Nguyễn Mạnh Tường - Nhà giáo mẫu mực và tài năng

03:53 CH @ Thứ Bảy - 01 Tháng Tám, 2009

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16-9- 1909 tại phố Hàng Đào, thành phố Hà Nội. Ông mất năm 1997, hưởng thọ 88 tuổi. Quê ông ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Từ nhỏ, Nguyễn Mạnh Tường đã thông minh khác thường và rất chăm học. Cha của ông, cụ Nguyễn Căn Cát một người hết sức chú ý việc học của con từ tấm bé.

Ở Trường trung học An-be Sa-nô (Albert Sarraut), tại Hà Nội, học cùng các bạn học người Pháp, từ lớp một đến lớp mười, Nguyễn Mạnh Tường đều xếp thứ nhất, mặc dù cậu đã học nhảy hai lớp.

Tốt nghiệp Tú tài Triết học loại ưu ở tuổi 16, Tường được nhận học bổng đi du học ở Pháp. Chỉ 3 tháng sau khi nhập học tại Đại học Montpellier (trường này nổi tiếng có truyền thống lâu đời nhất nước Pháp), Nguyễn Mạnh Tường đã đạt được “Certificat de la Littérature Francaise” (Chứng chỉ Văn chương Pháp), làm cho nhiều giáo sư và bạn bè phải kinh ngạc. Lúc ấy đã có không ít sinh viên Pháp và nước ngoài ở trong trường này phải thi lại hai, ba năm mới được chứng chỉ đó.

Một số thầy người Pháp bấy giờ khuyên Tường nên học tuần tự, không nên học quá nhanh. Phải vâng lời thầy, cậu miệt mài tự học và đọc ở nhiều thư viện. Đồng thời, cậu đăng ký học thêm tiếng Hy Lạp, La-tinh, Ngữ văn học và biến chuyển ngôn ngữ qua các thời đại.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường đỗ Cử nhân loại ưu Văn học cổ điển, nhưng không được học tiếp Thạc sĩ văn chương, vì cấp học này chỉ dành riêng cho sinh viên Pháp, không tiếp nhận “dân thuộc địa”. Cảm mến tài đức của cậu, nhiều giáo sư Pháp tận tình giúp đỡ cậu học thẳng để lấy bằng Tiến sĩ Văn chương Nhà nước Pháp.

Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường 22 tuổi, đoạt cả hai bằng Tiến sĩ Nhà nước Pháp, Tiến sĩ Văn chương và Tiến sĩ Luật, lại đậu thủ khoa, với nhận xét ngợi khen của toàn ban giám khảo. Đó là sự kiện lịch sử chưa từng có trong nền giáo dục đại học và văn chương nước Pháp. Hiện tượng Nguyễn Mạnh Tường đã gây chấn động dư luận Pháp. Báo chí Pháp cả một thời liên tiếp ca ngợi trí tuệ Việt Nam: Nguyễn Mạnh Tường, một người Việt Nam 22 tuổi đã đoạt hai bằng: Tiến sĩ Văn chương, Tiến sĩ Luật ngay trên đất nước Pháp! Song lúc đó, duy chỉ có Clément Vautrel, trong một bài bình luận trên tờ Le Journal, ông ta vừa khen ngợi vừa cay đắng cảnh báo rằng:

“Người Pháp hãy nên thận trọng, để người Việt Nam được học và học giỏi như thế, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”

Sau khi đỗ đạt, ngay trong năm đó (1932), Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường trở về Tổ quốc. Nhưng thực dân Pháp không dùng ông. Thế là ông đành trở lại Pháp, vì ở Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường không xin được việc làm. Đến Pháp, lần này Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã sang nhiều nước khác ở châu Âu, như Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bỉ, Đức, Áo, Hung để nghiên cứu văn học, luật học. Sau 5 năm du khảo châu Âu, qua nhiều quốc gia, ông tiếp thu được nhiều kiến thức mới. Sau này, ông viết một loạt tác phẩm nổi tiếng (bằng tiếng Pháp) hồi bấy giờ: “Sourira et larmes d’une jeunesse” (Nụ cười và giọt lệ của một thanh niên), “Pierre de France” (Đá tảng Pháp), “Appren tissage de la Méditerrannée” (Học tập gì ở các nước Địa Trung Hải), “Le voyage et le sentiment" (Cuộc du hành và tình nghĩa).

Năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường về nước. Chính quyền Pháp ở Đông Dương lúc đó mời ông dạy văn học Pháp và châu Âu tại Trường Bưởi (sau này đổi thành Trường Chu Văn An) và Trường Đại học Đông Dương.

Năm 1942-1945, ông mở Văn phòng Luật sư tại số 77 Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường và gia đình ông đi theo kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông tiếp tục dạy lớp dự bị đại học ở Thanh Hoá và được cử làm luật sư của Chính phủ ta đi bào chữa cho các tù chính trị tại các toà án đại hình và toà án quân sự, mỗi tháng đi một tỉnh bằng xe đạp, qua nhiều đoạn đường nguy hiểm “cái chết kề bên”.

GS.TS. Nguyễn Mạnh Tường được Hồ Chủ tịch cử vào Đoàn Chính phủ dự Hội nghị đàm phán Việt - Pháp tại Đà Lạt cùng GS. Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền... vào năm 1946, trước cuộc kháng chiến bùng nổ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trưởng đoàn.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử nhiều lần đi dự các hội nghị quốc tế: thành viên Đoàn Chính phủ ta tham gia Hội nghị Bảo vệ hoà bình (Bắc Kinh, 1952); Đại hội Thế giới hoà bình (Viên, 1953); Trưởng đoàn ta đi dự Hội nghị Luật gia dân chủ thế giới (Brúcxen). Tại Brúcxen, đoàn ta đã thuyết phục được hội nghị các luật gia quốc tế ra Nghị quyết ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam vì hoà bình.

Từ 1954 đến 1970, GS.TS. Nguyễn Mạnh Tường giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và làm việc tại Viện nghiên cứu Giáo dục. Nghỉ hưu, Giáo sư dạy tiếng Pháp tại nhà và viết sách. Ông đã hoàn thành 18 tác phẩm (14 cuốn sách bằng tiếng Pháp, 4 cuốn bằng tiếng Việt).

Năm 1989, ở tuổi 80, Giáo sư được mời sang Pháp và được Trường Đại học Tổng hợp Paris VII mời diễn giảng trọn một ngày về kinh nghiệm học tập và phương pháp học cho toàn trường.

Về nhà giáo mẫu mực và tài năng GS.TS. Nguyễn Mạnh Tường, trên Tạp chí Xưa và Nay, số 33 (1996), GS.TS. Trần Văn Hà nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi và thú y, một trong những học trò thành đạt của ông, đã nói về ông như sau:

“Nhiều thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam đã được Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường truyền thụ cho kiến thức văn học Pháp, tư duy triết học Pháp, La Mã, Hy Lạp đặc biệt là tính logic của tư duy triết học Montaigne, Rousseau. Về phương pháp dạy và học, Giáo sư cũng truyền thụ cho phương pháp sư phạm mới của Rabelais, Montaigne, Rousseau gắn học với hành, phát huy tính tích cực chủ động, óc suy xét, phê phán, sáng tạo của người học. Phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm nhân vật trung tâm mà Rousseau, rồi Freinet nhà sư phạm Pháp đầu thế kỷ XX đề xướng, hiện đang là một chủ đề tranh luận sôi nổi trong hệ thống giáo dục đào tạo của ta (Tôi nhấn mạnh - BVV)...”.

Như vậy, “Phương pháp dạy học tích cực” đang được coi là mới ở nước ta hôm nay, đã được nhà giáo dục nổi tiếng GS.TS. Nguyễn Mạnh Tường đề xuất từ 60 năm về trước.

Rồi nhân ngày sinh nhật của mình, trước những học trò cũ đều trên tuổi thất thập cả, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường tâm sự về động lực của thành công, chốt lại mấy điều cốt yếu; ông nói:

“1. dưới chế độ cũ, học sinh Việt Nam trong trường Pháp bị phân biệt đối xử rất bất công. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc luôn luôn thúc đẩy tôi phải vượt hơn hẳn họ để họ không dám coi thường... (cũng chính điều đó) đã đưa tôi và gia đình quyết đi theo cả hai cuộc kháng chiến đến cùng.

2. Tôi rất chăm, không bỏ mất một buổi học nào ở lớp, học thầy, học bạn. Điều hết sức quan trọng và quyết định đỉnh cao là tự học, ra thư viện, đọc rất nhiều, phát huy óc xét đoán, phê phán. Xác định mục tiêu, quyết tâm vượt mọi gian khổ, làm đều, làm đều là bí quyết của thành công.

3. Tôi rất yêu nghề, yêu các bạn trẻ, rất vui khi đến lớp và thấy được rõ trách nhiệm của mình đối với tương lai của các em trong mỗi buổi học”.

Gần 90 tuổi đời, đã nghỉ dạy học hơn 30 năm, thầy Nguyễn Mạnh Tường vẫn mạnh khoẻ, trí nhớ1) vẫn tốt, đôi mắt vẫn sáng, lối nói dứt khoát, hùng biện không khác xưa là bao, tuy dáng đi có chậm chạp và lưng hơi còng. Trên bàn làm việc của ông 2), bản thảo vẫn tiếp tục được viết ra và ba công trình nghiên cứu về giáo dục, bi kịch và thơ ca Hy La cổ và châu Âu thời ánh sáng khá đồ sộ vừa ra mắt bạn đọc.

Tác phẩm:

I - 14 tác phẩm bằng tiếng Pháp
. Trong đó:

  1. Construction de l'Orient (1937)
  2. Sourires et Larmes d'une Jeunesse (1937)
  3. Pierres de France (1940)
  4. Apprentissage de la Méditerranée (1940)
  5. Le Voyage et le Sentiment (1940)
  6. Một Cuộc Hành Trình (1955)
  7. Un Excommunité-HàNội: 1954-1991: Procès d'un intellectuel (Kẻ bị khai trừ-HàNội 54-92:bản án một người trí thức) Quê Mẹ Paris xb 1992
  8. ...

II- Tác phẩm bằng tiếng Việt

  1. Lý luận giáo dục châu Âu từ Erasme tới Roussean thế kỷ XVI, XVII, XVIII. H. KHXH, 1994.
  2. Esshyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp. H. Giáo dục, 1996.
  3. Virgile, nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại(bản nông thi ca, anh hùng ca) - H.KHXH, 1996.

1) Ông mất ngày 13/6/1997 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Ông được Nhà nước công nhận là "Một trí thức yêu nước đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam"

2) Kể từ năm 1956 đến cuối đời, sự nghiệp của ông có nhiều chông gai, trắc trở. Trong số ra mắt ngày 20/9/1956, ông đã trả lời phỏng vấn tòa báo Nhân Văn"Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ". Ngày đó, ông đã nêu hai nguyên nhân khiếm khuyết về dân chủ thời bấy giờ:

- Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, và yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.
- Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân ông trên đất nước, do đó chưa tranh đấu đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa, ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng.

Cùng với bài phát biểu góp ý phân tích và chỉ ra phương hướng tránh sai lầm trong tổ chức Cải cách ruộng đất ngày 30/10/1956 tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ông đã bị tước hết các chức vụ và danh vị nghề luật cho đến lúc mất.Dù cuộc đời mình trải nhiều thăng trầm, song nhìn lại, ông tự bạch: "Tôi hoàn toàn thoả mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm giáo sư văn chương phương Tây thì tôi đã là giáo sư. Tôi mơ trở thành trạng sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là trạng sư. Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi với người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được những nỗi niềm của người dân bình dị".

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Để có lớp trí thức xứng đáng

    12/05/2018Hoàng TụyThời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.
  • Cách mạng tháng 8 và người trí thức

    02/09/2016Mai ThụcKỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” tuổi 63, người trí thức bừng tỉnh trước nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu diễn ra trên đất nước ta như một cơn lốc xoáy. Rất lâu rồi, bây giờ mới có những hội thảo, những chuyên đề về vai trò của trí thức. Mọi người đồng thanh xác định vị trí của trí thức trong các ngành...
  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Trí thức và nhận thức pháp quyền

    30/10/2015B. A. Kistiakovski - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchMột số người cho rằng pháp luật chỉ có giá trị tối thiểu về đạo đức, một số khác lại cho rằng cưỡng chế, nghĩa là bạo lực, là thành tố không thể tách rời của pháp luật. Nếu đúng là như thế thì chẳng có cơ sở nào để chê trách giới trí thức của chúng ta trong việc coi thường pháp quyền hết. Giới trí thức của chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng tuyệt đối và trên đường đi của mình nó có thể bỏ qua cái giá trị thứ cấp này.
  • Chế độ xã hội với trí thức

    03/07/2009Nguyễn Ngọc LanhMỗi chế độ xã hội đều có tầng lớp lao động trí óc của mình với tiêu chuẩn và tên gọi riêng. Nói một cách danh chính và chặt chẽ, trí thức đúng nghĩa chỉ xuất hiện trong những xã hội đã có dân chủ, tự do; nhất là tự do báo chí. Cách mạng tư sản Pháp thành công năm 1789, nhưng hơn một thế kỷ sau mới ra đời từ trí thức; chính là vì phải đợi cho tự do, dân chủ phát triển đạt yêu cầu. Nhưng ở thế kỷ XX, nhiều nước châu Á tuy rất nặng căn phong kiến mà chỉ cần vài thập niên đã có đủ dân chủ, tự do để trí thức “đúng nghĩa” xuất hiện. Thế ký XXI hẳn phải nhanh hơn nữa.
  • Giữa đất và trời

    25/03/2009GS. Cao Huy ThuầnRất khó định nghĩa như thế nào là một người trí thức, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng có lúc đặt phải câu hỏi cho chính mình: giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mắt, có thể nào dung hòa được không trong hành động?
  • Bản lĩnh kẻ sĩ

    19/12/2008Mai LanKarl Marx đã coi trí thức là những người có đủ trí thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề xã hội. Và “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì họ đang hiện hữu”.
  • xem toàn bộ