Nghĩ về sự Suy ngẫm
Đã bao giờ chúng ta thử lục lọi tìm hiểu mọi giả thiết xem nếu không suy nghĩ cuộc sống sẽ như thế nào? Tại sao ta cứ phải nghĩ? Hiển nhiên muốn nghĩ được trước hết phải nhờ vào bộ não.
Khoa học đã chứng minh rằng, não người là một vùng tối ma thuật, nơi đó chứa khoảng 10 tỷ nơron (tế bào não) giữ vai trò của bộ vi xử lý phức tạp. Mỗi nơron có thể tiếp nhận vô số thông tin rồi cùng thời điểm ấy liên lạc với hơn 10.000 nơron liên quan khác để truyền dẫn tới các kênh xử lý thích hợp trong một phần triệu giây giống như một tổng đài điện thoại tự động khổng lồ. Từ đó tạm kết luận rằng: Năng lực bộ não con người là vô hạn, chưa có ai khẳng định đã từng sử dụng hết khả năng của bộ não. Khi những thông tin, suy nghĩ xuất hiện, truyền dẫn qua các nơron thì sẽ hình thành một lộ trình điện từ hóa sinh. Lần đầu tiên, một lộ trình suy nghĩ sẽ chậm chạp vì chưa khai thông đường đi, còn những lần sau thì lộ trình ấy sẽ dễ dàng hơn nhờ sự thông suốt trước. Trong quá trình hoạt động tư duy, ta càng tạo ra nhiều lộ trình và thường xuyên thì hoạt động tư duy càng thông thoáng, nhanh chóng, hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân tự nhiên để ta liên tục nghĩ và nghĩ...
Khả năng tiếp thu của bộ não con người không giới hạn và sự nhanh nhạy vượt qua cả tốc độ ánh sáng, nhưng cách thức khai thác, xử lý thông tin mới là mấu chốt vấn đề. Ai cũng biết tư duy tức là tồn tại, (ngoại trừ một số trường hợp bệnh lý của y học tồn tại mà không cần tư duy) nhưng nếu muốn đảm bảo một cuộc sống phong phú muôn màu sắc ánh sáng (như trên sân khấu) đúng nghĩa thì suy nghĩ lý tính tự nhiên chưa đủ, phải suy ngẫm nữa, một khái niệm khá trừu tượng! Suy nghĩ là vận dụng sự hoạt động của trí óc để tìm hiểu và giải quyết vấn đề, từ một số phán đoán và ý nghĩ này đi đến phán đoán và ý nghĩ khác có chứa tri thức mới. Còn suy ngẫm là ngẫm nghĩ để đánh giá kết luận vấn đề. Muốn suy nghĩ, suy ngẫm được trước hết phải có Trí đã. Đó là khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán của con người (hiểu cách khác là năng lực tư duy). Vậy thế nào là người có Trí? Theo Hán tự thì trong chữ Trí đã bao hàm cả chữ Nhân rồi, chỉ Nhân mới có Trí và Trí phát triển được là nhờ Nhân. Thầy Khổng Tử đã có lần hỏi ba người học trò xuất sắc của mình về Trí. Tử Lộ thưa: Người Trí là người làm thế nào cho người ta biết mình; Tử Cống thưa: Người Trí là người biết người; Nhan Hồi thưa: Người Trí là người tự biết mình. Khổng Tử nhận xét rằng: Tử Lộ và Tử Cống cũng gọi là có học vấn, còn Nhan Hồi mới đúng là từ thức quân tử Tự biết mình không dễ nên cứ mạnh dạn nêu ra kết luận của suy nghĩ riêng, đến đâu hay đến đó bởi: Cuộc đời có bến bờ mà Trí thì không có giới hạn. Cứ đuổi theo sự việc để hiểu bằng hết thật khó, nhưng dùng trong phạm vi cái Trí của mình nhận thức có thể thấy được cái Lý của cuộc sống, đúng như thầy Mạnh Tử nói: Ta phân biệt được hay dở phải trái đều do Trí cả. Theo như kinh nghiệm từ xưa đúc kết được, người có Trí biểu hiện qua những cái Biết như: Biết ai khôn, ai dại; Biết người sang, người hèn; Biết kẻ giàu người nghèo; Biết việc khó, việc dễ; Biết cái đáng làm và không làm; Biết nhiệm vụ của mình; Biết tùy gia nhập tục; Biết mục đích cuộc sống của mình; Biết học rộng hiệu nhiều; Biết đánh giá sức mạnh (tinh thần và vật chất)... và tất nhiên cũng biết cách suy ngẫm nữa.
Vì tư duy con người ngày càng phát triển, mở rộng nên suy ngẫm trở thành phản xạ có điều kiện, một nhu cầu của cuộc sống và sự suy ngẫm cho dù bắt đầu từ sự vật, sự việc, sự kiện nào thì kết quả cũng đều liên quan đến sự đời và con người, không thể tách rời vai trò và trách nhiệm của con người trong mọi vấn đề cuộc sống.
Sự suy ngẫm hướng nội nhằm phục vụ mục đích: Nhu cầu sinh lý cơ bản của con người như ăn, ngủ, mặc, ở, đi lại; nhu cầu yên ổn và an toàn trong cuộc sống như sức khỏe, tâm lý tinh thần, nghề nghiệp, thu nhập; nhu cầu giao tiếp và quan hệ trong gia đình và xã hội như sự thân thiết, kết giao, tình cảm, tình yêu; nhu cầu được tôn trọng và tự tôn như lòng tin, năng lực, hiểu biết, hoàn thiện, danh dự, địa vị và tự bảo vệ bản thân; nhu cầu thành tích cá nhân như thành quả đạt được trong cuộc sống và kết quả của quá trình cống hiến.
Sự suy ngẫm hướng ngoại nhằm phục vụ mục đích: Thu phục nhân tâm, tranh thủ lòng người; ngăn chặn sự thay đổi quan điểm của người khác, uốn nắn theo ý của mình; ràng buộc người khác vào quan hệ với mình; đề cao vai trò và khả năng của người khác một cách khách quan hoặc chủ quan, vô tư hoặc hữu ý; khích lệ, thúc đẩy suy nghĩ, hành động của người khác để có thể đem lợi cho cả họ cả mình hoặc cho riêng mình, tuyệt nhiên không bao giờ rước hại cho bản thân mình.
Thế nhưng, sự suy ngẫm đòi hỏi phải dư dả thời gian, kết hợp với ngoại cảnh tương thích với Trí mới hy vọng rút ra cái cần tóm lại, hai yếu tố này giữa xu thế fastfood (không chỉ ăn nhanh, uống nhanh mà còn tàu nhanh qua quýt cho xong chuyện) và highspeed (không chỉ tốc độ cao trên đường hay xa lộ thông tin mà còn biểu hiện sốt ruột, cái gì cũng muốn có ngay lập tức) xem chừng khó tồn tại được và kết quả thường hay tóm trượt. Thôi cũng thông cảm vì dục tốc bất đạt, khát khao vươn tới sự hoàn thiện mà sinh ra nhiều vấn đề khập khiễng: Cũng như người kiễng chân không thể đứng lâu, xoạc dài không thể đi nhanh vậy, điều ấy chẳng đáng trách. Dù sao hiện thực khách quan vẫn luôn tồn tại và phát triển, tác động vào chúng ta để ít nhiều, thi thoảng phải suy nghĩ, ngẫm ngợi và trộm nghĩ cái cách giãi bày tư duy với cuộc đời.
Lan man như vậy không có nghĩa là hễ cứ suy ngẫm là phải bao hàm đủ mọi mục đích hướng nội, hướng ngoại như trên mà nhiều khi suy ngẫm chỉ để mạnh dạn đánh giá, kết luận một vấn đề xã hội nào đó theo nhận thức riêng mỗi cá nhân chứ không hy vọng ôm đồm hết ngàn vạn bài học hay dở quanh ta, âu cũng là một cách tự quăng mình vào xã hội để chiêm nghiệm chua cay, ngọt mặn, đắng ngắt của cuộc sống như thầy Mạnh Tử đã khích lệ: Không lên núi cao, sao biết cái lo nghiêng ngả; không xuống vực sâu sao biết cái lo đắm đuối; không ra biển lớn sao biết cái lo sóng gió? Vả lại sách Tố Thư cũng viết: Muốn biết việc chưa tới phải xét việc đã qua, suy việc ngày xưa nghiệm việc ngày nay mới khỏi sai lầm. Vả lại, muốn bắt thì phải thả, muốn nhanh thì phải chậm, muốn giải quyết mọi việc chóng vánh, xác đáng và hiệu quả sẽ phải dành dụm một phần Trí, bớt chút thời gian, từ từ nghiền ngẫm cái sự đời!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc