Không có gì nhiều trong sách của các cây viết trẻ
Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, thị trường bỗng đón nhận một loạt sách của người trẻ Việt và được độc giả đón nhận khá nhiệt thành. Một số cuốn đứng đầu trên các kênh bán hàng online và được lùng tại hiệu sách. Vẫn là sự lãng mạn của tình yêu, sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, nỗi cô đơn, trăn trở và cả bế tắc cùng buồn bã... cơn sóng nhỏ này vô tình đã làm khỏa lấp phần nào chỗ trống trên thị trường - vốn vài năm nay tạo cơ hội cho truyện ngôn tình ào ào xuất bản tại VN.
Ảnh 1: Từ trái sang: Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích, Hoàng Nhật
Bù lấp khoảng trống lớn của thị trường
TS Nguyễn Mạnh Hùng - GĐ công ty sách Thái Hà - từng nhận xét "Cứ tưởng người lớn đọc sách nhiều, tôi ngạc nhiên khi biết đối tượng mua sách nhiều nhất lại chính là thanh thiếu niên". Từ tuổi 15 đến 25, độc giả trẻ có nhu cầu đọc lớn do thói quen gần gũi sách vở từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mảng sách lãng mạn chiếm một khoảng không nhỏ khi bắt đầu đến tuổi dậy thì và trong vài năm kế tiếp, nhu cầu này càng phát triển.
Nhu cầu được chia sẻ cảm xúc ở tuổi trưởng thành là có thực và rất lớn, nhưng họ luôn thiếu những người chỉ tay dẫn bước có khả năng hiểu và thông cảm với những nắng mưa thất thường ở tuổi này. Bởi vậy, thay vì tìm đến cha mẹ và người lớn để tìm kiếm lời khuyên, đa số thanh thiếu niên tìm đến bạn bè. Thay vì đọc "sách khủng", sách tinh hoa, đa số tìm đến những dòng sách lãng mạn, dễ thương - được viết bởi những người cùng lứa tuổi hoặc chỉ nhỉnh hơn mình một chút.
Đó là lý do tại sao hai đợt sóng lớn là tiểu thuyết diễm tình 3 xu (cuối thập niên 90) và truyện ngôn tình Trung Quốc (những năm 2010) từng chiếm ưu thế nổi bật trên thị trường sách Việt Nam. Mảng thị trường này vốn hầu như không có nguồn trong nước trừ tuyển tập dạng Teen Story (Chuyện cho tuổi thiếu niên), một vài cuốn của Dương Thụy, Minh Nhật, Phan Hồn Nhiên, Linh Lê. Sến hơn và u uất hơn như sách của Keng hay Gào cũng có thể trở thành hiện tượng - lý do một phần bởi khoảng trống của thị trường quá lớn và quá thiếu các nhân tố bù lấp.
"Tháp cao nào cũng phải xây từ mặt đất lên"
Chỉ trong vài tháng gần đây có thể điểm thấy trên thị trường một số đầu sách mới của các tác giả trẻ, phần lớn là các tác phẩm đầu tay gây được sự chú ý như: "Người bắt chim lợn" (Hoàng Nhật), "Tình yêu là không ai muốn bỏ đi" (Phan Ý Yên), "Trái Đất tròn, không gì là không thể" (Ploy Ngọc Bích), "Cát tường, mùa hạ và anh (Đặng Hồng Ngọc), "Những mùa hoa bay đi (Lynh Miêu), "Lá rơi trong thành phố" (Lê Xuân Khoa), "Tìm nhau giữa Sài Gòn" (Tùng Leo). Cá biệt phải kể đến sách của 2 tác giả trong giới showbiz là Jun Phạm (365 Band) với "Nếu như không thể nói nếu như" và Hamlet Trương "Thương nhau để đó".
Ploy Ngọc Bích được đánh giá khá tốt trong dòng truyện lãng mạn trẻ |
Sách của người Việt trẻ có gì? Không có gì nhiều. Hiếm tham vọng, ít kỹ thuật, ít tầm nhìn và mục tiêu to lớn, không tìm cách giải quyết những vấn đề vĩ mô (trừ cuốn "John đi tìm Hùng" của tác giả Trần Hùng John - nhưng sách của anh không xét đến ở đây), mục tiêu chủ yếu là thành đạt một chút trong công việc, hạnh phúc trong tình cảm lứa đôi, và tự do đi du lịch và khám phá. Chúng là tản văn, cảm thức và những câu chuyện tình lãng mạn. Chúng luôn dễ bán và được nhiều công ty sách mới lựa chọn.
Văn phong nhuần nhuyễn và có sức truyền cảm trong nhóm kể trên là hai cây bút có kinh nghiệm viết: Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích; sau đó đến Lynh Miêu, Đặng Hồng Ngọc "teen" hơn. Hoàng Nhật với "Người bắt chim lợn" có thể coi là tác phẩm đầu tay sáng giá nhất trong số còn lại. Nhật đã thử hướng đến một cái nhìn bao quát hơn ở tầm vĩ mô, như đề tài tham nhũng, phản tỉnh xã hội bên cạnh các truyện ngắn lãng mạn, nhưng anh còn khá rụt rè.
Các tác phẩm còn lại hầu hết chỉ được đánh giá chất lượng ở mức trung bình, như một độc giả nhận xét "không quá hay nhưng chưa phải thảm họa". Đa số tác giả không mạnh về khả năng kể chuyện và kết cấu tác phẩm chứ chưa nói tới tính tư tưởng. Cái mà họ có là xúc cảm và cuộc đời của cá nhân, sự chân thành và bối cảnh sống thì đồng điệu với nhiều bạn trẻ trong nước. Như Lê Xuân Khoa (tác giả "Lá rơi trong thành phố") nói, "độc giả hãy coi đây là câu chuyện nhỏ của tôi, muốn được chia sẻ mà thôi".
Người trẻ viết vì họ đã bắt đầu muốn đọc, mong muốn được chia sẻ và bộc lộ bản thân mình. Thông điệp của họ yếu một phần vì sự lạc lối và đánh mất giá trị của xã hội không cho họ một chỗ nào để mà bấu víu và tin tưởng, ngoại trừ chính bản thân. Nhưng ít nhất thì thị trường còn chỗ trống cho họ, để các công ty sách lấp đầy một cách tử tế hơn, hữu ích hơn, chân thật hơn, khai thác và phát triển các nguồn lực từ trong nước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý