Không sợ chỉ trích
Theo dõi một số phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước giới trẻ trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, tôi chợt liên tưởng tới lời dạy của Bác Hồ về phê bình.
Bác Hồ từng nói: “Sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình. Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói như vậy là lầm to.
Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa”.(1)
Trong cuộc đối thoại ở Thượng Hải hôm 16/11, trước câu hỏi của một bạn trẻ Trung Quốc về bức tường lửa, về kiểm duyệt internet, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói như thế này:
"Tôi là tín đồ lớn của công nghệ và tôi là tín đồ lớn của sự cởi mở trong thông tin. Tôi tin rằng thông tin càng được lưu chuyển tự do thì xã hội càng vững mạnh, bởi nhờ đó mà công dân các nước trên khắp thế giới có thể buộc chính phủ phải thể hiện tinh thần trách nhiệm. Tự do thông tin giúp người dân tự do suy nghĩ. Điều đó tạo ra các ý tưởng. Điều đó khuyến khích sáng tạo.
Tôi luôn là ủng hộ viên tích cực của tự do Internet. Tôi là một người ủng hộ tích cực của phi kiểm duyệt. Đây là một phần của truyền thống nước Mỹ mà tôi đã đề cập trước đây, và tôi nhận thấy rằng các quốc gia khác nhau có truyền thống khác nhau. Tôi có thể nói với các bạn rằng, tại nước Mỹ, thực tế là chúng tôi có Internet tự do, hay nói cách khác, truy cập Internet không hạn chế là nguồn lực của sức mạnh, và tôi nghĩ rằng điều đó nên được khuyến khích.
Bây giờ tôi muốn nói với các bạn rằng, một cách trung thực, là tổng thống của nước Mỹ, có những lúc tôi muốn thông tin không được lan truyền tự do để khỏi phải nghe người ta chỉ trích. Tôi cho rằng, con người khi ở vào vị trí quyền lực thì, một cách tự nhiên, họ thường phản ứng, ồ, sao người kia lại có thể nói vậy với tôi, hay, nói vậy là thiếu trách nhiệm, nhưng thực tế là ở nước Mỹ thông tin được tự do, và tôi có rất nhiều người chỉ trích ở nước Mỹ, họ nói về tôi đủ thứ. Tôi thực sự nghĩ rằng điều đó làm cho nền dân chủ chúng tôi vững mạnh hơn và giúp tôi trở thành một lãnh đạo tốt hơn bởi nó buộc tôi phải nghe những điều tôi không muốn. Nó buộc tôi phải thẩm định lại những việc mình làm hằng ngày để xem tôi có thực sự đang làm hết sức mình cho nhân dân Mỹ hay không.”(2)
Phát biểu của ông Obama làm tôi nhớ tới lời một người Mỹ khác, giáo sư Randy Pausch, người đã thực hiện “Bài giảng cuối cùng” trước khi chết vì bệnh ung thư tụy hồi năm ngoái.
“Huấn luyện viên Graham rất khắt khe với tôi. Tôi còn nhớ về một bài tập. "Em làm sai hoàn toàn rồi, Pausch. Quay trở lại! Làm lại!" Và tôi cố làm động tác mà ông muốn. Nhưng vẫn không đủ. "Em còn nợ, Pausch! Sau giờ tập, em sẽ phải bị phạt làm chống tay."
Khi cuối cùng được giải tán, một trợ lý huấn luyện viên bước tới tôi. "Huấn luyện viên Graham hành em khá dữ có đúng không?" ông nói.
Tôi gần như không còn nổi sức để thốt lên tiếng "vâng."
"Đó là một điều tốt," ông trợ lý nói. "Khi em làm sai mà không còn ai nói với em một điều nào nữa, thì có nghĩa là họ đã bỏ em."
Bài học này đã lưu lại trong tôi qua suốt cuộc đời. Khi bạn thấy bạn làm điều gì đó xấu xa mà không ai thèm nói với bạn nữa, thì đó chắc chắn là chỗ không tốt cho bạn. Có thể bạn không muốn nghe, nhưng những lời phê bình thường cho bạn biết mọi người vẫn còn yêu mến bạn, quan tâm tới bạn, và muốn giúp bạn tiến bộ.”(3)
Chỉ trích luôn luôn không dễ chịu đối với đối tượng bị chỉ trích. Nhưng chính nhờ bị (hoặc được) chỉ trích, người ta mới thấy được khiếm khuyết của mình, qua đó mới có thể điều chỉnh cho mình tốt hơn.
Đối với nhà cầm quyền, bị dân chỉ trích cũng là một đặc ân. Sẽ thật đáng sợ khi nhà cầm quyền phải đối mặt với một biển nhân dân im lặng. Khi đó, hoặc là dân quá sợ hãi, hoặc tin tưởng một cách mù quáng, hoặc không muốn hợp tác nữa bởi thấy rằng căn bệnh của nhà cầm quyền đã trở nên không thể chữa trị được. Vì bất cứ lý do nào thì sự thiếu vắng những lời chỉ trích từ nhân dân là điều cực kỳ nguy hiểm cho nhà cầm quyền.
Chính vì lẽ đó, triều Tây Sơn ngày trước từng ra "Chiếu cầu lời nói thẳng". Trong chiếu, nhà vua nêu rõ: "Hỡi những kẻ bầy tôi và dân chúng, các ngươi hãy dâng thư dán kín, nói hết, đừng giấu giếm. Trong kinh thì nộp cho triều đình, ở ngoài thì nộp cho các quan trấn để chuyển đệ. Trẫm sẵn lòng nghe theo lời nói phải để thi hành ra chính sự, mong đổi được tệ cục, làm được việc hay".(4)
Khi chưa có các phương tiện truyền thông đại chúng, chưa có internet, thì “thư kín” là cách khả dĩ nhất để người đứng đầu đất nước biết được tâm tư của dân. “Chiếu cầu nói thẳng” của triều Tây Sơn nằm trong tinh thần người lãnh đạo muốn nghe tiếng nói thật của người dân, bất kể là lời đường mật hay lời cay nghiệt.
Dân gian ta đã đúc kết qua câu: “Thuốc đắng dã tật”.
Đắng thì chẳng ai thích cả. Nhưng có đắng mới dã được tật, mới hết bệnh, mới khỏe lên. Như chính bản thân Tổng thống Obama bộc bạch, nhiều lúc ông cũng muốn ngăn cấm thông tin để tránh nghe những lời chỉ trích. Nhưng luật pháp Mỹ, cao hơn là văn hóa Mỹ, không cho ông làm như thế. Và chính nhờ phải thường xuyên “uống thuốc đắng”, như lời ông thừa nhận “tôi có rất nhiều người chỉ trích ở Mỹ”, nên ông mới càng vững vàng hơn trong vị trí nguyên thủ của quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh.
Không sợ phải nghe nói thẳng, dù lời nói thẳng có “chối tai” đến mấy, đó là nguyên tắc của các nhà lãnh đạo tự cổ chí kim, từ đông sang tây. Đó cũng là kim chỉ nam cho ứng xử của mỗi một cá nhân, nếu thực sự muốn hoàn thiện mình.
Hồi đầu năm, nhà báo Hữu Thọ từng kể câu chuyện này: “Cách đây ít lâu, tôi vào Tây Nguyên, đến thăm đồng chí Kso Si, một trí thức Tây Nguyên cùng một khóa Trung ương với tôi, đồng chí ấy nói các anh không nghe được tiếng nói thật của dân đâu. Hỏi vì sao, ông ấy bảo khi khen thì họ nói tiếng Kinh còn khi chê thì họ nói tiếng dân tộc. Mà mình thì có biết tiếng của dân tộc họ đâu, cho nên chỉ được nghe lời khen bùi tai.”(5)
Nghe lời bộc bạch của nhà báo Hữu Thọ, có ai thắc mắc rằng, do đâu mà mỗi khi muốn “nói thật”, người dân phải nói bằng “thổ ngữ”?
Tôi cũng chợt liên tưởng tới đoạn kết của chuyến hành trình mà ông Obama thực hiện trên đất Trung Quốc. Sau khi ông nói chuyện một cách cởi mở với giới trẻ Trung Quốc về tự do thông tin, tự do ngôn luận, báo chí ở quốc gia đông dân nhất hành tinh đã phản bác lại ý kiến của ông bằng một sự im lặng tràn ngập, những lời nói “khó nghe” của ông đã bị lược đi. Hay nói cách khác, niềm tin mà ông Obama bộc bạch, rằng “thông tin càng được lưu chuyển tự do thì xã hội càng vững mạnh”, đã bị phủ định. Có lẽ, niềm tin đó không phù hợp với xứ sở mà ông Obama tới thăm.
Một sinh viên Trung Quốc đã trích Khổng Tử để hỏi ông Obama về vai trò của nước Mỹ trong thế giới hiện tại. Câu hỏi của sinh viên Trung Quốc làm tôi nhớ tới lời Khổng Tử: “Kẻ khen ta mà khen sai là kẻ thù của ta, kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta”.
Trung Quốc đang cố gắng truyền bá đạo Khổng ra khắp hành tinh, ít nhất là bằng chương trình xây dựng các học viện Khổng khắp nơi.
Nhưng, một đúc kết quý giá của Khổng thì chẳng mấy ai nhớ...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc