"Lẽ thường" và "lẽ biến" trong đời nhà giáo
Một cuộc cải cách giáo dục tử tế sẽ phải giúp cho nhà giáo sống có chất lượng nhất toàn bộ những ngày lao động bình thường của đời mình.
Mỗi năm có một ngày để nhà giáo được vinh danh, đó là ngày 20 tháng 11, có tên gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng mỗi năm có 364 ngày không phải là ngày 20-11. Riêng năm nhuận khi ở Hoa Kỳ người ta đi bầu Tổng thống, thì thêm một ngày, thành 365, nhưng vẫn chẳng thêm một ngày 20-11 nữa!
Nên mới có câu hỏi này: Trong cả năm, suốt mấy trăm ngày ấy, nhà giáo sống và làm việc một cách bình thường; vậy thế nào là bình thường đối với họ? Và những lời kêu gọi "hãy sáng tạo" có giá trị tới đâu với các nhà giáo?
Sáng tạo là điều rất khó
Trước hết, có lẽ cần nhìn rõ mối quan hệ công việc giữa nhà giáo với tư cách người đứng lớp dạy học, nhà giáo với tư cách nhà nghiên cứu. Gộp chung lại nhà giáo thuộc về lớp người của xã hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Đó là khoa học giáo dục, một khoa học sâu xa ảnh hưởng đến vận mệnh trăm năm của dân tộc và đất nước.
Tuy vậy, phân định cho kỹ, ta sẽ thấy cái bộ phận "giáo giới" đó không hoạt động nhất loạt như nhau. Nó được chia thành hai tầng: Một tầng làm công việc nghiên cứu khoa học và một tầng làm công việc ứng dụng kỹ thuật dạy học. Hai "tầng" này có thể được phân chia ra theo tổ chức nằm bên ngoài mỗi nhà giáo (cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục và các nhà giáo còn lại) và phân chia theo cơ cấu nội tại bên trong mỗi giáo viên (mỗi người vừa dạy học vừa tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục).
Người giáo viên dạy giỏi là người có trình độ dạy đúng cộng với trình độ am tường cái "tại sao" của sự dạy đúng (Ảnh minh họa)
Tầng thứ nhất, chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học giáo dục, phải chịu sự chi phối có tính quy tắc của nghiên cứu khoa học nói chung, là lĩnh vực bao giờ cũng chỉ chuyên chú vào những hình thái đặc biệt của cuộc sống.
Ở bất kỳ chỗ nào mà nhà khoa học nhận ra có sự "khập khiễng" giữa quan điểm của mình với những quy ước và cách lý giải đã thành hình lâu đời, ở đó có đất cho nghiên cứu khoa học.
Có thể dẫn ra nhiều thí dụ, song chỉ cần hai điều sau là đủ. Trong khi ai ai cũng bảo trái đất hình vuông và đứng im cho mặt trời chạy chung quanh, thì cái sự nghĩ ngược rằng, trái đất hình cầu và tự quay và quay xung quanh mặt trời chính là mảnh đất cho nghiên cứu khoa học.
Thí dụ thứ hai: trong khi tự ngàn đời việc dạy học là giáo viên thì giảng giải còn học trò thì ghi nhớ, thế rồi bỗng dưng có người nghĩ ngợi một cách "khập khiễng", chủ trương việc học không có lời giảng, "lên lớp" mà không "giảng bài", thì chính điều khác thường đó sẽ trở thành đề tài cho nghiên cứu khoa học.
Không riêng trong khoa học, trên địa hạt sáng tác nghệ thuật, tác phẩm mang giá trị đích thực của cái Đẹp bao giờ cũng đi vào những ngóc ngách đặc biệt của đời sống, và bao giờ cũng xa rời khỏi trải nghiệm của cuộc sống thường nhật.
Cuộc sống thường nhật chấp nhận các "hình thù" theo cách nhìn thông thường (hình thù cô Kiều thông thường, hình thù ngôi nhà và cây cầu thông thường, v...v...), nhưng khi có người nghệ sĩ thấy rằng cũng với những "hình thù" đó mà mình có cách nhìn người khác không nhìn ra, khi người nghệ sĩ thấy mình có thể giao tiếp với thế giới bằng cách nói lên cái cách nhìn khác đối với các "hình thù" đó, khi ấy đã có cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật.
Cách làm việc như thế gọi bằng sáng tạo.
Nhà tâm lý học Mỹ đương thời Howard Gardner - sinh năm 1943 - vào năm 1993, đã công bố một công trình nghiên cứu tư duy sáng tạo của con người ta. Để giúp chúng ta lý giải khái niệm sáng tạo, ông đã chọn bẩy con người tiêu biểu: Sigmund Freud, Albert Einstein, Pablo Picasso, Igor Stravinsky, T.S. Eliot, Martha Graham, và Mahatma Gandhi để xem xét đối tượng nghiên cứu ấy.
Những người này là ai, và tại sao tác giả lại chọn những người này để nghiên cứu tính sáng tạo?
Sigmund Freud (1856-1939) là nhà thần kinh học chuyển sang tâm lý học và nghiên cứu về tiềm thức. Tuy thành tích nghiên cứu của Freud có thể đóng góp vào việc chữa bệnh, vào dạy học, vào sáng tác nghệ thuật ... song nó vẫn không áp đặt mình như một lý thuyết độc tôn.
Albert Einstein (1879-1955) là nhà vật lý học lý thuyết, là người có cách thức đột phá trong việc xác định lại hoàn toàn các khái niệm thời gian, không gian và ánh sáng. Pablo Picasso là họa sĩ người Tây Ban Nha (1881-1973), người đã từng bước làm lan tỏa phong cách hội họa lập thể, khiến cho con người hiện đại có cách nhìn hoàn toàn thay đổi đối với cái đẹp.
Igor Stravinsky (1882-1971) là nhà soạn nhạc người Nga, người đã tạo ra một loạt tác phẩm hoành tráng kích thích rất nhiều tranh cãi, nhất là Lễ đăng quang ngày xuân, và sau đó là Chuyện người lính và Lễ cưới. T.S. Eliot (1888-1965) là nhà thơ người Saint-Louis, chuyển qua sinh sống ở châu Âu và thế rồi lại sớm chiếm lấy vị trí một gương mặt văn học quan trọng của Anh quốc.
Còn Martha Graham (1894-1991) là một nữ vũ công, người sớm tạo ra được một hình thức nhảy múa hiện đại mang rõ nét riêng của mình. Và cuối cùng là Mahatma Gandhi (1869-1948), nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của Ấn Độ, người sáng tạo ra những phương pháp mới mẻ đấu tranh không bạo lực và phát động ở Ấn Độ một cuộc cách mạng không bạo lực có ảnh hưởng rộng rãi ra nhiều nước khác trên thế giới.
Nếu căn cứ theo những gì bộc lộ ở bảy nhân vật tiêu biểu trên, thì sáng tạo là một năng lực vô cùng đặc biệt. Một công trình sáng tạo của một con người sáng tạo có thể giúp người đời nhận rõ một khúc đứt gẫy giữa hai giai đoạn lịch sử.
Nhà giáo Phạm Toàn
.
Sự khác nhau đó thể hiện ở lối tư duy khác hẳn, phương pháp làm việc khác hẳn, và thành tựu đem lại cho đời khác hẳn. Thật vậy, nếu ta lấy "sáng tạo" làm bản lề, thì trước nó và sau nó con người suy nghĩ hoàn toàn khác; trước nó và sau nó con người cũng có cách làm ăn hoàn toàn khác; trước nó và sau nó con người được hưởng thụ những sản phẩm hoàn toàn khác.
Lẽ thường trong đời nhà giáo
Trong cuộc đời bình thường hàng ngày của nhà giáo, chúng ta không nên và không thể trông đợi sự "sáng tạo" theo khái niệm chính cống của nó.
Xét trên cương vị là những "kỹ thuật viên" của toàn bộ "công xưởng" giáo dục, xã hội chỉ nên và cũng chỉ có thể đòi hỏi mỗi người giáo viên (trong tư cách một người công chức) hãy thực thi cho đúng bản thiết kế dạy học. Bản thiết kế dạy học là quy phạm bắt buộc từng giáo viên phải thực hiện.
Phải có những nhà nghiên cứu giáo dục giỏi thì mới tìm ra và quy định được ở bản thiết kế dạy học đó những quy phạm đúng nhất về mặt khoa học và giản dị nhất về cách thực thi. Lấy một ví dụ so sánh, đó là việc nghiên cứu thiết kế cái ô tô càng ngày càng tốt và việc sử dụng cái ô tô đó hàng ngày.
Những bản thiết kế này tương tự như những quy phạm chạy máy trong một xí nghiệp, hoặc đúng như là những "bản thiết kế" trong xây dựng hoặc lắp đặt máy. Những bản thiết kế như vừa đề cập có tầm quan trọng vô cùng lớn. Đó là cả một tầm nhìn được gửi vào trong chuỗi việc làm của thầy và trò. Đó là những việc làm chi tiết nhưng không vụn vặt thể hiện được tầm nhìn hiện đại hóa. Những bản thiết kế đó, thông qua thực tiễn, được lý giải kỹ càng về lý luận, sẽ đi thẳng vào các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (các trường sư phạm) để trở thành chương trình đào tạo chính thức của các cơ sở này.
Thực hiện đúng bản thiết kế sẽ tạo ra kỹ năng dạy đúng gần như đồng loạt cho các giáo viên. Giữa hiện tượng đồng loạt đó, cách phân biệt sự khác nhau giữa một giáo viên dạy đúng bình thường, một giáo viên dạy giỏi, với một giáo viên hăm hở tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục, là ở trình độ am hiểu về lý thuyết đối với các bản thiết kế mang tính thực hành kia.
Nói cho dễ hiểu, người giáo viên dạy giỏi là người có trình độ dạy đúng cộng với trình độ am tường cái "tại sao" của sự dạy đúng, để từ đó tự mình dạy đúng hơn, nuột nà hơn, do đó mà cũng có thể gọi là "sáng tạo" hơn.
Cốt lõi tay nghề đó của người giáo viên nằm trong cách dạy đúng, và tay nghề đó không bắt nguồn từ "nghệ thuật sư phạm" mang những "ngón nghề" bí hiểm, nó được quy định bởi sự am tường cách học của trẻ em. Việc nghiên cứu cách học của học sinh phải là kỷ luật khoa học của nhà khoa học giáo dục và của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục.
Cuộc sống là như vậy: Quanh năm có một lần Tết thôi, như cụ Tú Xương nói, "Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết; Kiết cú như ai cũng rượu chè". Còn lại là những ngày thường không Tết. Quanh năm là những ngày dạy học bình thường, chỉ có 20-11 mới có một chút thay đổi, mà điều không bình thường nhất hôm đó là nghỉ dạy học, nghỉ công việc tạo nên lẽ sống bình thường của nhà giáo.
Một cuộc cải cách giáo dục tử tế sẽ phải giúp cho nhà giáo sống có chất lượng nhất toàn bộ những ngày lao động bình thường của đời mình. Những ngày không thể có cả trăm phần trăm nhà giáo lao vào "sáng tạo", theo cách nói cửa miệng, là hời hợt và dễ dãi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])