"Không có trường chuyên hệ thống giáo dục sẽ lành mạnh hơn"
Giữa tháng 9 vừa qua, cuộc tranh luận về sự tồn tại của trường chuyên TS Giáp Văn Dương và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệpđã gây ra một cơn bão khá mạnh trong dư luận...
Tiếp nối chủ đề này, ông Giáp Văn Dương nhận định:
- Theo cách hiểu của đại chúng thì trường chuyên là nơi đào tạo học sinh chuyên sâu vào một môn cụ thể, để thi quốc gia và xa hơn là thi Olympic quốc tế. Nếu mục đích này không đạt được, ví dụ một trường chuyên nào đó nhưng nhiều năm không có giải quốc gia, hoặc không có học sinh đỗ thủ khoa trong các kỳ thi đại học, thì hiển nhiên người ta sẽ đặt câu hỏi về sự tồn tại của trường chuyên này. Nhưng suy cho cùng thì các giải này không là điều kiện cần để trường chuyên tồn tại. Giả sử không có các trường chuyên, nhưng các kỳ thi vẫn diễn ra, khi đó giải thưởng vẫn sẽ có, không ở trường chuyên, nhưng ở trường khác.
Rất tiếc là cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có những thống kê và nghiên cứu sâu về hệ thống trường chuyên để làm cơ sở cho thảo luận. Các lý thuyết giáo dục cũng ít khi được được sử dụng như một điểm tựa cho các lập luận. Các tranh luận vì thế chỉ xoay quanh trải nghiệm cá nhân. Nhưng thực tế, không ai có thể phân thân ra để vừa học trường chuyên, vừa học trường thường, nên thảo luận đều rơi vào chủ quan của từng phía, vì thế trở thành tranh luận và không bao giờ chấm dứt.
Trong hoàn cảnh đó, quyết định về sự tồn tại của trường chuyên sẽ chỉ đơn thuần là phù hợp với định hướng của nhà quản lý, mà rất nhiều người trong số đó lại xuất phát từ các trường chuyên.
TS Giáp Văn Dương (Ảnh Lê Anh Dũng)
Ở cuộc tranh luận do anh châm ngòi lần này, anh đi vào khái niệm “tự do trở thành” – mới lạ và… mơ hồ hơn so với huy chương và giải thưởng trong những cuộc tranh luận trước đây. Anh có thể giải thích rõ ý nghĩa của cụm từ “tự do trở thành”?
- Thực ra thì tôi không chủ định châm ngòi cho cuộc thảo luận này. Khi được hỏi có ủng hộ trường chuyên lớp chọn hay không, thì tôi chỉ nói ý kiến cá nhân của mình là không, mà thay vào đó, ủng hộ một môi trường giáo dục tự do, để mỗi người có được một không gian rộng rãi cho sự “tự do trở thành”, tức trở thành người mà mình mong muốn, và tự chịu trách nhiệm cho sự trở thành đó.
Con người tự do là đích đến của giáo dục. Đó là triết lý xuyên suốt mà tôi theo đuổi. Trong khái niệm về con người tự do của tôi thì có ba khía cạnh nổi bật, đó là: Tự do tư tưởng, Tự do lựa chọn và Tự do trở thành. Trong đó “tự do trở thành” là quan trọng nhất.
Khái niệm tự do, dù xuất hiện trên mọi văn bản hành chính, nhưng phần nào vẫn còn xa lạ ở Việt Nam. Đại chúng nhiều khi vẫn hiểu tự do như sự lêu lổng, không ai quản lý, vô chính phủ. Một số nhỏ tuy sắc hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức hiểu tự do như là thoát khỏi sự ràng buộc của cái gì đó. Nhưng như vậy thì không đủ, vì thiếu khía cạnh thứ hai quan trọng hơn, là tự do trở thành cái gì đó khác sau khi đã thoát khỏi sự kìm kẹp.
Nếu chỉ hiểu tự do theo nghĩa thoát khỏi thì thoát khỏi rồi thì sẽ làm gì? Hay có tự do rồi thì sẽ làm gì? Không rõ. Vì thế sẽ hoang mang. Vì thế sẽ tự động chui lại vào sự ràng buộc cũ.
Do đó, tự do đúng nghĩa sẽ không dừng ở việc thoát khỏi cái gì đó mà còn là tự do trở thành cái gì đó khác. Cái này đòi hỏi bản lĩnh. Và cái này chỉ giáo dục mới có thể thực hiện được.
Vậy tại sao “tự do trở thành” lại không thể song hành với trường chuyên?
- Trong quan niệm đó, và qua trải nghiệm cá nhân ở môi trường lớp chọn với định hướng học khối A từ ngay bậc phổ thông, tôi thấy trường chuyên không giúp cho học sinh có được sự tự do trở thành, vì chương trình học quá lệch vào môn chuyên, ngay khi các em chưa trưởng thành. Trường chuyên vì thế không mang lại, mà giới hạn sự tự do trở thành của học sinh. Vấn đề này lại càng lộ rõ với các em học chuyên theo mạch từ nhỏ.
Trường chuyên được cả phụ huynh và học sinh đón nhận không phải vì những ý nghĩa sâu xa của giáo dục, mà chỉ đơn giản nếu vào đó thì chắc suất đỗ đại học, vì có thầy giỏi bạn ngoan, theo nghĩa biết nhiều và chăm chỉ.
Tuy nhiên, có một hiện tượng cần ghi nhận, đó là: Trong bối cảnh giáo dục còn bị kiểm soát chặt chẽ, thì một số trường chuyên, như Hà Nội - Amsterdam và khối A0 chẳng hạn, lại trở thành môi trường có nhiều tự do hơn các trường thường, do quan niệm môn chuyên là môn quan trọng nhất, còn các môn khác chỉ là phụ do đó không cần phải kiểm soát ngặt nghèo; và học sinh ở đó có nhận thức tốt nên kiểu gì cũng đỗ đại học, vì thế không cần gò ép. Vì thế theo tôi, sự thành công của một số trường chuyên là do sản phẩm phụ về môi trường tự do học đường này, và do ưu đãi về đầu tư, chứ không phải vì đó là vì trường chuyên.
Vậy nên, thay vì cạnh tranh khốc liệt để chui vào một vài cái lỗ nhỏ xíu để có chút tự do để thở, và tìm mọi cách duy trì cái lỗ nhỏ xíu này vì tự do học đường mà nó mang lại, tại sao không mở tung ra, cho không khí tự do học đường ùa vào mọi lớp học? Chính tự do học đường tạo nên sự thành công của các ngôi trường này, chứ không phải bản thân mô hình trường chuyên như ta vẫn tưởng.
"Một số trường chuyên, như Hà Nội - Amsterdam và khối A0 chẳng hạn, lại trở thành môi trường có nhiều tự do hơn các trường thường..."
(Ảnh:hn-ams.edu.vn)
Bi kịch cá nhân bị che lấp bởi một số thành công rực rỡ
Anh đánh giá như thế nào về vai trò của trường chuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân?
- Lịch sử không có chữ “nếu” để so sánh. Giả sử không có trường chuyên thì mọi thứ có tốt hơn không? Không ai biết, vì đơn giản là chuyện đó không thể xảy ra.
Vì thế, chủ quan tôi đánh giá, nếu không có trường chuyên, nhưng mở rộng tự do học đường đến mọi trường lớp, và đầu tư bình đẳng cho các trường công, thì sẽ tốt hơn nhiều.
Quyết định thành lập các trường chuyên đều nêu rõ mục tiêu. Có phải theo anh, như vậy là chưa đủ, hay chưa đúng?
- Đúng là có mục tiêu, nhưng đọc chúng lên thì thấy rất chung chung, và giống như một trường chất lượng cao do được ưu đãi đầu tư, hơn là một trường chuyên theo cách hiểu của đại chúng.
Nếu thực tế không giống mục tiêu thì lại càng phải xem lại cái mục tiêu đó, chứ không thể lấy mục tiêu ra để biện minh cho sự tồn tại của thực tế.
Người học chuyên vẫn được nhìn nhận là thông minh hơn người. Theo anh, tại sao họ không nhìn nhận ra những khiếm khuyết của hệ thống, nếu có?
- Rất khó để nhìn ra khiếm khuyết của mình, khi nó đã ở trong máu của mình, tức đã đi vào bản thể, dù đó là người rất thông minh. Đó là một rào cản bản thể. Phải có tinh thần cởi mở và phản tư cao độ mới có thể vượt qua được rào cản này.
Khoa học về nhận thức đã chứng minh, người ta chỉ nhìn và nghe điều mà bộ não người ta muốn nghe, muốn thấy, chứ không phải là những thứ đập và mắt và tai họ. Nên nếu những người ở trong hệ thống không nhìn ra thì cũng là điều dễ hiểu.
Có thể đem sự thành đạt của học sinh chuyên, và sự thành công rực rỡ của một số không nhiều, nhưng cũng không thể nói là quá ít, để làm lý do cho sự phát triển của hệ thống trường chuyên cho tới thời điểm hiện tại?
- Trường chuyên tạo ra một số người thành công, điều đó không thể phủ nhận, mà có thể nếu không học chuyên, họ cũng vẫn thành công như vậy, theo một cách khác. Các thành công đó, nếu nhìn kỹ phần lớn đều được mang lại bởi nền giáo dục đại học ưu tú ở Âu Mỹ khi họ đi du học, chứ không phải do trường chuyên ở bậc phổ thông.
Nhưng trường chuyên cũng có những người thất bại. Dù học chuyên, nhưng số người thành công bao giờ cũng ít hơn rất nhiều con số theo học. Ước đoán theo nguyên lý Pareto thì tỷ lệ thành công trong mỗi nhóm sẽ chỉ khoảng 20%. Vậy 80% còn lại ra sao? Không rõ. Chúng ta chỉ nghe nói đến những người thành công nổi bật, mà không chạm đến những số phận nhiều khi cay đắng do thất bại dù đã học trường chuyên.
Với một hệ thống kỹ thuật, khi chỉ có một tai nạn xảy ra, thì nhà quản lý phải dừng lại và kiểm tra lại toàn bộ hệ thống để khắc phục. Nhưng đã có ai thống kê cố các trường chuyên có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của bao nhiêu người để kiểm kê và khắc phục? Không có gì cả, ngoài những câu chuyện truyền tai về những bi kịch cá nhân, bị che lấp bởi một số gương thành công rực rỡ.
Cách “xóa” trường chuyên
Anh có đưa ra lập luận rằng một xã hội lành mạnh phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, không thể hy sinh nguyên tắc này vì bất cứ lý do nào. Tuy nhiên, ở đâu, và khi nào cũng đều có ngoại lệ. Có thể cho rằng trường chuyên là ngoại lệ dành cho những học sinh ưu tú nhất?
- Bình đẳng là một trong những nguyên tắc trụ cột của một xã hội lành mạnh. Nó không thể bị vi phạm bởi bất cứ lợi ích ngắn hạn nào. Thực tế, dùng các lý thuyết đầu tư có thể biện minh dễ dàng cho luận điểm: “Mọi trường học đều bình đẳng, nhưng có một số trường bình đẳng hơn”. Nhưng đó chỉ là hiệu quả nhìn trong ngắn hạn. Về dài hạn, sự bất bình đẳng làm suy thoái xã hội.
Lưu ý rằng học sinh trường chuyên là ưu tú hay có-vẻ-ưu-tú cũng là một câu hỏi. Vì một thực tế đắng chát đối mặt: Những học sinh ưu tú đó giờ ở đâu, khi nền kinh tế, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục… của chúng ta đang ở vị trí này? Và vì sao thế hệ trước đó, được đào tạo khi còn Pháp thuộc, khi chưa có mô hình trường chuyên, lại vẫn được coi là thế hệ vàng của trí thức Việt Nam?
Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 với kinh phí: 2.312,758 tỷ đồng, có mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố. Thiết kế infographic: Adamo Studio.
Theo lý thuyết giáo dục hiện đại, sự tồn tại của trường chuyên có cần thiết không?
- Lý thuyết giáo dục thì vô cùng. Mọi lý thuyết đều chỉ là mô hình của thực tế nên chính thực mới là tiêu chuẩn để phán xét, chứ không phải lý thuyết. Bản thân tôi cũng có một lý thuyết, đó là lý thuyết về việc học để trở thành con người tự do: Tự do tư tưởng, Tự do lựa chọn và Tự do trở thành. Tuy tôi tin tưởng vào lý thuyết của mình, nhưng cũng phải tự kiểm chứng liên tục.
Lý thuyết đang được đề cập nhiều ở thời điểm hiện giờ là thuyết đa trí tuệ. Theo thuyết này thì có nhiều loại trí tuệ khác nhau, chứ không chỉ có trí thông minh về toán/ logic và trí thông minh về ngôn ngữ như thường được đánh giá trong các trường phổ thông. Như vậy thoạt nhìn thì thấy thuyết này ủng hộ trường chuyên, khi các học sinh cùng loại trí tuệ nếu được học cùng nhau thì sẽ tốt hơn.
Nhưng nhìn sâu hơn thì thấy rằng, không có vấn đề nào trên đời này có thể được giải quyết bằng một loại trí tuệ, một loại kiến thức. Chính khả năng phối hợp nhiều loại trí tuệ khác nhau, khả năng làm việc nhóm, mới quyết định sự thành công của mỗi người khi phải đương đầu với cuộc sống thực.
Vậy thì, việc xóa bỏ trường chuyên theo quan điểm của anh là “xóa” như thế nào? Giả sử điều này xảy ra, anh có hình dung được những tác động đối với hệ thống giáo dục quốc dân và với xã hội?
- Xóa bỏ trường chuyên không có nghĩa là đập bỏ ngôi trường như ai đó lo lắng. Chỉ đơn giản là bỏ mô hình cả lớp tập trung học một môn chuyên thật sâu.
Cơ cấu về giới trong lớp học cũng sẽ thay đổi, tỷ lệ nam nữ trong mỗi lớp sẽ đồng đều, vì thế tốt hơn cho sự phát triển tự nhiên của người học.
Có thể hình dung việc xóa bỏ này đơn giản như sau: Với một khóa mới của trường chuyên, thay vì chia lớp theo môn chuyên như hiện giờ, nhà trường “rũ rối”, bốc thăm chia lớp. Chương trình dạy cân đối như các trường thường chứ không nghiêng lệch về môn chuyên. Tuy chưa có trường nào thí điểm như vậy, nhưng tôi tin rằng, chất lượng giáo dục mà lứa học sinh đó thu được, về tổng thể sẽ tốt hơn các khóa học chuyên khác.
Theo cách làm đó thì việc xóa bỏ trường chuyên sẽ chẳng có tác động gì tiêu cực đến hệ thống giáo dục và xã hội. Các trường vẫn ở đó, thầy trò vẫn thế, chỉ có cách dạy cách học là thay đổi, hài hòa hơn, cân đối hơn.
Anh mong muốn điều gì sau cuộc tranh luận lần này?
- Tôi muốn những người làm giáo dục dành thời gian để thảo luận thấu đáo về vấn đề này, với mục tiêu có được một hệ thống giáo dục lành mạnh và hiệu quả.
Xin cảm ơn anh.
-“Không có trải nghiệm trong môi trường chuyên nên anh mới có quan điểm phản đối mô hình này”.Anh phản bác lý lẽ này thế nào? TS Giáp Văn Dương: Tôi không học trường chuyên, nhưng học lớp chọn từ năm lớp 5 và sau đó định hướng học khối A, cũng vào các đội tuyển Toán, Lý, Hóa ôn luyện để thi, cũng gần như chuyên. Tôi cũng có những bạn bè học trường chuyên. Vì thế, có thể hiểu được phần nào môi trường của trường chuyên lớp chọn. Nhưng tôi cho rằng với người làm giáo dục, thì không nên tự giới hạn vấn đề nghiên cứu trong trải nghiệm cá nhân mình.Không lẽ khi nghiên cứu về tâm lý học tội phạm thì phải phạm tội mới được? Xin nói thêm là tôi cũng mất nhiều năm để gỡ bỏ ảnh hưởng của việc học lệch lên bản thân mình. Vì thế, tôi hiểu được cái giá của việc học lệch theo kiểu định hướng chuyên, chọn. |
Tiến sĩ và đạo diễn tranh luận nảy lửa về trường chuyên, lớp chọn
(Hoài Linh, Vietnamnet)
TS Giáp Văn Dương cho rằng, trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự “tự do trở thành” của mỗi người. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại đưa ra nhiều lý lẽ để lập luận rằng, trong trường chuyên, lớp chọn vẫn tồn tại sự “tự do trở thành”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (phải) và TS Giáp Văn Dương (giữa) và MC Nguyễn Miền Biên Thùy tranh luận về trường chuyên, lớp chọn |
Đó là cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề có nên tồn tại trường chuyên, lớp chọn hay không giữa TS Giáp Văn Dương và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong buổi giao lưu “Nhật ký của tự do” (NXB Trẻ tổ chức), trong khuôn khổ triển lãm, hội chợ sách quốc tế tại Việt Nam lần thứ năm (từ ngày 10 đến 14/9/2015).
Cuộc tranh luận được khơi nguồn từ những trang nhật ký trong cuốn sách “Nhật ký chuyên văn” do NXB Trẻ ấn hành mới đây. TS Giáp Văn Dương cho rằng, những trang sách ấy có nhiều chi tiết rất thú vị, bởi nó không bị “kiểm duyệt” hay bị sửa chữa bởi các thầy cô.
Cuộc tranh luận giữa hai diễn giả thực sự bắt đầu khi MC Nguyễn Miền Biên Thùy gửi đến TS Giáp Văn Dương câu hỏi của một độc giả rằng anh có ủng hộ trường chuyên lớp chọn hay không?
TS Giáp Văn Dương trả lời rằng, anh không ủng hộ trường chuyên, lớp chọn, mà ủng hộ một môi trường giáo dục tự do. Anh cũng nói rằng mình đã từng gặp và giúp đỡ nhiều học sinh từng học trường chuyên, lớp chọn, và giờ họ rất lệch lạc, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại không đồng tình với quan điểm trên, vì: “Nếu sự chuyên, và sự chọn do cá nhân các bạn lựa chọn, theo sở thích của mình, thì sẽ rất may mắn hơn việc nếu bố mẹ, họ hàng, làng xóm…bạn sắp xếp cho bạn vào một chỗ nào đó, mà bạn không thích”.
Chị cũng thẳng thắn kể lại rằng, từ nhỏ đã học trường chuyên: cấp 1 học trường Trưng Vương (được coi là trường điểm ở HN); cấp 2 học chuyên văn, trường Nguyễn Trường Tộ, trường Đống Đa; cấp 3 học chuyên văn trường Amsterdam; lên đại học thì học chuyên ngành làm phim, trong trường đại học Sân khấu & Điện ảnh.
“Cả đời tôi chỉ mơ ước là tôi được đi tù, và trong tù tôi có thời gian, và bố mẹ tôi tiếp tế cho tôi bằng sách. Tôi chỉ muốn đọc truyện thôi. Bạn nghĩ xem một đứa như tôi mà vào lớp toán, suốt ngày phải luyện toán, hoặc không phải lớp văn, thì tôi khổ lắm. Nên tôi thấy mình quá may mắn khi được vào trường học mà một tuần có đến 3 ngày học văn. Đến khi tôi học đại học, học làm phim, thì 4 năm học đại học tôi cũng rất sung sướng vì đúng ngành mình yêu. Nên tôi không bị sự đau đớn, khổ sở như cảm giác của nhiều người là mặc dù không thích làm bác sĩ, ngân hàng…nhưng vẫn phải làm nghề đó. Nên ở góc độ nào đó, tôi ủng hộ sự chuyên và sự chọn của các bạn ngay từ khởi điểm ban đầu, và sự chuyên và sự chọn đó là do các bạn lựa chọn” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Đáp lời đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, TS Giáp Văn Dương còn cho rằng, trường chuyên, lớp chọn cũng như sự phán xét của cha mẹ, thầy cô rằng con mình có năng khiếu về cái này, cái kia…vô tình đã trở thành “bản án chung thân” cho nhiều bạn trẻ, bởi khi nhận những lời phán xét ấy, chúng luôn nghĩ rằng, chúng chỉ giỏi một lĩnh vực đó.
TS Giáp Văn Dương nêu quan điểm: “Chúng ta không nên đeo cho người khác một bản án chung thân, là phải học trường chuyên, lớp chọn, phải định hướng từ bé mà cần tạo ra sự tự do cho sự trưởng thành của con người. Và khi mình tự do lựa chọn trở thành người nào đó, mình phải chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Không nên lảng tránh trách nhiệm với bản thân mình, để phó mặc cho bố mẹ, người thân định hướng giúp mình”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: “Tôi không cho rằng, ở các lớp bình thường, các trường bình thường, không có mô hình trường chuyên, lớp chọn mà người ta (thầy cô, bố mẹ) và những thành phần xung quanh lại không nói với học sinh rằng, chúng giỏi cái này, con giỏi môn kia, con phải làm thế này, con phải làm thế kia.
Khi tôi làm phim về trẻ con học lớp 10 như “Chít và Pi” hay “Bộ tứ 10A8”, tôi được nói chuyện với các em ấy hằng ngày. Chúng học ở những trường không chuyên, không chọn, nhưng bố mẹ, thầy cô cũng bắt các em ấy phải theo ngành này, phải học môn này…
Thứ hai là trong lớp chuyên văn trường Amsterdam tôi học ngày đó, không có ai có mưu đồ “tự khoanh vùng”, khiên cưỡng mình trong cái khuôn rằng “mình chỉ trở thành người này”.
Nêu dẫn chứng cho lập luận trên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói rằng, học sinh trường chuyên ở Hà Nội đều có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, chuyên ngành, các vị trí khác nhau trong xã hội.
“Nên tôi cho rằng, sự “tự do trở thành” hoàn toàn tồn tại ở trường chuyên, lớp chọn, thậm chí nhu cầu đó còn cao hơn. Việc bạn học ở trường chuyên, lớp chọn, ở những môi trường ra vẻ rằng đã được lựa chọn sẵn, thì không có nghĩa rằng mai này, bạn không có “tự do trở thành”. Thậm chí nhu cầu tự do trở thành còn mạnh mẽ, lớn hơn” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Theo TS Giáp Văn Dương, môi trường ở các trường chuyên, lớp chọn, là môi trường nhân tạo, nên thường xảy ra sự bất đối xứng. Các lớp chuyên văn thường rất đông học sinh nữ, mà ít học sinh nam. Và tỉ lệ thực tế ở ngoài xã hội không như vậy.
Nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đáp lại rằng: “Khi học chuyên văn trường Amsterdam, chúng tôi không coi lớp chuyên văn là một lớp, mà là một tổ trong cả một lớp lớn là trường Amsterdam. Và không thể nói trường Amsterdam không có nhà vật lý, nhà hóa học được. Lớp tôi, dù là lớp chuyên văn nhưng có không ít bạn theo học khối A, và đậu Đại học Thủ khoa các trường khối tự nhiên như Đại học kinh tế quốc dân. Nên không thể nói các trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự trở thành của con người”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn