Người bất tử
Trong những năm trở lại đây, cái tên Aubrey David Nicholas Jasper de Grey không còn xa lạ gì với giới lão khoa và những tín đồ của thần Bất tử.
Vốn là chuyên viên kĩ thuật tin học khoa Công nghệ di truyền trường Đại học Cambridge, người đàn ông 43 tuổi có vóc người xương xương và chòm râu dài chấm ngực này chỉ thực sự đến với sinh học từ năm 1991, sau khi kết hôn với bà Adelaide, chuyên gia nghiên cứu sinh học và di truyền. Cuộc hôn nhân thú vị này đã khiến de Grey phát hiện ra mình có một sở thích đặc biệt mới: ông đọc ngốn ngấu tất cả các tạp chí khoa học chuyên ngành, tự mày mò, tìm hiểu về sinh học. Càng đi sâu vào chuyên môn, ông càng trở nên say mê và am hiểu kì lạ, cộng thêm niềm tin mạnh mẽ từ thuở ấu thơ: con người hoàn toàn có thể chinh phục được tử thần và chắc chắn có cách để làm điều đó, ông cảm thấy rõ một điều hơn lúc nào hết, rằng mình sinh ra để đi tìm liều thuốc trường sinh ấy cho nhân loại.
Quả thực ước mơ bất tử và tham vọng lưu tên sử sách như Francis Bacon hay Issac Newton đã giúp de Grey, trong một thời gian nghiên cứu ngắn và dù chưa một lần đặt chân đến phòng thí nghiệm, đưa ra được những lời giải thích cặn kẽ về quá trình đột biến thể hạt, thành phần quan trọng trong tế bào có chức năng tổng hợp adonesine triphotphat, nguồn năng lượng chủ yếu của mọi sinh vật sống. Những lời giải thích hợp lí đến mức gây sửng sốt giới lão khoa, thu hút được sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về di truyền, nhân bản vô tính và tế bào gốc vào Hội nghị của de Grey lần đầu tiên tổ chức vào năm 2003 và lần mới đây nhất là vào tháng 2/2006, đồng thời tăng thêm niềm tin về một tương lai bất tử không xa cho nhân loại.
Chinh phục tử thần
Để chinh phục tử thần, Aubrey de Grey cũng vạch ra một kế hoạch “hoành tráng” không kém gì kế hoạch của Kurzweil có tên là SENS (Chiến lược ngăn cản nguy cơ lão hóa). Theo đó de Grey đề xuất các biện pháp để khắc phục 7 nguyên nhân cơ bản dẫn đến lão hóa (xem bảng dưới) mà trước ông, chưa một ai phát hiện ra dù trong vòng 20 năm qua khoa học nghiên cứu về sinh học lão hóa đã có những tiến bộ đáng kể.
Trước mắt, de Grey dự định tiến hành trẻ hóa loài chuột. Ông sẽ áp dụng lí thuyết của mình để tăng tuổi thọ của chuột lên 2 đến 3 năm. Ông tin rằng thành công trong thí nghiệm khắc phục các dấu hiệu lão hóa ở chuột sẽ tạo cú hích cho cuộc chiến chống già nua bệnh tật ở con người. Tuy nhiên những thí nghiệm này đòi hỏi một khoản đầu tư tài chính không nhỏ: khoảng 100 triệu đô la mỗi năm để kéo dài tuổi thanh xuân của một con chuột trưởng thành! De Grey hiện đã nghĩ đến công tác vận động các nhà tỷ phú và ông không nghi ngờ việc họ sẵn sàng mở hầu bao đầu tư cho những nghiên cứu của mình để tăng thêm niềm hi vọng một ngày không xa sẽ được trường tồn cùng thời gian.
Aubrey de Grey dự đoán rằng 15 năm sau thành công thí nghiệm với chuột, chúng ta có thể bắt đầu tiến hành chinh phục lão hóa ở người. Theo tính toán của ông thì cần phải mất khoảng một thế kỉ dày công nghiên cứu để con người có thể sống bách niên giai lão. Một thế kỉ không có nghĩa là không bao giờ, de Grey lạc quan với dự án của mình và tin xã hội sẽ ủng hộ ông bởi ông xuất phát từ thực tế hiển nhiên: con người có quyền sống lâu chừng nào họ muốn và các nhà khoa học có nghĩa vụ mang lại cho họ khả năng thực thi quyền lựa chọn ấy. Quyền sống của con người là điều mà bất cứ Bộ luật, nền tảng đạo đức hay bất cứ thứ tôn giáo nào cũng đều quy định.
Bảy phương thuốc cho bảy dấu hiệu lão hóa
1. Giảm hoặc teo tế bào có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các bộ phận sống còn của cơ thể như tim và não.
Giải pháp: Tiêm hoomôn tăng trưởng và cấy tế bào gốc: hoocmôn tăng trưởng thúc đẩy quá trình sinh sản tế bào mới còn tế bào gốc cho phép thay thế các tế bào bị teo.
2. Tế bào béo phì và tế bào lão hóa sinh sôi cùng tuổi tác: tế bào béo phì là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường còn tế bào lão hóa kết tụ tại các xương dẫn đến bệnh viêm khớp, thấp khớp…
Giải pháp: Tiêm gen tự hủy và thay mới cơ quan tiếp nhận kháng thể trên bề mặt tế bào: gen tự hủy đóng vai trò tiêu diệt toàn bộ tế bào “ốm” còn thay mới cơ quan tiếp nhận kháng thể trên bề mặt tế bào có thể làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
3. Đột biến ADN trong nhân tế bào dẫn đến nguy cơ ung thư cao: sau mỗi lần một tế bào khỏe mạnh phân chia, mẩu ADN nằm ở cuối nhiễm sắc thể (hay còn gọi là telomere) có tác dụng giữ cho NST bền vững sẽ ngắn đi một đoạn. Khi các telomere trở nên quá ngắn, tế bào sẽ không thể phân chia được nữa vì thế các telomere cũng đóng vai trò như một chiếc phanh hãm khả năng sinh sôi nảy nở quá nhanh của tế bào. Trong trường hợp xảy ra đột biến, enzim phân chia của tế bào sẽ bị rối loạn và sẽ không thể kiểm soát quá trình phân chia tế bào được, các tế bào ung thư vì thế tha hồ nhân rộng.
Giải pháp: Loại bỏ enzim phân chia tế bào để triệt hạ các tế bào ung thư: de Grey cho rằng cứ 10 năm một lần nên thay các tế bào gốc bằng các tế bào loại thải enzim phân chia tế bào, thay đến khi nào cơ thể không còn xuất hiện các triệu chứng ung thư nữa thì thôi.
4. Đột biến thể hạt: thể hạt có chức năng giải phóng năng lượng cần thiết cho cơ thể song cũng để lại một lượng chất thải đáng kể là các nguyên tử tự do, các nguyên tử này rất dễ gây tổn thương cho các ADN trong thể hạt.
Giải pháp: Sao chép gen thể hạt trong ADN của nhân tế bào: ADN của nhân tế bào thường ít có nguy cơ bị tổn thương hơn do đó một bản sao chép dự phòng và được bảo quản tốt sẽ cho phép “chữa cháy” trong trường hợp khẩn cấp.
5. Hình thành các liên kết protein ngoài phân tử: không gian ngoài phân tử có chứa các protein giúp mô co giãn, tạo thành các phân tử ngoại cỡ. Theo thời gian, các phân tử ngoại cỡ này có thể tạo thành kết tủa gây ra xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp.
Giải pháp: Sử dụng các phân tử như ALT711, có khả năng phá vỡ các liên kết protein mà không làm ảnh hưởng đến các liên kết khác.
6. Nếu để lâu, kết tủa protein sẽ phân hủy vào vách ngăn giữa các tế bào. Hiện tượng này không may xảy ra trong bộ não sẽ gây ra bệnh Alzheimer.
Giải pháp: de Grey đã nghĩ tới việc lập trình lại hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách tiêm một loại vacxin thay đổi hệ miễn dịch nhằm đối phó với các kết tủa khó chịu này.
7. Một vài chất thải trong quá trình phân hủy của phân tử ngoại cỡ sẽ tích tụ lại trong một vài bào quan như lyzozom, gây ra những rối loạn chức năng như xơ vữa động mạch, co cứng động mạch.
Giải pháp: Tạo cho tế bào khả năng đào thải chất thải: một số loại vi khuẩn trong đất sản sinh ra một loại enzim có khả năng tiêu hóa các loại chất thải này, de Grey dự định tiêm gen của enzim này vào các lyzozom.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)