Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 2)
Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.
- PV:Theo anh, vì sao trước đây mode thời trang ít thấy xuất hiện ở Việt Nam?
- NH:Trang phục ra đời trước hết là nhằm bảo vệ thân thể, là đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người, đôi khi còn là sự thoả mãn ý muốn được khẳng định cá tính của mỗi người trước đám đông.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, tập quán… ra đời và tồn tại khá ổn định. Dựa vào đó, tiền nhân đi tìm sự thích nghi với thế giới chứ hầu như không có ý tưởng đi tìm phương pháp, công cụ để làm thay đổi thế giới; nói cách khác, thói quen “ôn cố tri tân” không thúc đẩy cha ông đặt các câu hỏi có ý nghĩa phát hiện, giải thích để tìm ra cái mới…
Vì thế nhiều sự vật, hiện tượng của xã hội - con người thường được nhìn nhận như là “bất biến hiển nhiên”. Với trang phục cũng vậy, cha ông không tính đến việc phải thay đổi kiểu lối cho đẹp hơn mà thường quan tâm hoàn thiện cái đã có. Ngay cả vật liệu làm ra quần áo như vải vóc, nếu liệt kê thì có vẻ nhiều, nhưng vẫn chỉ là từng ấy thứ lụa, nhiễu, gấm, the…, khó có thể xem là phong phú khi so với lịch sử hàng nghìn năm.
Thông qua việc thể chế hoá, quần áo còn phải mang thêm chức năng biểu thị vị trí xã hội, nên quần áo của vua khác với quần áo của quan, quần áo của quan khác với quần áo của thứ dân…, đến mức người giàu có, tiền nong rủng rỉnh thì dẫu có muốn cũng không dám vi phạm các chế định nghiêm ngặt về trang phục. Bên cạnh đó, sự khắc kỷ của lễ giáo cùng vai trò khá mờ nhạt của cá nhân trong các quan hệ cộng đồng đã không tạo ra điều kiện, thậm chí không cho phép mỗi người được khẳng định, được phô diễn ưu thế về hình thể, quảng bá sở thích riêng. Trong bối cảnh đó, nhu cầu nói chung khá ổn định, nên nhu cầu thẩm mỹ trong trang phục cũng ít biến động. Khi kinh tế chưa phát triển, quan niệm xã hội chưa cởi mở, cá tính thẩm mỹ chưa được coi trọng… thì mode trở thành cái gì đó xa lạ.
- PV:Cứ cho là các yếu tố đó rất quan trọng đi, song thử hỏi khi thời trang được sản xuất hàng loạt như hôm nay và có khả năng làm cho nhiều người cùng mặc những bộ quần áo y hệt nhau thì sở thích thẩm mỹ liệu còn có ý nghĩa gì?
- NH: Với trình độ phát triển ngày càng cao của ngành công nghiệp may mặc, ngày nay con người đã có khả năng sản xuất hàng loạt, hạ thấp giá thành, đáp ứng nhu cầu “mặc” một cách nhanh chóng và trên quy mô lớn…
Tuy nhiên, nên loại trừ khỏi câu hỏi của bạn với những bộ đồng phục đặc biệt, có ý nghĩa là quy ước nghề nghiệp của một số nhóm xã hội như quân đội, công an… Trang phục loại này vừa là dấu hiệu nghề nghiệp vừa nhắc nhở ý thức trách nhiệm của người mặc nó.
Hiện tại ở Việt Nam, trang phục theo kiểu “nhà binh” như đang có xu hướng trở nên phổ biến. Từ hải quan, kiểm lâm đến nhân viên khách sạn, dân phòng… cũng mặc đồng phục nhìn hao hao như quân phục, nếu có khác thì chỉ khác về màu sắc, thêm tua rua, ngù, nẹp ống. Đến khi mấy bác nhạc công “phường bát âm” cũng sắm bộ này và mặc chúng theo lối cẩu thả thì xem ra đã hơi bị… dễ dãi!
Trong thực tế, trang phục sản xuất hàng loạt không triệt tiêu cá tính thẩm mỹ, bởi quần áo được sản xuất từ nhiều cơ sở khác nhau và người mặc được tự do lựa chọn. Nếu chú ý, chúng ta sẽ ít khi gặp vài ba người ăn mặc giống nhau.
Cách đây hơn chục năm, tôi từng gặp trên đường phố những tốp chàng trai hoặc cô gái mặc quần áo i xì nhau, từ kiểu dáng đến màu sắc và họ có vẻ thích thú với việc này, dù không phải người nào mặc cũng đẹp. Nhìn họ, tôi thấy buồn, vì cá tính thẩm mỹ đã giảm thiểu ý nghĩa trước sự lôi cuốn của sở thích nhóm. Ngày nay khó bắt gặp một hiện tượng như vậy, trừ khi là gặp một nhóm tiếp viên hàng không, hoặc một nhóm nhân viên của công sở nào đó có quy định chặt chẽ về trang phục.
Vả lại, với tư cách là một ý tưởng thẩm mỹ, mode thường được cụ thể hoá qua từng người. Từ một mode nào đó, các nhà may sáng tạo ra sự tương ứng với kích thước từng cá nhân, cái gọi là “số đo” có nguồn gốc từ đặc điểm hình thể. Về giá thành thì may đo vẫn đắt hơn là may sẵn, nói cách khác là người ta phải trả tiền cho việc “đầu tư thẩm mỹ” của thợ may khi họ tìm ra tiếng nói chung giữa mode với khách hàng. Thợ may giỏi phải là người biết giải quyết một cách hoàn hảo quan hệ này, còn nếu chỉ “áo có tay, quần có ống” thì chẳng mấy lúc mà… sập tiệm!
Thời trang chỉ để trình diễn. |
- PV:Trên truyền hình, trên sách báo chúng ta thường gặp các chương trình, các trang báo dành cho mode. Anh có xem không và anh thấy thế nào?
- NH:Điều bạn nhắc đến đã trở thành một bộ phận trong sinh hoạt của xã hội hiện đại. Tôi có xem và sau khi “trừ hao” vẻ quyến rũ về thân hình và nhan sắc của các cô, các anh người mẫu thì vẫn phải công nhận là có kiểu, có mode trông đẹp thật.
Nhưng cũng lại có kiểu, có mode nhìn hơi “kinh dị”. Có lần tôi nói đùa với bạn bè rằng: “Mặc bộ ấy ra đi đường có khi người ta lại tưởng IC có vấn đề!”.
Nhưng nếu nắm bắt được tính mục đích thì không đơn giản vậy đâu. Các kiểu, mode đó ra đời trước hết là sự cụ thể hoá những ý tưởng, là các gợi ý thẩm mỹ cho người tiêu dùng, chúng không có tính cưỡng bức. Ai thấy thích, thấy hợp thì theo. Ai thấy không thích, không hợp thì thôi. Ngay cả khi thấy thích, thấy hợp rồi thì người ta vẫn cải tiến cho thật sự phù hợp cơ mà.
Tôi thích ngắm các kiểu, mode này để được hiểu, hoặc khám phá ý tưởng của nhà tạo mode, và nhiều khi thấy cũng trừu tượng thật!
- PV: Mode liên tục thay đổi, vậy đâu là căn nguyên?
- NH: Trong tiếng Pháp, mode có nghĩa là thị hiếu, thời thượng, thời trang. Tự thân các nội dung ấy đã cho thấy mode là một cái gì không ổn định, vì không có cái “thời thượng” nào mà lại bất biến cả.
Căn nguyên cuối cùng quyết định sự biến đổi của mode là từ nhu cầu.
Cũng như các nhu cầu khác, nhu cầu thẩm mỹ luôn nằm trong xu thế vận động phát triển để đáp ứng đòi hỏi làm sao để ngày càng đẹp hơn.
Bên cạnh đó, nhu cầu thẩm mỹ của mỗi cộng đồng, mỗi nhóm, mỗi cá nhân, mỗi lứa tuổi… lại có nét riêng, làm cho nhu cầu thẩm mỹ lại càng thêm đa dạng, phong phú. Để đáp ứng sự gia tăng không ngừng, sự phong phú, đa dạng ấy, tất nhiên mode cũng liên tục biến đổi và sinh động. Nhất là khi khả năng đáp ứng nhu cầu nói chung, nhu cầu thẩm mỹ nói riêng càng cao thì mode càng có điều kiện phát triển.
- PV: Đôi khi chúng ta vẫn gặp trong giới trẻ những mode được gọi là “lố lăng”. Theo anh hiện tượng ấy là bình thường hay bất bình thường?
- NH: Như đã nói, modecó liên quan đến lứa tuổi. Hãy hình dung người ở độ tuổi ngoài 50 mà mặc quần bò trễ, áo phôngngắn hở cả rốn thì trông ra sao nhỉ. Chắc là buồn cười lắm.
Ngược lại, nếu thanh niên ở độ tuổi mười tám đôi mươi mà cha mẹ bắt mặc theo mode các cụ thì hẳn là có người không dám ra đường.
Xét theo lớp tuổi, mode dành cho lứa tuổi trẻ thường nhiều hơn, có lẽ vì đấy là tuổi luôn khát khao cái mới, luôn hướng tới sự thay đổi, muốn thể hiện mình, muốn khẳng định mình, thích được người khác chú ý. Khi nhu cầu thể hiện mình đạt tới ngưỡng thái quá sẽ dễ dẫn đến sự lố lăng. Thật ra, mặc những bộ quần áo “khác người” từ màu sắc đến kiểu dáng, thậm chí khoe da khoe thịt thì cũng chẳng ai mặc mãi được, chỉ ở một độ tuổi, trong khoảng thời gian nhất định mà thôi. Nên bên sự nghiêm khắc về mặt thẩm mỹ, đôi khi chúng ta cũng cần thông cảm với những người trẻ tuổi còn xốc nổi. Điều quan trọng là phải làm thế nào để nâng cao năng lực thẩm mỹ của mọi người.
- PV:Xin cảm ơn anh!
Nguồn:Báo Nhân dân
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường