Konstantin Vasiliev: Sự bất tử của tinh thần huyền thoại

05:16 CH @ Thứ Sáu - 28 Tháng Mười Một, 2008

“Lớn lao thay sức mạnh của nghệ thuật. Thật vậy! Xem tranh rồi thì chết cũng không tiếc! Không lời nào tả xiết, có lẽ đây là ấn tượng mạnh mẽ nhất mà nghệ thuật mang lại trong suốt cuộc đời tôi” – Người xem nói về tranh của Konstantin Vasiliev.

Konstantin Vasiliev (1942-1976) họa sĩ người Nga vắn số nhưng đã kịp để lại một di sản đồ sộ với hơn 400 bức tranh. Diện đề tài của chàng rất rộng, bao gồm chân dung, phong cảnh, bố cục hiện thực, tranh về chiến trận, song có lẽ nổi tiếng nhất là những bức tranh lấy đề tài và cảm hứng từ anh hùng ca và huyền thoại cổ của Nga cũng như một số nước khác. Cái chết bất ngờ và bi thảm của chàng năm chàng mới 34 tuổi đã khiến cuộc đời chàng cũng thành một huyền thoại giống như nhiều bức tranh bất hủ của chàng.

Konstantin Vasiliev (1942-1976), chân dung tự họa

Konstantin Vasiliev sinh ngày 3 tháng 9 năm 1942 tại Maykop. Chàng học trường hội họa ở Kazan từ năm 1957 đến năm 1961, sau đó dạy vẽ ở trường phổ thông. Các tác phẩm ở giai đoạn đầu của chàng, vào đầu thập niên 1960, mang ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1960, chàng khước từ những tìm tòi hình thức mà dứt khoát chọn sáng tác theo lối hiện thực.

Tuy lao động miệt mài, sáng tạo không ngừng và đã có một vài triển lãm nhưng nhìn chung thì lúc sinh thời, Vasiliev là một kẻ gần như vô danh. Vinh quang dường như đã định trước là chỉ đến với chàng sau khi chàng mất, cũng nghiệt ngã như đã từng xảy ra với nhiều nghệ sĩ tài hoa và yểu mệnh như chàng.

Vasiliev chết thảm khốc cùng một người bạn vì tai nạn xe lửa vào cái ngày định mệnh 29 tháng 10 năm 1976. Chàng được mai táng ở thôn Vasilievo, trong một khu rừng bạch dương, chính khu rừng mà lúc sinh thời chàng rất thích náu mình. Mãi sau khi chàng chết hơn mười năm, tác phẩm của chàng mới được đông đảo người dân Nga biết tới.

Vào đầu thập niên 1980 chỉ mới có một số người yêu hội họa ở thủ đô Mátxcơva biết tới chàng, và mãi tới năm 1988, mười hai năm sau khi chàng mất, mới có cuộc triển lãm đầu tiên tranh của chàng ở các thành phố lớn khác của Nga ngoài Mátxcơva. Ngay sau đó, tiếng tăm chàng nổi như cồn, và những sự kiện đua nhau dồn dập diễn ra, như để đền bù cho sự thờ ơ của người đời đối với chàng lúc sinh thời: tranh của chàng được đưa ra triển lãm ở nước ngoài: Bungari, Nam Tư, Tây Ban Nha… Năm 1996 người ta xây Bảo tàng tưởng niệm Vasiliev ở làng quê chàng, năm 1998 khai trương Bảo tàng Konstantin Vasiliev ở thủ đô Mátxcơva.

Giã biệt, tranh Konstantin Vasiliev

Những cuộc triển lãm sau khi chàng mất, dù muộn, rốt cuộc cũng đã khiến đông đảo công chúng Nga nhận ra giá trị đích thực của chàng, một thiên tài lặng lẽ và sớm khuất. Người ta xếp hàng dài dằng dặc, tiến chậm rãi từ bức này sang bức khác, lặng người đi trước những nhân vật dường như là chính họ, dường như là tấm gương phản ánh cái tôi sâu thẳm nhất ở bên trong họ mà chính họ không biết tới không ngờ tới.

Họ nhận ra rằng Vasiliev, người họa sĩ khác thường đó, chàng có cái nhìn thấu suốt vào tận cái cốt lõi tinh túy của tâm hồn Nga, không chỉ tâm hồn Nga mà cả tâm hồn mọi con người, dù ở đất nước nào đi chăng nữa.

Những lời đẹp đẽ, nồng nhiệt, chân thành nhất đã được người xem tranh dành tặng cho họa sĩ và tác phẩm của chàng: “Trong những bức tranh có nhiều sự thật, chúng thanh lọc tâm hồn. Cả nước Nga cần phải nhìn thấy nó”; “Cuộc triển lãm là cả một chuyện cổ tích khác thường ngay giữa đời thực. Tôi không thể nào rời khỏi những bức tranh…”; “Lớn lao thay sức mạnh của nghệ thuật. Thật vậy! Xem tranh rồi thì chết cũng không tiếc. Không lời nào tả xiết, có lẽ đây là ấn tượng mạnh mẽ nhất mà nghệ thuật mang lại trong suốt cuộc đời tôi”; “Xem tranh, tôi như thể tắm mình trong suối nguồn của sự sống.”

Thợ gặt, tranh của Konstantin Vasiliev

Họa sĩ dành rất nhiều thời gian công sức để miệt mài nghiên cứu folklore, huyền thoại, truyền thuyết dân gian của nước Nga và những nước khác như Scandinavie, và, từ nguồn đại dương chất liệu mênh mông sâu thẳm đó, chàng chắt lọc những hình tượng tinh túy nhất, kết tinh chúng vào những bức tranh đẹp một vẻ đẹp phi thời gian. Tranh của Vasiliev có vẻ đẹp cân đối, trang nghiêm, bi tráng, nhiều khi u ẩn, nhưng không bao giờ thiếu chất thơ và tỏa ra sức mạnh tâm linh.

Tác phẩm của chàng đánh động một phần nào đó, có lẽ là phần tốt đẹp nhất bên trong chúng ta mà nhiều lúc sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta quên mất: chàng đánh động nó, và khiến chúng ta nhận ra rằng mình vốn dĩ vẫn mang bên trong mình khả năng trải nghiệm những cảm xúc sâu xa, thuần khiết, cao nhã đến nhường nào.

Qua sáng tác của chàng, người xem nhận ra một điều giản dị nhưng thật lớn lao: truyền thuyết và huyền thoại, cũng như bất cứ điều gì từng có lúc lớn lao trong quá khứ, không bao giờ là cái lỗi thời, cái đã qua mà không chút nào còn lại.

Cũng như cái cốt tủy của tinh thần võ sĩ đạo không bao giờ mất hẳn trong tâm thức người Nhật hiện đại, phần cốt tủy của truyền thuyết và huyền thoại Nga, cách hiểu về cái đẹp và cái cao cả theo tinh thần hướng thượng của những thời đại xa xưa, vẫn luôn luôn tồn tại như một phần không thể thiếu của con người.

Năm 1982, một tiểu hành tinh do nhà thiên văn người Nga Lyudmila Zhuravlyova phát hiện, ban đầu mang số hiệu 3930, đã được đặt tên Vasiliev để tưởng nhớ chàng, tôn vinh tình yêu và lao động của chàng dành cho cuộc sống và thế giới.

Bên cửa sổ nhà ai

Rusalka

Nữ thần Valkyrie đến đón linh hồn những chiến binh tử trận

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • Hội họa của nỗi u hoài

    11/11/2008Diên VỹHọa sĩ Thái Tuấn, một gương mặt lớn của hội họa Sài Gòn, đã ra đi vĩnh viễn ngày 26/09 vừa qua trong căn nhà nhỏ ông đã sống và vẽ từ khi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.
  • Nghệ thuật – tiếng nói của lịch sử con người (*)

    08/11/2008Trần DuyKhi con người nguyên thuỷ biết vẽ là loài người đã biết khẳng định sự tư duy của mình, biết phối hợp chân tay và đôi mắt có nghĩa là đã có một ý thức rõ về vũ trụ của mình. Và cũng từ lúc loài người biết lấy hang đá làm nơi ở thì “kiến trúc thích nghi với thiên nhiên” ấy đã có tranh vẽ của người tiền sử cách đây 40 nghìn năm.
  • Văn hoá mỹ thuật không thể không sốt ruột

    24/05/2005Nhà phê bình Nguyên HưngKhông được dẫn dắt bởi một cách thức tư duy mới, số đông nghệ sĩ, đã không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo, không biết làm thế nào để bảo toàn nguồn năng lượng vốn có...
  • Họa sĩ THANH TRÍ : giữa thế giới sắc màu tâm ảnh

    24/05/2005Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp và họa sĩ là người đem những sắc màu và cảm xúc từ trong tâm thức của chính mình để sáng tạo thế giới: Một thế giới mang tính tượng trưng vừa hiện thực, vừa mơ mộng của cái đẹp.  Do đó, mỗi tác phẩm hội họa là một vũ trụ thu nhỏ tâm ảnh của người họa sĩ.  Mỗi họa phẩm là một mảnh tâm hồn của họa sĩ.  Màu sắc, đường nét, bố cục của mỗi bức tranh, do đó, vừa mang tính khách quan của thế giới hình tướng nhưng cũng vừa mang tính chủ quan sáng tạo của người nghệ sĩ...