Bắt đầu từ nhà chức trách công
Công sức, tiền bạc đã được đổ nhiều cho những gì gọi là cần thiết, từ làm luật, tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức tự giác trong ứng xử, đến mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng hoàn thiện bộ máy kiểm soát, trấn áp, răn đe. Nhưng rồi giao thông công cộng vẫn mang bộ mặt nhếch nhác, hỗn độn và chứa đầy bất trắc, rủi ro.
Rất nhiều người nói rằng giao thông công cộng mất trật tự và không an toàn chủ yếu là do đa số chủ thể dù sống ở thành thị nhưng vẫn theo nếp sinh hoạt đặc trưng của nhà quê: cứ thấy đường công cộng là đi, chẳng cần để ý đến chuyện phải hay trái, thuận chiều hay ngược chiều, lề đường hay lòng đường,…
Nhìn bề ngoài, điều này đúng. Vấn đề là người nhà quê khi đi lại trên đường quê chẳng bao giờ bận tâm tới chuyện làm đúng hay không đúng luật; trong khi đó, rất nhiều (nếu không muốn nói là phần lớn) người thành thị, khi đi ngược chiều, vượt đèn đỏ hay lấn làn đường dành cho xe khác, đều hiểu rằng mình đang phạm luật. Biết sai mà vẫn làm, đó chắc chắn không phải là hệ quả của việc nền nếp duy trì tư duy ao làng trong đầu người thành thị.
Tất nhiên, không ai dại gì rước hoạ về cho mình. Nếu cầm chắc, thậm chí chỉ cần mang nhiều nghi ngại rằng mình sẽ bị phạt, thì người ta sẽ không dám vi phạm luật pháp. Nói cách khác, có quá nhiều người không tôn trọng luật giao thông, vì vẫn còn phổ biến niềm tin… vào tính không hữu hiệu của luật.
Một cách duy lý, một trong những biện pháp có tác dụng góp phần đẩy lùi niềm tin tiêu cực đó là tăng nặng việc chế tài và tăng cường bộ máy kiểm tra, xử phạt; cứ đánh mạnh vào túi tiền, thì người ta sẽ không còn dám vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều. Song, điều chắc chắn là chẳng có nhà nước nào đủ điều kiện, phương tiện vật chất để đặt tai mắt ở khắp nơi, mọi lúc nhằm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ luật giao thông của công dân. Vả lại, chẳng có nhà nước nào lành mạnh mà dựa chủ yếu vào vũ lực để quản lý xã hội.
Ở các nước có nền văn hoá pháp lý lâu đời, người ta nói rằng muốn pháp luật được tôn trọng một cách phổ biến, nghĩa là bằng ý thức công dân tự giác, thì trước hết nhà chức trách công phải nêu gương.
Cụ thể, có một nguyên tắc thống trị trong xã hội thượng tôn pháp luật và trực tiếp chi phối thái độ ứng xử của người nắm quyền lực công, với tư cách là người cầm trịch cơ chế áp dụng pháp luật. Đó là chỉ có một hệ thống quy tắc ứng xử dành cho tất cả các thành viên trong xã hội, không phân biệt người lãnh đạo quốc gia hay người dân thường, người giàu hay người nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ.
Áp dụng nguyên tắc đó vào lĩnh vực giao thông công cộng, thì tất cả mọi người đều phải dừng lại trước đèn đỏ, phải xếp hàng khi qua phà, phải đi đúng chiều. Có thể trong trường hợp đặc thù, khi cần bảo vệ một lợi ích lớn và chính đáng, xã hội chấp nhận cho chủ thể bỏ qua nguyên tắc. Ví dụ, để chữa cháy khẩn cấp, cứu một người bệnh thập tử nhất sinh, xe cứu hoả, cứu thương có thể vượt đèn đỏ, ưu tiên qua phà. Người ta nói rằng khi đó, xe được hưởng đặc quyền. Để tránh bị lạm dụng, đặc quyền phải được ghi nhận rành mạch trong luật. Vả lại, đặc quyền phải được thừa nhận như nhau cho tất cả mọi người rơi vào hoàn cảnh được luật dự kiến: xe cứu thương được phép vượt đèn đỏ, dù nằm trên đó có thể chỉ là một người đi ăn xin…
Trong hệ thống đang vận hành, đặc quyền trong giao thông công cộng, trong phần lớn trường hợp không phải gắn với tình huống ngặt nghèo cần bảo vệ lợi ích chính đáng, mà gắn với chức vụ công; nó trở thành vật trang sức không thể thiếu đối với rất nhiều người nắm quyền lực, giúp phân biệt người ngồi chiếu trên với các thành phần xã hội còn lại. Không ít quan chức không muốn dừng lại trước đèn đỏ, không muốn xếp hàng chờ qua cầu, phà, không phải vì đang phải gấp rút thực hiện một sứ mạng công vụ. Đơn giản, họ cảm thấy bị coi thường khi phải trà trộn trong cộng đồng thường dân, phải xếp hàng đi lại trên đường theo cung cách của thường dân, nghĩa là theo luật chung. Tập hợp các đặc quyền gắn với chức vụ tạo thành một thứ luật riêng dành cho quan chức, đẩy luật chung ra khỏi thế giới của họ.
Trong điều kiện chính người có quyền làm ra luật trong giao thông công cộng là người đầu tiên tìm cách vô hiệu hoá luật, việc người dân thường không tuân thủ luật thực ra chỉ là sự bắt chước tự nhiên, phù hợp với logic của mối quan hệ giữa người quản lý và người được quản lý.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh