Nếu không bừng tỉnh

08:15 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Ba, 2016
Năm 1853, ở Nhật Bản thời Mạc Phủ, 4 tàu chiến Mỹ của Đô đốc Perry lù lù tiến vào cửa biển Uraga mà không hề báo trước. Họ bắn một loạt đại bác lên trời thị uy, rồi đòi gặp chính quyền. Yêu sách của họ là Nhật Bản phải mở cảng biển cho tàu Mỹ đến giao thương...

4 tàu chiến Mỹ của Đô đốc Mỹ Matthew Perry ghé nước Nhật 7 tháng 8 năm 1853

Trong lịch sử Nhật Bản, sự kiện này là điểm khởi đầu của công cuộc duy tân tự cường theochủ trương "thoát Á", "Tây học" để hiện đại hoá nước Nhật.

4 chiếc tàu chiến Mỹ và loạt đại bác của chúng đã làm cho người Nhật bừng tỉnh, ngỡ ngàng trước mức độ phát triển của phương Tây và sự lạc hậu, hèn kém của nước Nhật sau 250 năm bài ngoại, gần như chỉ giao thương với người Trung Quốc. Sự ngỡ ngàng của người Nhật trước những thành tựu phát triển của Mỹ và châu Âu còn kéo dài hàng chục năm sau sự kiện đó.

Năm 25 tuổi, ở cảng Yakohama, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi lúc bấy giờ nhìn thấy những con tàu biển của Tây đồ sộ, chạy bằng máy hơi nước. Ông ngợp. Tiếp xúc với Tây, Fukuzawa thất vọng, vì: "Họ không hiểu. Nghe họ nói, tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được".

Không chịu được, người Nhật quyết Tây học. Trong cuốn sách "Nhật Bản duy tân 30 năm" xuất bản năm 1936 tại Sài Gòn, cụ Đào Trinh Nhất mô tả cuộc duy tân của người Nhật: "Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị, giáo dục, nào là văn hoá, võ bị, nào là công thương, lý tài [ngân hàng], nào là cơ khí, nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay phương diện nào mà không hoá xưa theo nay, đổi cũ ra mới".

Người Nhật duy tân theo Tây mà rầm rộ cứ như đi trẩy hội, quyết xoá bỏ những thói hư tật xấu, văn hoá hủ bại có nguồn gốc nghìn năm mà không thèm tiếc nuối. Chỉ với 30 năm duy tân thời Minh Trị, Nhật Bản trở thành cường quốc, đuổi kịp, thậm chí còn vượt nhiều nước châu Âu và Mỹ trên một số lĩnh vực công nghiệp.

Rồi cụ Đào Trinh Nhất than: "Người [Việt] mình học theo đạo Nho chữ Hán, chỉ trừ ra đọc âm là khác một chút thôi, còn thì bao nhiêu chế độ văn vật của Tàu bày đặt thế nào, mình đều rước lấy và phỏng theo giống y như thế ấy. Từ áo mão phép tắc chốn triều đình, lễ nghĩa luật lệ giữa dân gian, cho đến mọi việc từ chương, khoa cử, tang lễ, phẩm hàm... nhất thiết chuyện gì mình cũng in khuôn, ráp kiểu của Tàu, không sai một mảy. Trải mấy ngàn năm, hễ Tàu vẽ vời thay đổi cái gì, ta đều bắt chước đúng y cái đó, làm như theo đuôi dính gót người Tàu, không khác gì hình với bóng. Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay. Cao Ly [Triều Tiên] cũng thế, vì họ cũng bắt chước Tàu một cách "chụp hình" như ta". Cụ Đào kêu trời với các thói phong thuỷ, vàng mã, bói toán, cúng sao và các kiểu mê tín dị đoan của người Tàu du nhập vào Việt Nam, mà người Nhật quyết không theo.

Sự phát triển vượt trội của châu Âu và Mỹ là ở các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, thể hiện qua phát minh, sáng chế, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và chế biến. "Tây học" của Nhật Bản thành công rực rỡ ở tất cả những lĩnh vực này.

Việt Nam cũng từng có nhiều cơ hội "Tây học" với người Pháp, người Mỹ, người Nga, nhưng không thu được nhiều kết quả. Đến hiện nay, tất cả những lĩnh vực vừa kể của Việt Nam đều rất yếu, chủ yếu mới ở trình độ lắp ráp, vận hành, sửa chữa máy móc của thiên hạ, chưa phát minh, chế tạo được mặt hàng công nghiệp gì đáng kể, trong khi Nhật Bản đã làm chủ công nghệ vũ khí, máy bay, tàu biển, máy móc công nghiệp và giao thông từ đầu thế kỷ 20, chỉ sau có mấy chục năm Tây học. Việt Nam chưa từng có cuộc duy tân Tây học nào đáng kể và cho đến tận bây giờ, xét trên nhiều phương diện, nước ta giống Tàu nhiều hơn là giống Tây, nhất là về văn hoá, hủ tục. Mà có giống Tàu thì theo tôi cũng chỉ giống được Tàu xưa, không giống được Trung Quốc với nền khoa học và sản xuất công nghiệp phát triển thời nay. Bởi vì sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc Tây học thành công, chính Trung Quốc cũng đã Tây học mạnh mẽ và gặt được nhiều thành tựu. Người ta chú trọng nghệ tinh, thực nghiệp, còn Việt Nam thì vẫn nặng nề tư tưởng học để làm quan, "mê mộng khoa cử độc hại".

Thực sự, để phát triển mạnh, Việt Nam rất cần một sự bừng tỉnh, cần một phong trào Tây học giống cuộc duy tân 150 năm trước đây của Nhật Bản. Theo tôi, có thể bắt đầu từ việc quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở mọi cấp học từ phổ thông đến đại học, bởi tiếng Anh mà kém thì khó lòng "Tây học" cho tốt được.

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tân thư và phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ cận đại

    25/07/2016Phan Trọng ThưởngDấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng...
  • Nhật Bản mở cuộc duy tân

    07/03/2016Đào Trinh NhấtTừ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị giáo dục, nào là văn hóa võ bị, nào là công thương, lý tài, nào là cơ khí nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay một phương diện nào mà không hóa xưa ra nay, đổi cũ ra mới...
  • Nhật Bản duy tân 30 năm: Gương cũ nên soi

    06/08/2015Bạch DươngPhía sau vai trò của Thiên hoàng có hay không những căn nguyên, những đóng góp của các nhân vật khác? Và tại sao trong rất nhiều quốc gia khu vực có chung hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội như Nhật Bản lại không có được bước phát triển thần kỳ đó? Thật bất ngờ là lời đáp cho các câu hỏi khiến giới nghiên cứu hiện nay vẫn còn đang trăn trở lại đã được giải đáp một cách đầy đủ và chính xác từ cách đây 80 năm bởi công trình tầm vóc của nhà khảo cứu lịch sử Đào Trinh Nhất, cuốn sách “Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân”...
  • Duy tân?

    13/08/2014Phan Thanh MinhTheo Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh giải thích “duy tân”: điều gì cũng sửa lại mới (réformer). Sau này, nhà Hán – Nôm học Phan Văn Các bằng phương pháp thu thập các từ tố và từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại đã biên soạn cuốn từ điển Từ điển từ Hán Việt đã giải thích “duy tân”: cải lương theo cái mới (động từ)...
  • Thấy gì từ cuộc Duy Tân Minh Trị lần hai của Nhật?

    21/09/2013Nguyễn Hải HoànhCuộc “Duy tân Minh Trị lần thứ hai” này chắc chắn sẽ giúp nước Nhật tránh được nguy cơ đe dọa sự tồn vong của họ. Một lần nữa, mở cửa ra thế giới bao giờ cũng là phương kế cứu đất nước. Một dân tộc khôn ngoan thì cần biết tận dụng các lợi thế của quốc tế...
  • Cuộc Duy Tân Minh Trị lần thứ hai của nước Nhật

    19/09/2013Nguyễn Hải HoànhCuộc “Duy Tân lần thứ hai” đầu thế kỷ XXI hoàn toàn do giới tinh anh Nhật Bản chủ động đề xuất tiến hành, xuất phát từ chỗ họ nhận thức được một nguy cơ mới đang đe dọa sự tồn tại của nước Nhật. Đó là cuộc khủng hoảng dân số, và nguy cơ ấy chỉ có thể giải quyết được bằng cách mở rộng cửa nhận thật nhiều dân nhập cư từ khắp thế giới...
  • Duy tân

    18/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh (Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 812, ngày 8–8–1907)Làm người muốn ở đời phải khôn, phải xét thế lực mình mới được, xét việc gì phải xét đầu xét đuôi, rồi hãng nói, chớ đừng có nằm đáy giếng trông lên tưởng giời bằng cái vung; duy–tân không phải là cứ dận xằng dận xịt hết đổ ra lũ này lại đổ ra bọn kia. Mình tiến cứ việc mà tiến, dậy cứ việc mà dậy, không có ai nghe cũng là tại mình, chớ nhời hay mà phải nhẽ thì ai cũng phải lọt tai.
  • xem toàn bộ