Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 5)
Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về áo dài.
- PV: Chúng ta đã có bốn cuộc trò chuyện về mode, và tôi không thấy anh nhắc đến áo dài, phải chăng anh không thích hoặc không quan tâm?
- NH: Cả hai lý do bạn nêu ra đều chưa chính xác, bởi tôi là kẻ rất hâm mộ áo dài, và tôi muốn chúng ta dành cho áo dài một cuộc trò chuyện riêng.
Về lịch sử của chiếc áo dài thì các nhà nghiên cứu cũng đã nói nhiều, xin không nhắc lại. Nhưng nhân đây tôi xin kể một chuyện là năm 2005 vừa rồi, tôi đọc bài của một nhà nghiên cứu viết về áo dài một cách rất bay bổng và ông bộc lộ luôn cả sự hời hợt qua hai đoạn văn: “Tôi nghĩ chàng trai xứ Quảng vượt đèo Hải Vân lai kinh ứng thí mà thấy cô gái Huế bước đi không đành là đã bị giăng mắc từ chiếc áo dài trên dáng đi thon thả yểu điệu của những nàng thiếu nữ sông Hương” và “Áo dài có phải nguồn gốc từ chiếc áo cánh, áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy của người phụ nữ thôn quê Việt Nam xa xưa?”.
Theo tôi, câu hỏi đặt ra đã chứng tỏ là người viết chẳng quan tâm ngắm nghía áo dài cho ra nhẽ, ông chỉ tán dông dài vầy vậy mà thôi. Tôi không rõ hai câu lục bát Học trò trong Quảng ra thi - Thấy cô gái Huế bước đi không đành ra đời từ thời gian nào, nhưng khi viết “chàng trai xứ Quảng vượt đèo Hải Vân lai kinh ứng thí” thì hẳn là nhà nghiên cứu muốn nói đến các sĩ tử lều chõng đi thi thời xa xưa.
Và như thế, tác giả đã quên rằng khoa thi cuối cùng ở Huế diễn ra năm 1919, còn áo dài tân thời (hay một thời gọi áo dài Lơ muya) thì mãi tới sau năm 1930 mới xuất hiện ở Việt Nam. Vậy “chàng trai xứ Quảng ra kinh ứng thí” đã bị “giăng mắc” bởi kiểu áo dài nào? Chắc chắn không phải là “áo dài là áo dài ơi…” hôm nay rồi.
Lại nữa, tôi chưa thấy ai nói chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam có nguồn gốc từ chiếc áo cánh, chỉ thấy nói áo dài đã được cách tân từ áo tứ thân, ngũ thân truyền thống. Áo “mớ ba mớ bảy” lại càng không có quan hệ gì với áo dài. Gọi là “mớ ba mớ bảy” vì chị em ngày trước mặc nhiều chiếc áo cánh mầu sắc khác nhau, chồng lên nhau thành nhiều lớp (ở miền Nam tiết trời nóng hơn, nên chị em không mặc “áo mớ” mà mặc “áo cặp”, “áo cặp” gồm hai chiếc áo cánh - hay áo bà ba, lồng vào nhau). Còn về cấu trúc thì áo cánh mở ra và cài khuy ở phía trước, còn áo dài lại kín ở phía trước!
- PV: Nếu tính từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay thì áo dài cũng đã có nhiều biến động theo xu hướng ngày càng hoàn thiện, anh có thấy vậy không?
- NH: Tôi quan tâm đến trang phục chủ yếu là do hiếu kỳ, nên ý kiến của tôi có thể chưa chuẩn xác. Song xem phim tư liệu, ảnh về tranh thời ấy thì áo dài có khác thật. Áo thường hơi rộng, chiều dài chấm gót, cổ dựng khá cao, ít dùng khuy bấm mà dùng loại khuy tôi không rõ tên gọi là gì, chỉ biết nó tròn như một viên bi nhỏ xíu và có móc cài bằng đồng. Như chiếc áo dài của cô gái trong bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân.
Quãng năm 1960, ở miền Nam có kiểu “áo dài Lệ Xuân” cổ khoét rộng, vai bồng… cũng là mode khi đó. Quan sát chiếc áo kiểu này, tôi nghĩ nó có dấu vết của váy dạ hội.
Cũng vào thời kỳ đó ở miền Nam, áo dài bắt đầu được cắt ngắn hơn và cái sự “ngắn” ấy tồn tại đến hôm nay. Xem một số phim Việt Nam về thời trước 1945, thấy nhân vật mặc áo dài “ngắn” có vạt lơ lửng dưới đầu gối mà tôi cứ buồn cười, vì đạo điễn cũng chẳng tìm hiểu trước 1945 thì áo dài có kích thước như thế nào!
Về đại thể, áo dài của phụ nữ ba miền khá giống nhau về cấu trúc, nhưng áo dài ở Huế thường may xuôi, ít chú ý đến đường cong của eo (kiểu áo này làm tôi liên tưởng tới chiếc áo ngắn đến đầu gối mà các cụ gọi là áo Triều Châu). Ở Huế, áo dài mầu tím hay mầu sáng thì cũng thường mặc với quần dài mầu tối (nhất là quần mầu đen), cũng là một kiểu phối mầu khá đặc biệt, nhìn là biết ngay.
Riêng áo dài của phụ nữ người Chăm thì có hơi khác, cổ áo khoét tròn, mầu sắc thường là các mầu nguyên thủy. Áo ấy đi cùng với chiếc khăn trùm khổ lớn khác mầu, làm cho dáng dấp các cô gái Chăm có vẻ e lệ, nhất là khi đội cà-om đi lấy nước!
- PV: Nếu nói rằng người mặc áo dài trông có vẻ “khêu gợi”, anh có chia sẻ hay không?
- NH: Tôi nghĩ, những người thiết kế áo dài rất quan tâm đến việc thể hiện các đường cong trên cơ thể người phụ nữ như eo, hông, ngực, vạt phía dưới của áo dài cũng được cắt như thế nào đó để khi bước đi vừa duyên dáng vừa thấp thoáng cặp đùi, thêm hai bên tà xẻ cao như sường sám của phụ nữ Trung Hoa… lại càng giúp cho người có thân hình cân đối được dịp phô diễn.
Ngày trước, các loại vải dùng may áo dài dày dặn hơn nên không lộ da thịt, đồng thời cũng đủ để không ảnh hưởng đến sự thướt tha. Bây giờ áo dài nhiều kiểu, nhiều loại mầu sắc, và nhiều chị em sử dụng loại vải để may áo dài cũng mỏng hơn, nên sự phô diễn thân thể lại đi kèm theo cả sự mong manh của nhiệm vụ che “các phần tế nhị”, làm cho tình thế đôi khi cũng “khêu gợi” thật! Tôi không thấy đẹp mà thấy e ngại, đôi khi không có cảm tình, vì có chị em mặc áo dài và quần dài mà vẫn lồ lộ cả “nội y” bên trong. Hình như không chỉ riêng tôi mới nghĩ vậy, trên báo chí cũng thấy có tác giả đề cập tới hiện tượng này. Cũng là một loại ý kiến mà chị em nên tham khảo.
- PV: Áo dài đã và đang được sử dụng như một loại trang phục phổ biến, được coi như là “biểu tượng” về trang phục của phụ Việt Nam, vậy có thể coi là mode nữa hay không?
- NH: Tôi nghĩ trong sinh hoạt xã hội Việt Nam đương đại, cùng với nón trắng, áo dài đang trở thành biểu tượng để trưng bày với bạn bè quốc tế nhiều hơn là ý nghĩa trang phục thông dụng (cụm từ “trang phục thông dụng” không bao hàm cả trang phục trong hoạt động sản xuất nói chung).
Trừ khi tiếp khách hoặc biểu diễn văn nghệ, trừ nữ tiếp viên hàng không, nhân viên bán hàng, giao dịch ngân hàng, giao dịch bưu điện, nữ sinh trung học phổ thông ở một số nhà trường, một số cơ quan quy định phải mặc áo dài… thì không phải ai cũng có sở thích may áo dài và mặc áo dài trước đám đông. May áo dài như một thói quen, như một sở thích khác với may áo dài như một sự kiện.
Tuy nhiên, khi không bị bắt buộc mà người phụ nữ may áo dài như một sự kiện tức là trong đó dường như đã chứa đựng dấu hiệu của mode, dù là họ may chỉ để mặc một đôi lần rồi… treo trong tủ!
- PV: Như vậy rồi đây áo dài có dần dà vắng bóng như nón trắng hay không?
- NH: Dẫu có bị thu hẹp hoàn cảnh thể hiện, thậm chí không còn giữ vị trí ưu thắng trong sở thích trang phục của phụ nữ Việt Nam thì tôi tin áo dài vẫn tiếp tục trường tồn, bởi áo dài đã trở thành một yếu tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, vả lại áo dài cũng luôn luôn được “hiện đại hóa” nên người mặc không có cảm giác về sự lạc hậu, hay “lỗi” mode.
Thực tế cho thấy áo dài bây giờ nhiều kiểu dáng rất đẹp, nhất là trong điều kiện chất liệu cùng yếu tố thẩm mỹ của các loại vải dùng may áo dài ngày càng được nâng cao. Tôi thích ngắm những cô gái thon thả, tha thướt trên đường, ngồi vắt vẻo sau xe máy, hoặc thong thả đạp xe.
Tôi còn có cảm tình đặc biệt với những chiếc áo dài có hoa văn thổ cẩm sắp xếp hợp lý, mầu sắc hài hoà, vải mỏng nhưng kín đáo, không thấp thoáng da thịt, tạo ra những dáng vẻ rất riêng. Chỉ tiếc là ít thấy người ta tổ chức các cuộc trình diễn thời trang áo dài. Hồi con gái tôi học trung học phổ thông, cháu may áo dài theo quy định của nhà trường, loại vải theo quy định cũng khá đẹp. Lần đầu tiên mặc áo dài, cháu chạy ra khoe với bố, tôi sững sờ vì hóa ra con mình lớn rồi. Nhưng sau vì thấp bé nên cháu ít mặc, đành chấp nhận cháu mặc quần bò áo phông. Chứ bình thường thì bố con có việc đi đâu, tôi sẽ “bắt” cháu mặc áo dài!
- PV: Cảm ơn anh. Và hy vọng anh vẫn dành những thiện cảm đó cho áo dài!
Nguồn:Nhân dân
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường