Nghị sĩ công dân

CHLB Đức
11:37 SA @ Thứ Hai - 05 Tháng Giêng, 2009

Nền dân chủ sơ khai đầu tiên trong lịch sử loài người bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, tiếng Hy Lạp gọi là “Δημοκρατία”, có nghĩa nhân dân quyết định công việc nhà nước. Tuy nhiên, lúc đó khái niệm “nhân dân quyết định” cũng chỉ giới hạn vào một nhóm người và loại trừ phụ nữ.

Ngày nay, dân chủ được phân ra dân chủ trực tiếp, nghĩa là mỗi người dân có quyền tham gia trực tiếp vào quyết định của nhà nước (trên thực tế ở cấp trung ương không xảy ra ngoại trừ trường hợp trưng cầu dân ý), và dân chủ đại diện (hay gián tiếp) nghĩa là chỉ những người đại diện do dân bầu ra có quyền đó, như nghị sĩ quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.

Với dân chủ gián tiếp, ý nghĩa thật sự của nền dân chủ (nhân dân quyết định công việc nhà nước) phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ thực tế giữa người đại diện, chính quyền, người dân, và chỉ đạt tới lý tưởng một khi mối quan hệ đó mang bản chất dân chủ trực tiếp - đích phấn đấu của mọi nhà nước dân chủ trên thế giới ngày nay.

Tuy nhiên, không phải cứ có đích tốt là thực thi được, dân chủ là một quá trình vận động tương tự như quá trình sản xuất, cần có giải pháp công nghệ. Trong thời đại hội nhập toàn cầu, công nghệ thực thi dân chủ cũng như mọi lĩnh vực khác, luật pháp, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... cho phép các quốc gia phấn đấu, đeo đuổi những thành tựu tiên tiến nhất.

Thành tựu công nghệ thực thi dân chủ hiện nay có thể kể đến là “Hội nghị công dân”, được nước Đức áp dụng cho cấp chính quyền địa phương, huyện, thành, do bộ luật cùng tên điều chỉnh, ban hành bởi từng tiểu bang. Theo đó, Hội nghị công dân phải tiến hành mỗi năm một kỳ, do Hội đồng Nhân dân lên kế hoạch, hoặc nếu do 2,5% dân số địa phương thỉnh nguyện thì phải triệu tập trong vòng ba tháng, và Phó hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân chủ tọa.

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được quyền dự và phát biểu yêu cầu, đề nghị, chất vấn chính quyền, tương tự như đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ ở ta, xoay quanh các chủ đề liên quan tại địa phương, quy hoạch đất đai, phát triển trường học, giao thông công chính, xây dựng cơ sở thể thao, chăm sóc người già, trẻ em...

Luật quy định chi tiết cả chương trình nghị sự: người dự phải trình chứng minh thư, được phát mẫu giấy thống nhất đăng ký phát biểu ghi nhân thân, chủ đề cần nói; chủ tọa thu lại, sắp xếp thứ tự phát biểu theo từng nhóm vấn đề.

Sau khi chủ tọa khai mạc, các ban ngành chính quyền báo cáo tóm tắt phần việc của mình, kế hoạch, kết quả thực hiện và những tồn tại, tiếp theo công dân phát biểu, chất vấn như đã đăng ký, không quá 5 phút/1 diễn giả. Ủy ban cùng từng ban ngành phải trả lời tại chỗ những ý kiến chất vấn; nếu vắng mặt, chủ tọa phải ghi lại câu hỏi chuyển tới họ.

Cuối cùng hội nghị biểu quyết giơ tay từng vấn đề, theo nguyên tắc quá bán, hình thành nên nghị quyết. Nghị quyết này mặc dù không mang tính pháp lý cưỡng chế, chỉ mang tính đề đạt, tư vấn, phản ảnh ý nguyện của dân, nhưng trong vòng ba tháng chính quyền vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đưa ra quyết định cuối cùng đối với từng vấn đề đã đề đạt, và thông báo bằng văn bản đến từng người dự.

Hội nghị công dân về mặt hình thức có thể coi như tiếp xúc cử tri ở ta, nhưng là một bước tiến về chất, chuyển từ dân chủ gián tiếp, người dân ở vị trí thụ động trông mong vào nghị sĩ, sang dân chủ trực tiếp, đứng hẳn vào vị trí nghị sĩ, chủ động tham gia quyết định công việc nhà nước - lý giải cho việc chính sách nước họ được người dân thực thi nghiêm minh, có ý thức, bởi người dân phải chịu trách nhiệm với chính quyết định của mình, không thể thoái thác đổ cho nhà nước áp đặt.

Công nghệ trên được nước Đức hoàn thiện chi tiết cho mọi điều kiện, ở những thành phố đông dân tới cả triệu không thể có hội trường đủ chỗ, hội nghị công dân được chia nhỏ theo lĩnh vực tới vài chục phiên họp.

Một dạng thức khác của công nghệ trên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân gửi phiếu xin ý kiến tới từng công dân mình, yêu cầu thông tin cho chính quyền ý kiến của họ đối với từng vấn đề cụ thể ở địa phương theo mẫu in sẵn, dưới dạng câu hỏi kiểu thăm dò xã hội học.

Chẳng hạn, trong tháng 12-2008, từng công dân thành phố Leipzig nhận được phiếu xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban thành phố, hỏi về giao thông, trong năm năm qua họ đã chuyển đổi phương tiện đi lại như thế nào giữa hai thời điểm trước kia và hiện nay, trong số tám loại phương tiện: tàu điện, xe buýt, ô tô riêng, xe gắn máy, tàu hỏa, tàu hỏa nội thành, xe đạp, đi bộ. Lý do thay đổi do giá đắt đỏ, do sức khỏe, do ý thức bảo đảm môi trường, do thuận tiện hơn, do công việc thay đổi, hay còn do nguyên nhân khác. Loại và số lượng phương tiện đi lại của từng hộ, ô tô riêng, ô tô của công ty cho dùng, mô tô, xe ga, xe đạp. Thời gian đi từ nhà đến chỗ đỗ phương tiện, đến chỗ làm việc, dưới 2 phút, dưới 5 phút, dưới 10 phút, hay trên nữa?...

Dạng thức này khác Hội nghị công dân, không có chất vấn, không nghị quyết, và cũng không có hồi đáp của chính quyền, nhưng cùng mục đích là thực hiện dân chủ trực tiếp; tổng kết các câu trả lời của công dân là căn cứ cho hoạch định chính sách của chính quyền; công dân gián tiếp đóng vai trò nghị sĩ.

Công nghệ này cho phép tránh được kiểu dự luật cấm người thấp bé nhẹ cân đi xe gắn máy trên 50 phân khối ở ta với lập luận hạn chế tai nạn, bị phản đối dữ dội, do soạn thảo chủ quan, không có căn cứ dữ liệu, thiếu ý kiến từ chính đối tượng bị luật điều chỉnh - họ cũng là nhân dân!

Công nghệ thực thi dân chủ không chỉ quan trọng đối với người dân trong xã hội mà còn rất đặc biệt đối với doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế. Của cải xã hội được làm ra không phải trực tiếp từ nhà nước mà từ doanh nghiệp; một cường quốc kinh tế chỉ ra đời với những công ty, tập đoàn có thương hiệu tầm cỡ thế giới. Chính sách kinh tế, vì vậy, chỉ mang lại hiệu quả thực sự khi nó đặt doanh nhân, người chủ sản xuất vào vị trí nghị sĩ, góp phần hoạch định các chính sách đó - một nội hàm của khái niệm dân chủ trong kinh tế.

Có thể nhận biết nguyên lý trên từ ví dụ ở Đức, doanh nghiệp luôn nhận được phiếu xin ý kiến, mẫu các dữ liệu cần khảo sát, từ chính quyền, từ các cơ quan khoa học, các hội đồng tham vấn kinh tế; tổng hợp ý kiến, dữ liệu thu trở lại bảo đảm căn cứ vững chắc cho việc hoạch định các chính sách, quyết định kinh tế của nhà nước.

Ở ta những sự kiện kinh tế nổi bật trong năm, như thiệt hại mất tới nửa giá gạo xuất khẩu do dự báo sai, hay giải pháp cho kinh tế vỉa hè, hàng rong, lưu thông xe tự chế, định giá xăng dầu, ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thực phẩm, nhập siêu... đều có phần nguyên do từ thiếu vai trò nghị sĩ kinh tế của giới doanh nhân, nhà sản xuất, người kinh doanh cá thể.

Nguyên lý nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân, hiện không còn là điều bàn cãi trên thế giới, có chăng chỉ còn công nghệ thực thi khác nhau, và sẽ quyết định đích đến khác nhau, trong đó vai trò nghị sĩ của công dân mang tính quyết định. Khai thác được nó chính là đã huy động được “nội lực” lớn nhất - một khái niệm nức lòng người dân được hiệu triệu nhiều ở ta, nhưng lại thiếu công nghệ thực thi!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền (*)

    29/10/2015Nguyễn Văn HòaBài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu về dân quyền, cũng như ý nghĩa của tư tưởng dân quyền đó đôi với việc thực hiện quốc quyền , tức là quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, bài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu cho rằng: muốn thực hiện được quốc quyền, chế độ chính trị của Việt Nam khi đó phải chuyển từ quân quyền sang dân quyền theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại, với việc nâng cao dân trí thông qua giáo dục.
  • Nhân loại: Tổ chức và rèn luyện các nền dân chủ

    19/04/2014Nguyễn Trần BạtNếu không có thể chế dân chủ thì con người không có cơ hội, không có cách thức hiện thực hóa tự do của mình. Do vậy, xây dựng nền dân chủ là giải pháp để kéo tự do xuống các tầng hàng ngày của đời sống, để tự do trở thành quyền phát triển của mỗi con người. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ luôn là vấn đề chung của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới...
  • Xã hội dân sự: khái niệm và các vấn đề

    15/04/2014Bùi Quang DũngXã hội dân sự hiện đang là vấn đề được cả giới nghiên cứu khoa học lẫn các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Khái niệm "xã hội dân sự” xuất hiện khá sớm ở Châu Âu. Các đinh nghĩa phổ biến về "xã hội dân sự” hiện nay đều nhấn mạnh tới tinh thần tự nguyện của công dân trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và giá trị của mình. Theo đó, xã hội dân sự được tạo lập bởi các đoàn thể nhằm kết nối giữa những nhóm quyền lợi hiện đại và những tổ chức truyền thông, giữa các tổ chức chính thức và phi chính thức...
  • Trưng cầu dân ý điều kiện cần có

    08/12/2010Lê Xuân MậuGần đây việc trưng cầu ý dân được nêu ra trên nhiều báo chí và được nói đến ở nhiều nơi. Hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng này dù đã được quy định ở các bản Hiến pháp nhưng vẫn còn xa lạ với đời sống chính trị - pháp lý ở nước ta. Đó là điều mà cuộc sống đang đòi hỏi và một văn bản pháp luật cụ thể cần được xây dựng và ban hành...
  • Bàn về xã hội dân sự

    15/08/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsultKhái niệm xã hội dân sự từ lâu đã trở thành một khái niệm quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng khi quá trình toàn cầu hoá đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn. Và khi các giá trị cá nhân ngày càng được khẳng định thì một xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của con người ngày càng trở nên cần thiết...
  • Dân chủ cơ sở - nhìn và ngẫm

    24/06/2007Nguyễn Chính TâmKhi công khai và minh bạch đã trở thành một điều khoản mà Việt Nam cam kết với thế giới thì cũng chính phương châm này sẽ là phương tiện chính để giải bài toán phát huy dân chủ cơ sở thành công...
  • Tư tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm khế ước xã hội của J.J.Rousseau

    20/04/2007Phạm Thế LựcCho đến ngày nay, nhiều nội dung trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau vẫn được kế thừa đã được nêu trong các văn kiện chính trị quan trọng như một tinh thần cách mạng đối với nhân loại. Trong Khế ước và xã hội, chủquyền nhân dân là tư tưởng xuyên suốt tác phẩm...
  • Vai trò động lực của dân chủ đối với sự hoạt động và sáng tạo của con người

    02/06/2006GS. TS. Nguyễn Trọng ChuẩnDân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, là nhu cầu không thể thiếu của từng cá nhân cũng như của cộng đồng người trong xã hội, nhất là trong xã hội văn minh, bởi vậy dân chủ có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo...
  • Dân tâm và dân chủ

    13/12/2005GS Tương LaiDân chủ với dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm, để giành dân tâm thì phải thật lòng thực thi dân chủ, thật lòng mở rộng dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ cách mạng tháng 8/1945: " Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”...
  • Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự

    11/11/2005GS. Tương LaiKhát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật...
  • xem toàn bộ