Tư tưởng Keyserling
Tập Hoa Đường tùy bút – Kiến Văn, Cảm Tưởng I, với bài cuối cùng Cô Kiều và tôi viết còn dở dang là những lời tâm sự ông rút từ ruột gan mình muốn thổ lộ, nhắn gửi với người đời sau. Đây là bản thảo đầu tiên ông viết chỉ để mình đọc, chưa phải để đưa đi in.PhamTon's blog đã thu thập bản sao chụp toàn bộ 11 bài ấy và công bố nguyên văn.
Giữa trời nóng tháng sáu mà đọc sách triết lí Keyserling, quyết không phải là một cách tiêu khiển mùa hè. Vậy mà mấy bữa nay đã đọc hết một quyển dày ngót bốn trăm trang của nhà triết học Đức, đề là Mặc khảo về Nam Mĩ (Méditations sud américaines). Kể thì cũng không phải là một cách mua vui ngày hè thật, vì tư tưởng sâu xa, lời lẽ khó hiểu, phải để ý suy nghĩ luôn không khỏi mệt trí. Có lẽ cũng không phải là ý nghĩa quá thâm trầm mà khó hiểu, chỉ vì cách lí luận phô diễn của tác giả kì khu mắc mớ mà làm cho độc giả không nhẫn nại đến chán nản vậy. Lối hành văn của các nhà triết học Đức vẫn có tiếng là nhiêu khê xưa nay: thật thế, đọc văn Keyserling như đứng giữa đêm tối mà chốc chốc có chớp loáng giữa trời, có nhiều câu sáng sủa sâu sắc lạ lùng, mà chìm đắm trong những đoạn mập mờ tối nghĩa, mạch lạc không rõ ràng, cho nên phải để ý luôn cũng mệt. Nhưng cách tiêu khiển của người ta, mỗi người mỗi khác. Muốn bận trí cho khỏi nghĩ lan man đến chuyện khác, đọc sách Keyserling giữa trời hè nóng nực, cũng là một cách tiêu khiển riêng vậy.
Nước Đức, sau cuộc thất bại năm 1918, tâm hồn tán loạn, thần trí hoang mang, các nhà tư tưởng băn khoăn tự hỏi không biết lẽ phải ở đâu, đường sống nẻo nào. Bá tước Hermann Keyserling là một tay lỗi lạc trong các văn nhân học giả đó, đã từng sáng lập ra một nơi học xá riêng để họp tập đồ đệ nghiên cứu về đạo lí đặt tên là “trường Đạo lí” (Ecole de la sagesse), lại du lịch các nước để khảo sát về nghĩa lí các dân tộc. Cách khảo sát của ông là cách “mặc khảo”, mượn cảnh vật bề ngoài, lấy tình cờ quan sát mà trầm tư mặc tưởng, suy rộng đến nguyên lí sâu xa.
Ông tự hỏi: đời người có nghĩa không và nghĩa đời người là gì?
Xét đời người phải xét đến sự sống, vì đời người là cái khoảng người ta sống trên mặt đất. Nhưng người ta cũng là một giống trong muôn vàn giống sinh vật khác; xét sự sống của người ta là xét sự sống của hết thảy các sinh vật trên mặt đất.
Các sinh vật bắt đầu sống thế nào? Nguyên thủy của sự sống thời mịt mù trong thời gian không biết đâu mà dò xét cho được. Cứ xét các trạng thái có thể đoán được, thì có lẽ trạng thái gần với nguyên thủy hơn cả, là trạng thái những giống bò cạp, những loài máu lạnh: rồng, rắn, thuồng luồng, mắt lờ đờ, mình quằn quại, lúc nhúc sinh sản trong những đầm lầy rừng rậm. Suốt mặt địa cầu, duy có Nam Mĩ là cảnh vật còn gần giống với cảnh vật hồi đầu, khi sự sống mới xuất hiện trên mặt đất. Thổ dân châu ấy là giống Da đỏ, thì nay đã hầu tàn hết rồi. Hiện nay, dân cư toàn là người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha sống thực dân đã mấy thế kỉ nay, sinh trưởng lâu dài, chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh mà hầu thành những dân tộc mới. Xét sinh hoạt và tâm lí các dân tộc ấy, như người Arghentine, Bresil, Perou, v.v., có thể trừu tượng mà ức đoán được trạng thái của sự sống hồi nguyên thủy thế nào. Sự sống ấy có mật thiết quan hệ với hoàn cảnh địa lí, với cảnh vật bên ngoài. Sự sống ấy liền với mạch đất, kỉ đất, toàn thuộc về đất (tellurique). Nếu theo thuyết “âm dương” của triết học cổ nước Tàu, thì sự sống hồi đầu toàn là thuộc âm cả. Thuộc âm nên nặng nề, tối tăm âm thầm, lạnh lẽo, chính là tính cách sự sống của các giống bò sát ở các đầm lầy đời thượng cổ vậy. Xét tâm lí người Nam Mĩ ngày nay cũng có tính cách thuộc âm như vậy. Đó là tính cách người đàn bà thuộc về thụ động. Cho nên sự sống của người đàn bà mà giữ được thuần tính chất đàn bà, vẫn là gần với trạng thái nguyên thủy, vì không đoạn tuyệt với đất, ứng với địa mạch, thuận với địa lí, thuần thuộc âm vậy.
Nay lại xét sâu hơn nữa mà thử nghiệm xem cái sống vì địa mạch, cái sống thuần âm đó, cái sống gần với nguyên thủy đó, nó biểu lộ ra những đặc tính gì. Xét cho kĩ, nhận ra có ba tính cách như sau, tác giả gọi bằng những tên riêng lấy ở tiếng Tây Ban Nha ra: Một là gana, tiếng này cũng khó dịch lắm, hẵng tạm dịch là “khuynh hướng”; hai là delicadeza cũng tạm dịch là “cảm xúc”, ba tức là “cảm động” (chữ Pháp là èmotion).
Sự sống nguyên chỉ biểu lộ ra ba cách đó mà thôi: loài sống vốn có một sức ngầm nó đưa đẩy cho nghiêng theo một đường, tức là gana, là cái khuynh hướng muốn sống; bị ngoài kích thích thì cảm xúc, như cây hàm tu thảo, chạm đến thì thu rút lại ngay; nhưng kích thích mạnh thì có dao động đến cả thân thể, tức là cảm động, và ở những loại cao thì nhân đó sinh ra cảm tình, thành ra ái ố. Tác giả chỉ nói có ba tính cách đó, nay xin làm thêm một tính cách thứ tư nữa, là “phản động”, vì có cảm động tất có phản động lại, tức là đáp lại cái kích thích bên ngoài, hoặc thuận, hoặc nghịch.
Sự sống rút lại chỉ có thế mà thôi, chỉ là một mớ những khuynh hướng, cảm động phản động tự nhiên, dường như vô ý thức vậy. Đã vô ý thức thì còn có ý nghĩa gì nữa?
Xét phần nhiều người cũng chỉ quanh quẩn trong cái vòng sống tự nhiên đó mà thôi, và hết thẩy người đàn bà là sống như thế cả. Các dân tộc Nam Mĩ cũng thế. Mà cách sống đó là cách sống chân thật hơn cả, mà cũng là cách sống không có ý nghĩa gì cả.
Mà thật sự sống vốn không có nghĩa lí chi hết, không có nghĩa có lí đối với chi hết cả. Nghĩa lí là sự người ta ngẫu nhiên bịa đặt ra mà thôi.
Sự sống hồi đầu chỉ là một đám tối tăm lạnh lẽo, do mấy sức mạnh đơn sơ chuyển động, ngọ nguậy như con trăn khổng lồ nằm trong hang sâu vực thẳm... Một buổi nọ, không biết vì duyên cớ gì, cũng như không biết vì sao mà có sống, trong đám tối đó bật ra một cái tia sáng là tia sáng của Thần trí (Esprit) người ta. Sự tình cờ ấy đem lại cho loài người lắm chuyện lôi thôi. Tự đó mà sự sống vốn ù lì mù mịt thành ra có giác có trí. Tự đó mà loài người đương thiêm thiếp giấc mộng, vụt tỉnh lên hoạt động. Tự đó mới có cuộc đời, có lịch sử, mới khởi lên vấn đề nghĩa đời người. Nhưng đối với sự sống, đó toàn là trò chơi, là chuyện thừa cả, do Thần trí người ta vẽ vời bịa đặt ra, chứ đối với lẽ sống tuyệt nhiên không có quan hệ gì, mà thường thường lại là mâu thuẫn phản trái với sự sống vậy.
Thần trí đã can thiệp vào cõi sống - dương đã phối hợp với âm chiếu ánh sáng vào trong đám hỗn độn u ám, tiện thị là nhân đức sự sống, đã nhận thức liền muốn tổ chức, muốn tổ chức tức là lấy trí mà đặt cho sự vật thành thông lệ, đời người có nghĩa lí.
Số là Thần trí có cái đặc tính hay tưởng tượng, hay quan niệm. Tưởng tượng là tạo ra những hình tượng, quan niệm là trừu tượng mà hóa thành lí tưởng. Lí tưởng với hình tượng lại có sức mạnh muốn hiển hiện ra thực sự. Thành ra cuộc đời ngày càng xa với lẽ sống nguyên thủy, chỉ bằng cứ ở những lí tưởng cùng những hình tượng huyền ảo do thần trí cấu tạo ra, lại do thần trí muốn đem ra diễn thành sự thực vậy. Nói tóm lại thời đời người là một tấn kịch, cuộc đời là một kịch trường, và người ta toàn là những vai đóng kịch cả. Đời người có nghĩa hay không là chỉ đối với vai tuồng của mỗi người đóng đối với bản tuồng của mỗi người diễn mà thôi, chứ đối với lẽ sống thiên nhiên trong Vũ trụ, thì chẳng có quan hệ mảy may gì cả. Không những thế, người ta nhiều khi mê man về trò chơi đó mà quên cả lẽ sống cốt yếu; cho nên thường phải cảnh cáo cho biết đó là chuyện giả, chuyện giả hết cả.
Thế là nghĩa làm sao? Nghĩa là sự sống vốn thuộc âm, không có nghĩa lí gì cả, cho đến ngày Thần trí tức khí Dương (l) can thiệp vào, biến một cái thế giới tối tăm lạnh lẽo thành một vũ đài rực rỡ náo nhiệt, để cho loài người diễn một tấn tuồng thiên cổ li kì, thiên cổ đặc sắc, tức như thi hào nước ý Dante gọi là “Hí kịch thánh thần” (Divina Comedia) của nhân loại vậy.
Nhưng phải nhớ rằng tấn tuồng đó không có quan hệ gì với sự sống cả, chỉ là cái trò chơi của người đời đặt ra để tiêu khiển trong cõi sống vậy. Nhưng cả giá trị của đời người, cả nghĩa lí của đời người là ở trong tấn tuồng đó...
Ấy tư tưởng của Keyserling như vậy. Tư tưởng ấy kể cũng li kì và cũng sâu sắc thật. Đây gọi là tóm tắt đại khái mà thôi, chưa chắc đã thấu hiểu được hết, mà nói ra cũng là thô lược vô cùng. Vì giá trị sách của Keyserling là nhân một việc nhỏ mà khái luận thành một nghĩa lí sâu xa, dẫn chứng ba lần khiến cho người đọc phải nghĩ ngợi vô cùng. Nhưng cách lí luận không khỏi tần phiền, mà cách hành văn có điều trắc trở, cũng khiến cho người đọc nhiều khi mệt trí mệt não.
Đọc sách Keyserling quyết không phải là cách tiêu khiển mùa hè vậy. Thuật sách Keyserling cũng quyết không phải là cách tiêu khiển mùa hè vậy. Nhưng đã trót tiêu khiển bằng cách đó, cũng phải vội vàng ghi chép lấy, gọi là kỉ niệm mấy ngày nóng nực lạ thường, giữa lúc thần trí bâng khuâng, lan man nghĩ ngợi những đường kia nỗi nọ xa gần…
(1) Đối chiếu với thuyết âm dương là tự thuật giả, không phải tự tác giả.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh