Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh: Bất tử vì tạo ra giá trị bất tử

09:41 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Năm, 2016

Hưng Yên nổi danh là đất có nhiều nhà khoa bảng đỗ đạt thời phong kiến. Trong số 138 vị đại khoa vẻ vang của “xứ nhãn Hưng Yên” có một vị tuy tuổi đời ngắn ngủi nhưng đã đi vào cõi bất tử. Không chỉ để lại nhiều giai thoại thơ văn thú vị, vị tiến sĩ này còn là nhà kiến trúc tài hoa, đã tạo dựng nên ngôi đền thờ vị thánh bất tử. Tạo nên cái bất tử, để cùng bất tử với công trình của mình. Vị tiến sĩ tạo nên giá trị văn hóa đó chính là Chu Mạnh Trinh...

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh.

Tạo giá trị bất tử

Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905), quê làng Phú Thị nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trọn vẹn cuộc đời ông nằm trong thời kỳ Pháp xâm chiếm và đô hộ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống thư thi, cha là quan Ngự sử Chu Duy Tĩnh (thời vua Tự Đức) nên ông sớm được rèn cặp học hành. Ông được cha cho theo học ở trường nổi tiếng của quan Phó Bảng Phạm Hy Lượng trên phố Nam Ngư, Hà Nội. Khi 19 tuổi, Chu Mạnh Trinh lều chõng đi thi và đỗ tú tài. Vào khoa thi năm Bính Tuất (1886), ông đỗ đầu khoa thi Hương (Giải Nguyên)... Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1892), ông đậu tiến sĩ...

Sau khi đỗ tiến sĩ, Chu Mạnh Trinh được ưu ái bổ luôn chức Tri phủ Hà Nam (tính như bây giờ là tương đương Bí thư kiêm chủ tịch UBND mấy huyện của tỉnh Hà Nam) mà lẽ ra nhiều vị tiến sĩ cùng thời chỉ được bổ đến tri huyện. Và cũng rất mau chóng, ông lại được thăng chức Án sát Thái Nguyên. Trong thời kỳ làm quan, ông tỏ rõ là người công minh chính trực. Có lần ông đã phạt đánh một tu sĩ người Pháp có hành động cậy thế lộng hành để cảnh cáo…

Vua Đồng Khánh được Pháp dựng lên đã mạnh tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Trong đó có cuộc khởi nghĩa tiêu biểu ở Bãi Sậy ở vùng đất Hưng Yên. Có lẽ vì vậy mà Chu Mạnh Trinh được điều ngay về làm Án sát Hưng Yên chính nơi quê hương mình để dẹp loạn?. Dẹp loạn đâu chưa thấy, nhưng tiếng đồn ông ngầm giúp cuộc khởi nghĩa bằng việc không xử tử các nghĩa sĩ đã lan vào tận triều đình. Có lẽ ông đã dự liệu triều đình trách tội nên đã tự từ quan. Vậy là cái tên chữ cha đặt cho lúc mới sinh là Cán Thần (bề tôi năng nổ) không hợp với thời cuộc, mà hợp với cái tên hiệu Trúc Vân (nghiêng về sự thanh cao quân tử, vui thú thiên nhiên) hơn.

Làm quan, việc công bận rộn, nhưng Chu Mạnh Trinh luôn suy nghĩ về việc tạo ra những giá trị văn hóa. Năm 1894, Chu Mạnh Trinh trực tiếp tạo dựng ngôi đền thiêng thờ thánh bất tử Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Nghĩ suy rồi triển khai thành bản vẽ xong, Chu Mạnh Trinh đứng ra vận động xây dựng đền Đa Hòa (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu). Tương truyền, ngoài số tiền hằng tâm hằng sản của nhà giàu trong vùng và thập phương thì ông bổ theo xuất đinh mỗi người năm quan...

Đến nay, diện mạo kiến trúc khu di tích đền Đa Hòa (xếp hạng Quốc gia năm 1962) vẫn được giữ nguyên. Những du khách từng đến đền trước đây theo tour du lịch thuyền trên sông Hồng hay các nơi đổ về đều khá bất ngờ không nhận ra đền vừa được trùng tu mấy tháng trước. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Quyết thủ từ và ông Kính ban khánh tiết đền cho biết: Với khoảng 24 tỷ của tỉnh đầu tư đã phục dựng lại 18 khu nhà đền. Tường đền và những cột gỗ lim chắc chắn tuy được thay thế nhưng không sơn sơn thiếp vàng lòe loẹt mà để nguyên mộc như xưa tạo vẻ u tịch, tôn nghiêm. Ông Kính cho biết: gạch lát nền cổ Bát Tràng được bóc dỡ cẩn thận trước khi tôn nền, sau đó lát trả lại. Loại gạch xỉ này có độ xốp, không tạo rêu mốc, trơn trợt.

Tôi thật sự xúc động trước nền gạch đá hoa năm màu tại khuôn viên “Dao Quang Các”. Nhiều người không biết sẽ nghĩ đây là kiến trúc mới của thời hiện đại thêm vào. Họ có thể phê phán làm mất đi yếu tố nguyên gốc. Tuy nhiên, những viên gạch lục giác, men ngũ sắc kích cỡ bằng lòng tay này lại do chính Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh lựa chọn. Tôi hỏi ông Kính về lai lịch những viên gạch này. Ông Kính cười, lắc đầu: “Lúc đấy tôi đã đẻ đâu mà biết. Cũng chả ai nói gạch này của Bát Tràng làm hay do người Pháp đem sang”. Ông Kính cũng nói cho đến nay chưa thấy ai giải thích lý do tại sao Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh lại sử dụng những viên gạch này trang trí cho nền điện Dao Quang Các. Tôi mạo muội suy đoán rằng: Dao Quang Các, theo nghĩa chữ Hán là: Lầu ánh sáng đẹp như ngọc. Theo truyền thuyết thì Chử Đồng Tử và hai người vợ là Tiên Dung và Tây Sa đều siêu thoát thành những vị tiên trên trời. Những viên gạch ngũ sắc cũng tượng trưng cho ngũ hành luân chuyển của vũ trụ. Do đó, từ tên gọi “Dao Quang Các” và những viên gạch lục giác năm màu men này rất hàm nghĩa. Đó là tính hiện đại mà Chu Mạnh Trinh đã bạo dạn đưa vào kiến trúc ngôi đền thờ một vị thánh tối cổ.

Gian thờ Dao Quang Các.

Nếu không tham dự được lễ hội đền Đa Hòa – một trong 16 lễ hội lớn nhất toàn quốc thì bạn có thể tới chiêm ngưỡng toàn thể khu đền. Vóc dáng đền vẫn như xưa: Được xây dựng trên một khu đất rộng trên 18 ngàn mét vuông. Mặt đền quay hướng chính Tây nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên. 18 nóc nhà lớn, nhỏ lợp mái ngói với các bờ nóc, đầu đao được vát cong tựa như những mũi thuyền, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Những cây nhãn cổ thụ rợp bóng mát vẫn còn đây. Đặc biệt đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật, trong đó có tượng thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân.

Tạo dựng xong đền Đa Hòa thì Chu Mạnh Trinh cho triển khai xây dựng tiếp đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung – Tây Sa ở Dạ Trạch. Và không chỉ trên quê hương mình, Chu Mạnh Trinh còn thiết kế ngôi chùa Thiên Trù (chùa Trò) ở khu danh thắng Hương Tích.

Quán quân vịnh Kiều

Không gian vùng văn hóa Phố Hiến sầm uất nhất nằm trên trục từ chùa Chuông đến chùa Nễ Châu, trung tâm là hồ Bán Nguyệt. Hồ Bán Nguyệt này xưa nay trở thành nơi tụ họp của nhiều giai nhân mặc khách. Mùa xuân Ất Tỵ (1905), bên hồ Bán Nguyệt, Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được mời làm chủ khảo, Giải nguyên Hiệp Biện Đại học sĩ Dương Lâm (1851 – 1920) làm Phó chủ khảo. Cuộc thi thu hút nhiều kẻ sĩ, tạo thành Tao đàn Hưng Yên như: Cử nhân Tri huyện Hưng Yên Nguyễn Tấn Cảnh; Cử nhân Tri phủ Khoái Châu Nguyễn Tri Đạo; Tú tài Phan Thạch Sơ (Hà Nội); Chu Thấp Hi (cử nhân, người làng Đào Xá, Kim Động, Hưng Yên); Nguyễn Kỳ Nam (cử nhân, Thanh Trì, Hà Nội); Đặng Đức Cường (cử nhân người làng Hành Thiện, Phủ Xuân Trường, Nam Định); Phan Mạnh Danh (nhà thơ, dịch giả); Tú Trà (Nam Sang, Hà Nam)... Tổng đốc Lê Hoan ra đề gồm: Vịnh truyện Kim Vân Kiều (hoặc Vịnh Thanh Tâm Tài nhân lục). Trong đó, người dự thi phải làm: “Một bài tựa tác phẩm của Thanh Tâm Tài nhân (tức Kim Vân Kiều truyện) bằng chữ Hán, theo thể văn tứ lục; Một bài tổng vịnh (đề từ); 20 bài thơ đường luật, chữ Hán hoặc chữ Nôm, dựa theo 20 hồi trong Thanh Tâm tài nhân lục (Truyện Kiều)”.

Nền gạch ngũ sắc tại Dao Quang Các.

Kết quả, Chu Mạnh Trinh được trao giải nhất về thơ Nôm. Chu Thấp Hi được trao giải nhất về thơ chữ Hán... Nhưng, sau cuộc thi, nổi tiếng hơn cả và được truyền tụng là thơ Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh. Tài hoa của họ Chu trút hết cả vào tập thơ Vịnh Kiều này. Xin nêu một bài vịnh hồi 3 Kiều thề nguyền với Kim Trọng:

Dan díu vì ai luống ngẩn ngơ,
Để ai gió đón lại trăng chờ
Đào tơ đã ngỏ đường ong bướm
Liễu yếu còn e trận gió mưa
Lựa mối tơ tình năm ngón dạo
Lập lờ lửa dục một lời thưa
Giá trong muốn vẹn niềm băng tuyết
Nào phải trăng hoa khéo ỡm ờ.

Tương truyền, Chủ khảo Nguyễn Khuyến tuy chấm giải nhất cho Chu Mạnh Trinh nhưng lại phê bài hồi 9 Kiều mặc lận Sở Khanh ở câu: “Làng nho người cũng coi ra vẻ; Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay”. Nguyễn Khuyến phê: “Rằng hay thì thực là hay; Đem Nho đối xỏ lão này không ưa”.

Không chỉ để lại tập vịnh Kiều truyền đời, Chu Mạnh Trinh còn lưu danh với một số bài thơ khác trong tập Trúc vân thi tập, đặc biệt là bài thơ ca trù “Hương Sơn phong cảnh ca” nhiều người thuộc. Tương truyền, sinh thời Chu Mạnh Trinh là người cầm trống chầu mê hoặc như “mây vờn nước chảy”. Hãy lắng nghe những câu thơ chan chứa tình yêu thiên nhiên, khiến tâm hồn ta thanh thoát trong “Hương Sơn phong cảnh ca”:

“Mưỡu:

Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe Kinh.

Hát nói:

Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt?
Lần tràng hạt niệm "Nam vô Phật",
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu!”.

Yêu và tạo dựng ra di tích văn hóa, lại tràn trề thi hứng, lưu bút tại nhiều danh lam di tích trên vùng đất Hưng Yên, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh quả thực đã bồi đắp rất nhiều giá trị văn hóa trường tồn. Vì vậy, cùng với giá trị văn hóa bất tử, ông cũng trở nên bất tử. Sau khi ông mất, tại đền Đa Hòa có gian thờ ông. Hiện tại, trên ban thờ có di ảnh ông và cây đàn thập lục gắn với tên tuổi của vị nhà nho tài tử.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người bất tử

    26/11/2019Hồng Minh tổng hợpTrong những năm trở lại đây, cái tên Aubrey David Nicholas Jasper de Grey không còn xa lạ gì với giới lão khoa và những tín đồ của thần Bất tử...
  • Những ai đang tin vào bất tử

    26/10/2019Hồng Minh tổng hợpTrẻ mãi không già dường từ bao đời nay đã trở nên quen thuộc trong mỗi câu chuyện cổ tích được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh một ước mơ dai dẳng mà loài người mải miết theo đuổi...
  • Loài người trước ngưỡng cửa thế giới bất tử?

    05/09/2016Mỗi ngày trên thế giới, có hàng chục phát minh sáng kiến liên quan đến việc kéo dài sự sống được giới khoa học công bố. Những cơ quan sinh học nhân tạo và điện tử, liệu pháp cấy gen, hormon... xuất hiện ngày một phổ biến đều với mục đích đưa con người tiến gần tới sự bất tử...
  • Con người có thể sống bất tử trong máy tính

    27/05/2015Anh HoàngMột nhà thần kinh học người Anh cho rằng con người có thể sống trong máy tính bằng cách biến não bộ của họ thành một ngôn ngữ lập trình...
  • Những quan niệm khác nhau về sự bất tử của con người

    21/05/2014PGS.TS. Nguyễn Tấn HùngMong ước về sự bất tử (immortality) của cá nhân là một hiện tượng tâm lý chung của nhân loại. Bất kỳ người nào, dù là duy tâm hay duy vật, hữu thần hay vô thần ít nhiều đều trăn trở, đều suy tư về vấn đề này. Đi tìm câu trả lời cho nó không chỉ có tôn giáo, triết học mà có cả những nhà khoa học có đầu óc vĩ đại nhất.
  • “Anonymous” – Chỉ ý tưởng là bất tử

    17/09/2013Hà Thủy NguyênTác giả thật sự của những vở kịch và những bài thơ ký tên W. Shakespeare hay Anonymous là Edward de Vere, bá tước xứ Oxford. Bá tước là một người uyên bác, đam mê thi ca và kịch nghệ. Ông là người ảnh hưởng đến một cuộc nổi dậy của các bá tước chống lại gia tộc Cecil đang nắm quyền lực chi phối nữ hoàng lúc bấy giờ, nhưng họ đã thất bại. Edward de Vere từ một người giàu có và quyền lực cuối đời chết trong cô đơn, tuyệt vọng, nhưng hơn ai hết, ông biết rằng ngôn từ của ông có quyền lực hơn bất cứ vị thế chính trị hay sức mạnh quân sự nào...
  • Sau 20 năm nữa con người sẽ bất tử?

    03/09/2013Minh ThúyTới năm 2030, con người sẽ đạt được sự bất tử. Và ở thời điểm đó, con người cũng sẽ xây dựng được các bản sao dự trữ những ký ức của mình. Đó là lời tuyên bố mà nhà sáng chế kiêm chuyên gia về ngành tương lai học người Mỹ Raymond Kurzweyl vừa đưa ra mới đây...
  • Những hậu quả của bất tử

    13/12/2008Hồng Minh tổng hợpNếu tuổi thọ của bạn kéo dài 20 hay 30 năm, hẳn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được sum vầy cùng cháu chắt của mình và nhìn chúng trưởng thành. Nếu tuổi thọ của bạn kéo dài thêm 100 hay 200 năm, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên trước những thay đổi của khoa học, của các thể chế chính trị, lối sống của người dân… Nhưng nếu sống thêm 300, 400, 500, 1000 năm hoặc hơn thế nữa, bạn có biết mình sẽ làm gì và ra sao không?
  • Konstantin Vasiliev: Sự bất tử của tinh thần huyền thoại

    28/11/2008Thăng Xuyên“Lớn lao thay sức mạnh của nghệ thuật. Thật vậy! Xem tranh rồi thì chết cũng không tiếc! Không lời nào tả xiết, có lẽ đây là ấn tượng mạnh mẽ nhất mà nghệ thuật mang lại trong suốt cuộc đời tôi” – Người xem nói về tranh của Konstantin Vasiliev
  • Những ai đang tin vào bất tử

    27/09/2008Hồng Minh tổng hợpMột nhân vật trẻ mãi không già dường như từ bao đời nay đã trở nên quen thuộc trong mỗi câu chuyện cổ tích được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh một ước mơ dai dẳng mà loài người mải miết theo đuổi. Ngày nay, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ gene càng khiến giấc mộng bất tử trở nên ám ảnh hơn lúc nào hết, loài người lại có những hi vọng thực để kể tiếp câu chuyện chinh phục tử thần của mình.
  • Vì sao con người không bất tử?

    12/02/2006BS. Vũ Hướng VănCó nhiều người cho rằng đời người là một khối lượng vật chất tồn tại như một ngọn nến được đốt lên khi chào đời và sẽ tắt khi nến cháy hết. Hoặc như chiếc đồng hồ chạy pin, khi pin hết thì đồng hồ ngưng lại...
  • Vấn đề sự bất tử

    26/12/2005Niềm tin vào sự bất tử tùy thuộc vào một quan niệm nào đó về linh hồn con người. Nếu linh hồn, hoặc thành phần thiết yếu của nó, được coi là phi vật chất và có khả năng hiện hữu bên ngoài thân xác, thì nó cũng được coi là bất khả hủy diệt. Tuy nhiên, những người tin vào sự bất tử của linh hồn vẫn bất đồng với nhau về vấn đề linh hồn hệ tại ở cái gì. Có ba lý thuyết chính. ...
  • xem toàn bộ