Báo động đỏ về sự dối trá
Xem thêm:
Vấn đề đáng”báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người.
Trách nhiệm chủ yếu của nhà trường là đào tạo nên những con người chân chính. Điều này không có gì mới lạ. Cha ông ta xưa từng nói "Tiên học lễ..." (Chữ "Lễ" cần được hiểu một cách toàn diện và thích hợp với thời đại mới). Vậy mà xã hội và nhà trường hiện nay lại đầy dẫy những hiện tượng "vô lễ". Hãy nói trước hết đến "bệnh thành tích" đồng thời bộc lộ cùng với vô số các "cậu Tú" dự thi đại học đạt điểm cực kỳ thấp vừa qua cũng đã được dư luận báo động.
Ngay sau kỳ thi tuyển vào lớp 10 vừa qua và ngay ở một thành phố vốn có truyền thống học hành, tôi đã "chất vấn" một cán bộ có trách nhiệm ở Sở Giáo dục khi đọc thấy bảng điểm thấp một cách thảm hại: "Học sinh kém như thế, sao các ông lại cho tốt nghiệp phổ thông cơ sở gần như 100%? Vị cán bộ cười một cách đau khổ mà rằng:
"Sao anh lại trách bọn tôi? Nếu Uỷ ban và Tỉnh uỷ cho phép thì ngay kỳ thi sang năm sẽ khác ngay..." Sợ rằng câu nói của vị cán bộ không trung thực hoặc đây là trường hợp cá biệt, tôi chưa dám công bố với ai thì bỗng đọc được tiếng báo An ninh thế giới số cuối tháng 9/2003, GS, TS Nguyễn Cảnh Toàn cho biết: "cách đây 15 năm, bấy giờ tôi đang làm Thứ trưởng... có một ông Giám đốc Sở tình nguyện đi tiên phong. Ông ấy chỉ đạo việc thi phổ thông trong tỉnh rất chặt. Chỉ tốt nghiệp có 30 – 40% thôi nhưng Ủy ban không chịu, Hội đồng nhân dân không chịu…”
Xin lưu ý chuyện cách đây 15 năm rồi, tức thuộc thế kỷ trước, tức cái bệnh này đã mắc lâu lắm rồi! Điều đáng lưu ý nữa là ngành giáo dục muốn chữa mà không được phép! Và nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn bệnh "thành tích" cần phải nói đúng sự thật, căn tiêu nguyên bệnh chủ yếu làsự dối trá. Xin được lưu ý điều nữa: bệnh dối trá đâu chi có trong giáo dục. Chúng ta có thể dẫn ra vô vàn chứng cớ ở khắp các địa hạt. Chỉ riêng vụ án Lã Thị Kim Oanh đã phơi bày biết bao sự dối trá. Tôi đã chứng kiến một kỹ sư nộp hồ sơ đấu thầu xây trường học do Nhật Bản viện trợ khai rằng trong tay có bao nhiêu là máy móc hiện đại công nhân lành nghề, nhưng thực tế chỉ là con số 0! Rồi bao nhiêu là đơn vị xí nghiệp lãi giả lỗ thật...Cả đến mồ liệt sĩ cũng dám làm giả (xảy ra ở một nghĩa trang Quảng Trị mà báo chí đã nêu) thì không cần gì nêu dẫn chứng thêm nữa! Bệnh dối trá thật sự nghiêm trọng vì có thể nói nó đã thành nếp sống của nhiều người (ít ra, theo GS, TS Nguyễn cảnh Toàn, thì nó đã kéo dài 15 năm, thành "nếp" là chuyện tất nhiên!) và nhiều khi người ta hãnh diện công khai nói to giữa chốn đông người: "Thật thà như ông làm sao sống được! Thời thế này phải biết dối trá mới làm ăn được"! Những câu nói, những dòng chữ làm chúng ta đau lòng biết bao, nhưng bưng bít một sự thật như thế chỉ dẫn đến tai hoạ.
Vì vậy vấn đề đáng "báo động đỏ, trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người. Riêng với ngành giáo dục, bệnh thiếu trung thực là bệnh nặng, ít ra kéo dài đã hơn 15 năm. Dù đau đến mấy cũng phải chữa, để các thế hệ con em chúng ta thực sự nên người. Cuộc "đại phẫu” đau đớn này chỉ có thể được thực hiện nếu các cấp lãnh đạo và toàn xã hội ủng hộ.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây Hãy thử đặt câu hỏi: Vì sao bệnh "thành tích", lối sống dối trá lại có thể bám dai dẳng trong cơ thể chúng ta như thế? Đây cũng là vấn đề thật hệ trọng.
Hẳn là sẽ có nhiều cách lý giải. Thiển ý của tôi, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện, cơ chế xã hội đã tạo đất sống cho những thứ giả dối, kém chất lượng. Một thứ hàng hoá kém chất lượng có thể "lừa" khách hàng khi họ chưa hao giờ được dùng hàng thứ thiệt, hoặc không có biện pháp, trình độ đề kiểm tra, có khi đơn giản chỉ vì loại hàng giả ấy bày bán ở chỗ mờ mờ ảo ảo u u minh minh nên người mua không thể nhận biết! Không phải hoàn toàn giống thế, nhưng loại người "giả", kém chất lượng vẫn "sống", thậm chí nhiều khi chỉ huy cả người giỏi vì công việc chỉ yêu cầu trình độ thấp, hoặc là công việc có thể dựa đẫm, "hữu danh vô thực" chẳng có công cụ nào kiểm tra được, có khi họ được trọng dụng theo kiểu "cáo mượn oai hùm", nhờ núp bóng, dựa vào một thế lực nào đó.
Như vậy, cốt lõi chính là vấn đề sử dụng con người. Khi người tài thực sự được trọng dụng và có điều kiện phát huy hết khả năng của mình, khi việc tuyển dụng và đề bạt cán bộ có cơ chế, có biện pháp kiểm tra năng lực một cách công khai, loại bỏ những thế lực ngầm tạo ra tệ nạn "chạy chúc" thì những kẻ "học giả" do bệnh "thành tích" và tệ đối trá sản sinh ra sẽ bị loại trừ. Và khi đó, tất nhiên, những “cậu Tú”, những Cử nhân, Tiến sĩ sẽ thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.
Cho dù lớp "học giả" và các thế lực ngầm vẫn luôn muốn duy trì lề lối cũ, xu thế thời đại và thị trường lao động ngày càng rộng mở (như thành phố Thượng Hải đã tuyển rất nhiều chuyên gia giỏi của nước ngoài vào giữ những cương vị quan trọng tại nhiều xí nghiệp) buộc chúng ta phải thay đổi cách học, cách dạy, cách chọn người, để đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trên trường quốc tế.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015