Chính khách và lòng dân

02:46 CH @ Thứ Bảy - 23 Tháng Mười, 2010

Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp: “Chính dã, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?”. Chính trị là chính đính. Ông lãnh đạo dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính. Nhưng, thế nào là chính đính? Nói kỹ e dài dòng, xin lại dẫn Khổng Tử cho gọn và súc tích, lại khá cập nhật.

Vua Ai Công hỏi Khổng Tử: "Làm thế nào thì dân phục tòng". Khổng Tử đáp: "Cử trực thố chư uổng, tắc dân phục. Cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục", đề cử người ngay thẳng lên trên hạng cong queo thì dân phục tòng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tòng. Còn có thể hiểu câu này là “dùng người ngay thẳng, bỏ hết những người cong queo” vì chữ thốcó nghĩa là bỏ, chữ chưlà hết thảy. Lấy điều dân tin phục là điểm quy chiếu của sự xét đoán phẩm hạnh và tài năng của chính khách, vì theo Khổng Tử, có được sự tin phục ấy thì sẽ có tất cả. Trả lời Tử Cống về phép trị dân, ông nói ba điều: "Túc thực, túc binh, dân tín" lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền. Tử Cống hỏi nếu bất đắc dĩ phải bỏ một, thì bỏ điều nào trước, đáp “bỏ binh bị”, lại hỏi trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa thì thì bỏ điều nào trước? Đáp: Bỏ lương thực, “tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lạm”, từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền đó phải đổ. Xem ra, điểm quy chiếu đó là đúng, từ thời cổ đại của Khổng Tử cho đến thời đại của mạng intemet nối mạng toàn cầu hôm nay vẫn vậy, đó là quy luật muôn đời.

Chu Văn An là người “đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt mà thờ vào Văn Miếu”, nơi thờ Khổng Tử, như lời bình của sử gia Ngô Sĩ Liên. Trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn cũng viết rằng: “Đấy là bậc thanh cao nhất” từng dâng "thất trảm sớ" đòi chém bảy tên nịnh thần không được trả lời, ông lui về dạy học. Sau này Trần Dụ Tông có ý định đem chính sự trao cho ông, thấy thế lực gian thần vẫn thao túng vua, ông không nhận. Đại việt sử ký toàn thư quyển VII, Kỷ nhà Trần chép: Hiến từ Thái hoàng hậu bảo với vua “Ông ta là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta”. Bà mẹ vua xem ra hiểu lẽ đời hơn vua. Năm trăm năm sau, kẻ sĩ cự phách của Hà Nội là Cao Bá Quát trong thư gửi bạn về trị nhậm ở huyện Thường Tín, quê của Chu Văn An và Nguyễn Trãi có đoạn thật bi tráng cảm thương, tưởng cũng nên chép ra đây chắc cũng gợi lên được chút gì để suy ngẫm: “Tài trai sống ở đời đã không làm được việc phơi gan, bẻ gẫy chấn song, giữ vững cương thường. Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền lang sói hoành hành. Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương. Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai Cụ. Thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi".

Chu Văn An và Nguyễn Trãi cũng đã từng là chính khách "Trừ độc trừ tham, trừ bạo ngược. Có nhân, có trí, có anh hùng", đã "Bình sinh độc bão tiên ưu niệm- suốt đời ôm mãi lòng lo trước" (Nguyễn Trãi. Bảo kính cảnh giới). Các vị ấy hiểu sâu sắc gánh nặng non sông đặt trên vai họ “lấy công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của dân sinh làm điều lo thế kỷ”. Khi hiểu rằng, thế cuộc nhiễu nhương, biết sức mình không cưỡng lại đám nịnh thần đông như giòi quanh ông vua u tối mà lòng dạ của chúng “khó hiểu hơn vực sâu” miệng lưỡi chúng “nhọn hơn chông mác” thì đành lui về để tránh được cảnh nhiều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải" (Nguyễn Trãi. Thủ vĩ ngâm. Bài số 1). Nhưng lui về đâu có dễ!

Còn nhớ có lần, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trả lời phỏng vấn tại hành lang Quốc hội sau khi dự một phiên chất vấn mà báo chí dạo ấy đã đưa tin: "Bộ trưởng tốt nhưng bên dưới tan nát thì “nghỉ đi”, đi thẳng vào một vấn đề mà lâu nay cử tri vẫn bức xúc. Nhưng “nghỉ” đâu có dễ! Cũng tại kỳ họp Quốc hội ấy, Thủ tướng Chính phủ đã giải tỏa sự bức xúc ấy bằng việc chỉ ra yêu cầu: “Các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng quyền được thông tin của dân, bảo đảm cho báo chí tiếp xúc được với các hoạt động của mình. Việc thực hiện điều này không thể tùy thích mà phải coi là một nghĩa vụ thể hiện tính chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Những quy định cụ thể về quyền được thông tin của dân cần được thể chế hóa”. Thể chế hóa điều này không những là đáp ứng quyền được thông tin đã ghi trong điều 69 của Hiến pháp, mà là một cách hữu hiệu để nâng cao tinh thần trách nhiệm của những chính khách đang gánh trọng trách trước dân. Có khi cũng là sự gợi ý "lui về" hay "nghỉ đi".

Xin được kể lại một chuyện bên Tây về sức nặng của dư luận xã hội thông qua kênh báo chí truyền thông mà tác động đến các chính khách: Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp, sau một thời gian căng thẳng trong cuộc chiến đấu quyết liệt để trở thành ông chủ của điện Elysée vào năm 2007 đã quyết định nghỉ "xả hơi" vài ngày. Chuyện tưởng không có gì đáng bàn tán. Ấy thế mà, dư luận báo chí lại rộ lên những phê phán gay gắt. Là vì ba ngày nghỉ ở Malta, ông Sarkozy cùng gia đình du ngoạn trên một du thuyền quá sang trọng, mặc dù đó là du thuyền của bạn ông, tỷ phú Vicent Bollore. Dư luận không chỉ bất bình trước việc tân Tổng thống đi nghỉ trên một du thuyền mà giá thuê đến 200.000 euro (270.000USD) quá xa hoa so với mức sống trung bình của người dân Pháp, mà còn tức giận bởi vì Tổng thống của họ chịu ơn một người giàu có.

“Liệu có bình thường không khi mà một vị Tổng thống tương lai đi nghỉ bằng nguồn tài trợ của những người giàu, những người có thể có được mọi thứ từ các ưu đãi quyền lực”, người ta đặt câu hỏi như vậy. Mà sự khắt khe của dư luận là có cái lý của người ta. Có thể phải dự liệu trước cái khả năng có thể có; người được mời là người có quyền lực trong tay thì rồi người mời cũng có thể sẽ có được mọi thứ từ sự ưa đãi quyền lực ấy là chuyện “có đi có lại, mới toại lòng nhau”. Hóa ra làm người đứng đầu của quốc gia mệt thật!

Mà mệt còn vì những chuyện cỡ như vậy, người ta cứ khơi khơi nói trên báo, chẳng ai dám uốn nắn cái sự “dân chủ quá trớn” đó cả. Nhờ đó mà, ít ra, cũng bước đầu cảnh báo cho sự tha hóa của quyền lực rồi ra có thể ngồi xổm trên dư luận, tha hồ tự tung tự tác như điều mà Einstein cảnh báo: "Kẻ thù lớn nhất của chân lý là sự ngạo mạn của quyền uy". Chẳng thế mà, ông bạn tỷ phú của tân Tổng thống phải lên tiếng trên tờ LeMonde để đỡ đòn cho ông Sarkozy. Và chắc rằng, rồi đây nhà tỷ phú, giả dụ nếu có ý định khai thác chuyện “có đi có lại, mới toại lòng nhau” kia, thì chắc cũng phải dè chừng. Xem ra cái thứ “dân chủ tư sản” này cũng có chỗ thủ đắc, đáng phải tìm hiểu.

Thì đấy, chỉ vì một câu phát biểu "việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagssaki, là cách không thể tránh khỏi để kết thúc chiến tranh" mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật phải từ chức, “Tôi đã làm người dân Nagasaki phiền lòng... Tôi xin từ chức để nhận trách nhiệm này”. Từ chức vì "trách nhiệm đã làm phiền lòng dân" lại là một nét khả thủ! Để sang một bên những áp lực bên ngoài, phải chăng việc từ chức ấy là một áp lực bên trong của người có lương tâm. Chẳng phải ở Pháp, ở Nhật, cũng chưa xa, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đầy quyền lực phải từ chức chỉ vì tăng lương cho bạn gái. Hồi ấy, Tổng thống Mỹ cũng như cả một hệ thống quyền lực hỗ trợ tối đa để cố giữ cho ông ta khỏi bật ra khỏi cái ghế đầy quyền uy mà ứng cử viên cho chức vụ đó phải là người Mỹ. Cho dù vậy, không thể qua mặt được áp lực chính đáng của công luận, cuối cùng phải thua. Chẳng trách mà Napoleon đệ nhất đã từng cảnh báo “nhà nước chẳng là gì cả khi nó không có dư luận”.

Đây không là mị dân, mà là vì chính sự tồn tại của Nhà nước. Người ta kể rằng, ở Mỹ, Tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận một thành viên của nội các. Để chuẩn bị cho Quốc hội làm việc đó, Ủy ban tư pháp của Quốc hội phải có những buổi chất vấn kỹ càng đương sự sẽ được bổ nhiệm. Buổi “đàn hạch” này rất nghiêm cẩn và căng thẳng, đương sự phải trả lời nhiều vấn đề nóng bỏng, trong đó có những câu hỏi liên quan đến việc thực thi Hiến pháp và những vấn đề đang tranh cãi trong xã hội nhằm thẩm định xem người sẽ ra gánh trọng trách nhà nước có quan điểm độc lập và trình độ am hiểu để bảo vệ và thực thi Hiến Pháp trong bối cảnh hiện đại không. Đôi khi, chỉ một sự vụ nhỏ liên quan đến đương sự bị báo chí phanh phui, như việc thuê một lao động nữ nhập cư để giúp việc nhà nhưng người này không có giấy phép hành nghề, mà người được dự định bổ nhiệm làm Bộ Tư Pháp thời chính quyền Bill Clinton phải rút lui ngay. Hay dưới thời của tổng thống Bush, một trong chín vị thẩm phán của Tòa án Tối cao dự định được bổ nhiệm phải trả lời những câu hỏi gay cấn, đến độ bà vợ của ông này phải bật khóc khi theo dõi cuộc truyền hình trực tiếp, khiến phu nhân Tổng thống, bà Laura Bush phải an ủi: Đã bước vào con đường chính trị, làm chính khách thì phải chịu đựng thôi !

Quả có thế, cứ theo dõi phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ta vừa rồi, tuy cử tri chưa thật hài lòng thái độ thẳng thắn như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT được xem là “còn quá hiếm”, “còn ít bộ trưởng trả lời sắc sảo” nhưng điều thấy ngay được là: Làm Bộ trưởng thật không dễ. Nói như một đại biểu Quốc hội trên diễn đàn QH: “Trước hàng triệu cử tri theo dõi, người ta muốn một vị Bộ trưởng lên trả lời chất vấn phải chững chạc, đàng hoàng. Không những nắm chắc vấn đề, nói khúc chiết, mạch lạc, mà còn trả lời trung thực nêu trách nhiệm đúng chứ không phải nhận bừa, nhận cho qua chuyện. Tôi cho rằng, mỗi người đều có cá tính, trình độ nhận thức, phẩm thất khác nhau chứ không ai giống ai. Nhưng đã là người lãnh đạo tầm cỡ quốc gia thì phải có một phẩm chất và năng lực nổi trội rõ rệt. Phẩm chất của người Việt Nam phải trung thực, khiêm tốn, phải có chí tiến thủ, học hỏi. Có người lợi khẩu nhưng thật ra tâm không trong sáng thì khẩu khí của ông ấy cũng chỉ đánh lừa được dư luận vài lần, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra mà” (Vietnamnet 23-11).

Một trong những thử thách của bản lĩnh và trình độ của các chính khách có lẽ là tại nghị trường của Quốc hội. Hoạt động này diễn ra công khai trước ánh mắt giám sát của cử tri cả nước, họ trông chờ một thông điệp được đưa ra: Nơi đây là tấm gương của sinh hoạt dân chủ. Chất lượng dân chủ càng cao, tính công khai minh bạch càng rõ ràng, chất vấn và trả lời chất vấn càng đàng hoàng thì niềm tin của cử tri vào các đại biểu của mình vào những vấn đề quốc gia đại sự được quyết định tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, càng được củng cố. Làm chính khách khó là vì vậy.

Song, khó mà người ta vẫn phải làm. Xưa hay nay đều vậy. Lại phải tìm trong sử sách để xem ông cha ta lý giải chuyện này ra sao: “Trong lăng miếu ra tài lương đống, Ngoài biên thùy rạch mũi can tương” đó là tâm nguyện của Nguyễn Công Trứ, không chỉ là nhà “kinh bang tế thế” mà còn dám “lấy chính đạo” để chống tham nhũng giữa triều đình. Vì nói như Nguyễn Lộ Trạch trong lời tấu với vua Tự Đức: “Khoanh tay không làm, thì ấy đã phạm vào lời răn của Mạnh Tử: Cái bệnh bẩy năm, tìm thuốc ngải cứu ba năm, nếu từ nay không lo tích trữ thuốc đó thì trọn đời không khi nào có thuốc”. “Hiện nay, thời thế như cục ung thư lớn. Trị chăng? Thì không có phương thuật. Không trị chăng? Thì không thể cam ngồi mà ngó”… Lời bàn nói trên cũng có chỗ cập nhật song không hoàn toàn đúng. Rõ ràng là chúng ta không thể cam ngồi mà ngó. Chúng ta đang hành động quyết liệt. Ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ được trích dẫn ở trên đã đưa ra một phương thuốc thuộc loại “thần dược”, một cách cập nhật hóa “lời răn của Mạnh Tử” để tìm ra phương thuốc của xã hội hiện đại.

Trong “Quần thư khảo biện”, Lê Quý Đôn từng biện giải: “Việc trong thiên hạ không ngoài hai điều “lý” và “thế”. Và hai điều ấy, lại luôn dựa vào nhau. Biết "lý" mà không hiểu “thế” thì chưa đủ để làm nên việc; hiểu “thế” mà không biết “lý” thì định không ra việc. Lại chỉ ra rằng: Kinh Dịch nói: Biến động trong thiên hạ chính đáng thì có “một” [lý] thôi. Chí “lý” thay chữ “một”. Lấy chữ "một" ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao đổi qua lại, mọi xem xét đánh giá vẫn đều rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”. Vận dụng cách biểu đạt ấy, lấy con người, người hiền tài, vốn được xem là nguyên khí quốc gia, làm điểm tựa cho sự nhìn nhận, phân tích mọi hiện tượng, mọi diễn biến, mọi "xem xét đánh giá vẫn (sẽ) đều rõ ràng như bày ra trước mặt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy. Lê Quý Đôn kết luận, “điều căn bản trong việc trị nước là cung kính và kiệm ước, là nhân nghĩa với dân, đồng thời dùng người hiền, bỏ kẻ gian thì lòng người sẽ về theo, kỷ cương không rối loạn thì các việc văn võ đưa ra sẽ thi hành được ngay". Phải chăng, đấy là "lấy chữ "một" ấy mà xuyên suốt mọi việc" thì mọi việc sẽ "rành rọt như trỏ bàn tay vậy"! Chữ "một" ấy phải chăng là điểm quy chiếu dân ra ở trên: Lòng dân, "dân vô tín bất lập".

Được lòng dân, đó là điều kiện tiên quyết cũng là điểm đến cuối cùng của một chính khách: phải chăng làm chính khách khó là vì vậy?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền (*)

    29/10/2015Nguyễn Văn HòaBài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu về dân quyền, cũng như ý nghĩa của tư tưởng dân quyền đó đôi với việc thực hiện quốc quyền , tức là quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, bài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu cho rằng: muốn thực hiện được quốc quyền, chế độ chính trị của Việt Nam khi đó phải chuyển từ quân quyền sang dân quyền theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại, với việc nâng cao dân trí thông qua giáo dục.
  • Thể chế và Thành tích

    25/10/2014Nguyễn Trần BạtBất kỳ nhà nước hay hệ thống chính trị nào cũng phải trả lời câu hỏi làm thế nào để phát triển hay làm thế nào để giảm thiểu rủi ro trong tiến trình phát triển. Trong quá trình đi tìm lời giải cho câu hỏi này, càng ngày người ta càng nhận ra vai trò của thể chế đối với phát triển, nghĩa là, một thể chế tốt sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển và tăng cường chất lượng phát triển; ngược lại, một thể chế bất hợp lý sẽ kìm hãm tốc độ phát triển và làm suy thoái chất lượng phát triển...
  • Nhân loại: Tổ chức và rèn luyện các nền dân chủ

    19/04/2014Nguyễn Trần BạtNếu không có thể chế dân chủ thì con người không có cơ hội, không có cách thức hiện thực hóa tự do của mình. Do vậy, xây dựng nền dân chủ là giải pháp để kéo tự do xuống các tầng hàng ngày của đời sống, để tự do trở thành quyền phát triển của mỗi con người. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ luôn là vấn đề chung của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới...
  • Làm lãnh đạo phải có năng lực lắng nghe

    08/11/2010GS. Tương LaiMuốn đối thoại, người lãnh đạo phải tinh thông công việc của mình, biết gần dân, hiểu dân và lắng nghe dân. Phải thật sự có dân chủ, mới có đối thoại. Muốn thường xuyên vận dụng phương thức đối thoại trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và dân thì phải thật sự mở rộng dân chủ, tạo cơ chế cho dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Văn hóa đối thoại là sản phẩm của một xã hội dân chủ, biết tôn trọng vai trò làm chủ của người dân...
  • Dân chủ hóa về chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtDân chủ hóa là xu thế tất yếu không chỉ của thế giới thứ ba mà của toàn nhân loại. Trong quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế, bản thân con người cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và ngày càng khốc liệt. Giá trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của một quốc gia...
  • Nhà nước pháp quyền - Sản phẩm tất yếu của nền dân chủ chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrước hết, phải khẳng định, mô hình nhà nước pháp quyền là mô hình nhà nước phổ biến và tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, đến nay, mới chỉ có một số nước tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền, còn đại bộ phận các quốc gia vẫn chưa tổ chức theo mô hình này...
  • Dân chủ cơ sở - nhìn và ngẫm

    24/06/2007Nguyễn Chính TâmKhi công khai và minh bạch đã trở thành một điều khoản mà Việt Nam cam kết với thế giới thì cũng chính phương châm này sẽ là phương tiện chính để giải bài toán phát huy dân chủ cơ sở thành công...
  • Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”

    12/09/2006Tương LaiTrên đất nước ta, đó là một hành trình gian truân với cái giá phải trả khá đắt. Nhưng là những bước thuận theo quy luật vận động của cuộc sống, và là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là hành trình của nhận thức nhằm chứng minh thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, quy luật của cuộc sống mạnh hơn những giáo điều xơ cứng...
  • Vai trò động lực của dân chủ đối với sự hoạt động và sáng tạo của con người

    02/06/2006GS. TS. Nguyễn Trọng ChuẩnDân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, là nhu cầu không thể thiếu của từng cá nhân cũng như của cộng đồng người trong xã hội, nhất là trong xã hội văn minh, bởi vậy dân chủ có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo...
  • “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, Chuyên chính là cái khóa, cái cửa để phòng kẻ phá hoại”

    06/01/2006Ngô Vương Anh“Dân chủ nghĩa là dân là chủ. Dân chủ là của báu vì đó không phải là thứ tự nhiên có sẵn mà đó là thành quả của cách mạng, nhân dân ta đã phải đấu tranh, hy sinh gian khổ mới giành được. Dân chủ là của báu vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai..."
  • Dân tâm và dân chủ

    13/12/2005GS Tương LaiDân chủ với dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm, để giành dân tâm thì phải thật lòng thực thi dân chủ, thật lòng mở rộng dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ cách mạng tháng 8/1945: " Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”...
  • Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự

    11/11/2005GS. Tương LaiKhát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật...
  • Sửa đổi lối làm việc

    01/10/2005Bùi Quang MinhTác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…
  • xem toàn bộ