Nạn dịch... "chém gió"

03:28 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2014

Người Việt có truyền thống khiêm tốn. Cái đó chắc ít ai phủ nhận. Nhưng truyền thống đó bây giờ đang đi đâu về đâu, thì chắc ít ai... trả lời được...

Nói thật nhé, càng ngày mình càng ít gặp người khiêm tốn. Thời buổi bây giờ, đi đâu cũng bị... chém, mà theo ngôn ngữ hiện đại gọi là "chém gió". Bị chém kiểu này không đứt da chảy máu, cũng không thủng túi hao két như khi đưa đầu vào mấy hàng quán "máy chém", nhưng mà rát tai, tối mắt tối mũi, ong đầu, mỏi người kinh khủng.

Có lẽ ít khái niệm nào mà ngôn từ tiếng Việt lại phong phú như cái sự này. Chắc ngôn từ của các cụ truyền lại vẫn chưa đủ dùng, nào "huênh hoang", "khoác lác", "luyên thuyên", "ba hoa", “tự phụ”, "kiêu căng", "kiêu ngạo", "ngạo mạn"…, cách đây chưa lâu có thêm “bốc phét”, “phét lác”, "nổ"..., nên chúng ta tiếp tục sáng tác thêm những thuật ngữ mới như "quăng bom", "chém gió", thậm chí nâng cấp lên thành "chém bão"...

Chung quy cũng bởi cung cách cũng như ngôn từ của các "chém gia" hết sức phong phú và đa dạng nên người ta mới nghĩ ra nhiều tên gọi cho họ.

Lấy ví dụ ngay một ngày hôm qua chẳng hạn, sáng đi gặp đối tác thì phải ngồi nghe "chém" về tiềm lực kinh tế hùng mạnh, quan hệ thân thiết với toàn đại gia, bạn hàng Âu Mỹ khắp nơi... Chiều đi phỏng vấn vị quan chức nọ thì thay vì được nghe ý kiến chuyên môn, lại phải chịu trận "chém" về thành tích cá nhân, quyền uy trong xã hội, người này người kia nhờ vả... Cuối giờ ra quán bia hơi lại bị mấy ông bạn mới quen "chém" về tiền của như nước, nhà sang xe xịn, rồi vừa vi vu ở "bển" về... Lảo đảo về quán nước đầu ngõ nhà mình nghỉ chân uống cốc trà đá, lại nghe mấy chị buôn bán vặt trong ngõ "chém" rằng thì là "tối qua tao đi hát, vừa thử "Cám ơn Tình yêu" cái chuẩn luôn, y chang Uyên Linh"... Đêm về lên mạng, lại thấy gió bão nổi lên đùng đùng, ảnh khoe của, khoe hàng hiệu tràn ngập Facebook, vào mạng của các bố mẹ thì thấy con nhà ai cũng là thiên tài, vào mấy diễn đàn "nghiêm túc" thì đụng toàn "Einstein" với "Khổng Minh", trên thông thiên văn dưới tường địa lý, "chém gió" khoe kiến thức kinh người...

Ngồi điểm lại, hình như không ngày nào mình không bị "chém", và có những ngày, thậm chí nhiều ngày liền, không gặp người nào tạm gọi là khiêm tốn cả. Người khiêm tốn hiếm thế này, rất mong các cơ quan chức năng thành lập một trung tâm bảo tồn và đặt cho họ một cái tên hoặc ít nhất một tính từ hay động từ gì hay hay như kiểu "chém gió", để họ còn tồn tại với đời, chứ cái tính từ "khiêm tốn" nghe nó... khiêm tốn quá, chắc sẽ khiến họ "tuyệt chủng" sớm.

Mà cái bệnh "chém gió" này, hình như khác với mấy bệnh mẩn ngứa hay nhức răng ở chỗ là người bệnh không biết mình mắc, hoặc có biết cũng không có nhu cầu chữa chạy. Mình đang rất lo không biết mình có bị mắc không vì bệnh này còn nghe nói cũng dễ... lây lắm!

Nguồn:Dân trí
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đàn ông “tám” về đàn bà, vui phết!

    08/05/2009Phụ nữ gặp nhau để “tám”, để shopping, đi spa… và còn để thắc mắc “Đàn ông gặp nhau thì nói chuyện gì, giống bọn mình không nhỉ?”. Nào, bạn thử đọc xem một buổi chat qua mạng (giữa đêm) của hai người đàn ông: Một - nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, người nhiều ảnh và một - nhà văn Dương Bình Nguyên - người nhiều chữ. Nội dung họ nói gì? Sức hút trái dấu luôn đúng và có yêu thêm vì ta là phái nữ?
  • Đàn ông và "tám", cafe, xe, đàn bà

    01/04/2009Phan AnĐàn ông có hay đi café không? Một phần đời của nhiều đàn ông trôi trong những quán café. Có nhiều đàn ông, trước khi lên giường phải café như một phần tất yếu của cuộc sống… lên giường rồi, lúc thức dậy lại café. Đàn ông chat với người đẹp, biết nick này đang ở cùng thành phố với mình thường buông lời: “Café nhá”...
  • Tám xuyên lục địa

    13/02/2008Nguyễn Vĩnh NguyênChuyện trong nhà chưa biết ngoài ngõ đã hay. Tám vặt sở thành một dịch bệnh của người trẻ công sở. Tại sao người trẻ lại thích tám như thế?
  • Tám

    07/03/2007Nguyễn Thị Ngọc HảiNhững câu chuyện cứ nối nhau mãi không dứt, nói theo ngôn ngữ của đời sống gia đình, nơi phát ngôn tự do nhất, những điều hay điều dở, đúng sai cứ “thoải mái”. Cái “tám” được xả ngày nay cũng được nhận xét là có “ưu điểm” khi người “tám” stress. Những lời bình cũng vào loại thật thà nhất, vì chẳng có ai “kiểm duyệt”...