Những mối nguy của thời đại chúng ta

04:55 CH @ Thứ Ba - 12 Tháng Ba, 2019

Nhiều người trạc tuổi tôi thường hay ca tụng thời thanh xuân của họ và chê bai thanh xuân của bạn. Họ nói: "Thử tưởng tượng cảnh an lạc của người Pháp trước năm 1914. Sau chiến tranh 1870, họ không bị một chiến tranh nào khác, mà chiến tranh 1870 so với những cuộc chém giết của chúng ta ngày nay chỉ là một trò con nít, không có những cuộc tàn sát lớn lao như ngày nay. Đôi khi họ cũng nói tới một chiến tranh trong tương lai nhưng không tin rằng sẽ có. Khí giới hồi đó chỉ nguy hại cho các chiến sĩ thôi: thường dân ở xa mặt trận có thể tin rằng được sống yên ổn gần như hoàn toàn. Đồng quan hồi đó vững giá; một Mỹ kim ăn năm quan, một Anh bảng ăn hăm lăm quan. Cơ hồ như đó là do một mệnh Trời bất di bất dịch. Ông cha chúng ta lập những dự - tính tỉ mỉ cho tương lai của gia đình. Thuế má, tiền mướn nhà ở vào cái mức vừa phải. Hạch tâm không hung hăng như ngày nay: thể đặc ở yên trong cái thể đặc. Hầu hết các thiếu nữ giữ được trinh tiết cho tới khi cưới. Trong các gia đình nông dân, kỹ nghệ gia, thương gia, con cái kế tiếp nghề của cha. Các nghề làm ăn trong nhà giữ được truyền thống. Ngày nay thì..."

Tôi, tôi cũng thích hồi đầu thế kỷ này lắm; lúc đó tôi còn trẻ và tin tưởng. Nhưng tôi thấy rõ rằng bức họa tình tứ chất phác đó không đúng sự thực. Hồi xưa một thiểu số tin chắc ở tương lai của mình còn đại chúng thì không có gì bảo đảm cho tuổi già và những lúc đau ốm cả. Đại đa số người Pháp thời đó sống cực khổ, thiếu tiện nghi, thiếu thảnh thơi, làm việc từ sáng tới tối, tháng này qua tháng khác, không được nghỉ ăn lương. Cái ảo tưởng là được yên ổn không có chiến tranh đâu có diệt được sự đe dọa của chiến tranh, như ta đã thấy hồi thế chiến thứ nhất. Thuế trực thu tuy nhẹ thật nhưng chính phủ không lãnh những trách nhiệm mà đáng lý ra phải lãnh, những người nghèo khổ, đau ốm, già nua khốn khổ hơn ngày nay. Không, trong cái dĩ vãng của chúng ta, ta không thấy một thời đại hoàng kim nào cả. Thực ra tôi không tin rằng có một hoàng kim thời đại; loài người sẽ vĩnh viễn là loài người nghĩa là có lẫn lộn nhiều vị anh hùng và những con vật hung dữ.

Luật thiên nhiên không hề thay đổi. “Tuyết năm xưa cũng có màu trắng như tuyết ngày nay. Nó cuốn từng đám trong không trung cũng nhẹ nhàng như ngày nay rồi rớt xuống đất cũng lặng lẽ như ngày nay”. Các dân tộc khi già rồi có cảm tưởng tiếc thời đã qua. Người ta nhắc lại "Cái thời đại đẹp đẽ xưa kia". Người ta bảo: "Cái thời đẹp đẽ xưa kia. người ta biết yêu; cái thời đẹp xưa kia, thanh niên có lễ độ, không ăn bận lố lăng, kiểu cao bồi". Lại đó sai. Tôi không bảo rằng ngày nay cái gì cũng tốt đẹp. Nhưng sự thực là cái gì thì thời nào cũng đã xấu xa cả. Đàn bà hồi xưa có đức hạnh hơn ngày nay ư? Thiếu nữ hồi xưa không phóng túng như ngày nay ư? Đâu có. Không thời nào mà phong tục lại đồi trụy như thời Louis XV. Hồi xưa thế giới không sống trong cảnh lo lắng như ngày nay ư? Có chứ, sao không? Những chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ XVI cũng kinh khủng theo cái lối thời đó như những chiến tranh ý thức hệ của thế kỷ XX này. Phải chấp nhận cái hiện tại và dung nạp cái nó xảy tới. Tôi sống ở thời đại phi cơ; tôi không nhớ tiếc cái thời lọc cọc chiếc xe ngựa... Không có có tuyết thời xưa. Chỉ có tuyết và màu trắng của nó thôi".

Suy đi tính lại thì tôi lấy làm sung sướng được sống cái thời đại lạ lùng này của chúng ta. Trong nửa thế kỷ, loài người đã phát kiến được nhiều bí mật của hóa công hơn là tổ tiên chúng ta trong hai chục ngàn năm; loài người đã chinh phục được những nguồn năng lực phong phú tới nỗi thành ra gần như quá đỗi mạnh mẽ; loài người đã thám hiểm được vũ trụ và bơi được trong khoảng hư không giữa các tinh tú; loài người đã bay được trên mặt đất từ tỉnh này tới tỉnh khác, mau gấp ba tốc độ của âm thanh; đã tạo những cái máy biết tính và tổ chức khéo hơn, mau hơn bộ óc, những kỳ công đó vừa thích thú vừa đáng khâm phục đấy chứ. Thế hệ của bạn sẽ tiếp tục tiếp trên con đường phát minh đó với tốc độ gia tăng. Bạn còn phải làm tất cả mọi việc: làm cho môn sinh vật học được tinh xác như môn vật lý học, tháo gỡ các bộ máy của di truyền, biến môn kinh tế học thành một khoa học tinh xác. Bạn không thiếu công việc đâu. Không bao giờ thiếu cả. Chúng ta càng tìm tòi ra được nhiều lại càng biết rằng chúng ta chẳng biết gì cả.

Với lại chỉ tìm tòi được thôi thì cũng không đủ; còn phải như Valéry nói, đem mình bổ xuyết vào cái mình tìm ra được. Chúng ta chưa tiêu hóa được những phát minh mới rồi của chúng ta. Bạn biết câu này cửa Jean Rostand đấy chứ. "Loài người phải học cách dùng quyền năng của mình". Quyền năng chứ không phải là vạn năng đấy nhé. Vì chúng ta không nên phóng đại làm gì. Nhảy được từ mặt đất lên cung trăng, hay là lên được Hỏa tinh hay Kim tinh, tới các ngôi sao chổi, tới các giải ngân hà đi nữa, kể ra cũng là rất mực tài tình và can đảm thật đấy, nhưng so với vũ trụ thì có đáng kể là bao đâu. Nếu một cư dân nào đó ở trên một điện tử (électron) tìm được cách đi từ điện tử này qua điện tử bên cạnh, thì tất cả các dân ở "xứ điện tử" đó đều hoan hô cho là một phép mầu. Nhưng có gì đâu? Cái đó xảy ra ở cái kích thước vô cùng nhỏ bé, và so với vũ trụ thì có giá trị gì đâu? Chúng ta đã nhảy được được bốn bước trong khoảng hư không ư? So với không gian vô cùng, bốn bước đó có nghĩa là gì không? Chúng ta tưởng rằng đã biết rõ những chuỗi phần tử nguồn gốc của di truyền, nhưng mỗi phần tử đó cũng lại là cả một thế giới và chúng ta không biết trong thế giới đó cái gì. Hai cái vô cùng lớn và vô cùng nhỏ cửa Pascal vẫn còn ở ngoài tầm hiểu biết của ta. Chúng ta không phải là thần thánh. Chúng ta mới chỉ thành ra mạnh mẽ dữ dội theo cái kích thước của chúng ta và trên cái giọt bùn của chúng ta. Bây giờ ta còn phải làm sao cho xứng đáng với sức mạnh đó.

Chúng ta đã có những phương tiện vật chất để tiêu diệt văn minh và nhân loại; chúng ta chưa có những phương tiện tinh thần để chống lại sự tiêu diệt đó. Có những dân tộc vẫn tiếp tục đưa những hỏa tiễn liên lục địa ra hăm dọa dân tộc khác và không có gì chứng tỏ rằng họ không mỗi ngày một leo thang rồi rốt cuộc tận diệt nhân loại để giữ thể diện của họ. Một trong những nhiệm vụ của thế hệ các bạn là ngăn những trò trẻ con, điên khùng đó lại, nếu các bạn có thể làm được. Bọn anh hùng của Homère tha hồ chửi rủa nhau, điều đó ta có thể hiểu được: họ đơn chiến với nhau để giải quyết vấn đề vinh dự của họ. Bọn vua chúa ở thế kỷ XVIII dùng khí giới để tranh giành đất đai với nhau, điều đó ta cũng có thể tạm chấp nhận cho đi (mặc dầu họ vẫn đáng trách): họ chỉ dùng bọn chuyên sống về nghề đánh giặc. Nhưng các nhà cầm quyền ở thời đại chúng ta mà sẵn sàng gây một chiến tranh hạch tâm, thì điều đó không sao tha thứ được. Không có một cuộc gây lộn nào đang làm cho cả trăm triệu người phải chết, mà một cuộc gây lộn về danh từ lại càng không xứng đáng nhất.

Mà chính là những danh từ những lòng tự ái bị thương tổn nó chia rẽ chúng ta nhiều nhất. "Quyền lợi thì luôn chịu hòa giải, mà thiên kiến thì không." Ngày nay Đông và Tây đã giao dịch với nhau và có lợi cho cả hai bên. Họ thỏa thuận với nhau một cách khá dễ dàng về các hợp đồng thương mại. Những chế độ chính trị, kinh tế của họ tuy khác nhau nhưng muốn tiến lại gần nhau. Sự thực thì phương Tây, khu vực của sự tự do kinh doanh, đa chấp nhận vô số sự can thiệp của chính phủ; mà phương Đông cũng đã dung túng, khuyến khích nữa là khác, nhiều phương pháp của phương Tây trong chính sách kinh tế. "Nhãn rượu không làm cho ai say hoặc hết khát cả". Tôi biết rằng các vị chỉ huy cả hai bên khó mà từ bỏ những cuộc cãi lẫy đó được. Họ nhờ vậy mới sống mà! Có gợi lên hình ảnh của con quỷ cừu địch thì họ mới có lý lẽ để nắm quyền uy chứ, mới làm cho quần chúng hóa ra cuồng tín, mới nung mối căm thù cho đỏ rực lên chứ! Nhưng thỉnh thoảng văn có những luồng lửa đảo chiều. Nhiệm vụ của các bạn, ở phương Tây cũng như ở phương Đông, là trỏ cho người ta thấy rằng có thể cai trị dân mà chống những cuồng tín, nói cho đúng hơn, là không cần những cuồng tín. Ngay từ bây giờ, vài vị nguyên thủ có nhãn quang cao và thực tế đã hiểu điều đó. Họ từ bỏ cái chính sách chửi rủa mạt sát nhau. Nhưng trên thế giới vẫn còn nhiều kê phát điên lên và nhiệm vụ của các bạn không phải dễ đâu. Các bạn phải cố thắng được các danh từ, đó là vấn đề sinh tử của nhân loại.

Trong một khu vực khác hẳn và ít nguy hiểm hơn, khu vực nghệ thuật, các bạn cũng phải chiến đấu với các danh từ. Trong văn học, thời đại nào cũng có phái Cổ và phái Kim, phái Cổ điển và phái Lãng mạn, họ bài xích lẫn nhau. Tuy nhiên vẫn có sự đồng tình mặc nhiên và phổ biến để giữ các đại văn hào cửa mọi thời đại ở các địa vị chính đáng của họ. Hưng tôn trọng Homère, Rabelais, Montaigne, Corneille. Ngày nay người ta nói quyết với chúng ta rằng những hình thức cổ đã lỗi thời rồi, rằng tân hội họa đã đưa đám các nền hội họa cũ rồi, rằng những tiết điệu truyền thống của khoa kiến trúc không còn hợp với các thành thị mới nữa, rằng tân tiểu thuyết đã chôn chặt các phái tiểu thuyết khác rồi, rằng bây giờ mà còn viết theo các lối kể chuyện thì là mắc một tội lớn, rằng không ai còn đi tả tình nữa mà chỉ tả dục thôi... Toàn là những danh từ cả.

Cái nguy cơ của thời đại chúng ta, không phải là ở chỗ có vài kẻ bất thường phiêu lưu, vài quân ăn cướp du côn. Bọn nhớp nhúa đó luôn luôn vẫn có ở ngoài lề mọi nền văn minh và đôi khi có những đại nghệ sĩ từ đám bùn trồi lên. Cái nguy cơ đặc biệt của chúng ta là có những nhà văn thành thực tin rằng bênh vực sự vô luân, sự nhu nhược, bênh vực luật rừng rú và nghệ thuật dị hình dị dạng là có một thái độ can đảm. Mà như vậy đâu phải là anh hùng; chỉ là một thời thói xu thời tầm thường nhất. Cái nguy cơ, như một người đồng thời với các bạn đã nói, là "người ta đã đưa ra vài cuộc âm mưu để thay một học thuyết, đưa ra một thuật chấm câu để thay một văn phái, đưa ra những tu sĩ theo thuyết phân tâm để thay một sự phục hưng tôn giáo, đưa cái vô lý ra để thay cái thần bí, và cái tiện nghi để thay cái hạnh phúc". Nguy cơ nữa đáng sợ hơn là công chúng không còn tỏ ra đủ sức phản ứng lại. Ở thế kỷ XVII các người ham mỹ thuật và văn chương còn có thị hiếu riêng, khá vững vàng, ít sai lầm. Có thể rằng họ biết ngắm điện Versailles mà không hiểu được cái đẹp của một giáo đường kiểu Gô tích hoặc một tượng cổ. Molière cho ta biết rằng trong hạng người đó có một chàng Vadius và một chàng Trissotin (l) khen những cái bậy bạ cũng như cháu chắt họ ngày nay. Nhưng ít gì người ta cũng khó nếu không phải là vô phương mà dẫn dụ họ để họ trầm trồ khen một bài gồm toàn những tiếng đưa ra một cách lếu láo, chẳng có ý nghĩa gì cả, hoặc ca tụng một bức tranh, trên đó họa sĩ, trong một cơn điên, nguệch ngoạc đưa cây cọ mà phết màu.

Chúng ta đã thấy những cái điên khùng không tưởng tượng nổi. Nhật báo Anh đã đăng tin một nhà chơi dương cầm vô danh quảng cáo rầm rộ rằng sẽ có một buổi tấu nhạc yên lặng. Đúng ngày đó, phòng chật ních thính giả. Bậc diệu thủ im lặng ngồi trước mặt bàn, làm bộ chơi đàn nhưng dây đàn đã gỡ hết cho nên cần đàn không gây một âm thanh nào cả. Thính giả liếc trộm các người ngồi bên xem có nên phản kháng không. Nhưng các ông ngồi bên cứ thản nhiên, cử tọa đều kiên nhẫn, ngồi yên. Sau hai giờ yên lặng buổi tấu nhạc chấm dứt. Nhạc sĩ đứng dậy chào thính giả. Cử tọa nồng nhiệt vỗ tay khen. Hôm sau, trên vô tuyến truyền hình, nhạc sĩ im lặng đó kể lại câu chuyện và kết: "Tôi muốn biết xem cái ngu xuẩn của con người tới mức nào; nó thật vô biên".

Tôi thì không nói "cái ngu xuẩn" mà nói "cái nhu nhược" của con người. Những thính giả đó biết rằng họ không nghe thấy gì cả, nhưng họ sợ rằng nếu phản kháng thì không hợp thời. Jean Cocteau bảo: "Công chúng đã từng bị đập quá đến nỗi họ tự tát vào má mình chứ không vỗ tay để khen". Cái thói làm ra vẻ tán thưởng mà sự thật chẳng thích mà cũng chẳng hiểu gì cả, cái thói đó gọi là thói "đua đòi chuộng mốt". Nhiệm vụ của các bạn không phải là trừ sạch cái thói đó cho cái thời đại của bạn (vì vô phương trừ được) mà là ngăn bớt những tai hại của nó lại, và chống lại nó.

Coi chừng đấy! Tôi không khuyên bạn tự chối mọi hình thức mới của nghệ thuật đâu. Sự khích động là một yếu tố của nghệ phẩm. Cái mà một thời đại cho là không hiểu nổi thì thời đại sau cho là thường, là sáo. Các nhà trong phái ấn tượng đã bị chế giễu, la ó, và sống trong cảnh nghèo khốn trong một thời khá lâu; những bức họa của họ ngày nay làm vinh dự cho các Tàng cổ viện. Jules Lemaitre mỉa mai Verlaine, Mallarmé; Sainte Beuve cho Baudelaire là thanh niên lễ phép, ăn mặc bảnh bao, giá đừng làm thơ thì hơn. Đôi khi những kẻ hôm trước bị bài xích thì hôm sau thành những bậc Thầy. Nhờ phái siêu thực một thời bị chê cười, la ó mà chúng ta mới có Aragon mà tác phẩm thật tuyệt. Michel Butor Nathalie Sarraute, Robbe Grillet, Claude Si mon, Clauđe Mauriac, có nhiều tài năng vượt khỏi lý thuyết của họ. Tôi chỉ xin bạn hai điều mà thôi. Đừng khinh những bậc thầy của thời trước: họ đã lưu danh được tới ngày nay là họ đáng được lưu danh. Và bạn chỉ nên ái mộ những hình thức mới nếu thực tâm bạn thấy nó đẹp. Dư luận không phải là một người hướng dẫn tốt, cũng không phải là một người hướng dẫn xấu. Nó không hướng dẫn, nó biến chuyển bất thường. Bạn cứ theo cái thị hiếu của bạn với một thành kiến tốt đối với những nhà mà vô số thế hệ trước đã tán thưởng.

(l) Đều là những nhân vật trong hài kịch Les femmes savantes của Molière.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mỗi thời đại, một cách đọc...

    07/07/2020Hồ Sĩ VịnhMỗi một thời đại có cách đọc tác phẩm của mình, và cách đọc theo thời đại của mình. Cách đọc mới không làm thay đổi và sai lạc cách đọc thời đại trước đó. Mọi cách đọc đều bình đẳng như nhau...
  • Chỉ biết cảm cái đẹp của mì tôm

    08/06/2019Có lẽ chuyện đau lòng nhất là khi trái tim cơn người đã bắt đầu chai sạn, đâm ra dửng dưng hờ hững và không còn thấy đau lòng trước những chuyện rất đau lòng đó!
  • Từ Hệ tư tưởng đến Hệ giá trị

    09/06/2018Nguyễn Trần BạtGiá trị của các hệ tư tưởng chỉ có tính chất tương đối, mang tính lịch sử. Tư tưởng và hệ tư tưởng không phải là những giá trị bất biến, càng không phải là những tín điều để tôn thờ, nó đang và sẽ bị thay thế bởi hệ giá trị, là một hệ thống các tiêu chuẩn để quy định, định hướng và tổ chức hành vi của con người trên phạm vi toàn cầu...
  • Thị hiếu của tôi là tôi

    02/10/2017Bảo NinhHàng năm, theo thông lệ, cứ sắp tới mồng 1 tháng 6 và Trung Thu, các tờ báo và tạp chí cùng những nhà xuất bản có uy tín đối với lứa tuổi trẻ học trò lại phải sẵn sàng tinh thần để được nghe các bậc đạo đức lên lớp. Đều là những phàn nàn và chỉ trích lặp đi lặp lại, bình cũ rượu cũ...
  • Toàn cầu hoá không phải là "tây hoá"

    08/09/2014Hà YênNhư nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sinh hoạt văn học - nghệ thuật hiện đang phát lộ nhiều vấn đề mà nhìn từ góc độ xã hội học văn hoá, không khó để nhận ra một số chuyển dịch vừa biểu thị sự khởi sắc, vừa chứa đựng một số nội dung cần giải quyết...
  • Những giá trị sống cho tuổi trẻ

    07/05/2009Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống cho các bạn trẻ - học sinh, sinh viên và các đối tượng thanh niên khác - bằng cách trang bị cho họ những giá trị tích cực và kỹ năng sống thiết thực, hữu ích trong hành trình vào đời, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn quyển sách Những Giá trị Sống cho Tuổi trẻ.
  • Vong thân

    19/01/2009Nguyễn Văn TrungVong thân bày tỏ tình cảm con người đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình. Mất ở đây không phải là không còn nữa, vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn có, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình.
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Giá trị luận

    30/01/2008Nguyễn Huy HoàngGiá trị luận (từ chữ Hy Lạp axios - giá trị và logos từ, khái niệm) học thuyết về các giá trị, lý thuyết triết học về những nguyên tắc có ý nghĩa chung, quy định hướng hoạt động, động cơ hành động của con người...
  • Vấn đề về các Giá trị Xã hội

    13/11/2008SorosTrong chương này tôi sẽ khảo sát vấn đề về các giá trị xã hội sâu hơn. Điều này sẽ đặt nền móng cho xem xét phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu như nó thịnh hành ngày nay...
  • Tính tương đối của các giá trị

    12/01/2007Lịch sử và nhân loại học cho thấy sự biến thiên to lớn trong chuẩn mực và tín ngưỡng giữa những dân tộc và những nền văn hóa khác nhau. Có sự khác biệt tuyệt đối nào giữa cái gì đúng và và cái gì sai? Hoặc những phán đoán như vậy có đơn thuần là sự biểu hiện của một nền văn hóa nào đó hay của một ý kiến cá nhân?
  • Giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam hiện nay

    10/08/2006Cao Thu HằngNhững giá trị tinh thần và đặc điểm của nhân cách con người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa và bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lý, môi trường tự nhiên, lịch sử và xã hội...
  • “Chỉ gìn giữ văn hóa không đủ, còn phải phát triển văn hóa”

    24/03/2006Thạch LựuNgười phụ nữ giữ trọng trách Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc Hội gọi công việc của mình là làm PR cho nước Việt Nam. Trong suốt quá trình đi giới thiệu Việt Nam, văn hóa là lĩnh vực mà bà Ninh chú trọng và có ý thức gạn đục khơi trong những đóng góp của người ngoài để làm quà cho những người làm văn hóa trong nước. Đôi khi món quà ấy không phải lúc nào cũng ngọt ngào…
  • Những khác biệt về thị hiếu

    26/02/2006Nhiều người bất đồng trong thị hiếu. Và không có ý nghĩa gì trong việc tranh luận với một người về cái gì anh ta thích hay không thích. Nhưng vẫn có thể nói với một người rằng anh ta có thị hiếu kém...
  • Giá trị thẩm mỹ và chất lượng nghệ thuật

    20/12/2005Nguyễn Văn PhúcTrên bình diện đánh giá - giá trị, chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm được hiểu là giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Nhưng bản chất của giá trị nghệ thuật là gì ? Nói khác đi những yếu tố nào quy định giá trị của tác phẩm nghệ thuật, và do đó, như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị? v.v... Đó là những câu hỏi không dễ giải đáp.
  • xem toàn bộ