Matsushita Konosuke và giấc mơ nước Nhật cất cánh
Matsushita Konosuke là doanh nhân được ghi vào lịch sử như một nhân vật tượng trưng cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của đất nước Mặt trời mọc. Vượt lên trên danh nghĩa là một nhà kinh doanh thành đạt, ông còn là một đại diện ưu tú cho ý chí và tinh thần Nhật Bản, là nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ đối với tất cả những người xung quanh ông.
Vươn lên từ đổ nát
Một ngày sau khi nước Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện, ngày 16/8/1945, Konosuke triệu tập các giám đốc cao cấp và kêu gọi toàn bộ công nhân: "Sản xuất là nền tảng vô cùng quan trọng cho quá trình phục hồi của chúng ta. Chúng ta hãy cùng đánh thức tinh thần Matsushita truyền thống và nhận nhiệm vụ xây dựng lại quốc gia, cải thiện cuộc sống của người dân Nhật Bản".
Thời kỳ này Nhật Bản thực hiện quá trình cải cách dân chủ, trong đó rất chú trọng việc thành lập các nghiệp đoàn lao động. Nghiệp đoàn lao động công nghiệp Matsushita của Konosake ra đời ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người lao động. Họ rất tin tưởng vào thông điệp mà Konosuke đặt ra: ưu tiên cao nhất cho lợi ích của người lao động và các chính sách tốt nhất kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động và người quản lý sẽ được thực hiện.
Konosuke Matsushita trong năm 1951 - Thời kỳ mở rộng phạm vi hoạt động của công ty ra toàn cầu
Nhật Bản sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề bởi lạm phát, thiếu thốn lương thực và kinh doanh không trung thực. Tháng 11/1946, Konosuke đã thành lập một tổ chức với mối quan tâm hàng đầu là cải thiện điều kiện sống. Dựa trên triết lý "Hạnh phúc và Hòa bình đến từ Thịnh vượng", ông đặt tên cho tổ chức này - Viện PHP (Peace and Happiness through Prosperity), Viện đã chính thức hoạt động với lý lưởng cao cả của người sáng lập, ban đầu chỉ trên lãnh thổ Nhật nhưng đến năm 1970, Viện PHP đã thực hiện các hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Tôn trọng truyền thống để trở thành "đại gia thế giới"
Năm 1951 là năm mở đầu cho sự nghiệp xây dựng lại danh hiệu Matsushita. Konosuke tuyên bố đã đến lúc đồ điện của Matsushita cần có vị trí trong cộng đồng kinh tế quốc tế. Ông yêu cầu các cộng sự và nhân viên của mình hãy tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống bởi họ sắp bước sang giai đoạn hoạt động với quy mô toàn cầu. Konosuke quyết định tới Mỹ để tự mình tìm hiểu cách thức vận hành của các tập đoàn công nghiệp Hoa Kỳ, và ông nhận thấy có một khoảng cách rất lớn giữa nước Mỹ thịnh vượng và nước Nhật nghèo khó.
Để cạnh tranh với phương Tây, Công ty Mashushita cần có kiến thức tốt hơn về điện và điện dân dụng, và cần một cách tiếp cận chuyên môn hóa cao hơn trong phát triển sản phẩm. Lúc này, làn sóng thù ghét người Nhật vẫn còn đang mạnh, nếu người Nhật hay hàng hóa được quảng cáo là của Nhật đều có nguy cơ bị tẩy chay. Do đó sự cạnh tranh trên thương trường quốc tế quả là không hề đơn giản.
Matsushita quyết định sang Mỹ và châu Âu để khảo sát thị trường, tìm đối tác nước ngoài. Ông đã mạnh dạn liên kết với Hãng Phillips của Hà Lan, mặt khác tập trung nghiên cứu để cải tiến hàng hóa sao cho tốt nhất, đẹp nhất và dễ sử dụng nhất. Năm 1952, sau các cuộc đàm phán được đánh giá rất "khốc liệt", Matsushita Electric và Philips của Hà Lan đã đi đến một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật và thành lập liên doanh Matsushita Electronics Corporation.
Ngay từ đầu, các nhà đàm phán của Philips đã yêu cầu được hưởng một tỷ lệ doanh thu cao với các hoạt động trợ giúp kỹ thuật, nhưng Konosuke đã bác lại với quan điểm: Matsushita Electric đóng góp giá trị ngang bằng nhờ kinh nghiệm quản lý và yêu cầu phía đối tác phải trả một khoản phí cho các hoạt động trợ giúp quản lý. Rốt cuộc, hai bên cũng đi đến một cam kết hợp tác bình đẳng.
Trải qua 10 năm, tới năm 1960, Matsushita đã được công nhận là công ty được xếp thứ 74 trong 100 "Đại gia của thế giới". Khi các thành công của Matsushita Electric bắt đầu lan rộng ra nước ngoài, cũng là lúc Konosuke Matsushita được nhìn nhận như một trong những doanh nhân vĩ đại nhất thế giới. Hàng loạt nhân vật quốc tế quan trọng đã đến thăm công ty, trong đó có cả Chưởng lý Hoa Kỳ Robert Kennedy, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi và Tổng thống Nam Tư (cũ) Tito. Konosuke luôn tự mình dẫn các vị khách tham quan công ty và cùng nhau trao đổi các ý tưởng.
Báo chí nước ngoài ngay lập tức hướng sự quan tâm vào Matsushita Electric và người sáng lập nó. Tháng 2/1962, Konosuke xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time, tạp chí tin tức hàng tuần phổ biến nhất ở Mỹ. Đó là sự phá lệ của tờ báo này bởi đây là lần đầu tiên, chân dung một nhà doanh nghiệp Nhật Bản được đăng trên trang bìa với dòng chữ: "Ông chủ Công ty Matsushita, một công ty có tiếng tăm trên thế giới, hàng hóa có chất lượng tốt nhất và sử dụng có hiệu quả cao nhất".
Tháng 9/1964, Konosuke tiếp tục xuất hiện trên tạp chí Life và được miêu tả như một "nhà công nghiệp hàng đầu", "người làm ra nhiều tiền nhất", "triết gia", "nhà xuất bản tạp chí" và "tác giả của các tác phẩm bán chạy nhất". Báo chí vây lấy Konosuke Matsushita và giúp Matsushita Electric trở nên nổi bật trên toàn cầu.
Matshushita Konosuke (1894-1989) Tại Nhật Bản, quê hương ông, Matshushita Konosuke được coi như anh hùng dân tộc nhờ những đóng góp to lớn của ông cho kinh tế Nhật bản sau Thế chiến thứ hai. Matshushita Konosuke được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật. Ông đã được Nhật hoàng ban tặng Huân chương Hoa Bào đông Mặt trời Mọc loại Dải Lớn (Húc Nhật Đông Hoa Đại Thụ) |
Một vinh dự đến với Konosuke Mashushita: Vào tháng 6/1958, ông được nhận huân chương do chính Nữ hoàng Hà Lan trao tặng. Đây là phần thưởng được trao "bởi những đóng góp lớn lao phục vụ hợp tác kinh tế cũng như phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia". Konosuke là người đầu tiên được nhận vinh dự này từ Nữ hoàng Hà Lan sau Thế chiến II. Ông tiếp tục đóng góp vào quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia với việc sáng lập và trở thành Chủ tịch Hội hữu nghị Hà Lan - Nhật Bản tại Kansai năm 1959.
Konosuke còn được nhận nhiều huân chương từ các quốc gia khác như Brazil, Bỉ hay Malaysia vì những đóng góp của ông trong phát triển quan hệ hợp tác với Nhật Bản. Năm 1959, Konosuke thành lập công ty kinh doanh đầu tiên Matsushita Electric Corporation tại New York. Mashushita đã nhanh chóng thích nghi với môi trường sở tại và nỗ lực đưa ra các sản phẩm được người tiêu dùng Mỹ đánh giá rất cao.
Cũng trong thời gian này, ông cho xây dựng nhiều nhà máy ở các quốc gia như Thái Lan (1961) và Đài Loan (1962). Giữa thời kỳ hưng thịnh của Mashushita trên thương trường, cũng vào đúng dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 65 của mình, Konosuke đã tuyên bố rời khỏi vị trí điều hành và chỉ giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Mashushita.
Lợi ích của người lao động - lợi ích xã hội
Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, Matsushita luôn đề cao chữ "nhân". Ông luôn nhấn mạnh: Thành công của một doanh nghiệp, một tổ chức nhất thiết cần phát huy sức mạnh nội bộ, đoàn kết cao độ. Ông khẳng định: "Trong công ty của chúng tôi, mọi người đều là chỉ huy". Quả thật, ngay trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, khắc nghiệt nhưng Matsushita không hề sa thải một công nhân. "Mời người ta lúc khó khăn, rồi lại sa thải người ta lúc thịnh vượng là điều không thể chấp nhận được".
Luôn đặt lợi ích người lao động lên trên hết, Matsushita là công ty đầu tiên áp dụng chế độ làm việc 5 ngày một tuần (từ năm 1965), và có chính sách tăng tiền lương công nhân của công ty lên ngang hàng với Âu - Mỹ. Với chính sách ấy, năm 1971 tiền lương ở Matsushita đã ngang hàng với Tây Đức (là nước có mức tiền lương cao nhất châu Âu lúc đó) và năm 1976, tăng cao bằng mức lương ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Mashushita luôn khẳng định: kinh doanh trước hết vì xã hội, vì đất nước, góp phần đưa Nhật theo kịp Âu - Mỹ. Lợi ích của doanh nghiệp cũng chính là lợi ích của các cá nhân. Tài sản và thu nhập của ông một phần được dùng vào việc lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, giáo dục, giao lưu quốc tế, hoặc lập trường đào tạo nhân tài cấp lãnh đạo, phát triển Viện Nghiên cứu PHP...
Tháng 7/1973, sau lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập công ty, Konosuke bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho việc phát triển triết lý của mình và viết sách. Một trong những cuốn sách của ông được nhiều người biết đến viết về bản chất và thay đổi tính cách con người, tựa đề "Những suy nghĩ về con người (Thoughts on Man)". Năm 1974, ông cho xuất bản cuốn "Nước Nhật bên bờ vực (Japan at the brink)".
Với cuốn "Kiếm tìm sự thịnh vượng" ông đã đề cập tới vấn đề: "Mục tiêu cuối cùng của sản xuất là để xóa bỏ đói nghèo và tạo ra sự thịnh vượng". Triết lý của ông đến nay vẫn luôn được thế giới đánh giá rất cao: "Xóa bỏ đói nghèo vẫn luôn là một trách nhiệm, một nhiệm vụ thiêng liêng và là mục đích phấn đấu cao cả nhất trong cuộc sống của con người. Muốn đạt được điều đó, con người phải không ngừng nỗ lực làm việc và sáng tạo ra của cải vật chất cho mình và cho xã hội. Đó là sứ mệnh cao cả của mỗi nhà sản xuất, mỗi doanh nghiệp".
Khi không còn trực tiếp điều hành công việc, hàng ngày, Matsushita vẫn đến công ty, nhưng trên đường đi ông thường ghé qua một ngôi miếu có tên là "Tín tâm am" để thắp hương. Bên trong miếu có treo một bức hoành phi nói về "Căn nguyên vũ trụ" gồm những điều luận về sự biến đổi của vũ trụ. Matsushita luôn tâm đắc: "Vạn vật trong thế giới đều chuyển động", và một công ty như Công ty Matsushita hay rộng hơn là cả đất nước Nhật Bản cũng phải chuyển động và không ngừng tiến bộ.
Matsushita đã trở thành một tập đoàn khổng lồ thống trị các mặt hàng điện tử và lĩnh vực trang thiết bị
Thế kỷ XXI là của người châu Á
Trải qua 90 năm khẳng định trên thương trường, giờ đây Matsushita đã trở thành một tập đoàn khổng lồ thống trị các mặt hàng điện tử và lĩnh vực trang thiết bị dưới các thương hiệu Panasonic, Jechnics và Quasar,.. sản xuất ra khoảng 14.000 loại sản phẩm khác nhau, từ chiếc đèn xe đạp tới chiếc tivi, những con chíp điện tử dùng cho máy tính. Tập đoàn Mashushita có tới 120.000 công nhân làm việc ở khắp các nước trên thế giới, doanh thu mỗi năm lên tới hàng chục tỉ USD.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ của ông, công ty đã đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi năm 49,5 tỉ USD - một con số đáng nể lúc bấy giờ. Ngày nay Tập đoàn công nghiệp điện tử Matsushita có khoảng 300.000 nhân viên làm việc trên toàn thế giới với mức doanh thu lên tới 60 tỉ USD.
Konosuke rất tin tưởng rằng, trong thế kỷ XXI, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác sẽ tạo ra phần lớn của cải cho thế giới. Ông nhiệt tình ủng hộ các ý tưởng kinh tế và chính trị mới như khu vực kinh tế phi thuế quan và các hệ thống giúp Nhật Bản chuẩn bị đảm đương vai trò lớn hơn trong nền kinh tế thế giới. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Konosuke luôn kêu gọi quốc dân Nhật Bản cùng nhau dệt nên ước mơ về tương lai của đất nước. Để hướng tới thực hiện ước mơ đó, mọi người hãy cùng hợp tâm hợp sức, tùy theo vị trí, cương vị mà sống hết mình là điều quan trọng.
Trong một bài phát biểu năm 1978, Konosuke kêu gọi: "Nếu chúng ta đặt quyết tâm vào tinh thần và sức lực các công dân Nhật Bản, chúng ta phải đào tạo những người thầy cho việc đó". Ông đã dành 7 tỉ yên từ quỹ cá nhân để thành lập Viện Matsushita về Chính trị-Kinh tế học vào tháng 4-1980, với mục tiêu là tìm kiếm các ý tưởng cơ bản có khả năng đóng góp vào tiến bộ và phát triển của Nhật Bản trong thế kỷ XXI, đồng thời đào tạo phát triển các nhà lãnh đạo có khả năng biến các ý tưởng đó thành hiện thực. Đó là ước mơ cháy bỏng của Mashushita về một nước Nhật trong tương lai.
Là gương mặt đại diện cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Nhật Bản, Matsushita Konosuke vinh dự được nhận Huân chương Mặt Trời do Chính phủ Nhật trao tặng. Năm Matsushita 90 tuổi, Tập đoàn Mashushita được xếp hạng 19 trong số 100 hãng lớn nhất thế giới và Thiên hoàng Nhật Bản đã tặng Huân chương cao quý nhất của đất nước cho Matsushita - Huân chương Húc Nhật Đại Thụy.
5 năm sau đó, vào ngày 27/4/1989, ở tuổi 95, Konosuke Matsushita - người sáng lập Matsushita Electric đã rời khỏi thế giới, nơi mà ông đã cống hiến và để lại quá nhiều dấu ấn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân