Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 9)

05:47 CH @ Thứ Năm - 19 Tháng Mười, 2006
Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.

- PV: Xã hội chúng ta đang chuyển mình và hình như đã xuất hiện các dấu hiệu của “xã hội tiêu thụ”, như vậy mode có điều kiện để tồn tại và phát triển?

- NH: Về xu hướng, đó là một khả năng, còn xét từ biểu hiện, tôi lại nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu “xã hội tiêu thụ hoang dã”, bởi sự tiêu thụ mang nhiều màu sắc nhộn nhạo hôm nay dường như là kết quả của quá trình chưa chuẩn bị về tâm thế văn hoá có tính chất nền tảng, nói cách khác là nhiều người đang “tiêu thụ” bằng thói quen của người tiểu nông tư hữu.

Chớ nghĩ chỉ cần ngồi trên BMW, thanh toán bằng Master Card, xài điện thoại đi động đắt tiền nhiều tính năng, dùng nước hoa Hugo, đầu năm du lịch ở Pháp cuối năm du lịch ở Nhật, uống rượu Tây bạt ngàn, chiều chiều vác vợt tennis ra sân… là có phong cách sống hiện đại. Bởi vấn đề còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực tư duy, vào khả năng ứng xử, vào các tập tính ứng xử văn hoá mới… - những giá trị mà nếu chỉ bằng tiền, người ta cũng không thể mua được.

Sự chuẩn bị văn hoá còn thiếu cơ bản trước khi hình thành xã hội kiểu công nghiệp đã đưa tới nhiều những hiện tượng kỳ lạ, mà nổi lên trên bề mặt xã hội là hiện tượng nhiều người bằng mọi cách làm cho bản thân nổi trội bằng những cách thức kém cỏi và đáng chê trách.

Nếu ở thế hệ lớn tuổi có các ông chủ mới, các quan chức lắm tiền hợm hĩnh đến lố lăng trong tiêu xài, và nhìn người đời bằng nửa con mắt từ địa vị của các “trọc phú tân thời”; thì trong giới trẻ, không ít người đã gia nhập vào lối sống hưởng thụ với tất cả sự say mê, nhiều khi mù quáng, để trở thành “sát nhân” theo đúng nghĩa đen của hành vi này. Tôi không có hứng thú với các dấu hiệu kiểu như thế!

Còn mode ư, nó đã và đang được các nhà sản xuất (cả vật chất lẫn tinh thần) tận dụng đến mức có thể, để đẩy con người vào lối sống tiêu thụ, tiêu thụ và tiêu thụ. Trong khi đồng tiền đang không phải là thứ dễ kiếm ra đối với đa số dân chúng thì một làn sóng quảng cáo sản phẩm, một làn sóng ngôn từ và hình ảnh có khả năng tác động đến tâm lý hưởng thụ… tràn ngập trên toàn bộ hệ thống thông tin đại chúng.

Chúng làm cho dân chúng không thể cưỡng nổi sự tò mò khi mở một trang báo, bật một kênh truyền hình. Và ngay cả khi đi trên đường, người ta còn bị kích thích nhiều hơn nữa với các chiến dịch quảng cáo dưới mọi hình thức từ dưới thấp đến trên cao, từ sáng lóe đến lập lòe với đủ loại màu sắc, kể cả trên các bảng điện khổng lồ sáng rực rỡ giữa ban ngày. Xe máy Dylan, Spacy. Ô tô Ford, Mitsubishi. Điện thoại Nokia, Samsung. Vô tuyến LG, Sony. Nước hoa Chanel, Enchanteur. Mỹ phẩm L’Oréal, O’hui. Dầu gội đầu Rejoy, Sunsilk. Băng vệ sinh Kotex, Diana. Rồi vô số restaurant với các món ăn Á Âu, các loại đặc sản dưới bể trên rừng được quảng bá kèm theo cả phần thưởng. Ăn có thưởng, cũng là sự hiếm thấy!

Rồi hình ảnh lăng-xê đến mức ngán ngẩm của các ngôi sao ca nhạc sớm nở tối tàn với các ca khúc hát tuần này sang tuần sau đã quên, rồi là các ban nhạc ồn à trong ánh sáng lập loè chỉ giúp người ta nghe chứ không giúp người ta hiểu.

Theo đó, các loại mode lũ lượt ra đời tạo ra khả năng “móc túi” người tiêu dùng, làm suy giảm một phần các thành tựu đạt được của một xã hội mới bắt đầu làm quen với khái niệm “tăng trưởng”.

- PV: Nói như anh thì mode lại có lỗi đối với sự phát triển chung?

- NH: Tôi không muốn nói như vậy, bởi tôi luôn đề cao mặt tích cực của mode, song tôi muốn cảnh báo về các tác động tiêu cực của mode trong điều kiện một nền kinh tế chưa phải đã đủ sức lo cho tất cả mọi người.

Với lớp trẻ, tôi không kỳ thị các mái tóc vàng choé và tua tủa dựng ngược, tôi không lo sợ sự trụy lạc sẽ là nhãn tiền nếu phải chứng kiến các cô gái đang khoác lên người chiếc áo hai dây mỏng mảnh hở hết cả lưng và mặc jube cũn cỡn… Vì tôi biết trong cuộc đời, các mái tóc không thể mãi mãi “dựng ngược”, những chiếc jube cũng không thể ngắn hơn… Nhưng tôi e ngại vì nhiều người lớn tuổi trong khi chạy theo mode đã nêu tấm gương “mờ” về thói hợm của và sở thích hưởng lạc, về những mánh khóe kiếm tiền và coi thường các tiêu chí lịch lãm tối thiểu…, rồi cả về sự lười nhác trong việc trau dồi tri thức ngõ hầu làm phong phú trí tuệ cùng vốn liếng văn hóa của chính bản thân mỗi người.

Tôi nghĩ cái giá phải trả cho tương lai sẽ cao gấp nhiều lần nếu hôm nay, chúng ta không kịp thời tự giác điều chỉnh hành vi thoả mãn nhu cầu nói chung và nhu cầu thẩm mỹ nói riêng.

Thật ra, nếu nói là có lỗi thì cũng không hẳn chỉ thuộc về lớp người lớn tuổi, bởi xét đến cùng thì ít nhiều người trong số họ cũng là kết quả của một quá trình đào tạo chưa thật sự toàn diện và hoàn chỉnh trong một thời gian dài.

Thiếu chuẩn bị về văn hóa, tới khi cần có một bản lĩnh và một lòng tự trọng, tới khi phải đối mặt với những thách thức văn hóa vật chất - tinh thần của thời kỳ mới, nhiều người trong chúng ta đã không đủ sức đứng vững trên nền tảng văn hóa mà nhẹ dạ (thậm chí cả tin?) chạy theo một số xu hướng thiếu lành mạnh của văn minh công nghiệp, không biết rằng chính các xu hướng này ở phương Tây - nơi đã khai sinh và phải trả giá cho nó, đã được cảnh báo từ lâu và lời kêu gọi phát triển bền vững không phải là lời kêu gọi chỉ dành riêng cho nước Việt Nam này, nó là lời kêu gọi cho toàn nhân loại.

- PV: Liệu vấn đề đã đến mức nặng nề như vậy chưa, thưa anh?

- NH: Quan sát sinh hoạt ở đô thị, tôi nhận thấy trên một số lĩnh vực cụ thể vấn đề đã thật sự nặng nề, nhất là thói vô cảm giữa những con người với nhau. Tôi đã đi, đã có mặt trên hầu hết mọi miền đất nước. Tôi đã tiếp xúc, đã suy ngẫm về những con người, những số phận, những mảng đời tôi đã gặp.

Hàng triệu con người đang sống và hoàn toàn không biết tới mode, không biết rằng kết quả cả năm lao động cực nhọc của họ chưa đủ mua một thỏi son môi!

Một nghịch cảnh đầy phi lý đang diễn ra ở nhiều nơi. Sau lũy tre làng, trên con đường gập gềnh về bản… có hàng vạn, hàng vạn con người đang lầm lũi sống, lầm lũi lo toan miếng ăn, thì cách đó không xa, ngay huyện lỵ, các cuộc nhậu nhẹt như một thứ mode vẫn tổ chức vào lúc chiều về, những chuyến ngao du dưới danh nghĩa tìm hiểu, nghiên cứu vẫn được tổ chức thường xuyên để chức sắc huyện này giao lưu với chức sắc huyện nọ, để quan chức tỉnh này giao lưu với quan chức tỉnh kia, mà sự tốn kém như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết và vẫn được… quyết toán hợp lệ.

Kể cũng kỳ, giờ lại có thứ mode lạ lùng là tổ chức hội thảo thì ra Đồ Sơn, Bãi Cháy… Họp đoàn thể thì kéo nhau lên tận Sa Pa… Sử dụng tiền bạc cá nhân để thoả mãn nhu cầu mode mà phung phí quá đã là đáng trách, đằng này người ta sử dụng tiền bạc của Nhà nước, tức là của nhân dân, để phục vụ cho nhu cầu về mode thì quả là hiếm thấy trên thế gian.

- VP: Nghe anh nói, tôi nghĩ anh có vẻ dị ứng với mode của các “đại gia”, dẫu thế nào thì đồng tiền họ bỏ ra vẫn là đồng tiền của cá nhân, họ có quyền sử dụng theo ý thích?

- NH: Về nguyên tắc thì đúng vậy, và không ai có quyền phê phán nếu đó là đồng tiền được làm ra một cách lương thiện. Nhưng “đồng tiền liền khúc ruột” bạn ạ, đồng tiền do bản thân mình đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được sẽ không dễ chi dùng cho mode một cách thoải mái và có lúc như vô bổ đâu.

Vả lại, phần nào đó có thể nói những sự phung phí để theo kịp với mode thời đại kia còn gián tiếp đẩy một số người tới chỗ phạm tội dù chỉ để sắm một chiếc điện thoại cho “sành điệu”, mua một chiếc xe máy cho bằng người, hoặc có tiền đưa bạn gái du hí đó đây… Mode đẹp nhưng đôi khi lại giống như bông hồng có gai!

- PV: Như vậy thì quả cũng có điều để suy nghĩ thật, và phần nào xin được chia sẻ với anh!
Nguồn:Nhân dân
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 8)

    11/10/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa xã hội và con người của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 7)

    01/10/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode trong trang trí nhà cửa...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 6)

    29/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về modetrong kiến trúc...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 5)

    22/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về áo dài...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 4)

    16/09/2006Hà Yên (thực hiện)Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 3)

    13/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 2)

    11/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ

    07/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Và cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà dưới đây là một trong nhiều phương diện tiếp cận đó...
  • xem toàn bộ