Làm khác đi, bắt đầu từ mục đích dạy sử
Tôi trở lại với trường hợp Phần Lan, quốc gia đang rất nổi tiếng nhờ thành công trong giáo dục phổ thông của họ, như là một căn cứ, thông qua đó giúp chúng ta tự định vị mình đang ở đâu và đang thật sự có những vấn đề gì?
Lịch sử - Đôi chuyện viết và đọc
Hai ý kiến trong kỳ này, một nêu quan điểm về nội dung môn sử cần dạy trong trường học theo từng cấp, một cho biết cách làm của một nền giáo dục khác đối với môn sử. TTCT mong bạn đọc tiếp tục góp bàn cho câu hỏi: Vậy nếu đi từ sách giáo khoa, ta cần một cách tiếp cận ra sao?
Trước tiên tôi sẽ bàn đến các tiêu chí về một mẫu hình học sinh lý tưởng liên quan đến môn học này mà nhà trường Phần Lan lấy làm mục tiêu đào tạo.
Mục tiêu môn học
Tại Phần Lan, mục tiêu môn sử cũng như các môn học khác của bậc giáo dục cơ bản được quy định trong chương trình cốt lõi quốc gia (VN thường gọi là chương trình khung - BTV). Tài liệu này trình bày mục tiêu và nội dung tổng quát của môn học dành cho học sinh bậc giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), mô tả những khía cạnh về một mẫu hình lý tưởng phải như thế nào.
Học sinh Phần Lan bắt đầu học sử từ lớp 5. Chúng tôi xin lấy những quy định quốc gia dành cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 để phân tích, theo đó học sinh phải:
• Nắm và sử dụng được những thông tin về lịch sử.
• Biết sử dụng nhiều nguồn, so sánh giữa các nguồn và xây dựng ý kiến, góc nhìn dựa trên những nguồn này.
• Hiểu rằng dữ liệu lịch sử có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
• Giải thích được mục đích và hệ quả của hoạt động con người.
• Đánh giá các lựa chọn thay thế trong tương lai dựa trên những bằng chứng về sự thay đổi trong lịch sử.
Cụ thể hơn, tài liệu mô tả mẫu hình của học sinh sau khi đã kết thúc lớp 8 như sau:
• Biết cách phân biệt đâu là những yếu tố giải thích một vấn đề chính với những yếu tố thứ cấp.
• Sẵn sàng đọc và giải thích những nguồn thông tin khác nhau.
• Biết đặt các sự kiện lịch sử được học vào bối cảnh thời gian phù hợp và sắp xếp theo đúng trình tự thời gian.
• Biết cách giải thích nguyên nhân, theo nhiều mặt trong cuộc sống, vì sao con người từng hành động khác hẳn so với cách họ làm ngày nay.
• Biết cách trình bày nguyên nhân gây ra cũng như hệ quả mang lại của những sự kiện lịch sử.
• Sẵn sàng trả lời câu hỏi về quá khứ bằng cách sử dụng thông tin các em có được từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm những thông tin các em tìm kiếm được thông qua những phương tiện công nghệ hiện đại.
• Trình bày một cách có hệ thống những ý kiến, lý luận và đánh giá về những sự kiện hay hiện tượng.
Chúng ta thấy những gì mà việc giảng dạy môn học này nhắm tới ở trên là đào tạo những kỹ năng và thái độ khách quan khoa học mà học sinh cần phải sở đắc, tuy ở đây mới chỉ là những mục tiêu dành cho học sinh lứa tuổi trung học cơ sở. Chúng ta không thấy những đòi hỏi bắt học sinh thuộc lòng các nội dung có sẵn, mà là những đòi hỏi liên quan đến phương pháp sử học, đến cách tư duy độc lập, đến khả năng phân tích và phê phán - những điều có lẽ rất xa lạ đối với học sinh cùng lứa tuổi ở nước ta.
Để thực hiện mục tiêu này, giáo viên sử dụng các phương pháp sư phạm chủ động như tổ chức cho các em tự nghiên cứu văn bản, làm việc nhóm, thuyết trình, tập cho các em tìm kiếm phân loại thông tin, thẩm định các nguồn dữ liệu, đánh giá và phê phán chúng...
Cách thức đánh giá kết quả học tập
Học sinh Phần Lan không phải học để thi. Từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh chỉ phải trải qua một kỳ thi cuối lớp 9. Trong suốt các năm học, quyền đánh giá học sinh thuộc về giáo viên đứng lớp, giáo viên lại phối hợp với từng học sinh để làm điều này chứ không áp đặt một chiều.
Về việc này, một cô giáo dạy lớp 6 chia sẻ: “Học sinh tự lập bảng đánh giá bản thân, tự cho mình một số điểm, tôi cũng cho các em một số điểm nhất định. Các bài kiểm tra (do giáo viên tự tổ chức) đóng một vai trò nhỏ trong đó, nhưng kết quả học tập cũng phụ thuộc vào cách thức hoạt động trong lớp của học sinh. Ví dụ nếu học sinh tích cực phát biểu, các em sẽ có thêm điểm cộng”.
Với cách làm như trên, thầy trò cùng bàn bạc và đi đến một bản báo cáo chung bằng số, với những nhận xét bằng lời vào cuối mỗi năm học. Những bản báo cáo này như là lý lịch học tập và rèn luyện của học sinh, không những miêu tả mặt kiến thức mà còn miêu tả tất cả khía cạnh trong quan niệm giáo dục toàn diện của người Phần Lan mà mục tiêu giáo dục quốc gia đã xác định.
Trở lại vấn đề học và dạy sử ở VN, đọc các sách giáo khoa sử, cũng như sách giáo viên, tài liệu hướng dẫn giảng dạy môn học này, tôi thấy mục tiêu của việc dạy được mô tả chủ yếu là chuyển tải những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa cho học sinh, làm cho học sinh ghi nhớ các sự kiện, các mốc thời gian, các ý nghĩa rút ra từ bài học...
Ví dụ mục tiêu của bài học “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, trong sách giáo khoa lịch sử và địa lý lớp 5 là: Học xong bài này, học sinh biết: 1) Trương Định là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nam kỳ. 2) Với lòng yêu nước, Trương Định đã không tuân theo lệnh vua, kiên quyết ở lại cùng nhân dân chống quân Pháp xâm lược (tr. 9)...
Trường học nước ta không dạy cho các em các phương pháp sử học, khả năng tư duy độc lập, phân tích và phê phán các sự kiện lịch sử... như chúng ta thấy trong trường hợp Phần Lan. Cả hệ thống giáo dục phổ thông VN hiện nay là dạy - học để đi thi và các đề thi phần lớn nghiêng về kiểm tra trí nhớ mà không dạy cho các em khả năng nhận định những kiến thức đó thế nào, đúng hay sai...
Như vậy, quan niệm về hình ảnh lý tưởng của một học sinh giỏi sử giữa ta và Phần Lan là hoàn toàn khác biệt. Một bên là hình ảnh của một nhà sử học với khả năng phản biện, tư duy độc lập, biết các kỹ năng đọc sử và giải thích sử...; một bên là hình ảnh của một học sinh ghi nhớ tốt những gì có sẵn để trả bài nhằm có những điểm số tốt mà không cần biết những gì có sẵn đó như thế nào.
Điều đó không chỉ làm các em chán ghét môn sử mà đẩy chúng ra xa với những chuẩn mực quốc tế trong việc quan niệm thế nào là giỏi là dở, chẳng đem lại lợi ích gì cho riêng người học và sự phát triển xã hội nói chung.
NGUYỄN KHÁNH TRUNG (IRED)
Tôi có đọc ở mỗi cấp học một vài cuốn sách giáo khoa môn sử và quả tình nhiều lần đã phải chịu thua, quẳng sách đi với nỗi bứt rứt không nói nên lời. Đáng ra sử cấp I phải là những bài văn khái quát và thật hay (từ cực ngắn đến dài dần ra) về những giai thoại, huyền thoại và những nhân vật tiêu biểu nhất của sử Việt.
Các vị vua Hùng, Thánh Gióng, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Dương Vân Nga, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Gia Long, Nguyễn Huệ, Minh Mạng, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... không có những bài sử có văn thì các em nhỏ không thể nào nhớ, thích và yêu môn sử được. Đó là những nhân vật làm nên những trang sử ngời sáng của dân tộc và sự toàn vẹn của nước Việt ngày nay. Họ sẽ dẫn dắt các em ở tuổi hồn nhiên ấy bằng sự hiến dâng và thành công của họ.
Sử cấp II, theo tôi, Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim có thể chọn làm nền tảng, ít nhất cũng từ thời Hồng Bàng đến hết nhà Nguyễn. Đây là bộ giáo trình công phu gần như hoàn hảo của một người tâm huyết và nhiều tinh thần khách quan trong nghiên cứu sử.
Đã đến lúc chúng ta nên thôi phân biệt đối xử với những tác gia một thời biến động và phức tạp, cốt để cho học sinh và sinh viên của mình được thừa hưởng mọi đóng góp, dù họ từng là gì. Cũng như chúng ta đã cho in lại văn thơ và hát lại ca khúc của những người một thời từng ở “bên kia chiến tuyến”. Sử dụng lại Việt Nam sử lược sẽ dễ dàng đưa đến cho học sinh hệ thống kiến văn sử, có cả bản đồ lẫn biểu đồ để hình dung sự tồn tại song hành của các nước lớn liên quan chính đến Việt Nam là Trung Quốc và Pháp.
Sử cấp III, theo tôi, quả thật nan giải nếu chúng ta không biên soạn với tinh thần khách quan. Sự công tâm, minh bạch luôn là vẻ đẹp của môn sử. Đó là những khúc quanh bi kịch của dân tộc mà những nam nữ thanh niên sắp trưởng thành cần biết để được trưởng thành một cách thật sự, không phải một người thụ động hay một con vẹt mà là người thấu suốt, có lập luận và có chủ kiến riêng.
Đó là những giai đoạn có hào hùng và cũng có sự phức tạp dữ dội, ví như sự kiện Dương Vân Nga với hai triều, như chân dung nhiều mặt của Trần Thủ Độ, như vụ án vườn Lệ Chi, như sự phân tranh dằng dặc Trịnh - Nguyễn, như công lao và sự yếu kém của nhà Nguyễn, như sự vẻ vang nhưng ngắn ngủi của triều đại Quang Trung, như thế sự bàn cờ ở hội nghị Giơnevơ giữa các nước lớn và thân phận bé nhỏ của Việt Nam, như những bước được và mất của những chiến dịch chủ yếu của cuộc chiến với người Mỹ...
Chúng ta đã khiến các em học sinh cấp III (bắt đầu từ cấp II) bội thực vì những chiến công của một phía trong hai cuộc chiến mới đây. Khoa học lịch sử khác với khoa học quân sự. Điều đó còn để lộ rằng chúng ta quá đắm đuối với thành tích của chính mình mà nhẹ hẳn phần của cha ông ngàn xưa và cận đại. Liệu chúng ta có giỏi hơn cha ông xưa trong việc thoát ra ngàn năm Bắc thuộc và sau đó là những cuộc chiến tranh giữ nước luôn luôn không cân sức? Ngay cả một em nhỏ cấp II cũng thấy chúng ta quá tự cao tự đại về thời của mình (xem trên TTCT số 17) mà không thể yêu sử được.
Không dưng mà giáo sư sử học Trần Quốc Vượng ấm ức cho đến lúc ra đi, rằng ở Việt Nam hiện thời có môn sử nhưng chưa có khoa học lịch sử.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý