Hãy thử lấy mắt Đạo Học nhìn Khoa Học
Phần chính văn là một đoạn văn trích trong cuốn”Thiền trong đời thường” của Thượng tọa Thông Huệ. Phần phụ đính là của người giới thiệu để làm sáng tỏ thêm vấn đề.
***
Pascal nói: “Tôi tư duy, do vậy tôi hiện hữu” (Je pense, donc je suis)(2). Tư duy là hành vi của ý thức, có phân biệt chủ thể và đối tượng, có lúc sanh lúc diệt, khi đến khi đi. Nếu nhận tư duy là mình thì không suy nghĩ gì cả mà vẫn biết. Cái biết đó là ai? Và nếu tư duy là mình thì chẳng lý nào mình lại biến thiên nhiều mặt, buồn vui thiện ác… đến thế? Quan niệm “có tư duy là có mình” thật ra cũng hợp lý trên phương diện Tục đế nhưng không chính xác trên Chân đế, bởi vì ta lầm cái giả ngã động dụng là mình mà không thấy chân ngã bất động, nhận hình tướng sai biệt đa thù mà không nhận bản chất thuần nhất bất sanh. Đây là sự mê lầm của con người, và chư Phật thương chúng sanh một cách bình đẳng cũng vì cái vô minh ấy.
Ngày nay, Khoa học đã đi đôi hia bảy dặm, để có những bước đột phá về cả hai lãnh vực vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần Khoa học là dám hoài nghi và tiếp thu có chọn lọc những tri thức và kiến thức của nhân loại. Sở trường của Khoa Học là vận dụng chất xám trong suy luận, phân tích và tổng hợp để khám phá những bí mật của con người và thế giới, mục đích phục vụ cho đời sống con người. Tuy nhiên, vì có đối tượng là bản ngã nên Khoa học lầm lẫn ngay từ đầu, vì còn ngã chấp là còn đau khổ, còn bất an. Nhiều thành tựu của Khoa học lại bị áp dụng để phục vụ cho tham vọng của con người, tạo điều kiện cho kẻ mạnh áp bức kẻ dưới, nước giầu lấn át nước nghèo. Ngay đối với ngành Y, một ngành Khoa học có ý nghĩa cao đẹp là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, hiện tại cũng bị những người vô đạo đức biến thành một thứ kỹ nghệ, một ngành kinh doanh mới, thậm chí trở thành tội ác. Ví như kỹ thuật ghép nội tạng, mục đích cứu mạng sống cho bệnh nhân, nhưng có những tổ chức biến công việc này thành thị trường mua bán nội tạng, con người trở thành món hàng trao đổi. Tứ đó những phương pháp điều trị hiện đại bỗng trở nên xa lạ đối với truyền thống nhân bản của nhành Y. Cho nên một nhà khoa học đã nói: “Khoa học không có lương tâm chỉ là sự huỷ hoại của linh hồn”(3).