Chiếc xe hơi giá 1 triệu USD ở Việt Nam và Matsushita Konosuke ở Nhật

06:58 CH @ Thứ Tư - 05 Tháng Tám, 2015

Trong năm 2006 có sự kiện chiếc xe hơi đắt giá nhất thế giới Maybach 62 được nhập khẩu vào VN cho một giám đốc doanh nghiệp dùng. Kể cả tiền thuế và các phí tổn nhập khẩu khác, chiếc xe trị giá lên tới 1 triệu USD...

Chiếc xe này chỉ một số ít những người giàu nhất thế giới mới có khả năng mua (thực ra không phải ai giàu có cũng xài sang kiểu này). Sự kiện này làm xôn xao dư luận ở VN và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Có thể có nhiều cách đánh giá về hiện tượng tại một trong những nước còn nghèo trên thế giới lại có người nằm trong số những nguời có cuộc sống sang trọng nhất hành tinh. Đã có ý kiến cho rằng cách tiêu dùng này không thích hợp với mặt bằng chung của xã hội, nhất là trong khi VN còn nhận viện trợ, trong khi các đoàn thể và cá nhân thiện nguyện nước ngoài đang nỗ lực đóng góp cứu giúp trẻ em mồ côi, người tàn tật, người bị nạn trong bão lụt và những người bất hạnh khác trong xã hội ta.

Nhìn ở một phương diện khác, tôi thấy cần có thêm thông tin để đánh giá vấn đề này. Chẳng hạn, thứ nhất, nhà doanh nghiệp mua chiếc xe sang trọng này đã hoạt động kinh doanh như thế nào để có được lợi nhuận lớn, lợi nhuận đó có chính đáng không? Thứ hai, công nhân viên trong công ty ông ta đang được đãi ngộ ra sao? Một phần của lợi nhuận đó có được san sẻ để cải thiện cuộc sống của người lao động trong công ty không? Đây là hai điểm tối thiểu để xem tài sản của nhà doanh nghiệp ấy có thể chấp nhận được không. Còn lại việc dùng thu nhập và tài sản của mình như thế nào là tuỳ theo sở thích, giá trị quan của cá nhân ấy, và chuyện được xã hội đồng tình hoặc kính trọng hay không là chuyện khác.

Viết đến đây tôi nhớ lại câu chuyện thành công trong kinh doanh của Matsushita Konosuke (1894-1989), một trong những ngôi sao sáng chói trong giới doanh nghiệp Nhật Bản từ sau thế chiến thứ hai. Ông là người sáng lập và điều hành công ty tổng hợp điện và điện tử Matsushita mà các thương hiệu National và Panasonic đã len lỏi vào nhiều gia đình trên khắp các lục địa.


Matshushita Konosuke (1894-1989)
sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp có 7 anh chị em. Chỉ học hết bậc tiểu học bốn năm, 9 tuổi Matshushita đã phải đi học việc để kiếm sống và nuôi gia đình. Năm 23 tuổi, Matshushita xin nghỉ việc ở công ty đèn điện Osaka để mở cửa hàng riêng.
Khởi nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng và ý tưởng về chiếc đui đèn, thế mà chỉ hơn nửa thế kỷ sau, tập đoàn Matshushita (nay là tập đoàn Panasonic) do ông gây dựng đã trở thành một trong những tập đoàn điện tử đa quốc gia lớn nhất thế giới với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đô la.

Tại Nhật Bản, quê hương ông, Matshushita Konosuke được coi như anh hùng dân tộc nhờ những đóng góp to lớn của ông cho kinh tế Nhật bản sau Thế chiến thứ hai.

Matshushita Konosuke được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật. Ông đã được Nhật hoàng ban tặng Huân chương Hoa Bào đông Mặt trời Mọc loại Dải Lớn (Húc Nhật Đông Hoa Đại Thụ)

Matsushita Konosuke lập công ty năm 1918 (lúc 24 tuổi)lúc đầu chỉ sản xuất những bộ phận nối dây điện, dần dần mở rộng ra các loại đèn điện dùng hằng ngày như đèn xe đạp, đèn bàn, rồi đến các loại đồ điện gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, TV, máy nghe nhạc... Ông làm tổng giám đốc đến năm 1961, làm chủ tịch từ 1961 đến 1973 và sau đó làm cố vấn công ty cho đến khi mất năm 1989.

Do sự lớn mạnh nhanh chóng của công ty và do cá tính đặc biệt của ông, Matsushita được gọi là ông thần của kinh doanh, là người đi đầu trong việc áp dụng một phong cách kinh doanh đặc biệt mà sau đó giới nghiên cứu gọi là phương thức kinh doanh kiểu Nhật Bản. Những năm trước và sau 1960, Matsushita được giới thiệu trên các tờ báo lớn trên thế giới, đặc biệt năm 1962 được chọn là nguời trong năm (Man of the Year) của báo Time.

Điều tôi muốn nói ở đây là phản ứng của dân chúng khi thấy Matsushita Konosuke trở thành người giàu có bậc nhất trong xã hội. Tại Nhật, hằng năm Tổng cục thuế của Bộ Tài chánh công bố danh sách những cá nhân có thu nhập cao (hoặc danh sách những cá nhân nộp thuế nhiều nhất). Từ năm 1954 trở về trước người có thu nhập cao nhất thường là giám đốc những công ty được nhà nước bảo hộ (như than thép) hoặc chủ bất động sản. Nhưng năm 1955 lần đầu tiên giám đốc một công ty chế tạo khởi nghiệp và trưởng thành hoàn toàn bằng sức mình trở thành người có thu nhập cao nhất. Người đó là Matsushita Konosuke.

Hiện tượng này gây phấn chấn trong xã hội Nhật, không những dư luận đánh giá đó là thành quả đương nhiên của năng lực và nỗ lực của Matsushita mà dân chúng Nhật còn xem đó là sự cổ vũ đối với chính mình vì thấy rằng Nhật là một xã hội bình đẳng về cơ hội, cá nhân nào có năng lực và cố gắng bền bỉ nhất định sẽ thành công.

Nhà doanh nghiệp Matsushita đặc biệt được xã hội tôn trọng và tự hàocòn vì hai lý do sau:

Thứ nhất, luôn đặt lợi ích người lao động lên trên hết. Matsushita là công ty đầu tiên áp dụng chế độ làm việc 5 ngày một tuần (từ năm 1965), và có chính sách tăng tiền lương công nhân của công ty lên ngang hàng với Âu Mỹ. Với chính sách đó, năm 1971 tiền lương ở Matsushita đã ngang hàng với Tây Đức (là nước có tiền lương cao nhất Âu châu lúc đó) và năm 1976 tăng cao bằng mức lương ở Mỹ.

Thứ hai, ông có triết lý kinh doanh trước hết vì xã hội, vì đất nước, góp phần đưa Nhật theo kịp Âu Mỹ, và ngoài việc kinh doanh ở công ty, ông còn quan tâm đến hướng đi chung của đất nước, của xã hội, luôn suy nghĩ, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động nhằm góp phần làm xã hội tiến bộ. Tài sản, thu nhập của ông một phần được dùng vào việc lập các quỹ yểm trợ nghiên cứu khoa học, giáo dục, giao lưu quốc tế, hoặc lập trường đào tạo nhân tài cấp lãnh đạo, lập Viện nghiên cứu PHP (phát triển, phồn vinh để xây dựng hoà bình và hạnh phúc)… Ông còn xuất bản rất nhiều sách liên quan đến các vấn đề vừa kể.

Không phải chỉ riêng Matsushita, trong quá trình phát triển, Nhật Bản còn có nhiều nhà kinh doanh khác được xã hội tôn vinh. Một trong những điểm chung của họ là không màng tư lợi mà trước hết là vì sự phồn vinh của đất nước, của dân tộc. Tài sản to lớn mà cuối cùng họ có được là kết quả chứ không phải là mục tiêu của nỗ lực kinh doanh ban đầu. Do đó ta chưa từng nghe ai trong số các nhà doanh nghiệp vĩ đại đó đã có một lối sống hào nhoáng, sang trọng, chưa nghe thấy họ đã tiêu dùng những gì đắt giá nhất thế giới mà chính Nhật chưa sản xuất được.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về sự phân biệt phải trái

    29/12/2008Matsushita KonosukeTôi nghĩ, trong bất cứ việc gì, sự phân biệt phải trái cũng là điều quan trọng. Sống không có chính kiến mà để cuộc sống trôi đi mờ nhạt thì với cả thể xác lẫn tinh thần đều không tốt. Thân thể thiếu sinh khí, khi lại ốm đau, bệnh tật hay lúc lại gặp sự cố gì đó.
  • Suy ngẫm về giá trị sống

    02/03/2015Matsushita KonosukeNếu ngồi ngẫm nghĩ tại sao chúng ta phải làm việc, có người cho rằng nếu không làm việc sẽ không có gì để ăn, nhưng tôi nghĩ không chỉ là như vậy. Không chỉ vì miếng cơm, mà để cho cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn, mọi thứ đều phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Vì vậy, con người phải lao động.
  • Bàn về chữ Dục

    01/03/2014Matsushita KonosukeNhững vấn đề không mấy dễ chịu nảy sinh do con người chìm đắm trong dục vọng về tiền bạc và danh tiếng không phải là hiếm. Ngày xưa cũng vậy, nhưng tôi có cảm giác càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
  • Phải có tấm lòng chính trực

    01/03/2014Matsushita KonosukeTrong kinh doanh có rất nhiều điều quan trọng liên quan tới tâm thể của người kinh doanh nhưng một trong những điều căn bản nhất mà tôi luôn nghĩ đến và gắng sức giữ gìn, đó là một tấm lòng chính trực. Chỉ khi người làm kinh doanh có một tấm lòng chính trực thì những điều mà tôi đề cập trên đây mới thực sự có nghĩa, người làm kinh doanh mà thiếu đi tấm lòng chính trực thì không bao giờ có được sự phát triển lâu dài.
  • Triết lý kinh doanh thực tiễn

    29/01/2010Matsushita KonosukeMuốn kinh doanh bền vững, phải đi từ những điều cơ bản nhất. Trả lời cho câu hỏi: Doanh nghiệp tồn tại vì cái gì? Kinh doanh với mục đích gì và theo cách nào? Matsushita Konosuke – người sáng lập tập đoàn Matsushita, nay là Panasonic, đã triển khai một quan niệm kinh doanh và nhân sinh quan sáng sủa và hiệu quả...