Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 6)

06:23 SA @ Thứ Sáu - 29 Tháng Chín, 2006
Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về modetrong kiến trúc.

- PV:Chúng ta đã đề cập nhiều về mode trong trang phục, hôm nay xin được chuyển sang một lĩnh vực khác, như mode trong kiến trúc chẳng hạn?

- NH: Vâng, với mode trong kiến trúc ở Việt Nam đương đại, tôi chỉ đề cập từ góc nhìn của văn hóa, không dám “lấn sân” sang công việc của các nhà kiến trúc. Hẳn là bạn đồng ý với tôi rằng sau quá trình tìm tòi để đi tới sự thích nghi, có lẽ phải mất hàng nghìn năm, người Việt mới xác lập được một hệ thống tiêu chuẩn cho kiến trúc ngôi nhà truyền thống.

Từ một gian hai chái đến ba gian hai chái… đều kèm theo tiêu chuẩn về hàng cột, về rui, mè, vì, kèo, câu đầu… Những ngôi nhà kiểu này nay còn lại rất ít, và chúng ta vẫn gọi là “nhà cổ”! Trong ngôi nhà truyền thống, mái chảy là một thành phần rất quan trọng. Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng nói rằng có thể xưa kia, khi người Việt chuyển tới sinh sống ở vùng đồng bằng, chiếc thuyền vừa là phương tiện kiếm sống ban ngày, vừa là ngôi nhà về ban đêm khi người ta úp nó xuống, nên mái nhà của người Việt giống như chiếc thuyền úp (?). Dù chỉ là giả thuyết thì ý kiến của GS Trần Quốc Vượng cũng cho thấy “mái chảy” là sự tối ưu duy nhất để thích ứng với khí hậu nắng lắm mưa nhiều như ở miền Bắc.

Đến Việt Nam, khi xây dựng nhà cửa người Pháp cũng làm mái chảy, quan sát các ngôi nhà Tây trên phố Phan Đình Phùng hay quanh hồ Thuyền Quang ở Hà Nội là thấy ngay.

Theo tôi ở Hà Nội hiện có hai ngôi nhà rất đáng chú ý, đó là trụ sở Ủy ban Thể dục - Thể thao trên phố Trần Phú, và trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội trên phố Lý Nam Đế. Tôi từng làm việc ở Văn nghệ Quân đội trong một thời gian dài, nên có điều kiện nhìn ngắm và tìm hiểu về nó. Căn nhà được xây dựng sau năm 1940, tức là cách chúng ta hơn nửa thế kỷ. Vậy mà thời đó người ta đã thiết kế như là một sự phối kết rất nhuần nhị giữa kiến trúc Đông và Tây. Đứng trước ngôi nhà, có thể nhận thấy sự bề thế và sang trọng, tôi bị thuyết phục bởi những nét hiện đại theo kiến trúc phương Tây và những nét cổ kính đặc trưng của kiến trúc phương Đông. Và chiếc “mái chảy” lợp ngói xem ra rất hài hoà với tổng thể ngôi nhà.

- PV:Bàn tới chuyện “mái chảy” liệu có liên quan gì đến mode hay không, thưa anh?

- NH: Có chứ. Bởi tới khi trong kiến trúc nhà ở xuất hiện mode mái bằng thì chiếc mái chảy truyền thống đứng trước sự thách thức của kiểu nhà hộp. Trong hàng chục năm trời, khi xây nhà mới, hầu như các gia đình ở Việt Nam đều xây nhà hộp, nhà ống có mái bằng, bất chấp tình thế là đã tự buộc mình phải sinh sống trong những ngôi nhà nóng hầm hập vào mùa hè và thi thoảng lại phải gọi thợ tới… chống thấm!

Tôi từng trèo lên mái bằng ngôi nhà của một anh bạn, trên đó các lớp chống thấm dày tới hơn 30cm, đủ loại vật liệu, từ xi-măng đến cả… nhựa đường.

Chạy theo mode, nhiều người không chú ý tìm hiểu là tại sao các ngôi nhà ở Đại sứ quán Thụy Điển, ở các làng SOS… người ta đều làm theo lối có mái chảy, lợp ngói hoặc lợp tôn. Tình hình cũng không sáng sủa hơn khi từ thành phố tới làng quê, người ta thi nhau úp lên mái nhà những cái chóp vừa tròn vừa nhọn, tới mức đến nhiều nơi, tôi ngỡ là đang được ngắm một khu phố ở vùng vịnh Péc-xích. Chẳng thế mà dạo trước tôi đã đọc một bài báo có nhan đề rất hấp dẫn là Em ơi, Hà Nội… chóp! Dần dần, dường như mọi người cũng nhận ra các hạn chế của mái bằng, chóp nhọn, cho nên mấy năm gần đây lại thấy mái chảy xuất hiện trở lại với mode lợp tôn Ausnam hoặc mode dán ngói lên bê tông!

- PV:Ngôi nhà đâu phải quần áo, chạy theo mode thì có ảnh hưởng gì không, thưa anh?

- NH: Ảnh hưởng hay không, ít nhiều tùy thuộc vào khả năng kinh tế, vào sở thích của mỗi gia đình, song xét từ bộ mặt kiến trúc của xã hội thì lại đưa tới không ít sự kỳ quặc. Mode trong xây dựng nhà cửa không giống như mode trong trang phục.

Với trang phục, người ta có thể thay thế mode này bằng mode khác trong một thời gian ngắn, nếu quần áo “lỗi” mode vẫn có thể bán với giá rẻ. Với nhà cửa thì khó có thể thay thế trong chốc lát. Đặc biệt là với đa số người Việt Nam, làm nhà là việc lớn của cuộc đời, “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” mà, đâu phải thích lên là làm được ngay. Vì chạy theo mode, vì còn thiếu tri thức về kiến trúc nên có thể nói hiện tại chuyện làm nhà của nhiều gia đình ở Việt Nam chính là nơi biểu hiện rất rõ ý muốn “cá tính hoá” về thẩm mỹ kiến trúc theo xu hướng… tự do. Anh thích nhà kiểu A thì làm nhà theo kiểu A, tôi thích nhà kiểu B thì làm nhà theo kiểu B… Thậm chí cái kiểu A, kiểu B kia cũng luôn có khả năng bị biến báo chút ít theo sở thích mỗi người. Ai thích thế nào làm thế nấy, không riêng các khu phố cũ, ngay cả các khu phố mới xây dựng, tình trạng nhà cửa tạp nham, lộn xộn cũng đập ngay vào mắt. Nhà thò ra, nhà thụt vào. Nhà quét vôi xanh, nhà phết sơn vàng. Nhà ốp nhôm kính màu sáng, nhà lại gắn kính “tầu” đen sì.

Ngay cả ban-công cũng cực kỳ đa dạng về kiểu lối, cái xây bằng gạch, cái gắn “con sơn” bằng gốm, cái lại làm bằng inox trông sáng loáng cứ như là phòng bệnh viện… Qua nhiều khu phố ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác hôm nay, có thể nhận thấy sự chung sống rất kỳ khôi giữa mode mái bằng, mode chóp nhọn, mode mái chảy!

- PV:Kiến trúc, ngoài vật liệu và yêu cầu kỹ thuật, còn là ý tưởng. Biết đâu những ngôi nhà anh coi là kỳ khôi lại chứa đựng những ý tưởng sâu sắc thì sao?

- NH: Trong hoàn cảnh khác thì đúng vậy, còn ở Việt Nam lúc này, tôi không tin vào cái gọi là ý tưởng kia. Tôi cho rằng chủ yếu là do nhiều người trong chúng ta đua theo modeít (không?) chú ý đến sự lựa chọn thẩm mỹ, chưa kể còn là chuyện không chịu thua kém nhau theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, đôi khi còn là sự hợm hĩnh, khoa trương của mấy ông bà trọc phú mới phất.

Quan sát và suy ngẫm, tôi thấy trong việc làm nhà thì hình như cư dân phía Bắc có thói quen “sao chép, học đòi” hơn cư dân phía Nam. Đến các tỉnh lẻ sẽ thấy một thực tế là khi chuyển các mode nhà cửa từ Hà Nội về, người ta không chỉ chuyển cái hay mà chuyển cả cái dở. Chỉ cần đi từ TP Điện Biên đến TP Đồng Hới sẽ gặp những đường phố y hệt nhau, cũng chóp nhọn, cũng nhôm kính đen sì…, nghĩa là không chỉ con người mà cả cơ quan quản lý đô thị cũng không quan tâm tạo ra dáng vẻ riêng, độc đáo cho thành phố của mình. Hy vọng TP Lào Cai mới đang xây dựng ở Cam Đường sẽ có nét riêng, chứ không phải là bản sao của một mô hình nào khác.

- PV:Anh mới chỉ nhắc đến tư gia, còn các chung cư nữa chứ?

- NH: Chung cư Kim Liên, Trung Tự ở Hà Nội, hay chung cư ở TP Vinh nay đã cũ và lạc hậu rồi, các căn hộ như chiếc hộp, trần thấp sùm sụp… ở đấy phần lớn đã biến dạng theo sở thích của chủ nhà, rồi còn được cơi nới tới mức làm biến dạng luôn cả toà nhà nguyên thuỷ, vì đến đâu cũng thấy lủng liểng vô số “chuồng cọp”, ống dẫn nước, tua tủa cần ăng-ten…

Tôi tin là đến một ngày nào đó các chung cư xây dựng theo lối hiện đại, mỗi căn hộ rộng hàng trăm mét vuông gồm nhiều phòng sẽ thay thế các chung cư kiểu cũ và cũng có khả năng thay thế một cách cơ bản các tư gia to nhỏ, lô nhô như những cái thước kẻ chọc lên trời, đang xây dựng ồ ạt lâu nay. Tính thẩm mỹ, sự hợp lý và tiện dụng của các căn hộ chung cư kiểu mới đang tỏ ra hấp dẫn nhiều người. Nhưng để thay đổi một thói quen vốn đã khá ổn định là không dễ, cần có thời gian. Vấn đề ở đây không chỉ là tiền bạc, còn là nhận thức về sinh hoạt, về tổ chức cuộc sống theo kiểu lối và phong cách hiện đại.

- PV:Vâng, đã đến lúc chúng cân làm quen với với kiểu lối và phong cách đó!
Nguồn:Nhân dân
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 5)

    22/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về áo dài...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 4)

    16/09/2006Hà Yên (thực hiện)Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 3)

    13/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 2)

    11/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ

    07/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Và cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà dưới đây là một trong nhiều phương diện tiếp cận đó...