'Con người trở nên lố lăng, kệch cỡm khi chạy theo sự bất tử'
Trong “Sự bất tử”, Milan Kundera cho rằng thói háo danh sẽ giết chết nhân cách, tốc độ phát triển của thế giới hiện đại có thể tàn phá đời sống cá nhân.
Milan Kundera (sinh ngày 1/4/1929 tại Tiệp Khắc, hiện mang quốc tịch Pháp), là một tên tuổi lớn của văn chương đương thời. Nhiều tác phẩm của ông được giới phê bình và độc giả yêu thích như: Đời nhẹ khôn kham, Sự bất tử, Những mối tình nực cười, Trò đùa, Chậm, Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội, Màn, Cuộc sống không ở đây…
.
Tác phẩm của Milan Kundera được dịch khá nhiều ở Việt Nam. Gần đây, tiểu thuyết quan trọng của ông, Sự bất tử, được tái bản. Dịch giả Ngân Xuyên (Phạm Xuân Nguyên) có cuộc trò chuyện về văn chương Milan Kundera cũng như việc dịch tác phẩm của ông sang tiếng Việt.
.
.
Viết văn là để tìm câu trả lời cho đời sống, nhân sinh
.
- Ông dịch “Sự bất tử” vào những năm 1990, khi ấy Milan Kundera chưa được biết nhiều ở Việt Nam. Làm thế nào để người dịch có thể phát hiện ra một nhà văn hay để chuyển ngữ?
.
.
- Tôi học ngoại ngữ, thích đọc sách vở nước ngoài. Bây giờ tôi dịch cả tiếng Anh, Pháp, Nga, nhưng ban đầu thì tôi chỉ dịch tiếng Nga. Những năm 1990, tôi công tác ở Viện Văn học. Nơi đây đặt nhiều sách báo của Nga. Số báo nào mới về tôi đều mượn đọc. Năm 1994, tôi đọc trên tạp chí về văn học nước ngoài của Nga có in tiểu thuyết của Kundera.
.
Tác phẩm của ông ấy vừa hay lại lạ so với cách viết tiểu thuyết của chúng ta. Vì vậy tôi quyết định dịch. Việc tôi chuyển ngữ Kundera như một cái duyên tình cờ và có một chút may mắn nữa.
.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - người dịch ba tác phẩm của Milan Kundera với bút danh Ngân Xuyên.
Thật ra tôi không phải người đầu tiên dịch Milan Kundera ở Việt Nam. Trước đó nhà văn Nguyên Ngọc đã bắt đầu dịch những tiểu luận của ông: Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội. Có lần, nhà văn Nguyễn Khải nói với tôi rằng ông đã đọc một tập phê bình của Kundera do Nguyên Ngọc dịch. “Giá mà tôi đọc được cuốn này từ trước, thì tôi đã viết khác đi”, Nguyễn Khải nói như vậy.
.
- Quá trình dịch Milan Kundera của ông diễn ra như thế nào?
- Tôi đọc Sự bất tử trên tạp chí của Nga và bắt đầu dịch vào năm 1994. Năm đó tôi chưa có tên tuổi, mới bắt đầu phê bình, dịch thuật chưa có thành tựu gì. Tôi thích tác phẩm quá thì cứ dịch ra, không biết làm xong sẽ đưa ai, gửi tới chỗ nào để xuất bản.
.
Tối tối, trong căn nhà 9 m2, với tờ tạp chí gốc, một cuốn từ điển, một ngọn đèn tù mù, tôi cặm cụi dịch, viết tay bằng bút mực trên giấy xấu. Thỉnh thoảng, tôi cũng đưa vài đoạn cho bạn bè đọc.
Tối tối, trong căn nhà 9 m2, với tờ tạp chí gốc, một cuốn từ điển, một ngọn đèn tù mù, tôi cặm cụi dịch, viết tay bằng bút mực trên giấy xấu. Thỉnh thoảng, tôi cũng đưa vài đoạn cho bạn bè đọc.
.
Đến năm 1996, tạp chí Văn học Nước ngoàicủa Hội nhà văn Việt Nam ra đời, tôi gửi tác phẩm tới dịch giả Đoàn Tử Huyến (là Phó tổng biên tập tạp chí). Sự bất tử được đăng trên số đầu tiên của tạp chí Văn học Nước ngoài.
Sau đó, một cuốn sách tập hợp ba tiểu thuyết của Milan Kundera do tôi dịch được xuất bản, gồm: Sự bất tử, Bản nguyên, Chậm. Gần đây, Sự bất tử được in riêng thành một cuốn sách đẹp, tôi rất thích. Đó là điều thôi thúc tôi dịch tiếp một cuốn nữa của Milan Kundera: Le livre du rire et de l’obli (Sách cười và lãng quên).
- Khi dịch tác phẩm của một văn tài như vậy, ông gặp những thách thức gì, và làm thế nào để vượt qua?
- Khi dịch tác giả nào đó, nhất là tác giả lớn, tôi phải tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt để hiểu về ông. Khó khăn thứ hai là những kiến thức về môi trường văn hóa xã hội mà tác giả sống, bối cảnh của tác phẩm. Khó khăn thứ ba chính là tìm ra được cách dịch để chuyển tải được giọng điệu tác phẩm.
Trong quá trình dịch, tôi cố gắng tiệm cận bản gốc. Sau này, tôi có đối chiếu các bản dịch từ tiếng Nga của mình với các bản tiếng Pháp.
.
Ba trong số các tác phẩm của Milan Kundera xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: NN
- Mới đây, tại Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm với tên “Milan Kundera hay một cái tên bất tử”. Theo ông, tại sao ta có thể nói Kundera bất tử?
- Tên tọa đàm là một sự chơi chữ, vì Kundera đó là tên cuốn sách của ông: Sự bất tử. Trong sách đó, ông bàn về sự bất tử của con người, như thế nào là lưu danh sử sách, lưu lại tên tuổi.
Bằng cách đặt tên này, những người thực hiện chương trình muốn khẳng định vị trí, vai trò của Kundera, những đóng góp xuất sắc của ông cho văn học thế giới. Từ lâu người ta đã chờ đợi một giải Nobel Văn học cho Kundera. Các bảng xếp hạng văn học hàng đầu đều có tên ông. Người ta nói Nobel không trao giải cho Kundera là một sự thất bại của giải này.
Riêng với Kundera, nếu đọc tên chương trình này, chưa chắc ông đã thích. Vì trong tiểu thuyết, ông thể hiện quan điểm: con người đôi khi trở nên lố lăng, kệch cỡm khi chạy theo sự bất tử. Với ông, viết văn là để tìm kiếm câu trả lời cho cuộc sống, nhân sinh.
Tòa đàm "Milan Kundea hay một cái tên bất tử" có nhà văn Nguyên Ngọc tham gia
.
Kỹ tính như Milan Kundera
Kỹ tính như Milan Kundera
- Kundera muốn mọi tác phẩm của ông khi xuất bản ở nước ngoài phải dịch từ tiếng Pháp. Điều gì khiến bản dịch từ tiếng Nga của Ngân Xuyên sang tiếng Việt được Kundera chấp thuận?
- Milan Kundera là một người kỹ tính. Sách của ông in ra ở các nước trên thế giới đều được chính tác giả duyệt rất kỹ từ bìa tới nội dung. Bìa sách của ông hoàn toàn trắng, không có hình tác giả, không có tiểu sử, không lời có cánh của những nhà báo, nhà phê bình. Ý ông muốn nói: “tôi là những con chữ được viết ra”. Ai muốn hiểu ông hãy đọc tác phẩm.
Ông rất chặt chẽ về mặt ngôn ngữ. Từ khi rời Tiệp Khắc, ông chỉ mang đi một số tác phẩm viết trước đó. Khi sang Pháp, ông thấy hóa ra người ta dịch tác phẩm của ông từ tiếng Tiệp sang tiếng Pháp không đúng với nguyên tác. Sợ tam sao thất bản, ông đòi hỏi rất kỹ chuyện dịch thuật. Kundera yêu cầu khi chuyển ngữ tác phẩm sang một ngôn ngữ nào đó phải dịch từ tiếng Pháp.
Tiểu thuyết Sự bất tử của ông được tôi dịch từ tiếng Nga từ những năm 1990. Lúc ấy chưa có Internet, thông tin không nhanh và nhiều như bây giờ nên tôi không biết quy định của ông. Việt Nam khi ấy cũng chưa tham gia công ước Bern, nên tôi cứ hồn nhiên dịch.
Cho đến nay, khi đơn vị phát hành là Nhã Nam muốn in lại sách, họ gửi CV của tôi sang, không hiểu vì lý do gì mà Milan Kundera chấp thuận bản dịch qua tiếng Nga của tôi.
.
Nhà văn Milan Kundera.
.
- Sau khi đi khỏi Tiệp Khắc, Kundera sáng tác bằng tiếng Pháp. Ông ấy có tính toán gì không khi sử dụng một ngôn ngữ mạnh, phổ biến hơn?
- Có thể ông ấy cũng nghĩ tới việc viết bằng tiếng Pháp để tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi hơn. Nhưng rõ ràng, ông sống ở Pháp đã nhiều năm, sử dụng tiếng Pháp, chỉ cho dịch tác phẩm từ tiếng Pháp. Đó là lựa chọn để đưa đến độc giả trên thế giới một bản dịch tốt nhất.
- Đâu là nghệ thuật đặc sắc của Kundera khiến cái tên của ông được ghi nhận trong văn đàn thế giới?
- Kundera đưa đến một quan niệm hoàn toàn mới về tiểu thuyết. Trước ông, chúng ta cho rằng tiểu thuyết để kể một câu chuyện. Ông coi tiểu thuyết là sự khám phá những tình huống mà con người không được trải qua. Với tiểu thuyết, Kundera không kể câu chuyện, mà “chơi” cấu trúc. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, tiểu thuyết nào của ông cũng như một bản giao hưởng bảy phần.
.
.
Kundera cũng giúp thế giới phát hiện ra một nền văn học trung Âu bị lãng quên. Đặc biệt ông viết tiểu luận rất hay, sâu sắc, có tác động tới quan niệm về tiểu thuyết của nhiều nhà văn trên thế giới.
.
- Các tác phẩm của Milan Kundera đã được đón nhận ra sao ở Việt Nam?
- Các tác phẩm của Milan Kundera đã được đón nhận ra sao ở Việt Nam?
- Có bốn người dịch tác phẩm của Kundera sang tiếng Việt là tôi, nhà văn Nguyên Ngọc, dịch giả, nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng, dịch giả Trịnh Y Thư. Khi Sự bất tử xuất bản, một số nhà phê bình rất thích, hy vọng nó tạo ra sự bùng nổ, tác động tới văn đàn. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng nói đọc tác phẩm này chắc sẽ tạo cú hích cho các nhà văn Việt. Nhưng điều đó không xảy ra. Bạn bè văn chương của tôi có đọc, nhưng chưa chuyển biến trong nhận thức nghệ thuật, lối viết.
Tuy vậy, vẫn có nhóm bạn đọc rất thích, say mê tác phẩm của Kundera. Tôi hy vọng thời gian tới, chúng ta sẽ đọc, hiểu hơn về một tài năng của văn chương thế giới.
Nguồn:Zing News
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])