Học trò thời nay năng động hơn nhưng không chịu học!

08:50 CH @ Thứ Tư - 19 Tháng Mười Một, 2008

Khi được học lý thuyết, sinh viên luôn thấy khô khan và không muốn học. Còn khi học thực hành, vì không có nền tảng lý thuyết nên sự học chỉ dừng lại ở việc áp dụng và bắt chước một cách máy móc. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến sinh viên càng về sau càng mong ngóng học thật nhanh để chóng được lấy bằng cho “xong một việc ở đời” - cô Nguyễn Thu Giang, Giảng viên Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG Hà Nội.

Nhân ngày 20/11, các giảng viên thuộc cả hai thế hệ, thế hệ cũ với kinh nghiệm giảng dạy hàng chục năm và thế hệ giảng viên trẻ nói gì học trò của mình? Dưới đây là ý kiến của cô Đỗ Bích Hợp (SN 1951), Giảng viên Trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; thầy Ngô Đăng Thành (SN 1979), Giảng viên Trường ĐH Kinh tế và cô Nguyễn Thu Giang (SN 1982), Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội.

Thầy/ cô có thể nhận xét như thế nào về sinh viên hiện nay?

Cô Nguyễn Thu Giang: - Sinh viên “thời nay” thiếu cảm hứng. Lỗi không phải tại sinh viên, mà có lẽ vì không gian đại học của chúng ta chưa truyền được cảm hứng. Cứ thêm một năm học, dường như các bạn sinh viên lại thêm phần thụ động hơn, thậm chí, kém hơn cả khi họ học hết lớp 12. Khi tốt nghiệp cấp 3, có thể họ chưa rèn được thói quen làm việc độc lập, nhưng ít nhất trong họ còn mơ ước và cảm hứng.

Thầy Ngô Đăng Thành: Sinh viên giờ năng động hơn nên không phải học hành cần cù như chúng tôi hồi trước. Ưu thế của họ là ngoại ngữ và internet nên họ có khả năng tiếp cận với nhiều thông tin hơn. Không còn sự "tôn sư trọng đạo" truyền thống như ngày xưa một phần bởi giảng viên giờ nhiều người trẻ, phần khác do lối sống của sinh viên cũng thoáng hơn trước.

Tuy nhiên, sinh viên vẫn giữ thói quen học thụ động như hồi còn phổ thông. Các bạn thường không đọc trước bài ở nhà, cũng không thảo luận, phát biểu nhiều trên lớp. Cũng có thể, nhiều bạn chưa tâm huyết với việc học, học đại học chỉ để lấy tấm bằng.

Cô Đỗ Bích Hợp: Bản thân sinh viên giờ không muốn học. Có lần, khi tôi đang trên đường lên lớp, sinh viên đi đằng sau nói với nhau, "Lạy trời hôm nay cô giáo ốm, để đỡ phải học?"!

Sinh viên ngày càng không chú tâm nhiều vào học hành, học theo kiểu đối phó, chỉ để thi lấy điểm, học chỉ để lấy bằng. Họ học ào ào, đại khái, không sâu không kỹ, không quan tâm tới tư duy, kỹ năng chuyên môn sau này làm việc. Những người thực sự học để lấy kiến thức, mai sau đi làm chỉ chiếm khoảng 10%.

Bởi vì theo họ, học đại học càng ngày càng chán?

Cô Đỗ Bích Hợp: - Bản thân sinh viên đâu tha thiết với việc học tập? Cho nên, giảng viên khi đứng lớp cũng thấy chán. Họ coi việc đi dạy là nghĩa vụ, lên lớp giảng hết bài là xong việc. Họ không còn đam mê truyền đạt kiến thức nữa.

Thầy Ngô Đăng Thành: - Khi còn học phổ thông, họ nghĩ học đại học là một điều gì ghê gớm, to tát lắm. Vào học rồi, họ không thấy có gì khác biệt so với hồi phổ thông nên cảm thấy hẫng.

Mặt khác, đại học là tự học nhưng sinh viên không nhiều người tự học. Họ chơi nhiều hơn nên thấy học chán hơn.

Cô Nguyễn Thu Giang: - Tôi cảm nhận rõ ở các bạn sinh viên lòng khao khát được học cho đàng hoàng, đặc biệt khi các bạn bước vào năm thứ nhất. Tuy nhiên, khi được học lý thuyết, các bạn luôn thấy khô khan và không muốn học. Điều này có thể do cách truyền đạt chăng?

Còn khi học thực hành, vì không có nền tảng lý thuyết nên sự học chỉ dừng lại ở việc áp dụng và bắt chước một cách máy móc. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến sinh viên càng về sau càng mong ngóng học thật nhanh để chóng được lấy bằng cho “xong một việc ở đời”.

Nhưng có nghĩa là học đại học không khác gì cấp 3, vẫn theo kiểu... "học gạo"?

Thầy Ngô Đăng Thành: - Bởi giáo trình quy định như vậy. Giảng viên phải hoàn thành hết nội dung giáo trình rồi mới được phép mở rộng thêm. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu như vậy, chúng tôi không thể làm sai.

Tuy nhiên, việc chỉ giảng hoàn toàn nội dung trong giáo trình khiến sinh viên không hứng thú. Giảng viên do đó cũng không có nhiệt huyết dạy thêm. Kết quả là, học xong giáo trình, cả sinh viên và thầy giáo cùng đi về.

Trong khi đó, giáo trình đại học hầu như không được đổi mới. Chúng ta chưa áp dụng được những ưu điểm của giáo trình nước ngoài vào giáo trình học trong nước.

Cô Đỗ Bích Hợp: - Chương trình đại học hiện nay nặng về các môn chung và ít học các môn chuyên ngành. Đặc biệt, tại các trường công lập, sinh viên "được" học toàn diện, học rộng, học nhiều. 2 năm đầu đại học chỉ học đại cương, lý thuyết. Tuy nhiên, phải học đại cương thì sinh viên mới có nền tảng để học chuyên ngành được chứ.

Cô Nguyễn Thu Giang: - Chương trình đại học không bó buộc sự sáng tạo của giảng viên. Tuy nhiên, nếu đầu tư cho bài giảng thì giảng viên sẽ …chết đói hoặc đói cho đến chết. Không phải cứ dành 3 tiết đọc sách thì sẽ giảng được 3 tiết trên lớp đàng hoàng. Sách vở, kiến thức cần được tiêu thụ, tích lũy, được kết nối với kiến thức đã có, được loại thải và làm mới liên tục.

Với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng (như của tôi hiện nay), hay kể cả gấp vài lần như vậy, chúng tôi không thể đầu tư cho quá trình đó.

Như vậy, việc sinh viên than phiền học đại học không thực tế, kiến thức chuyên ngành áp dụng không được nhiều là có cơ sở?

Cô Đỗ Bích Hợp: - Không nói tới kiến thức chuyên môn, những kỹ năng giao tiếp, ứng xử... cũng vô cùng cần thiết khi sinh viên ra đời. Theo tôi, nếu sinh viên đi làm không đúng chuyên môn, có thể áp dụng được 30% kiến thức học trong trường. Nếu sinh viên đi làm đúng ngành nghề, có thể áp dụng được tới 70-80%. Những bạn sinh viên có tâm huyết vẫn lên mạng học thêm môn khác, ngành khác....

Cô Nguyễn Thu Giang: - Sinh viên của chúng ta thiếu phương pháp học. Nhưng không thể bỏ 30 tiết ra dạy phương pháp học và phương pháp nghiên cứu cho xong bởi cái gọi là phương pháp nằm ngay trong quá trình thực hành, quá trình làm bài tập, quá trình lên thư viện, quá trình tương tác với giảng viên và với tài liệu.

Thầy Ngô Đăng Thành: - Ở những trường đặc thù như Ngoại thương, Tài chính... tôi không dám đánh giá. Nhưng ở các trường chung, theo tôi, đúng như vậy. Kiến thức chuyên ngành sinh viên được học quá ít. Ví dụ, một chương trình cử nhân, bao gồm 125-130 tín chỉ tất cả các môn, trong đó có khoảng 80-90 tín chỉ là môn chung. Các môn chung của ngành cũng khoảng 20 tín chỉ nữa. Cho nên những kiến thức sẽ học để sau này sinh viên đi làm thực tế chỉ còn khoảng 20 tín chỉ nữa, tương đương với 4-5 môn.

Điều đó dẫn đến việc, sinh viên học ngành này nhưng hoàn toàn có thể đi làm ngành khác. Họ chỉ cần phải đi học thêm một vài môn chuyên ngành. Theo tôi biết, 70 - 80% sinh viên ra trường không làm việc theo bằng, có nghĩa là tấm bằng không có giá trị để sinh viên đi làm.

Có bạn sinh viên năm cuối tâm sự, đến tận thời điểm này bạn ấy không biết mình cần cái gì cho nghề nghiệp tương lai và cũng không biết mình đã học được những gì. Theo thầy cô, đó có phải là trường hợp cá biệt?

Thầy Ngô Đăng Thành: -Đó không phải cá biệt nhưng lỗi ở bản thân người học trước.

Cô Đỗ Bích Hợp: - Theo tôi, trong một trường, có thể có khoảng 30% sinh viên như thế.

Cô Nguyễn Thu Giang: - Đó là trường hợp không cá biệt. Nhưng đó là những trường hợp không lành mạnh. Cũng có nghĩa là sự không lành mạnh đang khá phổ biến trong không gian đại học. Theo tôi, từ góc độ cá nhân, sinh viên không thể đổ lỗi mãi cho hoàn cảnh, mặc dù nhìn toàn cục thì họ không có lỗi.

Nguồn:Vietnam Net
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Bệnh lười đọc" của sinh viên

    03/07/2018Hà Ánh ghiLười đọc... " là lời tự thú của nhiều sinh viên thời hiện đại. Khảo sát ngẫu nhiên một số sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM về việc đọc sách báo của họ, số đông đều ngắc ngứ rằng "có đọc", nhưng chỉ đọc một số cuốn theo phong trào, và chỉ xem sách chuyên ngành khi bị thúc bách về mặt bài vở, có sinh viên... sắp ra trường vẫn chưa một lần ghé thăm thư viện...
  • Phẩm chất sinh viên

    13/05/2015TS Vũ Thanh Tư AnhMột con thuyền cứ mãi lênh đênh trên biển cả nếu nó không biết đâu là bến bờ cần đến. Cũng như vậy, một nền giáo dục sẽ không có định hướng hoặc đi chệch hướng nếu như những mục tiêu của nó không đúng đắn, rõ ràng, và nhất quán...
  • Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?

    21/10/2003Trương HiệuCuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập...
  • Hơn 50% sinh viên không… hứng thú học tập

    26/09/2008Mai MinhMột nghiên cứu mới đây của PGS.TS Nguyễn Công Khanh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra một loạt các con số về phong cách học của sinh viên và trong đó, có không ít con số rất “giật mình”.
  • Khi sinh viên “vùi mình” vào game, vào sex…

    29/08/2008Theo B.H (PhuNuNet)Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ trong đó không ít là sinh viên bị ám ảnh bởi quan niệm “trẻ không chơi, già hối hận” và lao vào những cuộc chơi bạt mạng thâu đêm suốt sáng. Không phải họ đang tận dụng tuổi trẻ, họ đang liều lĩnh, phí phạm tuổi xuân thì đúng hơn...
  • Vì sao sinh viên trường Đại học thường… học đại?

    21/03/2006Mai Thùy Trang, Đỗ Hồng Cường, Phạm Thị Kim Phương, Trần Thị Tuyết Minh (Khoa kinh tế, ĐH Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh)Nhiều nhà quản lý nhân sự đã phàn nàn rằng, sinh viên tốt nghiệp Đại học của ta, nhiều em quá kém, ra làm việc mà "ngơ ngác như con nai vàng". Mọi sự đều có lý do của nó...
  • Như thế có gọi là "Sinh viên ta" sa sút vì máy tính?

    08/10/2005Đoan TrúcCó máy, chủ nhân dành nguyên ổ đĩa D để chép game, cũng có máy, ổ đĩa E toàn phim và... những hình ảnh được tải từ Internet. Và khá nhiều sinh viên dồn toàn bộ thời gian cho... chơi game và xem phim...
  • Sinh viên đang gánh chịu nhiều áp lực "chết người"!

    21/11/2005Trương HiệuChúng tôi đang phải ôm đồm một khối lượng kiến thức khổng lồ trong khi cách dạy và học chưa thật hiện đại”. Nhiều sinh viên đều than vãn đó là áp lực lớn nhất đối với họ hiện nay. Sau những mùa học thi căng thẳng, không ít sinh viên phải tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý hoặc ốm yếu phải vào bệnh viện....
  • Sinh viên ta mắc “bệnh” thụ động trong học tập!

    18/11/2003Trương HiệuBước vào năm học 2003, trên 100 sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đành cuốn gói giã từ trường lớp trước quyết định buộc thôi học của Ban giám hiệu. Trong năm học 2001 và 2002 trước đó, hàng ngàn sinh viên cũng rơi vào cảnh ngậm ngùi tương tự...
  • Sinh viên đang chịu nhiều áp lực "chết người"!

    18/11/2003TS. Đỗ Huy Thịnh (Giám đốc)Chỉ một tháng đầu năm học 2003 -2004, tại TP.HCM và Hà Nội đã liên tiếp có bốn sinh viên tự tử. Điều đáng ngạc nhiên là các sinh viên này đều rất chăm học, quý trọng thầy cô, cha mẹ. Điều gì đã khiến họ hành động tiêu cực như vậy?
  • Tìm cách giảm sự thụ động cho sinh viên

    10/03/2003Trong hai ngày 7 và 8/3, tại Vĩnh Phúc đã diễn ra hội thảo quốc gia “đổi mới phương pháp dạy - học ĐH, CĐ”. Phát biểu tại, giáo sư Hoàng Tụycho rằng: đã có nhiều thảo luận về đổi mới giáo dục ĐH nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Chưa có sự thống nhất về sứ mạng, mục tiêu mà đã bàn về phương pháp thì không thấu đáo, nhưng “đành phải tạm thôi”.
  • Sinh viên phải là nhà nghiên cứu

    10/03/2003Trong hai ngày 7 và 8/3, tại Vĩnh Phúc, đã diễn ra hội thảo quốc gia “đổi mới phương pháp dạy - học ĐH, CĐ”. Phát biểu trong chương trình khai mạc, giáo sư Hoàng Tuỵ cho rằng: đã có nhiều thảo luận về đổi mới giáo dục ĐH nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Chưa có sự thống nhất về sứ mạng, mục tiêu mà đã bàn về phương pháp thì không thấu đáo, nhưng “đành phải tạm thôi”.
  • xem toàn bộ