Học và hành ?!

09:21 CH @ Thứ Bảy - 04 Tháng Mười, 2008

Nhiều người nhận định rằng, không cần bắc lên cân cũng sẽ thấy rất rõ cuộc sống lứa tuổi học trò bây giờ sung sướng hơn chúng ta thuở trước (đặc biệt là học sinh các thành phố lớn), bằng chứng là dinh dưỡng no đủ, trọng lượng dư dả, tiêu pha xông xênh, chân tay lào ngào và chiều cao lênh khênh hơn. Nhưng, chỉ căn cứ vào mỗi hình thức để kết luận cái sự sung sướng thì xem ra không những không chính xác mà thậm chí còn mang tiếng phiến diện, quan liêu nữa. Hãy để ý những cặp kính trắng dày, mỏng thi nhau lấp lóa, những dáng đi chúi về phía trước, trầm tư và những chiếc cặp ba lô kiêm cặp sách đủ kiểu dáng, kích cỡ trĩu nặng sau lưng trên đường hành quân đến trường mới thấy rõ con cái chúng ta cũng chẳng sung sướng lắm, hay nói cách khác là sướng thì có sướng, nhưng khổ lại chẳng nói ra được!

Các cụ ta vẫn nhắn nhủ: Muốn thành tài cần phải học, không học không thể thành tài; Muốn học phải có chí, muốn học thành tài càng phải có chí lớn. Thời buổi bây giờ chẳng ai không muốn con cái mình vừa có học lại vừa có tài năng, thành đạt, bởi vậy cái sự học hành ví như cuộc chạy đua qua sa mạc của các chú lạc đà hướng tới những ốc đảo xanh tươi xa xăm, vừa thật vừa ảo. Nhìn toàn cảnh có thể chưa thấy hết, phải can dự vào trong cuộc đua mới thấy cơn khát học vấn dường như vô hạn, nhưng xét trên khía cạnh khoa học nhân văn, giờ đây đi học khổ sở vất vả muôn phần. Người lao động đi làm 5/7 ngày một tuần, nhưng học sinh phổ thông hầu như không được nghỉ. Cả tuần các em phải học chính, học phụ (ở trường), học thêm (ở ngoài), ngày chủ nhật cũng bị kèm vài tiếng học môn năng khiếu nào đấy! Thậm chí còn phải học thêm theo ca kíp gối nhau hai tiếng một. Vậy chúng nghỉ ngơi, chơi đùa như thế nào, được bao lâu? Tất nhiên không thể trong giờ học rồi, còn khi buông bút xuống đi ngủ cũng đã 11h đêm. Mỗi năm có một kỳ nghỉ hè trên danh nghĩa lý thuyết 2 tháng, nhưng chỉ một hoặc tháng rưỡi đã thấy con em lục tục đi học thêm tự chọn, rồi học thêm ở trường chuẩn bị vật lộn cùng năm học mới. Guồng máy đã chạy rồi, ngừng thế nào được, phụ huynh chép miệng: Biết rồi, thương lắm, nhưng thế thời phải thế! Không học thêm thì dốt ngay, mà thiên hạ chỉ chờ con cái chúng ta dốt để họ vượt lên?

Chẳng biết chúng ta có định đào tạo toàn thể học sinh thành tiến sĩ tài năng hay không mà chương trình học ngày một nặng hơn, khó hơn nên dù học sinh đã tăng lực đủ loại sữa bò, dinh dưỡng và vitamin vẫn khó có thể tiếp thu thấu đáo tất cả kiến thức như mong muốn của thầy cô. Kiến thức khiến cho tư duy học sinh non trẻ bị già hơn, còn khi già dặn rồi lại chỉ cần tư duy nhẹ nhàng. Ví như trước kia học sinh lớp 6 học số học, lớp 7 học đại số và lớp 9 học căn số, sau một thời gian sửa đổi thì lớp 6 nay học đại số, lớp 7 học căn số (biện pháp nâng cấp tư duy cho kịp thời đại!). Sự phân bổ tiết học cũng lạ lùng, môn vật lý ở THCS là 175 tiết, nhưng lên tới THPT chỉ rút lại còn 139 tiết! Chương trình lớp 7, 8 đã phải học lập trình máy tính (môn học đến người lớn còn vã mồ hôi hột chưa thông thạo); các em còn phải học thơ chữ Hán của Đỗ Phủ, Lý Bạch, chuyện bi tình của Người con gái Nam Xương… Học sinh lớp 5 đã phải trả lời câu hỏi đáng dành cho các nhà chuyên môn như: Thế mạnh của nền kinh tế Mỹ? Trong các trường THCS, trùng bình mỗi ngày có 5 tiết học, mỗi tiết học ít nhất cũng 3 bài tập về nhà, như thế buổi học có 15 bài tập phải làm trong ngày, chưa kể lượng bài thầy cô giao thêm, bài thêm, đọc thêm… Môn học nào cũng quan trọng cả, nhưng được đặt danh từ riêng gắn liền với mục đích sát sườn: Môn thi, môn chính, môn trọng tâm, môn cần chú ý, môn năng khiếu, môn lấy điểm đẹp cho học bạ, từ đó tất cả sách giáo khoa, giáo trình học, sách tham khảo, vở ghi nặng đến chục cân cưỡi lên lưng học sinh vào lớp. Lại còn một số yêu cầu vượt khả năng như thực hành thủ công, mỹ thuật, thêu thùa, sưu tầm sinh vật, lịch sử, địa lý… học sinh không thể kham được đành cầu cứu viện binh ông bà, cha mẹ, anh chị, thế là cả nhà cùng thi nhau trổ tài lấy điểm hộ con em! Học để tiếp thu cả một khối lượng kiến thức khổng lồ, tiêu tốn bao nhiều thời gian, tiền bạc đầu tư nhưng thực ra học sinh ít được phát huy tính sáng tạo linh hoạt, tự do phát triển lôgíc và nói lên cảm xúc thật của mình bởi vì phụ thuộc vào phương pháp, đáp số, nhưng các môn khoa học xã hội như văn, sử, ngoại ngữ mà chỉ được trả lời theo những gì đã học thuộc lòng thì cảm thụ văn chương, thơ phú, kiến thức xã hội, cái hay, cái đẹp bị gò ép, vay mượn làm sao có thể chân thực, trong sáng được?

Cũng phải nói thêm, những con đường tới trường rồi từ trường về nhà không hề có cọ xòe ô che nắng như trong bài hát mà phải trang bị đủ mũ, nón, mũ bảo hiểm, kính, khẩu trang, căng thẳng như mũi tên đầu dây cung với xe cộ, phương tiện ầm ầm gào rú xung quanh. Tháo gỡ được trang thiết bị, tắm rửa, ăn uống xong là đến lúc đánh vật với các loại bài tập, bài học, bài đọc… tranh thủ chút thời gian lại lên mạng tra cứu, tìm hiểu, còn đâu nữa nhí nhảnh, vui tươi, hồn nhiên khi tuổi thơ như bóng câu qua cửa mà con em chúng ta triền miên chìm đắm trong khổ luyện thành tài, để biến mình thành những cỗ máy hoàn thiện của tương lai. Nhưng máy móc cũng phải nghỉ để bảo dưỡng, còn người thì thậm chí không dám ốm, hiện tượng đó dẫn đến sự quá tải áp lực tâm lý về kiến thức, bằng cấp; quá sức so với sự phát triển trí tuệ, nhận thức, sức khỏe và quá già nua so với lứa tuổi học sinh. Thay vì được thả mình trong những câu ca dao, đồng dao, trò chơi kiểu học trò là thế giới ảo như trò chơi điện tử, chat, e-mail, web, blog… nên cũng chẳng ngoa khi một học sinh làm bài văn tả con gà rất chân chất rằng: Nó to, trắng, không lông, không chân, không ruột, không đầu, chỉ để mẹ em quay hoặc nướng trong lò vi sóng!

Một số nhà báo, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục hay xã hội học thường dùng cụm từ: Tuổi thơ của các em bị đánh cắp nghe có vẻ hàng chợ quá. Không ai có thể trộm cắp được sự ngây thơ, hồn nhiên của4 các em, mà chính cha mẹ, thầy cô cũng các nhà giáo dục đã bắt các em phải đem tuổi thơ của mình thế chấp lấy kiến thức học hành. Học nữa, học mãi thì tốt đấy, chỉ ngại rằng hành nữa, hành mãi thì tội nghiệp con cái chúng ta vất vả quá!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bắt chước, sáng tạo và… ăn cắp

    22/10/2015Văn Như CươngGiờ tập viết của học sinh lớp một. Cô giáo dặn dò: "Các em hãy nghe kỹ lời cô nói, làm cho đúng những điều cô làm mẫu. Phải bắt chước cơ mà viết cho đúng...". Và bây giờ các em đang tập viết một chữ cái vào vở của mình.
  • Trẻ em đã được nuôi dưỡng như thế nào?

    17/06/2008Kim QuyênTrẻ em chúng ta ngày nay được nuôi dạy về vật chất và tinh thần đầy đủ tiện nghi hơn lớp trẻ ngày xưa rất nhiều. Chúng ăn uống có nhiều dinh dưỡng và ngày ngày tiếp thu những chương trình giảng dạy cách tân nơi nhà trường, tiếp cận những phương tiện giải trí hiện đại mà trẻ em ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy...
  • Học và nhồi vịt

    29/08/2006Nguyễn Quang ThânHiện nay cái sự học của nhiều con em ta (nhất là con cái nhà giàu) xem ra cũng có vẻ giống như nhồi vịt. Học sinh, thì lo hỏng thi, ngành giáo dục thì sợ mất thành tích. Cuối cùng chỉ tội nghiệp mấy con vịt. Mất cả tuổi thơ, quên cả chơi đùa, thân xác gầy mòn, linh thần hoảng loạn vì học, học và học...
  • Học vẹt

    28/10/2005TS. Lê Ngọc TràTrong trường hợp không thích học mà lại phải làm bài, phải thi thì các em sẽ dễ chọn cách học vẹt, học thuộc mặt dù không biết nó là gì, hễ thầy giáo khen hay thì cũng khen hay, thầy chê cứ xem là dở. Tình trạng này nếu kéo dài, lâu dần sẽ làm mòn khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh. Rồi từ nhà trường các em sẽ bước ra xã hội... Từ lối học biến thành lối nghĩ, lối làm. Nếu không kịp sửa chữa lối học vẹt trong nhà trường sẽ có nguy cơ biến thành căn bệnh trong xã hội...
  • Nhồi vịt

    13/10/2005Nguyễn Quang ThânCác bà buôn vịt, trước khi đưa chúng ra chợ bán, thường mua bánh đúc ngô về cắt thành miếng rồi nhồi đẫy diều mấy con vật tội nghiệp. Việc học hành của con em hiện nay làm tôi liên tưởng tới thuật "nhồi vịt" không mấy lương thiện đó của các bà buôn...
  • Chuyện Alibaba và Nền giáo dục Việt Nam trong thế kỷ 21

    10/02/2003Bùi Quang MinhTừ quá trình tự trau dồi tri thức, Alibaba tự đúc rút ra thần chú của riêng mình để mở toang các kho báu Tri thức. Đó chính là “Cùng học cùng chơi; Bồi bổ Trí nhớ, Gợi mở Tư duy; Làm chủ Công cụ”. Trái với nó là “Học quá tải, thi nặng nề; Nhồi nhét trí nhớ, Hao mòn Tư duy; Xa rời Công cụ” là điều mà cách học không đúng hay mắc phải.
  • Tự phong “trường chất lượng cao” để thu tiền cao

    13/01/2004Kim LiênTT - Thoạt đầu, mô hình trường “trọng điểm chất lượng cao” (TĐCLC) ở TP.HCM được hình thành để thay thế các trường chuyên cấp THCS, thực chất là hình thức “bình mới rượu cũ”. Nhưng không chỉ dừng lại đó, mô hình này còn được “nở rộ” ở các cấp học khác, và trở thành những trường có nhiều “điều tiếng” nhất trong mỗi đầu năm học...
  • Cặp học sinh nặng nhất 4,5 kg

    30/10/2003Chiều nay (30/10), tổ "đi cân đột xuất" của Vụ Tiểu học, Bộ GD - ĐT đã hoàn tất công việc "cân cặp" trong hai ngày 29 và 30/10 tại một số trường Tiểu học ở Hà Nội . Ông Trần Quốc Thái, quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD - ĐT cho biết, việc này nằm trong hoạt động kiểm tra toàn bộ chương trình học của học sinh tiểu học để đánh giá mức độ "nặng, nhẹ" trong việc học tập của các em...
  • xem toàn bộ