Lãnh đạo phải biết nghe lời thẳng, lời thật
Người đứng đầu quốc gia mà không chủ động tiếp cận các nguồn độc lập để nắm bắt thông tin, thì chỉ còn hình dung được bức tranh đất nước qua lăng kính do những người thân cận dàn dựng; nếu các cận thần toàn nói dối, thì đến một lúc nào đó, người lãnh đạo sẽ không còn biết gì về chính đất nước của mình.
Tồn tại trong không gian xã hội, con người cần phải biết tường tận về các diễn biến chung quanh và về bản chất của những diễn biến đó, để ứng xử cho phù hợp. Đó gọi là nhu cầu thu thập nắm bắt thông tin, là một đòi hỏi mang tính vật chất, có nguồn gốc từ bản năng sống: “biết” để tránh rủi ro, hiểm họa, xung đột trong quá trình tìm kiếm lợi ích; nếu không tránh được, thì biết để đương đầu, để có đối sách hợp lý. Không biết gì, thì dễ hành động tùy tiện, nói nôm na là dễ làm bậy, gây nguy hiểm cho người khác và, nhiều khi, cả cho chính mình.
Tìm hiểu, chia sẻ thông tin để đồng thuận vượt khó. Ảnh: api.ning.com. |
Người lãnh đạo quốc gia, trước hết là một thành viên xã hội, cũng có nhu cầu ấy. Thậm chí hơn ai hết, do chức năng xã hội của mình, người lãnh đạo đích thực không chỉ cần mà thực sự khao khát thông tin: một quyết định sai của cá nhân bình thường, không có vị trí gì đặc biệt trong xã hội, do không có đủ thông tin, có thể chỉ gây hậu quả thiệt hại cho một người hoặc một nhóm người; còn một quyết định sai do thiếu thông tin của người lãnh đạo quốc gia thường gây thiệt hại cho toàn xã hội.
Người lãnh đạo có thông tin bằng cách nào? Một người dân bình thường khai thác những kênh thông tin cũng bình thường: báo viết, đài phát truyền, truyền hình, internet, nói chung là các phương tiện truyền thông; các cuộc giao tiếp gia đình, bè bạn, đồng nghiệp,… Về mặt lý thuyết, người lãnh đạo quốc gia cũng có điều kiện sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin đó.
Vấn đề là người lãnh đạo thường đa đoan công việc: họp hành, dự lễ lạt, tiếp khách,… Điều đó cũng có nghĩa là so với người dân thường, người lãnh đạo có ít thì giờ rỗi rãi để tự mình tìm kiếm thông tin. Vị trí lãnh đạo càng cao, thì công việc càng bề bộn và khoảng thời gian dành để sống trong thế giới thông tin càng thu hẹp lại.
Người lãnh đạo mà không có điều kiện trực tiếp thu thập thông tin thường phải dựa vào các thư ký, cố vấn, nhân viên tham mưu để có tin tức, dữ kiện cần thiết. Trong logic của sự việc, người đứng đầu quốc gia mà không chủ động tiếp cận các nguồn độc lập để nắm bắt thông tin, thì chỉ còn hình dung được bức tranh đất nước qua lăng kính do những người thân cận dàn dựng; nếu các cận thần toàn nói dối, thì đến một lúc nào đó, người lãnh đạo sẽ không còn biết gì về chính đất nước của mình. Các chế độ độc tài thường hình thành với những người lãnh đạo tối cao sống trong hoàn cảnh giao tiếp đặc thù đó.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân ngày 09/2/2007. Ảnh: VNN |
Thời xa xưa, không có các nguồn cung cấp thông tin độc lập như báo, đài, internet, sự lệ thuộc của người cầm quyền vào những người thân cận trong việc nắm bắt thông tin là rất nặng nề, nếu không muốn nói là gần như tuyệt đối; bởi vậy, tình trạng chuyên quyền, độc đoán của các ông vua, lãnh chúa khá phổ biến.
Các bậc gọi là minh quân, không muốn bị chìm ngập trong các lớp hỏa mù thông tin “dỏm” do đám quân sư tạo ra, thường chỉ còn mỗi cách là thoát ly khỏi chốn cung đình và tự mình đi tìm kiếm thông tin xác thực trong dân chúng. Người ta gọi đó là các trường hợp vua đi “vi hành”: cải trang thành dân thường, cùng với một vài cận vệ trung thành, vua trà trộn vào cộng đồng thứ dân và sống cuộc sống của họ.
Bằng cách này, vua biết được người dân đang sống như thế nào, nghĩ gì, muốn gì, đồng thời cũng có thể nhận ra được những khuyết tật của bộ máy cai trị. Với những thông tin đó, vua có điều kiện điều chỉnh, sửa đổi chính sách, biện pháp cai trị hợp lý, nhất là hợp lòng dân.
Ngày nay, nhờ các công cụ, thiết bị giao tiếp hiện đại, hình ảnh chân dung thật của người lãnh đạo được dân chúng nhận biết rõ; việc cải trang trở nên khó khăn, người làm lãnh đạo do đó khó có thể đi vi hành.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chat với dân. Ảnh: Corbis. |
Vả lại, trong xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi chủ thể chỉ có một nhân thân pháp lý. Nếu người lãnh đạo giả dạng dân thường mà chỉ đứng quan sát cuộc sống diễn ra hoặc chỉ xác lập các giao tiếp thuần túy xã hội, thì không sao; nhưng nếu người giả dạng thường dân lấy tư cách đó để xác lập các giao dịch pháp lý, thì dứt khoát giao dịch ấy phải bị tuyên bố vô hiệu do có… sự lừa dối.
Bởi vậy, người lãnh đạo trong xã hội hiện đại muốn có thông tin tốt thì cần phải biết tự mình khai thác, sử dụng các công cụ giao tiếp phổ thông, hơn là đi vi hành. Rõ hơn, lãnh đạo cần dành thì giờ thích hợp để đọc báo, xem đài, truy cập internet,…
“Chat” với dân là một trong những cách tốt nhất, có hiệu quả nhất để người lãnh đạo trong xã hội hiện đại lấy thông tin từ nhân dân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh