Anh chàng khoác lác

11:16 SA @ Thứ Hai - 02 Tháng Tư, 2018

Cũng có trí thông minh, cũng có tài hoạt-bát, cũng biết đường hơn thiệt, cũng biết điều phải chăng, nhưng phải cái tính tự phụ hiếu thắng, nói khoác nói lác, nói quàng nói xiên, thành ra con người trắng trợn, rất khả ố.

Trên trời, dưới đất, phương Đông, phương Tây, thượng vàng hạ cám, có cái chi là anh không biết? Anh là toàn trí, toàn năng, toàn tài, toàn lực; suốt trong nước còn ai bằng anh?

Mỗi khi anh dương (Nay thường viết là giương – PT chú) gân cổ mà nói: Moa- vì anh hay nói tiếng tây, thì cái Moa của anh đó, lúc bấy giờ tưởng như là trung tâm điểm của Vũ-trụ vậy.

Thân anh, nhà anh, họ anh, kẻ trên người dưới của anh, cho chí con chó con mèo nhà anh nữa, cũng là hơn người cả.

Anh mà đã dự vào một việc gì, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, có khi chẳng trực tiếp mà cũng chẳng gián tiếp, chỉ nghe lóng bên ngoài, nghe hơi nồi trõ (Nay thường viết là chõ – PT chú), thời việc đó thành quan trọng vô cùng, anh tuyên truyền khắp mọi nơi, mách bảo đủ mọi người, trong thành ngoài phố, không ai là không biết, và theo phép tuyên truyền đời nay – vì anh rất sở trường về cái thuật mới đó, -thời việc gì qua miệng anh cũng là nhân lên thành mười, phóng đại thành trăm cả, không thấy con người nào ồn ào bằng con người ấy.

Ưa ồn ào, nên ngồi không không chịu được, tất phải có chuyện gì mà nói cho ra con người thông thạo tỏ tường. Không có thời dựng đứng mà đặt ra, rồi vơ quàng vơ xiên, lấy người nọ người kia làm chứng tá (Người làm chứng trong vụ kiện cáo– PT chú). Vì phép lịch sự, người ta không cãi lại, lại càng nhơn nhơn mà nói tướng nữa. Thành ra nhiều khi nói khoác mà hóa ra nói không, phạm lỗi cuồng ngôn (Lời nói cao kỳ mà không đúng sự thật, không đúng đạo lý – PT chú) hay phạm tội vu cáo mà không biết.

Một mà nhân lên làm mười, hay phóng đại làm trăm, thì còn có tỉ lệ mà trừ đi hay rút lại được, như thông tục mà nói là “trừ bì” vậy. Cho nên ai đã biết anh, thời nghe lời anh nói, nghe chuyện anh thuật, cứ theo tỉ lệ mà “trừ bì”, không dám tin hẳn. Nhưng không mà làm ra có, rồi cũng nhân lên làm mười, phóng đại làm trăm, thời thật là vô khả tư nghị (Không thể tưởng tượng và nghị luận được – PT chú) vậy.

Tiếc thay, con người thông minh lanh lợi mà phải cái tính ác liệt đó, thành ra hư hỏng cả, không những hư hỏng cho mình, mà lại khiến cho người yếm ố (Ghét, giận – PT chú) nữa.

Hư hỏng, vì con người ấy không tự cải chính được nữa, và cũng không chịu để ai cải chính cho nữa.

Đã ồn ào, lại hung hăng. Nói gì không muốn cho ai nói lại. Nói lại thành cãi lộn liền, có khi thành ẩu đả nữa. Cho nên ai đã biết, cứ để mặc anh nói, chẳng buồn cãi làm chi.

Thấy thế lại càng tự đắc lắm, tự đắc là thánh thần, không ai dám ngược.

Tự đắc quen thân, thành ra trắng trợn, không biết kiêng nể gì ai nữa. Bấy giờ lại càng được thể dễ nói khoác, một tấc đến Trời, tự do tha hồ nói, càn dỡ quàng xiên.

Vì trắng trợn nên không ai dám dây, lại càng túng sính (Như: được thể – PT chú). Người đã biết tính, cứ để cho nói, chẳng làm tai nghe. Nhưng đối với người thường thời cái thái độ trắng trợn ấy cũng là một cách thị oai, cho nên cũng có người “yếu bóng vía”, phục anh chàng là tài là giỏi. Nhưng sớm trưa rồi cũng rõ cái bản sắc anh chỉ là một chàng nói khoác, thừa lúc đắc thế, lại càng khoác lác lắm.

Bản thảo viết tay Hoa Đường Tùy Bút- Kiến Văn, Cảm Tưởng I của Phạm Quỳnh

Phạm Quỳnh

(Mùa hạ năm 1945)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Căn bệnh “Bán trời không văn tự”

    29/06/2018Vi ThanhVới những đứa trẻ, tình yêu và hạnh phúc là những thứ bên cạnh, giản dị và đơn sơ. Chúng không có khái niệm về tham vọng, về danh lợi, về bạc tiền. Trong những đôi mắt đen lóng lánh hạt nhãn ấy, không có những thứ khí hắc ám của đời sống phủ bụi...
  • Chỉ buộc chân voi

    24/08/2017Phạm QuỳnhQuần chúng phải buộc bằng những sợi chỉ vô hình của đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, sợi chỉ mong manh nhưng cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ cương, nếu không thời chỉ là những đám đông ô hợp, hỗn hào, loạn tạp.
  • Chỉ tên những tật xấu của người Việt thời nay

    01/03/2016TS Phạm Gia MinhChúng ta hãy cùng nhau lên một danh mục, tạm gọi là “Danh mục các thói hư, tật xấu của người Việt thời nay" nhằm “vạch mặt, chỉ tên” càng chính xác càng tốt những biểu hiện tinh vi và đa dạng của nó.
  • Trí thức nửa mùa

    09/09/2013Oleshuk Iu.FỞ nước Nga, trong thế kỷ XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc cải cách đầy tai họa hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa.
  • Vô Duyên

    05/12/2009Phạm QuỳnhCòn như vô duyên cũng có năm bảy đường: có kẻ bất tài mà vô duyên, tưởng lẽ tự nhiên là thế, nhưng nghĩ kỹ vô duyên không phải ở bất tài, không tất nhiên bởi bất tài; bất tài mà yên phận thời dẫu không có duyên cũng không đến nỗi nào;
  • Con người hiểm độc

    01/12/2009Phạm QuỳnhVậy thời cái con người hiểm độc ấy nó thế nào? Có thể tả được bức tranh tâm lý về con người ấy, bằng nét vẽ phác họa, đủ cai quát (Bao quát toàn bộ – PT chú) mà hình dung được một nhân vật chung trong xã hội, không mang tiếng là ám chỉ một cá nhân đặc biệt nào, có thể vẽ được bức tranh phá bút như thế không?
  • Tư tưởng Keyserling

    28/11/2009Phạm QuỳnhXét đời người phải xét đến sự sống, vì đời người là cái khoảng người ta sống trên mặt đất. Nhưng người ta cũng là một giống trong muôn vàn giống sinh vật khác; xét sự sống của người ta là xét sự sống của hết thảy các sinh vật trên mặt đất.
  • Văn học, chính trị

    16/09/2009Phạm QuỳnhHai phạm vi văn học và chính trị, tuy có thể đắp đổi cho nhau, nhưng thực là cách biệt nhau hẳn. Có thể đắp đổi cho nhau là nhà chính trị mà có văn học thời được sắc sảo thêm ra, như trên đã nói, và nhà văn học mà làm chính trị thời cũng có lẽ được giàu thêm sự kinh nghiệm ra, tăng thêm được tài liệu cho sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng mà vốn là hai phạm vi cách biệt nhau, vì khuynh hướng về hai mục đích khác nhau.
  • Đức khiêm tốn

    20/07/2009Huy DungTrên 1 tờ lịch vô tình đọc được câu “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại" (ngạn ngữ Cổ Hy Lạp)”. Bỗng nhớ lại trước Tết này, tôi đọc được trong bài của Thái Doãn Hiểu, có nhận xét sắc sảo mà đại ý là người thật sự giỏi thơ thì rất khiêm tốn, người có chút tiếng tăm về thơ thì hay vỗ ngực hoặc xem trời bằng vung, thậm chí lục bát tạm sạch lỗi chỉ mới dăm bài đã, như ai nói, liền gọi Nguyễn Du bằng anh ngay!
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Cái kiêu của nhà Nho

    23/06/2009Hoài TrânNho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cung ở người quân tử. "Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích" - cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại - có thể nói, đây chính là một "lí do triết học" dẫn đến đòi hỏi đạo đức nói trên trong Nho giáo.
  • xem toàn bộ