Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 10)

06:03 SA @ Thứ Bảy - 28 Tháng Mười, 2006
Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta theo dõi bài cuối cùng trong loạt bài của cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode


- PV:Xã hội ngày càng hiện đại, con người càng khó có thể quay lưng lại với mode?

- NH: Tôi không phủ nhận điều bạn khẳng định, song tôi còn quan tâm tới các “vấn nạn” từ mode. Thử bàn tới một mode đang thịnh hành như điện thoại di động - loại vật dụng mà nếu thiếu nó, nhiều người như cảm thấy mình không “sành điệu”.

Ra đời như một phương tiện để liên lạc, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn điện thoại di động đã chinh phục hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt là hấp dẫn lớp trẻ với các tính năng luôn được bổ sung.

Chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu điện thoại di động không được sử dụng một cách tuỳ tiện đến mức báo chí phải lên tiếng về “văn hoá điện thoại”. Ngày tôi còn dùng chiếc điện thoại cục mịch, nặng trình trịch, không ít lần đang sử dụng giữa đám đông, tôi đã nhận được những ánh mắt không lấy gì làm thiện cảm, nếu không nói là coi thường, thậm chí có người còn bảo: bây giờ mà còn dùng “cục gạch” này à?! Nhiều người sắm điện thoại mới, sử dụng ít ngày rồi bán đi mua cái khác vì sợ mình lạc hậu. Mà nhiều khi để tỏ ra “sành điệu”, chiếc điện thoại hàng chục triệu cũng chỉ để đáp ứng hai nhiệm vụ gọi và nghe, khá lắm là nhắn tin, các chức năng khác xem ra vẫn còn là… bí mật!

Với người nhiều tiền bạc thì không sao, người ít tiền cũng chơi điện thoại di động thì chuyện bi hài xảy ra quanh nó không phải là hiếm. “Nô lệ của đồ vật” - tình trạng này dường như đã đến lúc cần phải đặt ra và khảo sát nghiêm túc.

Mỹ phẩm cũng là chuyện đáng bàn. Với mỹ phẩm cao cấp, ít ra người sản xuất đã tính đến việc hạn chế thấp nhất các tác hại đối với làn da. Nhưng để mua được đâu có dễ. Một thỏi son “hàng hiệu” đã vài triệu đồng, rồi còn nước hoa, kem, phấn nền… Vậy mà đua theo mode, nhiều người cố “trát” lên mặt, tự mình sáng chế ra những gương mặt loè loẹt, na ná như mặt nạ tuồng không đúng quy cách và da mặt theo đó mất dần vẻ mịn màng! Đánh phấn tô son, muốn đẹp phải có kỹ năng, kỹ xảo, đâu phải cứ bôi lên là đẹp, “hàng hiệu” mà không biết sử dụng thì xấu vẫn cứ hoàn xấu. Các chị trung niên là nên chú ý hơn cả, thời trẻ không có điều kiện, giờ có đồng ra đồng vào lại thích “trẻ hoá” bằng mấy lớp phấn son quá dày và quả thật, nhiều chị đã không ý thức được “vẻ đẹp” của mình.

Còn nhiều mode đáng ngại khác, như phô trương trong đám cưới chẳng hạn. Không biết bạn nghĩ gì khi tôi dẫn lại mấy con số từ bài Đám cưới nhà giàu đăng trên Vnexpress ngày 22.8.2006. Đám cưới anh Lê Quốc ở Hà Nội: ngày lễ đính hôn thuê hơn 30 chiếc xe con loại 5 chỗ ngồi để xuống Hải Phòng hỏi vợ, đoàn xe xếp hàng dọc từ đầu đến cuối phố không hết; hai bữa tiệc cưới tại khách sạn 5 sao có 1.400 người dự, hết hơn 300 triệu đồng; hai chiếc váy cô dâu đặt mua từ Italia giá 17.500 USD, chi phí chụp ảnh quay phim 69 triệu đồng.

Đám cưới anh Hùng, cán bộ cơ quan nhà nước, ở ngoại thành Hà Nội: 5 buổi tiệc cưới với 500 mâm cỗ, trong đó có một bữa cho các sếp tại khách sạn lớn tại Hà Nội; nhà chú rể ở nông thôn, nhiều ruồi muỗi nên đã chi 5 triệu tiền thuốc khử trùng; chi phí cho đoàn ca nhạc về biểu diễn 16 triệu đồng…

Về phần mình, đọc các số liệu này, tôi liên tưởng tới thu nhập khoảng 600 USD/người/năm ở Việt Nam và thấy… hơi bị tê tái!

- PV:Vậy theo anh, để hạn chế những “vấn nạn” có thể xảy ra, chúng ta cần làm gì?

- NH: Để trả lời bạn, tôi rất dễ đi theo xu hướng lý thuyết xuông. Nhưng thà đưa ra một lý thuyết suông song là ý kiến chân thành về một loại hiện tượng có thật, còn hơn là không nói gì.

Cuộc sống vốn có nhiều nghịch lý, mà đa số các nghịch lý ra đời là do sự thiếu sáng suốt của con người.

Theo tôi, một trong những biểu hiện thiếu sáng suốt của con người được thể hiện trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu không ngừng tăng lên và khả năng đáp ứng luôn luôn có giới hạn. Điều này đẩy tới một vấn nạn là sự ra đời và hoành hành của thói tham lam, vị kỷ, ham hố hưởng lạc… bất chấp các điều kiện vật chất - tinh thần cụ thể.

Trên Tạp chí Người đọc sách, tác giả Khánh Huyền đã tổng kết một số tính cách đáng báo động của giới trẻ mà theo tôi rất đáng lưu tâm, gồm: hình thức, trọng hư danh, hội hè đình đám, dĩ hòa vi quý, khôn lỏi, thiếu tính kỷ luật, a dua, ỷ lại, vô trách nhiệm, thiếu tự tin, thiếu khả năng làm việc theo nhóm, dám nghĩ mà chẳng dám làm, khoe khoang.

Xét kỹ ra, các “tính cách” này còn xuất hiện trong cả thế hệ cha anh, và ít nhiều cha anh còn tạo điều kiện giúp chúng phát triển trong giới trẻ.

Khi mode ham chơi, lười nhác và tâm lý hưởng thụ trở thành phổ biến, thì phải thừa nhận rằng sự vận hành của xã hội đã và đang phát ra tín hiệu SOS của một cuộc khủng hoảng trong lối sống và các giá trị người. Trước khi tìm kiếm nguyên nhân từ ngoại cảnh, hãy tìm kiếm nguyên nhân từ chính chúng ta, như cha ông đã nói: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trung thực nhìn thẳng vào thực trạng - đó là phương cách duy nhất có khả năng giúp tìm ra các giải pháp hữu dụng, có ý nghĩa hiện thực!

- PV:Nhưng không có mode thì con người vẫn sống đấy chứ, thưa anh?

- NH: C.Mark khẳng định con người có bốn nhu cầu cơ bản là ăn, mặc, ở, bảo toàn và phát triển nòi giống, đồng thời C.Mark cũng phân biệt sự khác nhau giữa ăn sống nuốt tươi, dùng răng và móng với ăn chín nấu sôi, dùng fourchette và cuillère (phóng-sét, cùi-dìa).

Tiêu chí để phân biệt sự khác nhau là các tiêu chuẩn của văn minh. Từ thời nguyên thủy đến nay, con người vẫn sống với bốn nhu cầu cơ bản và không có mode thì họ vẫn sinh tồn. Nhưng con người phát triển văn minh lại chỉ nhằm mục đích duy nhất là ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho bản thân ngày càng hoàn thiện và văn minh hơn, chứ không phải để làm cho bản thân bị tha hoá.

Do vậy, hiển nhiên mode ra đời, phát triển trong cuộc sống cũng vì sự hoàn thiện, mà trực tiếp là nhu cầu liên tục hoàn thiện cái đẹp, đó cũng là biểu hiện của quan niệm và hành vi có văn hoá của con người khi sống giữa cộng đồng.

- PV:Để kết thúc cuộc trò chuyện “dài hơi” về mode này, anh có thể đưa ra một kết luận?

- NH: Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao chỉ đến khi học đại học thì người ta mới trang bị cho con em chúng ta quan niệm về cái đẹp qua mấy chục tiết mỹ học với các kiến thức rất trừu tượng. Trong khi đó cái đẹp có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, và con người tiếp xúc với cái đẹp từ khi biết cảm nhận về thế giới xung quanh. Cần trang bị cho con cháu chúng ta quan niệm về cái đẹp một cách cụ thể, thiết thực từ nhà trường đến môi trường sống, từ gia đình đến xã hội và thông qua hành vi cụ thể, vì “cái đẹp” là một giá trị không trừu tượng mà luôn luôn được thể hiện thông qua hành vi của con người. Mặt khác cũng phải thấy rằng, chân - thiện - mỹ là hệ thống giá trị thống nhất, quan hệ chặt chẽ với nhau. Một hành vi đẹp thì chắc chắn phải mang tính thiện và chân; ngược lại, một hành vi xấu thì chắc chắn không bao giờ có ý nghĩa tích cực trong những biểu thiện thuộc về thiện và chân.

Xem xét từ quan hệ đó sẽ thấy mode không đơn thuần chỉ là mode, nó còn là đạo đức, là một trong rất nhiều ý nghĩa quan trọng của sự tồn tại. Và như đã trình bày ở phần trên, tôi vẫn nghĩ dù thế nào thì vai trò của các thế hệ cha chú vẫn hết sức quan trọng. Thương con em chính là tạo ra điều kiện lành mạnh để con em phát triển thành con người đích thực. Thương con em bằng sự chu cấp để thoả mãn mọi nhu cầu, mặt nào đó có thể coi là hành vi hủy hoại tương lai. Và hơn tất cả là chúng ta phải trở thành tấm gương cho con em học tập. Nếu chúng ta cũng ham hố, cũng dễ dãi với mode thì “cái đẹp” sẽ trở nên xa lạ với con em chúng ta!

- PV:Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này và tôi tin, nó sẽ có một ý nghĩa nào đó!
Nguồn:Nhân dân
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 9)

    19/10/2006Hà Yên (thực hiện)
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 8)

    11/10/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa xã hội và con người của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 7)

    01/10/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode trong trang trí nhà cửa...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 6)

    29/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về modetrong kiến trúc...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 5)

    22/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về áo dài...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 4)

    16/09/2006Hà Yên (thực hiện)Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 3)

    13/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 2)

    11/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ

    07/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Và cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà dưới đây là một trong nhiều phương diện tiếp cận đó...
  • xem toàn bộ