Nghĩ về giáo dục
Đứng sát nách “cái công xưởng thế giới” với đủ mọi cái “nóng” rát mặt, lại là nước nghèo và tụt hậu rất xa phải tham gia vào cạnh tranh toàn cầu rất quyết liệt như ngày nay, ngoài ra phải đối mặt với sự tranh giành lẫn nhau giữa các thế lực mạnh trên thế giới, cả 3 yếu tố này đặt ra cho nước ta thách thức thường trực và quyết liệt. Ở vào vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất khắc nghiệt như vậy của nước ta, kịch bản nguy hiểm nhất cho nước ta là trở thành một quốc gia èo uột. Bởi vì kịch bản này mang lại cho nước ta bất ổn và chia rẽ bên trong, thường xuyên tạo điều kiện cho bên ngoài can thiệp, tất yếu dẫn tới thường xuyên phải lệ thuộc vào bên ngoài. Một khi đã rơi vào kịch bản này, nước ta sẽ vĩnh viễn không sao ngóc đầu lên được. Chống lại kịch bản này, nước ta không có gì hơn là phát huy con người Việt Nam ngoan cường và sáng tạo để trở thành một quốc gia giầu mạnh, có thể đứng trên hai chân của mình.
Xin đừng nhầm lẫn thời cơ và số phận. Trước mắt, nước ta đang có may mắn là không có quốc gia kẻ thù nào về danh nghĩa, cần được ra sức tận dụng. Nhưng thời cơ này không phải là vĩnh hằng, không phải là bất biến. Thời cơ hiếm có này không được phép che khuất một sự thật khác là: Vì nghèo, nên về lâu dài số phận cay nghiệt dành cho nước ta vẫn cận kề, nhất là trong tình hình bàn cờ thế giới đang thay đổi nhanh chóng sau khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mỹ hiện nay.
Đứng trước thách thức trên, cuộc sống chỉ dành cho dân tộc ta một lối đi, một câu trả lời: Phải xây dựng được một nền giáo dục rèn luyện nên những con người Việt Nam kiên cường, giàu trí tuệ và giầu nghị lực sáng tạo mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời hội nhập ngày nay đòi hỏi. Xin đừng quên: Không thể nào có một nền giáo dục tiên tiến trong một chế độ chính trị lạc hậu. Điều này có nghĩa là phải tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị của đất nước theo hướng phát huy những giá trị văn minh, nhân bản và cao đẹp, để trên cơ sở đó xây dựng bằng được một nền giáo dục tiên tiến, mặt khác lấy giáo dục tác động trở lại đảy mạnh cải cách chế độ chính trị xã hội. Đó chính là động lực tạo ra phát triển năng động và bền vững cho đất nước. Đồng thời, nhìn về lâu dài, phải coi phát triển nền giáo dục tiên tiến là con đường vĩnh viễn đưa nước ta thoát khỏi số phận nước nghèo truyền kiếp, cần dồn hết công sức và tâm trí cho việc mở mang con đường này.
Giáo dục, chứ không phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sẽ quyết định số phận nước ta trong thế kỷ 21.
Đành rằng phát triển đòi hỏi phải hài hòa. Tuy nhiên, nên coi nhiệm vụ xây dựng một nền giáo dục tiên tiến là một trong những ưu tiên quan trọng nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thậm chí nếu là một quốc gia có bản lĩnh thì nên có gan coi đó là ưu tiên số một, dồn mọi cố gắng có thể cho nhiệm vụ này – với tinh thần: có con người sẽ có tất cả.
Hiện nay cả nước đang bàn luận sôi nổi về cải cách giáo dục, có nhiều ý kiến khác nhau - nhất là giữa một bên là cơ quan quản lý, một bên là các trường, những cá nhân hay hóm nghiên cứu độc lập về công tác giáo dục. Cải cách giáo dục là sự nghiệp lớn, lâu dài, không thể làm xong trong một sớm một chiều, nhưng cũng không thể biến trường học và học sinh của chúng ta thành đối tượng của các “thí nghiệm” như đã từng xảy ra. Cải cách giáo dục đã trở thành bức xúc, phải làm ngay, nhưng không thể vì thế mà nóng vội, thiếu quan tâm đến thực chất. Cải cách giáo dục nhất thiết phải chia thành nhiều bước trước sau theo một chương trình được cân nhắc thấu đáo, khả thi trong điều kiện đất nước hiện nay, không thể cầu toàn. Hơn nữa, cải cách giáo dục không thể và không phải chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nó phải là nhiệm vụ của cả nước, của toàn bộ hệ thống chính trị; trên hết cả đấy là nhiệm vụ trọng đại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Việc khó mấy, nhưng có lãnh đạo bàn bạc dân chủ, sẽ tìm được lối ra tối ưu nhất. Có lẽ đây là bước đi đầu tiên tiếp cận nhiệm vụ trọng đại này, với tinh thần xây dựng được con người đất nước sẽ có tất cả.
Hà Nội, 10-2008
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh