Mấy xu hướng sáng tác của văn học trẻ hiện nay
Các nhà văn trẻ hôm nay đều rất tự tin và mạnh dạn, đặc biệt họ có thế mạnh về viết truyện ngắn. Qua những tên tuổi đó có thể hình dung phần nào diện mạo của nền văn học Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai gần. Trong bài viết của mình chúng tôi muốn xem xét một vài xu hướng sáng tác của văn học trẻ hiện nay.
Vài năm trở lại đây, văn học nữ tính dần được định hình và chính thức được thừa nhận trong lòng bạn đọc. Không ít tác phẩm của dòng văn học này đã gặt hái được những thành công lớn. Nhiều tác giả trẻ, đặc biệt là những tác giả nữ xem đây là một mảnh đất màu mỡ để thể hiện cá tính sáng tạo của mình. Có thể xem văn học nữ tính là loại hình văn chương viết về những vấn đề của phụ nữ, thường là người trẻ tuổi trong một không gian văn hóa hiện đại, được thể hiện với một giọng văn nhẹ nhàng, hài hước pha trộn những tình huống lãng mạn mang tính giải trí cao nên dòng văn học nữ tính này có nhiều điểm khá gần với văn học lãng mạn. Một số nhà phê bình thậm chí còn xếp nó vào một nhánh nhỏ của dòng văn học lãng mạn. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ qua, đề tài văn học nữ tính ngày càng phong phú đa dạng, khối lượng độc giả quan tâm ngày càng lớn. Điều này càng khẳng định vị thế của văn học nữ tính như là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ của văn học thế giới đương đại. Tác giả Amy Sohn trong bài viết trên Publishers Weekly đề cập đến một yếu tố quan trọng của dòng văn học này: Đó chính là tính tự lập, khẳng định bản thân, thể hiện những nét cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ trong thời đại mới.Sự thành công của văn học nữ tính không thể không kể đến sự hậu thuẫn khá mạnh mẽ từ ngành công nghiệp xuất bản khi ngành công nghiệp này tìm ra được một thị trường tiềm năng. Nhà văn Nicola Kraus từng đã nhận định rằng: Dòng văn học nữ tính là sản phẩm của ngành công nghiệp xuất bản bởi nó đã tạo ra một số lượng độc giả và tác giả rất khá chuyên biệt. Đó là sáng tác của các tác giả nữ, viết về giới nữ và dành cho phụ nữ. Dòng văn học này đã sản sinh ra một số lượng tác phẩm lớn với hàng loạt tên tuổi nhà văn mới mẻ được giới thiệu trên văn đàn thế giới như: Tiểu thuyết Dưa (1995) của Marian Keyes, tác phẩm được coi là dấu mốc đầu tiên của dòng văn học nữ tính, Nhật ký Tiểu thư Jones của nữ nhà văn Helen Fielding là cuốn sách dành giải Cuốn sách của năm của Anh và sau đó được dàn dựng thành bộ phim rất ăn khách, Hướng dẫn các cô gái Săn mồi và Thả câu của tác giả Melissa Bank là một trong những tác phẩm theo dòng văn học nữ tính đầu tiên ở Mỹ gặt hái được những thành công đáng kể, seri tiểu thuyết Cô nàng buôn chuyện là seri tiểu thuyết được tác giả trẻ Cecily von Ziegesar viết gồm 11 tiểu thuyết liên tục được ra đời cho đến tận bây giờ, Những điều vay mượn của nhà văn Emily Giffin. Trong quá trình phát triển và đạt được đỉnh cao của dòng văn học này, không thể không kể đến seri tiểu thuyết Kẻ nghiện mua sắm của tác giả Sophie Kinsella và Nữ quỷ vận đồ Prada của tác giả Lauren Weisberger… Sự phát triển như vũ bão của dòng văn học này ảnh hưởng hầu hết khắp nơi trên thế giới.
Âm hưởng văn học nữ quyền thế giới cũng tác động đến đời sống văn học đương đại Việt Nam. Đội ngũ các nhà văn nữ cầm bút đông đảo hơn và tài năng của họ được thừa nhận rộng rãi hơn. Nhiều tác phẩm của họ đã có ảnh hưởng lớn đến công chúng bạn đọc. Ý thức về giới đã tự giác ăn sâu vào tâm thức của đội ngũ người cầm bút và tạo nên làn sóng văn học nữ tính. Văn học nữ tính cũng cho người đọc một hướng nhìn khác, một cách nghĩ suy khác, những đề tài tưởng như nhàm chán trong những không gian cực kì chật chội tù túng, quanh quẩn tình yêu, con cái, hôn nhân và gia đình, những mối tình tay ba, tay tư không còn được kể giản đơn nữa, mà đằng sau mỗi câu chuyện là những góc khuất, là những ám ảnh, chiêm nghiệm theo cách riêng của người phụ nữ. Bắt đầu cho hiện tượng văn học này phải kể đến các tác phẩm: Bóng đècủa Đỗ Hoàng Diệu , Người sót lại của rừng Cười của Võ Thị Hảo… cùng sự góp mặt của những cây bút có thực tài như:Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… và gần đây là Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Ngọc Tư… Những cây bút này đã đem đến cho văn đàn những tiếng nói mới mẻ, buộc các nhà văn và các nhà phê bình nam giới phải thừa nhận tài năng của họ. Ngoài các tác giả nữ thì một số nhà văn nam, điển hình là Nguyễn Huy Thiệp, cũng có cái nhìn rất ưu ái khi viết về phụ nữ. Liệu dòng văn học này sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển hay chỉ là sự manh nha tạm thời rồi lại tắt? Tuy dòng văn học nữ tính đến nay vẫn chưa được giới học thuật nước ta quan tâm nhiều nhưng chúng ta đều hiểu đây là một vấn đề quan trọng của đời sống văn học hiện đại vì vậy cần phải có sự quan tâm đầu tư hơn nữa. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhận định tương lai của dòng văn học nữ tính sẽ luôn phát triển mạnh mẽ và mang tinh thần nhân văn sâu sắc tại Việt Nam. Ông cho rằng đời sống văn học nước ta hiện nay đòi hỏi cần có những công trình khoa học dài hơi và công phu hơn về vấn đề văn học nữ tính để âm hưởng nữ tính trong văn học Việt Nam có thể coi là một bước phát triển thực sự của văn học theo hướng dân chủ. Cùng với sự phát triển của dòng văn học nữ tính thì hoạt động phê bình văn học nữ tính ở Việt Nam đã chớm nở trong mười năm gần đây với một số bài viết của các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Thị Thanh Xuân, Đoàn Ánh Dương, Kiều Thu Hoạch, Đào Ngọc Chương… đã góp phần làm cho hiện tượng đời sống của dòng văn học này thêm phong phú đa dạng. Đơn giản họ muốn họ khác với nam giới, và cần có một vị trí xứng đáng với họ. Nhận định về Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: Mặc dù hình tượng người phụ nữ vốn xuất hiện từ lâu trong văn học nhưng toàn bộ phẩm chất, giá trị cũng như đời sống tinh thần và thể xác của họ luôn được nhìn bằng đôi mắt của nam quyền.Chỉ khi nào, các vấn đề trên đây thoát khỏi hệ quy chiếu giá trị và quan điểm nam quyền thì văn học nữ tính mới xuất hiện đầy đủ với đúng nghĩa của nó. Như vậy, văn học nữ tính chỉ xuất hiện khi xã hội đạt đến sự dân chủ thực sự. Tinh thần nhân văn hiện đại, lấy nữ tính làm chủ thể ngôn từ, chủ thể trải nghiệm, chủ thể tư duy, chủ thể thẩm mỹ.
Các cây bút trẻ trên thế giới hiện nay coi Internet là sân ga để khởi hành cho các tác phẩm của mình. Một thế hệ nhà văn trẻ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… đã khẳng định được tiếng nói của mình trên các trang web lớn. Nhà văn Dương Hằng Quân - người giới thiệu sáng tác đầu tay trên Internet nhận xét "Đó là một cuộc cách mạng lớn. Khi bạn viết ra một tác phẩm nào đó trên mạng vì không thể xuất bản thành sách, thì nghĩa là bạn đã tạo ra sự thay đổi”. Vì vậy, văn học mạng đã tạo ra sự thay đổi lớn trong việc tiếp nhận văn hoá đọc cho độc giả.
Ở Việt Nam, văn học mạng nếu tính theo số lượng bài viết, entry thì rất nhiều, một khối lượng rất lớn nằm trong các diễn đàn tiếng Việt, các mục văn học, lịch sử văn học. Chính cư dân mạng đã góp phần sản sinh ra văn học mạng. Tiểu thuyết giả tưởng thần tiên kiếm hiệp Tru Tiên do Tiêu Đỉnh sáng tác thể xem là tác phẩm tiên phong cho hiện tượng sáng tác qua mạng của Trung Quốc vào Việt Nam. Sau đó, một hiện tượng khác gây chấn động dư luận là tác phẩm Xin lỗi em chỉ là con đĩ, đây là một truyện vừa được sáng tác trên blog của nhà văn trẻ Trung Quốc - Tào Đình và được Trang Hạ, một nhà văn nữ Việt Nam dịch và đưa lên blog của mình. Trước sự mở đầu ấn tượng của các tác phẩm Trung Quốc và trên thế giới, giới sáng tác Việt Nam như choàng tỉnh phát hiện ra một công cụ hỗ trợ sáng tác tuyệt vời, đó chính là mạng Internet. Hàng loạt các sáng tác văn học của mạng được các nhà văn trong nước thể nghiệm như: Tớ là Dâu của chàng trai Canada Joe Ruelle (đang sống và làm việc tại Việt Nam) đến những tác phẩm văn họcTuyết Đencủa Giao Chi, Chuyện tình New York của Hà Kin và Dị Bản của Keng (Đỗ Thị Thuỳ Linh). Các tác phẩm này dù chưa đủ để hình thành một hiện tượng như ở Trung Quốc nhưng cũng đã phần nào cho thấy trào lưu văn học mạng đã chính thức lên tiếng ở Việt Nam. Văn chương mạng đang tồn tại và phát triển mạnh mẽ từ nội dung, hình thức xuất hiện và độ đa dạng các tác phẩm. Tuy vẫn chưa được sự công nhận của giới phê bình như một hình thức văn học chính thống nhưng nó ngày càng thu hút nhiều hơn các cây bút trẻ, với đủ các thể loại văn, thơ, truyện ngắn, dài, tùy bút... Các tác phẩm văn học mạng được đăng trên rất nhiều trang web và blog đang ngày càng thu hút đông đảo độc giả. Hiện nay, số lượng các trang web phổ thông có đăng thơ, văn hoặc những trang chuyên về văn chương ngày càng nhiều như Tienve.org, Evan.vnexpress.net, Tapchitho.com, Maivanphan.com, Vanchuongviet.org… Cùng với đó là số lượng các trang web cá nhân và blog ồ ạt ra đời như Thunguyetvn.com, Phongdiep.net, Inrasara.com… kéo theo số lượng người truy cập ngày càng tăng. Một số cây bút đang gây sự chú ý dư luận và dư luận mạng như Trang Hạ, Lê Vĩnh Tài, Hà Kin, Cấn Vân Khánh, Lynh Bacardi... Hiện nay văn chương mạng chưa nhận được sự công nhận của giới phê bình. Một bộ phận không ít các tác giả và độc giả coi đây là loại văn chương không chính thống, một số còn coi đó không phải là các tác phẩm văn học. Có người chỉ coi nó như một công cụ của quá trình làm việc hay mang tính chất tham khảo trong đời sống học thuật. Sự tranh cãi diễn ra quyết liệt trên văn đàn về việc coi văn chương trên mạng là "ngoài luồng" hay "trong luồng", là "phi chính thống" hay "chính thống” vẫn chưa có hồi kết. Càng ngày văn học mạng càng có vị thế riêng và bắt đầu có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn học. Với ưu thế là nhanh chóng, tiện lợi văn học mạng được giới trẻ thích thú và thử nghiệm. Lúc đầu người ta xem nhẹ loại hình này nhưng gần đây có nhiều tác phẩm đã đem lại thành công cho tác giả. Tuy nhiên do bản chất nhanh chóng đến tay người đọc nên trong sáng tác người viết càng cần phải cẩn thận trong hình thức trình bày, văn phong, tài liệu tương tự như văn học truyền thống. Tuy nhiên, không thể nói đến việc văn học mạng thay thế được hoàn toàn văn học xuất bản theo kiểu truyền thống nhưng nhiều tác giả cũng không nghĩ rằng tương lai văn học mạng sẽ thoái trào, nó chỉ có thể chuyển sang những hình thức khác phát triển hơn. Hình thức đó vẫn đảm bảo tính rộng mở cho tự do sáng tác cho bất cứ người nào muốn thể hiện mình trên mạng.
Vấn đề giới tính trong văn học, gần đây đã được đề cập đến khá cởi mở trong văn học, vấn đề tính dục được nhiều cây bút quan tâm, đặc biệt là cây bút trẻ. Tuy nhiên không phải tác phẩm nào tung lên mạng, cũng trở thành tác phẩm văn học mà những tác phẩm thực sự tồn tại nếu được độc giả chấp nhận. Hiện nay, nếu nói đến các nhà văn mạng ở nước ta chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay với các tác phẩm ít nhiều đã được công nhận như: Trần Thu Trang với Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, 99 tuần buôn chuyện, Keng với Dị bản, Hà Kin với Chuyện tình New York, Cấn Vân Khánh với Người đàn ông có đôi mắt trong, Giao Chi với Tuyết Đen, Đặng Thiều Quang với Chờ tuyết rơi... Phần lớn nội dung của các tác phẩm này đều mang đề tài hiện đại, đẫm hơi thở cuộc sống và từ ngữ rất đặc trưng của net. Điều đó khiến các độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ rất thích thú vì cảm nhận được sự gần gũi. Sự ảnh hưởng của “văn học mạng” đến đời sống xã hội hiện nay đều được nhiều tác giả đồng tình là mang tính tích cực. Tuy nhiên, văn học mạng Việt Nam chịu nhiều thua thiệt bởi những định kiến trong xã hội, đặc biệt trong giới phê bình. Mặc dù các tác phẩm văn học mạng sau khi được ấn bản thành sách giấy hầu hết đều đạt được một lượng doanh thu rất khả quan, thậm chí còn khiến nhiều tác phẩm xuất bản bình thường khác phải mong muốn, nhưng những sản phẩm đó và những người sản sinh ra chúng không mấy khi được coi trọng. Không ít người cho rằng văn học mạng là dạng tác phẩm nhảm nhí, sáng tác dễ dãi, được tung hô và đánh bóng bởi chính các đơn vị sản xuất. Họ không thừa nhận những tác giả sáng tác trên mạng là “nhà văn”, họ tranh cãi bởi không chịu thừa nhận các giá trị (dù ít dù nhiều) của các tác phẩm mạng mang lại. Nhưng mặc cho những lời chê bai và chỉ trích, Internet vẫn tồn tại, phát triển và song song với nó, văn học mạng và các nhà văn mạng vẫn tồn tại và tốc độ sáng tác cũng đang phát triển ào ạt qua từng ngày. Điểm qua số lượng phát hành của một số sách văn học mạng nước ta trong vài năm qua chắc hẳn nhiều tác giả sáng tác theo kiểu truyền thống phải ghen tị và nhiều đơn vị xuất bản mong muốn. “Phải lấy người như anh” (tác giả Trần Thu Trang) đã bán được trên 10.000 bản trong 3 năm qua, “Nhật ký tình yêu TIO”, “99 tuần buôn chuyện” và “Cocktail cho tình yêu” của nhà văn này cũng bán được trung bình 3.000 bản/năm. Hay “Dị bản” (tác giả Keng) đã bán trên 12.000 bản chỉ trong 1 năm. Tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” của nhà văn Di Li cũng phát hành được 5.000 bản trong 1 năm. Một số tác phẩm văn học mạng khác như “Người đàn ông có đôi mắt trong”, “Đi lạc vào thế giới của anh” (tác giả Cấn Vân Khánh), hay “Chờ tuyết rơi”, “Đảo cát trắng”, Bóng giai nhân” (tác giả Đặng Thiều Quang) cũng phát hành trung bình 2.000 bản/năm. Đây là con số mà không phải tác giả nào trong nước cũng có thể với tới được. Ưu thế nổi trội của văn học mạng ở chỗ, là nơi quảng bá cho các nhà văn cũng như tác phẩm của họ một cách nhanh nhất, và rẻ tiện lợi nhất tiền nhất. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện và ngày càng phổ biến loại sáng tác văn học cho mục đích thấp hèn, bôi xấu cá nhân, trục lợi chính trị… Hình thức sáng tác qua mạng nhiều người cho rằng đây là quá trình sáng tác tuỳ ý. Việc quản lý sáng tác trên mạng đến nay hầu như không có sự can thiệp của nhà nước. Văn học mạng Việt Nam để tồn tại, phát triển lâu dài và trở thành một trong những kênh văn học chính thống thì Nhà nước có thể xem xét xây dựng một luật tiếp cận thông tin để người sáng tác và người tiếp nhận những tác phẩm văn học mạng thật sự coi đây là một vấn đề nghiêm túc, mang tính nghệ thuật đồng thời hướng bạn đọc đến những giá trị chân, thiện, mỹ mà “văn học mạng “sẽ đem lại trong tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý