Hoài niệm chưa dứt
Năm nào cũng thế, khi đến giờ giao thừa, trong tôi lại trỗi dậy những cảm giác thao thức, bâng khuâng như bao lần. Đó là cảm giác về một sự kiện đang xảy đến ở quanh ta, mà ra chỉ e rằng mình không thể nắm bắt được và sợ nó vuột mất. Luôn luôn vẫn là như thế, giao thừa đã gieo vào lòng tôi những cảm giác khắc khoải kể từ thời tuổi nhỏ và cho đến mấy chục năm sau, cảm giác háo hức xen lẫn rạo rực đó còn hiện diện và vẫn mãnh liệt hơn bao giờ hết khi chiếc kim đồng hồ càng chuyển dần đến giờ khắc giao thừa.
Mặc dù bây giờ hoàn cảnh có khác xưa rất nhiều, bước qua tuổi trung niên đã lâu, tôi đã mất bố, ông bà nội ngoại, thầy tôi, cùng nhiều bạn bè thân quyến khác, và kể cả chính con người tôi của một thời nào đó nữa…
Có lần nhà văn Pháp Anotole France ngồi trên chiếc ghế đá ở vườn Luxembourg, ông nhìn thấy những đứa trẻ cắp sách đến trường đi ngang qua, mà chợt nhớ lại hình ảnh những mùa thu khai trường xa xưa, khi ông còn là một cậu bé cũng tập tễnh đeo cặp đi ngang qua khu vườn này. Nhà văn viết: “Cậu học trò đó là tôi ngày nào, nay đã mất rồi”. Mặc dù chúng ta vẫn đang hiện diện, nhưng đã có những lớp con người của chúng ta trong quá khứ xa xưa nay đã không bao giờ quay trở lạ nữa.
Làm thế nào sống lại được không khí của một thời dĩ vãng? Nhà văn Pháp đầu thế kỷ 20 Marcel Proust đã tìm lại được dĩ vãng qua tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu). Proust đã “đi ngược thời gian” trở về với quá khứ bằng… mùi vị. Câu chuyện như sau, một hôm ông được người nhà dọn cho ăn món bánh Madeleine, theo thói quen nhà văn chấm cái bánh vào trong tách nước trà và ăn. Ngay lập tức, khi chiếc bánh tan dần trong miệng, ông chợt thấy quá khứ đang trở về. Cứ mỗi lần ông chấm bánh vào trà và cho tan dần trong miệng, Proust lại bắt gặp lại những hình ảnh kỷ niệm của thời thơ ấu đã xam ký ức không liền lạc cho lắm nhưng rất rõ nét. Tôi nghĩ trong chúng ta, ai nấy cũng đã có hơn một lần được trở về quá khứ qua những món ăn kiểu như Proust. Có khi chúng ta thích ăn một món ăn lâu ngày không được thưởng thức lại, không phải vì hương vị hấp dẫn của món ăn đó, mà “ăn để nhớ lại ngày xưa”, thế thôi.
Trong làn khói bốc lên cao, chao đảo theo chiều gió, trong ánh lửa đun bếp bập bùng, tia lửa than bắn ra nổ lách tách,mà chúng ta bắt gặp ở những nồi nấu bánh chưng nằm rải rác đây đó trên các con phố, cũng thấp thoáng những tình tự hoài cảm về quá khứ, xen lẫn với những háo hức, bâng khuâng khôn tả. Nhà thơ Huy Cận viết: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Không chỉ riêng có nhớ nhà, hình tượng làn khói còn gợi lên biết bao nỗi niềm mông lung khác, trong một khoảnh khắc, chúng ta vẫn chưa kịp gọi tên được chúng.
Giao thừa ngày nay cũng thay đổi nhiều. Nhất là ở thành phố, nơi khó mà tìm được hình ảnh cây nêu trước ngõ, lũy tre đầu làng. Có chăng, vẫn còn cảnh cuối năm bày tế phẩm lên bàn thờ, thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà, tiền nhân.
Giao thừa ở thành phố, nghe ở đầu ngõ cuối xóm vang lên các bản nhạc xuân Việt Nam pha lẫn với các bản nhạc Âu Mỹ ồn ào, hoặc bản Happy New Year của ban nhạc Abba buồn thấm thía, man mác. Giao thừa là như thế đó, một chút khắc khoải, một chút náo nức, một chút bâng khuâng, tựa như cô thiếu nữ đang thao thức chờ đón mùa xuân mới đang sắp đến với bao hứa hẹn, hy vong rằng năm mới sẽ đem lại những điều tốt đẹp hơn năm cũ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005