Luận bàn về quản lý: Nhà nước, mô hình tập đoàn và cổ phần hóa
Sau một năm gia nhập WTO, bên cạnh những thành tựu thu được, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn có xuất phát điểm từ điều hành quản lý kinh tế. Giới doanh nghiệp, người dân tiếp tục trông đợi sự chèo lái của Nhà nước nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn ở phía trước. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế khẳng định, để đáp ứng sự trông đợi đó, đã đến lúc cần một sự đổi mới về quản lý Nhà nước...
Nhà nước nên can thiệp đến đâu?
TS Nguyễn Quang A: "Hầu hết các nước trên thế giới đều đang thực hiện chính sách ít can thiệp mà để nền kinh tế tự vận hành. Nhà nước càng can thiệp ít bao nhiêu thì càng tốt cho nền kinh tế bấy nhiêu. Đó là một cách lãnh đạo rất thông minh..."
PGS TS Trần Đình Thiên: "Câu chuyện quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường là việc phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường trong điều hành nền kinh tế. Trước đó, Nhà nước quản trị toàn diện nền kinh tế cũng như xã hội. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng tư nhân đòi hỏi phải phân định lại vai trò trong điều hành nền kinh tế. Sự phân định này càng hiệu quả thì quá trình chuyển đổi diễn ra càng hiệu quả, nền kinh tế phát triển càng năng động.
Có thể nói, Nhà nước ngày càng định rõ và làm đúng chức năng của mình. Thị trường với các chủ thể là các doanh nghiệp cũng đã giành được và làm được những việc của mình. Tuy nhiên, sự phân định này cũng đang gặp không ít khó khăn vì nó liên quan đến lợi ích, năng lực, thói quen của một cơ chế đã tồn tại từ lâu. Cho nên Nhà nước cũng chưa thể dễ dàng bớt can thiệp vào nền kinh tế, vào những việc không phải của Nhà nước. Bên cạnh đó, không chỉ có chuyện quan chức nhà nước cố bám vào đó để hưởng lợi mà sự khó khăn đó còn có liên quan đến những vấn đề khách quan. Ví dụ, các lực lượng thị trường mới nổi cũng chưa thể ngay lập tức đảm nhận được chức năng của mình. Trong bối cảnh mới, Nhà nước còn phải thực hiện thêm chức năng quản trị nền kinh tế thị trường thì đòi hỏi phải có một năng lực mới, cơ chế mới...
Nhìn tổng quát, nền kinh tế có hai việc là tăng trưởng và ổn định thì việc chính của Nhà nước là lo ổn định và hỗ trợ tăng trưởng; việc chính của thị trường là lo tăng trưởng, góp phần làm cho nền kinh tế ổn định. Như vậy, việc của Nhà nước đã rõ, ví dụ như chống lạm phát, làm chính sách cho các thị trường vận hành tốt. Trên nền chính sách đó, doanh nghiệp lo đầu tư tăng trưởng và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, Nhà nước nhiều khi lo tăng trưởng hơn là lo ổn định, ví dụ như lo đầu tư vào đâu, lo kiếm vốn cho các tập đoàn nhà nước, làm chỗ dựa cho các tập đoàn - công việc đáng ra thuộc trách nhiệm chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc chống lạm phát, ổn định môi trường vĩ mô... nhiều khi chưa được quan tâm đủ tầm. Và hệ lụylà sự bất ổn kinh tế vĩ mô, là tâm lý bất an của doanh nghiệp và phân phối nguồn lực không công bằng... ".
TS Võ Trí Thành: "Theo tôi, vai trò của Nhà nước không phải là can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà là tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực như vốn, nhân lực, đất đai... Còn can thiệp bằng cách chỉ bảo doanh nghiệp những công việc quá cụ thể thì cách đó ít ý nghĩa, hơn nữa không ai hiểu hoạt động kinh doanh bằng chính người kinh doanh. Vai trò lớn hơn của Nhà nước là bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô là ổn định xã hội vì bất ổn xã hội thì rất khó có điều kiện hoạt động kinh tế tốt được.
Vấn đề ở đây là nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ một nền kinh tế do Nhà nước dẫn dắt sang một nền kinh tế do Nhà nước tạo môi trường thuận lợi. Việc chuyển đổi đó phải dần dần và đặc biệt vai trò doanh nghiệpNN, đặc biệt là các tập đoàn vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, trong môi trường sôi động, Nhà nước - với tư cách là chủ sở hữu của các doanh nghiệpNN và là một người tạo dựng môi trường, cần nhìn nhận các phương án hoạt động kinh doanh ấy, đánh giá lợi ích và tổn phí của hoạt động ấy xét về dài hạn để có quyết sách tốt nhất cũng như có những giám sát chung đối với các hoạt động, nhất là hoạt động liên quan đến thị trường bất động sản và tài chính".
Nhà nước tập trung vào khâu nào?
TS Nguyễn Quang A. |
TS Nguyễn Quang A: "Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng có một số nguy cơ không nhỏ. Lạm phát cao, là một loại thuế trá hình đánh vào mọi người, nhất là người nghèo - mà Nhà nước cần có công cụ để giải quyết. Các tập đoàn kinh tế nhà nước tập trung quyền lực kinh tế, nhảy vào các lĩnh vực khác có vẻ dễ sinh lời nhưng rất rủi ro. Đó là mối nguy cơ tiềm ẩn lớn đối với nền kinh tế. Đơn cử như chuyện sốt nóng nhà đất hiện nay đang kéo theo hiệu ứng lan tỏa, kéo cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, rất nhiều người đầu cơ đẩy giá nhà đất lên một cách phi kinh tế.
Điều cốt lõi mà Nhà nước nên làm lúc này là phải thực sự bình tâm, nhìn lại và từ bỏ những việc không phải là của mình - Đó là không can thiệp quá nhiều vào các hoạt động kinh tế, không ưu ái cho các tập đoàn nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có quyết tâm và lộ trình cụ thể để tinh giản bộ máy và nâng cao lòng tin của dân và doanh nghiệp...
Còn một vấn đề hết sức quan trọng mà Nhà nước cần làm là hoàn thiện hạ tầng cơ sở, trước tiên là hạ tầng cơ sở pháp lý rồi đến đường sá, cầu cảng, các dịch vụ...
Đồng thời, Nhà nước nên lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, trái ngược nhau, lựa chọn và thử nghiệm các ý kiến đó để tìm được một cách quản lý thích hợp nhất".
PGS TS Trần Đình Thiên: "Hiện nay, trong giai đoạn chuyển đổi, thị trường phát triển chưa đồng bộ, Nhà nước có một chức năng nữa là tổ chức quá trình chuyển đổi và nâng đỡ các lực lượng thị trường phát triển, hỗ trợ để các thị trường hoàn thiện thông qua các cơ chế, công cụ. Việc thứ 2 cũng rất quan trọng của Nhà nước là trong giai đoạn hội nhập, bước ra thế giới, với đội ngũ doanh nghiệp yếu, sức cạnh tranh chưa cao, chưa quen luật lệ quốc tế, Nhà nước phải tổ chức quá trình hội nhập, ví dụ ký kết các hiệp định để quá trình hội nhập diễn ra với tốc độ cao mà không quá nghiệt ngã. Song song là Nhà nước phải giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ví dụ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, tạo cơ hội tiếp thị cho doanh nghiệp, kết nối các khu vực doanh nghiệp lại bằng cơ chế chính sách...
Tất cả những việc liên quan đến ổn định vĩ mô, liên quan đến chính sách phát triển, chính sách ổn định xã hội trong tầm nhìn dài hạn là việc của Nhà nước. Đó là những việc càng ngày càng khó. ở đây có một việc liên quan đến cải cách hành chính và giảm biên chế. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, có nhiều công việc khác hẳn về chất so với trước đây, trong khi năng lực bộ máy chưa kịp thay đổi theo kịp điều kiện mới. Do đó mới có chuyện tồn ứ công việc. Có những thống kê cho thấy hồ sơ nhà đất tồn đọng tới 70%. Bên cạnh đó, áp lực giảm biên chế đã dẫn đến câu chuyện thừa và thiếu của bộ máy hành chính. Điều đó đòi hỏi một bộ máy khác, giảm về lượng nhưng phải tăng về chất. Đặc biệt là tiền lương, Việt Nam đang thực hiện chế độ tiền lương không theo công việc mà theo đầu người và thang bậc. Không hề có quan hệ hữu cơ nào giữa công việc và tiền lương. Do đó, không ai giải quyết công việc dựa trên tiền lương. Nhưng muốn đạt được hiệu quả, cần thay đổi lại nguyên tắc trả lương xứng đáng theo công việc".
TS Võ Trí Thành: "Việc Nhà nước cần tập trung năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là câu chuyện giảm mức giá tiêu dùng, lạm phát mà còn liên quan đến biến động trên thị trường bất động sản, tài chính và chứng khoán... ".
Nên giữ hay buông các tập đoàn?
TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ. |
TS Nguyễn Quang A: "Tổng đầu tư của nhà nước vẫn chủ yếu dành cho các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả nhưng đang tìm cách bành trướng, lấn sân sang những lĩnh vực có vẻ "dễ ăn (xổi)" như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Điện thiếu, nhưng ngành điện bành trướng sang ngân hàng, bất động sản... Các tập đoàn này có thể là những quả bom nổ chậm đối với nền kinh tế, chứ chưa chắc đã là những quả "đấm" như người ta kỳ vọng. Tôi e rằng trong vòng 5-7 năm tới chúng ta sẽ có thể phải hứng chịu những hậu quả khó lường. Hiện tượng phải dùng tiền ngân sách để giải quyết vấn đề nợ, để xóa nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệpNN trong những năm qua mà bây giờ cũng chưa được giải quyết triệt để phải là bài học đắt giá chocác nhà hoạch định chính sách. Nếu không khéo chúng sẽ trở lại với mức độ trầm trọng hơn. Theo tôi, Nhà nước nên thúc đẩy quá trình tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước càng nhanh càng tốt".
PGS TS Trần Đình Thiên: "Cách tổ chức các tập đoàn kinh tế như hiện nay có nguy cơ sẽ làm cho thị trường méo mó, hiệu quả giảm, khi thị trường mở ra sẽ rất nguy hiểm. Một thực tế hiện nay là các tập đoàn kinh tế nhà nước đang nhận được sự yểm trợ quá lớn của nhà nước thông qua sự ưu ái về nguồn lực tài chính, về cơ hội đầu tư... khiến khu vực tư nhân bị đẩy ra ngoài những cơ hội lớn, kìm hãm sự tăng trưởng của khu vực này. Trong khi đó, khu vực tư nhân tạo việc làm nhiều nhất, sử dụng vốn hiệu quả nhất - hai yếu tố rất quan trọng cho một nước nghèo đi lên thì phải giành cơ hội cho tư nhân.
TS Võ Trí Thành: "Chúng ta nên cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ rất ít những doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước cần phải giữ vốn 100%. Ngay cả những doanh nghiệp nhà nước hiện đang giữ vốn trên 51% thì cũng nên xem xét lại. Cái quan trọng đằng sau cổ phần hóa là chúng ta hướng tới hai mục đích tối thượng:nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp đó và tạo tác động lan tỏa của doanh nghiệp đó với toàn bộ nền kinh tế; thu hút được nhiều lực lượng tham gia vào doanh nghiệp đó để nâng cao kỹ năng quản trị, chất lượng công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực...
GIÁO DỤC VÀ Y TẾ - NHÀ NƯỚC HAY TƯ NHÂN LÀM?
TS Nguyễn Quang A:Theo tôi, ngay cả những lĩnh vực như giáo dục, y tế, Nhà nước cũng không nên tự mình làm mà nên để cho lĩnh vực đó tự vận động. Nhìn ra thế giới, Mỹ không hề có Bộ Giáo dục theo nghĩa như của ta mà Mỹ để cho cộng đồng làm việc đó.
Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn duy trì nền giáo dục do Nhà nước nắm giữ trong khi Nhà nước không còn là nhà sử dụng lao động duy nhất. Theo Tổng cục Thống kê, lao động trong khu vực nhà nước hiện nay khoảng 4 triệu người, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động - một phần rất nhỏ so với 90% còn lại. Đó là lý do mà Nhà nước không nên ôm đồm hết lĩnh vực này.
PGS TS Trần Đình Thiên:Giáo dục, y tế là 2 lĩnh vực Nhà nước phải đóng vai trò chính trong đó. Thứ nhất, hai lĩnh vực này là sống còn cho một đất nước theo nghĩa một bên tạo ra năng lực trí tuệ, một bên tạo ra năng lực thể chất. Nhà nước muốn phát triển nguồn nhânlực chính là phải quan tâm tới hai yếu tố này. Thứ hai, đầu tư cho hai lĩnh vực đó phải được tổ chức lại. Vấn đề giáo dục và y tế đang trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên tư nhân chỉ làm được một số phần việc, còn về đại cục, Nhà nước phải tổ chức hệ thống đó đảm bảo người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ đó. Đây là những việc lâu dài nhưng hết sức cấp bách mà Nhà nước cần phải lo ngay từ bây giờ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng