Lộ thông, tài thông
“Lộ thông, tài thông” là câu nói quen thuộc của thời mở cửa: có đường lộ, con người đi lại thuận lợi, hàng hóa vận chuyển dễ dàng, công việc làm ăn của người dân mới có thể phát triển, của cải vật chất cũng như đời sống người dân mới dồi dào lên. Như vậy muốn phát triển một vùng đất nào đó, việc đầu tiên phải làm là “Lộ” phải thông.
Lộ còn là một từ có ý nghĩa rất sâu rộng bao la hơn nữa. Khái niệm về lộ hiện diện khắp mọi lĩnh vực, từ thiên nhiên đến xã hội và cả con người.
Lộ trong một con người là hướng tư duy, là chọn cách sống, là nghề nghiệp mưu sinh… Lộ của một xã hội, quốc gia là văn hóa của xã hội đó, là đường lối chủ trương chính sách của quốc gia đó… Lộ của đời sống kinh tế là hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy, đường hàng không…), hệ thống thông tin, hệ thống mạng lưới dịch vụ thương mại, hệ thống tài chính tín dụng… Đó là những hệ thống phục vụ cho việc vận hành nền kinh tế xã hội đó.
Có thể nói, từ nhân cách của một con người, trình độ văn minh của một xã hội đến mức độ phát triển của một nền kinh tế đều tùy thuộc vào yếu tố “lộ có thông” ở mức độ nào. Và chính sự sáng tạo đổi mới tư duy của con người hình thành nên các hệ thống “lộ ở mọi lĩnh vực”, có hợp quy luật phát triển hay không.
Như vậy, nếu muốn có được “tài thông” ta phải thông nhiều hệ thống lộ khác nhau và tùy theo tình hình của các nền kinh tế khác nhau chúng ta chọn hệ thống lộ nào thực hiện trước để làm nền tảng xây dựng nên sự thông đạt các hệ thống lộ ở các lĩnh vực khác.
Hệ thống giao thông đường bộ chưa thông
Trước tiên ta có thể bắt đầu bằng sự kiện mọi người cảm nhận, bức xúc nhất và dễ thấy nhất, đó là hệ thống giao thông đường bộ của nước ta. Từ đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho đến những xa lộ nối liền các tỉnh thành, tình trạng ách tắc giao thông xảy ra ở khắp mọi nơi đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân. Để có một cái nhìn bao quát và tìm nguyên nhân của vấn đề này, chúng ta có thể nhận dạng các nguyên nhân sau:
- Hạ tầng cơ sở vật chất phát triển chậm và không đồng bộ theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Bộ, ngành và lãnh đạo địa phương không đánh giá đúng tốc độ phát triển cũng như nhu cầu xây dựng mới hệ thống giao thông, từ đó không có một sự quy hoạch đủ tầm vóc cho ngành giao thông.
- Những luật lệ và quy định hành chính liên quan đến ngành giao thông luôn bất cập với yêu cầu. Đường cao tốc, đường quốc lộ bị đối xử như đường phố, người dân có quyền xây nhà ở, hàng quán dọc theo hai bên đường, người đi bộ, mọi phương tiện giao thông (xe chở hàng các loại xe con, xe hai bánh, xe không động cơ…), thậm chí súc vật cũng cùng di chuyển chung một con đường, từ đó làm ảnh hưởng đến tốc độ giao thông, đồng thời dễ tạo ra nhiều tai nạn.
- Tinh thần tôn trọng luật giao thông của người dân không cao. Việc xử phạt giao thông đáng lẽ nhằm giáo dục tinh thần tôn trọng luật pháp đã bị một số người biến thành phương tiện làm ăn trục lợi riêng (xe chở vượt tải trọng, bắn tốc độ, cân xe, v.v…). Những tiêu cực trong giao thông đã trở thành thông lệ, quy ước ngành nghề, người sử dụng phương tiện, người quản lý giao thông cùng nhau phạm pháp, cùng nhau nuôi sống cho nhau, đã trở thành loại “văn hóa” của nền kinh tế xã hội chúng ta.
Thật ra những hiện tượng nêu trên chỉ là hệ quả của các nguyên nhân sâu xa hơn. Đó là vị trí, vai trò, chức năng của mạng lưới giao thông của chúng ta hiện nay được xây dựng trên một nền tảng của một nền kinh tế xã hội thời quá khứ, là nền kinh tế nông nghiệp mà người dân sống bám vào ruộng vườn. Tiếp theo đó là thời kỳ các tuyến giao thông đều phục vụ cho mục tiêu khai thác tài nguyên của thực dân Pháp. Kế đến là 20 năm chiến tranh ác liệt, mà mỗi bên đều xây dựng đường giao thông nhằm mục tiêu tạo nên lợi thế quân sự, ổn định dân cư trong vùng chiếm đóng của mình, đường giao thông có chức năng phục vụ chiến tranh hơn là cho phát triển kinh tế xã hội.
Đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định, vì sẽ quyết định những yếu tố quan trọng khác như: (1) Sự phân bổ dân cư, mạng lưới an sinh xã hội, y tế giáo dục, v.v…; (2) quyết định cơ cấu và phân vùng kinh tế, đồng thời cũng chỉ ra vùng nào ưu tiên phát triển, là bộ xương của nội dung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và (3) là cơ sở của các hệ thống khác như hệ thống đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bến cảng, cửa khẩu, sân bay, hệ thống cấp năng lượng, thông tin, cấp nước, thoát nước, v.v…
Hệ thống giao thông đường bộ như móng nhà, sự phát triển kinh tế xã hội phải dựa vào nền móng này xây lên. Nếu không sẽ bị đổ vỡ.
Hệ thống giao thông đường bộ như móng nhà, sự phát triển kinh tế xã hội phải dựa vào nền móng này xây lên. Nếu không sẽ bị đổ vỡ. Ảnh: mofahcm.
Từ thực tế của Đồng bằng sông Cửu Long
Sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo từng kế hoạch năm năm. Mỗi kế hoạch năm năm đều có xây dựng thêm đường giao thông mới. Nhưng rất tiếc là từ đó đến nay các đường giao thông đa số đều xây dựng trên nền tảng của hệ thống giao thông cũ. Đáng lý ra chúng ta phải phác họa, quy hoạch một hệ thống giao thông đường bộ mới, theo mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với một cơ cấu kinh tế xã hội mới, phù hợp với thời đại chúng ta làm chủ đất nước.
Trên cơ sở hệ thống này chúng ta có kế hoạch bố trí lại dân cư, đổi thay thói quen sống theo tuyến giao thông thành cụm dân cư. Từ đó nối hệ thống đường cũ vào hệ thống mới, như thế sẽ tránh được việc phải cải tạo mở rộng đường, phải di dời, giải tỏa. Trên những tuyến quốc lộ, liên tỉnh lộ, v.v… chúng ta có những đường ngang dẫn đến các cụm dân cư, thị trấn gần đó, như vậy chúng ta không còn vấn nạn dân cư dọc tuyến chạy suốt như hiện nay.
Từ lập luận nêu trên, chúng ta xem xét và thử phác họa một hệ thống giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh với 18 triệu dân trên 40 ngàn km2); nơi được coi là có nhiều cái “nhất” trong cả nước: Vùng sản xuất nông nghiệp nhất nước, xuất khẩu gạo nhất nước, xuất khẩu thủy hải sản nhất nước. Nhưng điều nghịch lý là Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng có trình độ giáo dục kém nhất nước (học sinh bỏ học nhiều nhất) và mạng lưới giao thông tệ nhất nước.
Hệ thống giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long không đáp ứng được yêu cầu. Từ TP. Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ chỉ 170km nhưng phải mất bốn giờ xe (do nạn kẹt đường, hạn chế tốc độ). Thị xã Vị Thanh là trung tâm hành chính kinh tế văn hóa của tỉnh Hậu Giang, vị trí là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại kém phát triển nhất, vì hệ thống giao thông cũ đã biến nơi đây thành vùng sâu vùng xa.
Với kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 2 tỉ USD, Đồng bằng sông Cửu Long nếu có được một hệ thống giao thông tốt, nguồn nguyên liệu nông sản trên có thể đưa nhanh đến cơ sở chế biến, hay thị trường tiêu thụ thì giá trị gia tăng của nó có thể tăng thêm 20%. Chỉ riêng khoản tiền này cũng đủ cho thấy một hệ thống giao thông đường bộ mới là cần thiết biết bao.
Nhìn từ bản đồ của Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta có thể xây dựng một đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau theo hướng tuyến ngắn nhất (khoảng 250km - 280km) với tốc độ cho phép là 120km/giờ, sau đó nối các tuyến đường hiện có với trục cao tốc này. Tiếp theo là xây dựng các tuyến đường đến các trung tâm sản xuất và đầu mối giao thông thủy của các tỉnh, đồng thời qua đó xây dựng nên các cụm dân cư, thị trấn mới… để chuẩn bị cho sự tái bố trí dân cư với một cơ sở hạ tầng xã hội đầy đủ (y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa, thể thao…).
Mặt khác cần quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy kết hợp với công tác thủy lợi và bảo vệ môi trường mặt nước thiên nhiên. Những dòng sông không phải là tuyến giao thông thủy thì không được sử dụng phương tiện ghe thuyền cơ giới để bảo vệ sinh thái cho các loài thủy sản. Như vậy vùng Đồng bằng sông Cửu Long không những sẽ phát triển nhanh về kinh tế, một nông thôn mới sẽ xuất hiện, mà còn giữ gìn được môi trường thiên nhiên. Và từ mô hình thí điểm này chúng ta có thể có bài học cho cả nước.
Ý tưởng xây dựng một hệ thống giao thông đường bộ mới làm nền tảng cho một chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thế kỷ XXI không phải là vấn đề khó, vì bài học đó đã có sẵn ở các nước đã phát triển. Ở nước ta, “lộ không thông” không phải do thiếu tiền, mà do ách tắc trên hệ thống “lộ tư duy”.
Nếu đã thông được hệ thống này thì không những ta có được hệ thống giao thông mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta, mà mọi ách khác sẽ tự nó thông suốt. Điều này như bài toán thiếu lương thực của 20 năm trước, chỉ cần thừa nhận điều sai để mạnh dạn đổi mới là mọi “hệ thống lộ” nêu trên đều mở ra, nền kinh tế nước ta sẽ bước lên một tầm cao mới trông thấy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh