Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử

09:22 CH @ Thứ Bảy - 24 Tháng Mười, 2015

Quảng Nam, nơi giằng co qua lại mấy trăm năm trong quá trình Nam tiến của dân tộc; vùng đất chịu nhiều biến động, kinh qua các cuộc chiến tranh tranh giành giữa Đại Việt và Chămpa. Vùng đất này, quá trình này được Hồ Trung Tú bàn đến trong tác phẩm “Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”. 500 năm ở đây được hiểu là tính từ năm 1306 - thời điểm Huyền Trân công chúa bước qua bên kia đèo Hải Vân (nam Hải Vân) đến năm 1802 - lúc Gia Long lên ngôi. 500 năm đằng đẳng của lịch sử với biết bao thăng trầm.

Cho đến trước khi tác phẩm này ra đời, lịch sử Nam tiến của dân tộc đã được nhiều tác giả, học giả bàn đến qua các công trình nghiên cứu với nhiều góc độ và khía cạnh. Thử thống kê lại những tựa sách ấy:

  • Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang nghiên cứu về vùng đất phía Nam của Đại Việt, về vương quốc Chămpa và Chân Lạp, về công cuộc mở cõi của Nguyễn Hoàng cho đến tận đất Hà Tiên;
  • Quảng Nam qua các thời đại của Phan Du nghiên cứu về Quảng Nam từ khi còn là vùng đất của Chiêm Thành cho đến khi trở thành một phần của Đại Việt;
  • Xứ Đàng trong năm 1621 của Critstophoro Borri ghi chép về Đàng Trong trong thời gian Critstophoro Borri lưu trú tại đây (năm 1621). Nhận định về quyển sách này, cố nhà văn Sơn Nam cho rằng: “… là tư liệu quý và quan trọng với những chi tiết cụ thể giúp ta hiểu thêm về bối cảnh vùng Quảng Nam - Quy Nhơn, về kinh tế thị trường đã tự phát hơn 50 năm trước khi cảng Cù Lao Phố hình thành ở Biên Hòa”;
  • Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 là luận án tiến sĩ của Li Tana. Ngoài nội dung nghiên cứu như tiêu đề của quyển sách, tác giả trình bày về vấn đề cương vực, địa thế… vương quốc Chămpa sau năm 1471 - mốc thời gian nói đến việc vùng đất ở nam sông Thu Bồn chính thức thuộc về Đại Việt. Bên cạnh đó là cuộc Nam tiến thời các chúa Nguyễn;
  • Một số tác phẩm, công trình khác nghiên cứu về quá trình mở rộng lãnh thổ của Đại Việt, có thể kể đến: Đất nước Việt nam qua các đời (Đào Duy Anh), Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ 17 (Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền), Duyên hải miền trung Đất và Người (Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh và Tạp chí Xưa và Nay), Nam Bộ Đất và Người (Tập 1, 2, 3, 4, 5) (Hội khoa học Lịch sử Tp Hồ Chí Minh), Gia Định Thành Thông Chí(Trịnh Hoài Đức), Lịch sử khai khẩn vùng đất Nam Bộ (Huỳnh Lứa); Lịch sử khẩn hoang miền NamTìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang (Sơn Nam);…


Bìa cuốn sách xuất bản lần thứ ba

Quyển sách này có gì mới và giải quyết được vấn đề gì cho lịch sử trong khi đã có một số lượng không nhỏ các công trình kể trên? Với phương pháp phân kỳ lịch sử, tác giả soi vào từng giai đoạn và tìm ở đó những hạt nhân hợp lý với những đặc điểm nào đó nổi bật đến độ đủ để in vào trong tâm thức người Quảng Nam những dấu ấn mãi mãi không thể phai mờ mà ta hay gọi là bản sắc. Như lời tác giả trong phần dẫn nhập: “… không lặp lại những sự kiện lịch sử mà đi sâu phân tích các sự kiện lịch sử đó, hầu cố gắng tìm ra những bằng chứng đủ sức thuyết phục, hoặc giải thích được các vấn đề về bản sắc người Quảng Nam nói riêng và xứ Đàng Trong nói chung… Và điều quan trọng nhất là qua đó chúng ta có thể hiểu được rằng lịch sử bản thân nó, với những câu chuyện, sẽ không là gì cả vì ở đâu mà không có những câu chuyện, cái quan trọng nhất là qua lịch sử đó chúng ta hiểu được bản sắc của vùng đất ấy, dân tộc ấy.” Hồ Trung Tú đã làm rất tốt công việc của mình để góp những giả định trên cơ sở những lập luận lôgic, đẩy vấn đề đến một chừng mực nào đó thoát khỏi con số 0 “chứ không có tham vọng đưa ra một câu trả lời duy nhất đúng”. Người đọc như cùng tác giả đi khảo sát các giai đoạn lịch sử Nam tiến của dân tộc, xem xét mối quan hệ tương quan, cộng cư Việt - Chàm, sự giao hòa giữa 2 nền văn minh Trung - Ấn, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cực kỳ quan trọng: người Chàm ở lại hay ra đi khi đất đai thuộc về Đại Việt? Song song đó là tìm hiểu về giọng nói đặc trưng không giống ai của người Quảng Nam. Và cuối cùng, có lẽ không ít bạn đọc đồng tình với kết luận của tác giả: trong suốt 500 năm dài, người Chàm - chủ nhân cũ của vùng đất này - đã cùng sinh sống, lập gia đình, sinh con đẻ cái, và pha trộn huyết thống trong dòng máu Việt hiện nay của chúng ta.

Nếu không có cuộc Nam tiến thì đất nước Việt Nam không như ngày nay và khó lòng tồn tại, sẽ không có được sự đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tín ngưỡng tôn giáo… Thử nhìn lại lịch sử, bắt đầu với mốc son ở thế kỷ thứ X: năm 938, Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt gần một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, khôi phục nền tự chủ, độc lập (cương vực nhỏ hẹp, bao gồm lãnh thổ khu vực thuộc các tỉnh miền Bắc trở vào nam đến địa phận tỉnh Nghệ An ngày nay). Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa. Dân tộc ta bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ quốc gia quân chủ độc lập thống nhất.

Về ngoại giao, Đại Việt giữ mối quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc ở phương Bắc nhưng vẫn giữ quan điểm là một nước có nền độc lập, tự chủ. Một nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ chủ quyền đất nước và dẹp yên biên cương trước các hành động quấy phá, xâm chiếm lãnh thổ. Trong các cuộc xung đột, có những lúc Đại Việt mang quân tấn công vào tận lãnh thổ nước láng giềng. Chẳng hạn năm 1069, vua Lý Thánh Tông vượt đèo Ngang thân chinh Chiêm Thành lần thứ 2, Chế Củ phải dâng 3 châu Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính (tương đương với địa phận tỉnh Quảng Bình ngày nay). Từ đây, bắt đầu cuộc Nam tiến, bắt đầu sự giao thoa 2 nền văn minh lớn của nhân loại là Trung Hoa (Đại Việt) và Ấn Độ (Chiêm Thành).

Đại Việt và Chiêm Thành (Chiêm Thành còn được gọi là Chămpa, Lâm Ấp hay Hoàn Vương. Sử cũ của ta hay gọi là Chiêm Thành. Chămpa là một quốc gia của người Chàm, nằm ở phía nam của nước Đại Việt xưa. Chămpa là quốc gia có lịch sử hình thành rất sớm (thế kỷ thứ II) và nhanh chóng phát triển trở thành một quốc gia hùng mạnh lúc bấy giờ (thế kỷ X - XIV). Vương quốc Chămpa được chia làm 3 khu vực lớn: Ở phía Bắc là Amaratvati, tức vùng Quảng Nam ngày nay, ở đó có kinh đô Indrapura (tức Đồng Dương), có thành phố Sinhapura, trên sông Thu Bồn ở Trà Kiệu. Hai nơi này từng là quốc đô của người Chămpa. Ở giữa là Vijaya, tức vùng đất Bình Định ngày nay. Đây là nơi có kinh đô Trà Bàn và bị triều đình nhà Lê sơ tấn công chiếm vào năm 1471. Ở phía Nam, Panduranga là vùng Phan Rang, Bình Thuận ngày nay, tiếp giáp với Chân Lạp. Đây là vùng rộng lớn nhất của Champa, nó bao gồm cả Kauthaura (Khánh Hòa ngày nay)) đánh nhau qua lại, ưu thế có lúc thuộc về bên này, có lúc thuộc về bên kia và cũng có lúc cả 2 cùng nhau chống sự xâm lược từ giặc phương Bắc.

Năm 1282, Toa Đô tiến đánh Chiêm Thành qua đường thủy chiếm thành Đồ Bàn (Bình Định). Năm 1285, Trần Nhân Tông phản công, đánh bại Thoát Hoan, chém đầu Toa Đô, Chiêm Thành được giải phóng. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông và quyết chí tu hành. Trong chuyến vân du Chiêm Thành, Trần Nhân Tông hứa gả Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân. Chế Mân liền dâng 2 châu Ô, Lý (tương đương với lãnh thổ từ Quảng Trị đến phần phía bắc tỉnh Quảng Nam (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An) ngày nay) làm sính lễ. Năm 1306, Huyền Trân bước chân qua khỏi đèo Hải Vân, mở ra 1 giai đoạn lịch sử 170 năm chia cắt, hợp nhất trên vùng đất Quảng Nam ngày nay và nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác của dân tộc.

Các năm 1306, 1402 và 1471 là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Sau đám cưới Huyền Trân, biên giới Đại Việt là sông Thu Bồn, người Việt di dân đến, người Chàm bản xứ ở lại. Những yếu tố của văn hóa Chămpa đã có những ảnh hưởng trong văn hóa Đại Việt, nhất là khi một phần dân tộc Chămpa trở thành một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Đại Việt. Năm 1402, Chiêm Thành dâng 2 động Chiêm Động và Cổ Lũy cho Đại Việt. Từ 1402 - 1407, chính quyền Hồ Quý Ly xác lập chủ quyền và ổn định chính trị trên vùng đất mới. Vùng đất mới được chia làm 4 châu Thăng (Núi Thanh, Tam Kỳ, Thăng Bình ngày nay, kể cả Quế Sơn và Tiên Phước ở phía tây (theo Đào Duy Anh)), Hoa, Tư, Nghĩa (tương đương với diện tích Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay). Có đất, phải có người cai trị, người di cư từ Bắc vào, người Chàm bản xứ ở lại, con số chắc hẳn không nhỏ. Năm 1407, quân Minh đến hỗ trợ Chiêm Thành lấy lại đất cũ, chính quyền Chiêm Thành lấn ra tới vùng Thuận Hóa (ngoại ô thành phố Huế ngày nay), người Chàm bỏ đi trước giai đoạn đó (1402 - 1407) trở lại, di dân người Việt đến trước giai đoạn đó không hoàn toàn bỏ đi. Một giai đoạn kéo dài gần 40 năm, từ 1407 - 1446 người Chàm thực sự làm chủ vùng đất này, đây có thể coi như một lát cắt quan trọng trong mối quan hệ Việt - Chàm cần có. 40 năm những người Việt sống với người Chàm, lệ thuộc vào sự cai trị của người Chàm, đủ để hình thành một bản sắc văn hóa riêng của thế hệ người Việt ở lại và khó hoàn nguyên khi một lớp người Việt khác đến sau này. Năm 1471, Lê Thánh Tông ra Chiếu Bình Chiêm và Trà Toàn trở thành vị vua cuối cùng của vương quốc này. Cho đến lúc này thì vùng đất nam Quảng Nam (Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước ngày nay) thực sự thuộc về Đại Việt vĩnh viễn. 170 năm từ 1306 - 1471, khoảng thời gian dài chia cắt dẫn đến giọng nói người nam và bắc Quảng Nam có sự khác nhau!

200 năm tiếp theo là những làn sóng di dân, từ 1471 - 1671, những cuộc di dân ồ ạt và khó kiểm soát với những thời điểm mất mùa, đói kém ở ngoài Bắc, cho nên việc di dân trên diện rộng từ Thanh Hóa, Nghệ An… vào là điều đương nhiên. Lúc này, người Chàm bỏ ra đi hay ở lại? là một câu hỏi lớn quan trọng quyết định bản sắc của người Quảng Nam và các tỉnh Nam Trung bộ nói chung. Năm 1602, bắc Quảng Nam chính thức tách khỏi Châu Hóa trở thành huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam kéo dài đến Bình Định. Từ 1602 - 1631, giai đoạn di dân mạnh nhất và là cuối cùng với việc chúa Nguyễn đánh Phú Yên và xây lũy Trường Dục (nội bất xuất, ngoại bất nhập). Từ năm 1631 - 1671, hiện tượng di dân chấm dứt. Năm 1671 đất nước chia làm Nam - Bắc lấy sông Gianh làm ranh giới, bắt đầu 115 chia cắt (1671 - 1786). 200 năm người Việt và người Chàm sống chung trong quan hệ xóm giềng, vợ chồng… 115 năm này là lát cắt quan trọng thứ 2 cho việc ổn định sự giao thoa văn hóa đã được hình thành trước đó, và bản sắc văn hóa đã hình thành cũng trở nên vững bền.

Văn hóa, văn minh khác với chính trị, quân sự. Thử nhìn lại lịch sử, đế quốc La Mã chiếm Hy Lạp nhưng về văn hóa đã bị nền văn minh Hy Lạp lấn át, Mông Cổ chiếm nhà Tống và bị nền văn minh Trung Hoa nuốt chửng. Nền văn minh Đại Việt so với Chămpa là ở trên (chí ít được thể hiện trong Chiếu Bình Chiêm của người đứng đầu Đại Việt). Vì vậy việc đồng hóa, lấn át là chuyện bình thường. Thế nhưng, bản sắc của người Chàm vẫn còn được lưu giữ mãi cho đến ít nhất là năm 1793, kết luận này hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể qua các bản ảnh màu (dùng làm bìa 1 cuốn sách) của Barrow in trong tập Du ký đến Đàng Trong năm 1793. 10 năm sau, đến 1802, khi Gia Long lên ngôi, bản sắc đó hoàn toàn biến mất trên đất Quảng Nam, Quảng Ngãi và kể cả Bình Định!

Đã có 500 năm như thế, từ 1306 - 1802 với 2 lát cắt quan trọng hình thành nên những bản sắc Quảng Nam riêng trong tiến trình lịch sử: 1407 - 1446 và 1671 - 1786. Trong 500 năm đó, mối quan hệ Việt - Chàm là không thể bàn cãi, là quá trình dài vay mượn có chọn lọc những cái mới từ người Chàm. 500 năm quan hệ Việt - Chàm trên đất Quảng Nam, người Chàm ở lại với số đông, người Việt đến nắm chính quyền, kiểm soát đất đai và mang theo nền văn hóa của mình, “người Chàm bản xứ chuyển sang nói tiếng Việt và quên dần gốc gác”. Một vấn đề khác, ở khía cạnh tiếp thu và tiếp biến văn hóa, tác giả đã đưa ra một nhận định rất hay cần được xem xét và khác so với các nhận định trước đây: việc tiếp thu có thể xảy ra không nếu ở đó không có người ở, tiếp thu gì ở chỗ không người (người Chàm ở lại), người Việt sẽ chẳng tiếp thu gì bởi luôn tự hào mình có nền văn minh cao hơn (thể hiện qua Chiếu Bình Chiêm)... thông qua phương pháp phân kỳ lịch sử. 500 năm va chạm giữa 2 nền văn minh như để lại trong tâm hồn người Quảng Nam một dấu vết nào đó, nhưng “một sắc chỉ nào đó, một quy định nào đó dưới triều Nguyễn đã khiến họ phải từ bỏ tất cả trong thời gian ngắn để hòa nhập triệt để vào cộng đồng người Việt ngày càng đông, rồi quên dần bản sắc mình, chỉ còn phảng phất đâu đó, hoặc cũng có thể còn rất đậm mà chúng ta không thể tự biết, tính cách, lối sống của người Chàm xưa mà ta hay gọi là bản sắc Quảng Nam?” như một câu kết cho vấn đề bản sắc của người Quảng Nam.

Người quảng Nam có một vốn từ vựng nghèo nàn và đặc biệt là hay cãi, phải chăng giọng Quảng Nam là “giọng các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt, cái giọng ấy đã truyền lại cho con cái để thành nên giọng Quảng hôm nay!” như lời của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nói khi đứng trên bục giảng. Các vấn đề về phương ngữ và giọng nói người Quảng Nam được tác giả dành hẳn một chương để khảo sát và đưa ra những nhận định quan trọng.

Tôi đọc quyển sách này khá lâu, lâu nhất trong tất cả các sách mà tôi từng đọc dù độ dày của nó là trung bình, vỏn vẹn 260 trang khổ 13x21cm, tuy nhiên về độ nặng thì không giới hạn. Sở dĩ tôi đọc lâu như vậy là vì xúc động và những câu hỏi cứ ồ ạt đến trong đầu khiến tôi dừng lại và suy ngẫm. Cho đến khi đọc xong quyển sách này tôi (đứa con xứ Quảng, quê quán và nơi tôi trưởng thành cách nhau con sông Thu Bồn - minh chứng của lịch sử trải dài 700 năm đến ngày hôm nay) thấy cá nhân mình hiểu về quê hương, xứ sở, nguồn cội là quá ít và gần như không hiểu về chính mình. Thực trạng này là phổ quát hiện nay và thực sự đáng lo ngại đối với số đông, là chuyện không của riêng ai ở cái xứ sở này? Cảm ơn tác giả đã tặng cho bạn đọc nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng một cuốn tiểu thuyết lịch sử (tôi nghĩ vậy, tiểu thuyết nhưng không dễ đọc, nặng về dữ liệu và khiến bạn đọc suy tư) giá trị với một kho dữ liệu cổ kim, đông tây phong phú; những góc nhìn, phân tích chi tiết và cả cái kết luận dũng cảm nhưng khoa học của mình.

Trích ra đây lời cuối của tác giả thay cho lời kết bài tóm tắt này: “… sự giao hòa văn hóa của hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa xảy ra trên đất Quảng Nam là vô cùng sâu sắc và diễn ra một cách phức tạp chứ không đơn giản chỉ có tiếp thu, tiếp nhận, tiếp biến như lâu nay nhiều người từng nghĩ. Đó là một thực tế hiển nhiên và nó đã tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo không còn giống với bất cứ cái gốc nào. Việc xác định điều này là vô cùng cần thiết bởi ta sẽ hiểu rõ hơn những gì mà ta hay gọi là bản sắc, cá tính của người Quảng Nam, không giống với các nơi khác. Và điều quan trọng hơn là ta hiểu được tại sao nó lại như thế? Và có lã điều đó là cần thiết hơn bất cứ cái gì trong phạm trù bản sắc văn hóa.”./.

Nguồn:Sách Hay
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người tạo nên vụ Big Bang 80 năm trước ở Sài Gòn

    27/03/2020Nguyên NgọcNgày 24/3 này, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh, và sau đó mấy hôm, ngày 4/4, kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông, mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản hồi ấy đã viết là "trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ"...
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Con người suy thoái?

    28/10/2015Vương Trí NhànĐịnh mệnh của con người là vươn tới tiến bộ; nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái về nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần?
  • Hồi ký “Phật sống” Lưu Công Danh

    28/07/2015Nguyễn Thị Thanh Xuân ghi năm 2003Cụ Lưu Công Danh mất năm 103 tuổi. Cụ đã sống, lao động, phấn đấu hơn một thế kỷ. Cụ là người có tinh thần yêu nước thương dân nồng nàn, ghét cay ghét đắng mọi áp bức bất công. Hơn một thế kỷ qua, cụ đã đi qua nhiều nước trên thế giới, chịu biết bao gian khổ, trong đó phần lớn thời gian dành cho tu Phật, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cho nghề Y cao quý...
  • “Cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi”

    12/02/2015Linh ThủyCâu nói của nhà văn Nga Tchekhov được Vương Trí Nhàn trích lại trong “Những chấn thương tâm lý hiện đại”. Dường như, đó cũng là tiếng cảm thán của chính tác giả, và của nhiều người về sự xuống dốc của lối sống hiện nay.
  • Sơ lược về đời làm báo của Phan Khôi

    09/10/2014Lại Nguyên ÂnPhan Khôi (1887-1959) can dự văn chương không hiếm khi với tư cách người sáng tác (làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài) nhưng thường khi với tư cách người bình luận, người nghiên cứu, hoặc với tư cách dịch giả. Hoạt động của ngòi bút ông gắn với báo chí đến mức di sản của ngòi bút ông có cơ mất hút trong mắt các lớp hậu thế nếu họ chỉ đi tìm ông theo cái kênh dễ soi là sách xuất bản thời trước và do vậy chỉ thấy được một ít văn phẩm (Chương Dân thi thoại, Việt ngữ nghiên cứu, …) dường như chưa xứng tầm cỡ tác giả!
  • Tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất"

    17/03/2013Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh NamThế Kỷ Bị Mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam là cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên viết về phong trào Duy Tân đất Quảng. Đây là phong trào vận động cách mạng khởi phát từ Quảng Nam rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh ven biển miền Trung cũng như trên phạm vi cả nước…
  • Văn hóa Tràng An trong chuyện đặt tên đường phố

    10/02/2009Đoan Trang2008 là một năm chính quyền thủ đô nhiều lần được báo chí nhắc tới để phê phán: Từ việc mở rộng gây tranh cãi, sự lúng túng trong đối phó với trận lụt lịch sử, dự định xây TTTM ở chợ 19/12, tới vụ để sứt mẻ thương hiệu "Tràng An" khi người dân vặt hoa ở lễ hội v.v. Dù vậy, trong chuyện đặt tên đường phố, thì Hà thành có một nét văn hóa đáng ca ngợi, ít nhất cũng đáng để các nơi khác tham khảo.
  • Viết tạp bút như cụ Huỳnh

    08/12/2005Thanh ThảoSuốt một đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho dân sinh, dân chủ, cụ Huỳnh không chỉ nêu tấm gương một nhà yêu nước, mà trong lĩnh vực báo chí, cụ còn thể hiện được sức mạnh của một ngòi bút can trường, nhân ái, quyết liệt và năng động. "Tôi là một nhà cách mạng công khai", cụ Huỳnh đã tự nhận chỗ đứng của mình như thế. Và đó là chỗ đứng của người cầm bút, của người làm báo, của người đấu tranh bằng con đường ngôn luận...
  • xem toàn bộ