng kiến bao kẻ nghiện quyền lực đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người, sự đau khổ của hàng trăm triệu người. Đấy là bệnh nghiện đáng sợ nhất, khó trị nhất.
Nghiện là "ham thích đến mức thành thói quen khó bỏ". Đấy là định nghĩa về nghiện của "Từ điển Tiếng Việt" (Hoàng Phê). Người ta thường nói nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, v.v... hàm ý với nghĩa xấu nên bỏ; còn nghiện làm việc, nghiện sách, v.v... là loại nghiện tốt, nhưng nghiện quá mức vẫn là không bình thường.
Ngày nay còn đẻ ra nhiều thứ nghiện nữa khó lòng kể hết. Nào là nghiện tiền, nghiện bóng đá, tenis, golf, nghiện TV, nghiện chuyện tranh, nghiện chơi game, nghiện Internet, nghiện nhạc đủ loại, nghiện phở, v.v... đến nghiện quyền lực. Có những cá nhân nghiện đến các tập thể, các tổ chức nghiện, nhất là loại sau cùng.
Phân loại sự nghiện có thể là một đề tài nghiên cứu lý thú. Như trên vừa nêu, có loại nghiện xấu, rất xấu, có loại tốt nhưng nghiện quá cũng chẳng hay ho gì. Giữa hai thái cực ấy là đủ loại nghiện, từ tốt, hơi tốt, vô bổ, xấu đến cực xấu. Đấy là xét về tiêu chí giá trị "tốt-xấu". Nếu phân theo cường độ nghiện, theo mức nặng nhẹ, lại có thể sắp xếp các loại nghiện theo thứ tự khác.
Nghiện thuốc khó bỏ, từ ngàn xưa các cụ đã nói: "Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Nghiện ma tuý còn kinh khủng hơn, đã nghiện thì gần như vô phương. Quyền lực còn mạnh hơn ma tuý đến triệu lần. Nghiện quyền lực là thứ nghiện khó bỏ nhất. Còn có nhiều khía cạnh khác, "chiều" khác để phân loại nghiện.
Làm sao để có thể tự kiểm soát không trở thành con nghiện? Cai nghiện thế nào? Những vấn đề hóc búa từ ngàn đời nay, và chắc vẫn hóc búa dài dài trong tương lai.
Đầu tiên là nỗ lực bản thân. Những người có quyết tâm cao có thể tự bỏ bất kể thói quen nào, và có thể bỏ nghiện. Nhưng khốn nỗi, tuyệt đại chúng ta không phải là các bậc chân tu, thánh hiền, chúng ta dễ bị cám dỗ, dễ bị lôi kéo. Nghe lời khuyên hay, bỏ, rồi một thời gian sau lại nghiện. Có khi việc "bỏ - rồi nghiện lại" xảy ra hàng chục lần. Trừ các cao nhân có thể dễ dàng bỏ thói quen, không để cho mình mắc nghiện và những người nghiện có quyết tâm cao (họ thường chỉ chớm nghiện hay nghiện nhẹ), đa số người đã nghiện rất khó bỏ.
Vai trò của môi trường là quan trọng trong việc phòng ngừa nghiện và cai nghiện. Gia đình, trường học, các tổ chức đến nhà nước có vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề nghiện.
Trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội lành mạnh tệ nạn nghiện ngập khó xảy ra hơn, các loại "nghiện tốt" được khuyến khích. Bằng các chính sách như thuế, giáo dục, truyền thông đến hình phạt nhà nước có thể tạo ra những khuyến khích (thưởng và phạt về tài chính, tinh thần, hình sự) để ngăn ngừa nghiện ngập, để thúc đẩy cai nghiện.
Tệ nạn nghiện ngập tăng lên là một chỉ báo rằng hệ thống phòng ngừa này có vấn đề. Tìm ra những nguyên nhân chính, tác động vào chúng và theo dõi thường xuyên kết quả, uyển chuyển chỉnh sửa, thay đổi các biện pháp can thiệp. Đấy là phương pháp muôn thuở, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên nhẫn. Không có thuốc tiên ở bất cứ lĩnh vực nào, nhất là trong phòng ngừa và cai nghiện.
Phòng và cai nghiện quyền lực cũng vậy. Thế giới đã chứng kiến bao kẻ nghiện quyền lực đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người, sự đau khổ của hàng trăm triệu người. Đấy là bệnh nghiện đáng sợ nhất, khó trị nhất.
Khi con nghiện không phải là những cá nhân, mà là các tổ chức thì lại càng khó nữa. Hãy chỉ nghĩ về cô mậu dịch viên hay anh thủ kho thời bao cấp, hoặc bà hiệu trưởng của trường Lê Quý Đôn tai tiếng về "chạy trường" vừa qua thì có thể biết nghiện quyền lực có thể lan xuống thấp đến mức nào.
Từ một tổ chức nhỏ, một công ty, các tổ chức lớn hơn, đến nhà nước, những người nắm quyền luôn muốn duy trì quyền lực của mình, luôn muốn quyền lực đó ngày càng bành trướng. Đấy là sự thực. Biết sự thực này, và biết tai hại của bệnh nghiện quyền lực nên các tổ chức mới có các quy chế, điều lệ, nội quy, thủ tục để kiềm chế, chia sẻ, phân tán quyền lực.
Nội quy, thể chế, thủ tục để phòng, để cai nghiện chính là hiến pháp, là pháp luật. Các nhánh phân quyền (không phải phân công), sự kiềm chế lẫn nhau của các nhánh quyền lực này, sự minh bạch, công khai, hoạt động báo chí, xã hội dân sự lành mạnh, sự cạnh tranh lành mạnh trên mọi lĩnh vực hoạt động, người dân được giáo dục, có hiểu biết. Đấy là những nhân tố hữu hiệu để ngăn, để phòng và để cai nghiện quyền lực.
Nhân loại đã phải tốn bao xương máu, sức lực và thời gian để tìm ra cách ngăn, phòng và cai nghiện đó. Nó được biết đến dưới những cái tên như nền dân chủ, các quyền tự do, nhà nước pháp quyền, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, v.v...
"Các quan chức nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, người dân được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm" là một công thức mà nhân loại phải tốn bao công sức để tìm ra. Góp phần hoàn thiện các công cụ đó, sao cho chúng hoạt động hiệu quả hơn, là việc làm khôn ngoan nhất, thay cho việc "phát minh" ra những công cụ mới chưa được thử nghiệm, hay cố bám lấy những biện pháp đã rõ ràng thất bại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường