Người thấy vô số “lịch sử” từ một con đường…

09:20 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Mười Hai, 2010
Triển lãm Nghìn năm một đường phố đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, HN, mở cửa đến 10/12). Các tư liệu, hình ảnh, bản đồ được lấy từ cuốn sách của GS Đặng Phong (1937- 2010) - chuyên gia về lịch sử kinh tế - khiến dư luận bất ngờ và thán phục.

Triển lãm được khai mạc đúng 100 ngày mất của ông. Ông định ngày ra mắt sách và triển lãm là 10/9, nhưng ông đã không chờ được đến ngày đó. Chuyện kể Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố được xuất bản sau khi ông mất một tuần.

Cuốn sách - như ông chia sẻ - là một cuộc dạo chơi: “Lịch sử Hà Nội là vấn đề lớn mênh mông, có bao nhiêu cuốn sách có lẽ cũng không nói hết được... Vậy nên chăng hãy “zoom” vào từng đường phố, từng khu chợ, thậm chí một vài ngôi nhà? Chính từ cảm quan ấy, một hôm tác giả thử bắt đôi chân mình dạo đi trên một đoạn đường từ ngã tư Khâm Thiên cho đến đầu đường Lê Duẩn, chỗ giáp đường Điện Biên Phủ. Chỉ bấy nhiêu thôi, ngước nhìn hai bên, đã thấy vô số “lịch sử” rồi”.

Vô số “lịch sử” từ một con đường!

Ông chọn đường Lê Duẩn và phương pháp là cắt lớp lịch sử. Ông viết một cách tùy hứng cá nhân theo kiểu “thử làm chơi”. Tuy nhiên khi bản thảo đã viết xong thì nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lại thấy nó không chỉ là chuyện “làm chơi’. Đặc biệt Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã đưa nó vào danh mục ấn phẩm đặc biệt Đường mòn lịch sử và in bằng 2 thứ tiếng Việt, Anh.


GS Đặng Phong (sinh năm 1937 tại làng Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Nội; qua đời ngày 20/8/ 2010) được mệnh danh là pho sử sống về thời kỳ đổi mới ở VN, là tác giả của rất nhiều cuốn sách nghiên cứu có giá trị về lịch sử kinh tế VN như: Kinh tế thời nguyên thủy ở VN; Chế độ ruộng công ở VN và vấn đề phương thức sản xuất châu Á; 21 năm viện trợ Mỹ ở VN; Lịch sử kinh tế VN (2 tập), “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới; Tư duy kinh tế VN, 5 đường mòn Hồ Chí Minh...


Theo GS Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Viện KHXH VN, cuốn này rất dễ đọc và hấp dẫn với cả những người khó tính nhất, cả những nhà sử học chuyên nghiệp khi muốn tìm hiểu về Hà Nội. Cách viết của Đặng Phong dễ hiểu, và bao trùm lên đó là các khía cạnh đời sống, nó như tùy bút khi xưa các cụ viết, nhưng lại có độ tin cậy cao.

Hàng trăm sự việc xung quanh một đường phố hiện ra: Nào là Khâm Thiên, tên gọi của một đài khí tượng cổ xưa được đặt ở đây từ thời Lê. Rồi thời Pháp, ngay chỗ đó, hãng dầu Caltex Petroleum của Mỹ đã đặt trụ sở, mà người dân quen gọi là “Sở nhà dầu’’. Khi nhân viên bán dầu hỏa cho người Hà Nội (trước đó chỉ quen dùng đèn dầu lạc) và tặng không chiếc đèn mà ngày nay ta vẫn quen gọi là đèn Hoa Kỳ.

Cũng tại đây, phố Khâm Thiên còn được cho giới cô đầu con hát. Rồi Đại chiến Thế giới lần II, Mỹ rải truyền đơn ở đây kêu gọi “các bạn VN” tránh xa con đường sắt này để Mỹ ném bom quân đội Nhật. Lúc đó, Mỹ mới chỉ ném “giấy” xuống đây, nhưng 28 năm sau thì thay cho những tờ giấy thân thiện là những “tấm thảm” chết người - thảm bom B52.

Đến ngã ba Nguyễn Du, là cái góc phố mà vào đầu thế kỷ XX chính là khu vườn của ông Tây Dufourcq - một nhân viên của Sở Canh nông, người đầu tiên có sáng kiến trồng các giống hoa và các loại rau củ của Pháp ở VN. Ban đầu, Dufourcq chỉ nhằm phục vụ cho dân Tây ở Hà Nội. Rồi từ đó các hạt giống lan tỏa ra nhiều nơi và ngày nay các loại rau, hoa quả đó đã trở thành quen thuộc với mọi người VN.

Tiếp nữa, một ngôi biệt thự độc đáo kiểu Colombage, nằm ở chỗ đường Trần Quốc Toản gặp đường Lê Duẩn. Đó chính là ngôi nhà của Victor Tardieu, một trong những người sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi khởi nghiệp của biết bao họa sĩ tài danh như Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn...

Đặng Phong phát hiện trước khi một nhà ga đồ sộ mọc lên mang tên Hàng Cỏ, thì cách đó 1.000 năm, đó chỉ là một con đường nhỏ đi qua một vùng đầm lầy, cỏ mọc ngập đầu, được sử dụng để nuôi voi và ngựa trong thành. Ở Hàng Cỏ xưa kia còn chứng kiến câu chuyện về cậu bé Bùi Xương Trạch nhà nghèo phải đi cắt cỏ mà đỗ tiến sĩ. Cái nhà ga này cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử thời Tây, thời Nhật, thời Cách mạng. Năm 1945, từ ga này, những đoàn quân Nam tiến đã lên đường. Cũng từ nhà ga này, năm 1954, những đoàn quân Pháp rút đi theo Hiệp định Geneve. Cũng nhà ga này, những đội quân đi B đã lên đường. Cũng nhà ga này, năm 1972, bom Mỹ đã dội xuống...

Từ sau khi giải phóng Thủ đô (1954), tên đường Nam Bộ đã được đặt thay cho tên đường Cái quan thời thuộc địa, thay cho tên đường De Lattre de Tassigny thời Pháp chiếm đóng. Ấy là để khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi sau khi Bắc - Nam liền một dải, khi một trong những người có công đầu trong sự nghiệp đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn tạ thế, thì đường phố này được mang tên ông...

Cuộc săn lùng bất tận!

Lúc sinh thời, GS Đặng Phong có rất nhiều bạn bè quốc tế, nhưng hiếm có người nào hiểu và yêu mến ông như Andrew Hardy. Bởi vậy mà tại cuộc nói chuyện về ông, vị Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội không nói nhiều về vấn đề học thuật mà chỉ kể lại những kỷ niệm đã trải qua với GS Đặng Phong bằng chính tiếng mẹ đẻ của vị giáo sư khả kính.


Bìa cuốn Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố

Andrew Hardy đã kể về bữa ăn đầu tiên tại nhà GS Đặng Phong cách đây 20 năm với món ốc xào chuối và canh cua, về “trường đại học trên bàn ăn” hay chuyện ý tưởng về cuốn sách Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố đã ra đời từ một bữa uống “bia cỏ”. Những câu chuyện bình dị và lôi cuốn cho thấy GS Đặng Phong là một nhà nghiên cứu rất nghiêm túc, nhưng cũng không thiếu sự hài hước trong công việc của mình.

Nhà nghiên cứu Đào Hùng kể lại: “Cách đây 15 năm, Đặng Phong đã nói với tôi rằng anh sẽ viết một bài cho Xưa & Nay, nói về đường Lê Duẩn và sự ra đời của hàng phở gà nổi tiếng ở phố Nam Ngư. Vào cái thời bao cấp, phở gà Nam Ngư là một địa chỉ đáng nhớ. Khi thịt bò còn là hàng quốc cấm, thì chỉ còn phở gà là dễ tồn tại, nhưng phở gà ngon không phải đâu cũng có. Từ chỗ mê ăn phở, Đặng Phong đã đi tìm xem cái gì đã đưa đến thành công của phở gà Nam Ngư, từ câu chuyện bán phở, đã đưa đến mối liên hệ với con đường Nam Bộ, rồi dẫn sang câu chuyện chiến tranh... Nhưng hứa mãi, bài báo đó chưa bao giờ được mang đến TS, nhưng có lẽ đó là những phác thảo đầu tiên về cuốn sách này!”.

Đặng Phong là người có nhiều đam mê kỳ lạ. Niềm đam mê của ông còn lan đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Đào Hùng chia sẻ: “Có thể nói Đặng Phong đã sống với nhiều niềm đam mê. Ông là người mê ăn ngon, nhưng cũng biết nấu ăn, biết đi chợ, chứ không phải chỉ dựa vào các bà nội trợ. Bất cứ đi đến đâu ông cũng tìm ra chợ, chọn mua một mớ cá ngon và rẻ hơn ở thành phố, đem về tự tay chế biến thành nhiều món để ăn dần và mời bạn bè đến cùng thưởng thức. Cũng vì vậy mà ông rất am hiểu chợ quê, biết được chợ nào có bán gì ngon và rẻ, từ đó đã suy ra những vấn đề về kinh tế của địa phương. Trong nhà ông không thiếu thứ rượu gì, nhưng bộ sưu tập của ông chủ yếu vẫn là rượu ta, được nấu ở những vùng nổi tiếng. Thậm chí còn có một cô hàng rượu vùng Bắc Ninh thường xuyên đem rượu đến tận nhà ông rồi gửi luôn ở đó để lấy đem đi bán dần...”.

Nhà dân tộc học Từ Chi khi còn sống đã nói rằng: “Cuộc đời Đặng Phong là cuộc săn lùng bất tận. Không có niềm đam mê như vậy thì không thể làm được việc lớn’’. Mong rằng các nhà nghiên cứu trẻ, hãy tìm cho mình một chút đam mê như của Đặng Phong!
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • GS Đặng Phong nói chuyện với các bạn trẻ

    04/12/2018Lê Ngọc Sơn ghi lại (Hà Nội - Tháng 11-2008)Tuổi trẻ có cơ hội để thâu nạp cho mình rất nhiều kiến thức. Tự tìm cho mình một chỗ đứng không cần dựa giẫm vào ai, không cần xin xỏ, bon chen. Nếu thực sự có năng lực thì sẽ có chỗ đứng trong xã hội. Cái chỗ đứng là của cá nhân, điều quan trọng hơn là góp một phần nào đó cho sự phát triển của xã hội thì các bạn cũng hoàn toàn làm được...
  • Tư sản hôm qua, hữu sản hôm nay

    20/08/2010Hân Hương thực hiệnTrong giới sử học, ông thuộc số ít viết sử kinh tế.GS Đặng Phong - tác giả của hàng chục ngàn trang sử kinh tế VN. Ông bảo: “Nền kinh tế miền Nam trước 1975 phồn vinh thật nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn GS Đặng Phong, thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội trong chuyên đề “Sài Gòn-TPHCM năm thứ 33: Nhận định bản sắc, phát triển tiềm năng”...
  • Bí thư Tỉnh ủy - Từ cuộc đời "Cha đẻ khoán hộ" Kim Ngọc

    26/05/2010GS. Đặng PhongCuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật.
  • Tư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”

    31/03/2010Đặng PhongSau Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008, tái bản năm 2009 với nhiều bổ sung và tên mới Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (Nxb Tri Thức, 476 trang), sử gia kinh tế Đặng Phong đã cho ra tiếp theo ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Nxb Tri Thức 2009, 534 trang).
  • Báo chí Việt Nam “đêm trước đổi mới”

    12/06/2009Đoan TrangTin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không “lá cải” giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới “đêm trước đổi mới”, năm 1986.
  • Một "tư duy kinh tế" cho Việt Nam?

    23/12/2008Lê Ngọc Sơn - (Thực hiện)Giáo sư Đặng Phong được coi là "cuốn từ điển sống" về kinh tế Việt Nam, là giáo sư mời của nhiều trường đại học danh tiếng thế giới, và cũng là tác giả của cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam" (NXB Tri thức, 2008). Ông đã trò chuyện với SVVN về vấn đề tư duy kinh tế và vai trò của người trẻ...
  • xem toàn bộ