Một cách tiếp cận “Bản sắc dân tộc” và một cách hiểu về “nội lực”
Chúng tôi giới thiệu cách tiếp cận vấn đề "bản sắc dân tộc" trong bài Văn hoá và toàn cầu hoá: vài phân tích kinh tế của Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State, Ohio, Mĩ và cách hiểu vấn đề "nội lực" trong bài Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: vài khảo sát kinh nghiệm ở Đông Á của Trần Văn Thọ (Đại học Waseda Tokyo, Nhật Bản) - cả hai bài biên khảo đều được đăng trong tuyển tập Từ Đông sang Tây1).
"Bản sắc dân tộc" và “Vốn văn hóa”
Bản sắc dân tộc một ý niệm then chốt của đường lối văn hoá, văn nghệ hiện nay của Việt Nam, "thoạt nghe thì rõ ràng, hấp dẫn" nhưng "không dễ xác định”. Trong bài Văn hoá và toàn cầu hoá: vài phân tích kinh tế, Trần Hữu Dũng góp phần làm rõ ý niệm này bằng những xác định của tư duy khoa học đối với một ý niệm khác tương đương, giá trị phổ quát và duy lý hơn trong học thuật : đó là ý niệm “vốn văn hoá". "Cái bản sắc dân tộc cần giữ gìn (và vun quén) có thể hiểu như không gì khác hơn là vốn văn hóa”. "Loại vốn này có hai dạng. Vốn văn hoá vật thể gồm những công trình kiến trúc, đền đài cung miếu, di tích lịch sử, những địa điểm có ý nghĩa văn hoá. Còn vốn văn hoá phi vật thể là những tập quán phong tục, tín ngưỡng, các giá trị khác của xã hội - một thứ keo gắn kết cộng đồng". Tầm quan trọng của vốn văn hoá được làm nổi bật qua sự so sánh tác động của bảo vệ môi trường thiên nhiên và tác động của bảo dưỡng vốn văn hoá tới quốc kế dân sinh. "Bỏ bê môi trường sinh thái sẽ làm giảm sản năng và phúc lợi kinh tế" cũng vậy, "không bảo dưỡng vốn văn hoá (để di sản đồi truỵ, làm mất bán sắc văn hoá dân tộc) cũng có những hậu quả tai hại như vậy". Vấn đề giá trị của vốn văn hoá phi vật thể cũng như những vấn đề văn hoá khác được tác giả xem xét trong khung lý luận của khoa học kinh tế:
- “Giá trị của vốn văn hoá phi vật thể thì hoà quyện vào vốn kinh tế" .
- "Vốn văn hoá có thể thay thế các loại vốn khác, các tài nguyên khác (như lao động) hoặc ngược lại, đóng góp vào tổng thu nhập và tốc độ phát triển của một quốc gia".
- "Vốn văn hoá giúp hiểu sâu hơn về tính bền vững của phát triển. Đóng góp của nó vào khả năng phát triển dài hạn không khác đóng góp của vốn thiên nhiên".
Từ sự xác định "vốn văn hoá phi vật thể" như một "thứ keo gắn kết cộng đồng" tác giả đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Cộng đồng quốc gia (hoặc "dân tộc") bao gồm nhiều cộng đồng sắc tộc, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng "đồng hương", mỗi cộng đồng “nhỏ” này có những nét bản sắc văn hoá riêng... Nếu như cộng đồng lớn bao trùm lên tất cả một cách trừu tượng, "làn ranh" giữa "cộng đồng" và "ngoài cộng đồng” không còn nữa (nói đến những cộng đồng nhỏ) thì ý niệm "cộng đồng" dễ trở thành “rỗng không". Còn nếu nhấn mạnh cục bộ thì những "cộng đồng" nhỏ như là những "tập thể nhỏ hẹp" thì "đoàn kết cộng đồng sẽ có một mặt trái không tốt, tức là lòng ngờ vực, là sự dửng dưng, thậm chí đối chọi những người “ngoài cộng đồng".
Về vấn đề "Dân tộc tính và toàn cầu hoá", tác giả đặt ra nhiều vấn đề lý thú, tôi nêu lên ở đây hai vấn đề đáng suy nghĩ.
“…Qua nhiều thiên niên kỉ, bản sắc của mỗi dân tộc (có vẻ như thuần nhất ngày nay) cũng là pha trộn của nhiều luồng văn hoá ngoại lai. Đâu là bản sắc có nguồn gốc từ chính một quốc gia, và chỉ quốc gia ấy có”?
Phân tích biện pháp được áp dụng ở nhiều nước "bắt buộc một tỉ lệ nào đó của phim ảnh phải được sản xuất trong nước" tác giả có nhận xét: biện pháp "có tính quá cứng nhắc, giai đoạn, và không giải quyết vấn đề chính, đó là không phải ngăn chặn mọi văn hoá ngoại lai, nhưng là ngăn chặn những văn hoá hạ cấp ngoại lai, và nhất là ngăn ngừa sự ngoéo móc của nó với văn hoá hạ cấp trong nước". Nhận xét này được suy ra từ một quan điểm khái quát của tác giả: "... tác hại của toàn cầu hoá đến văn hoá bản địa không phải do nguồn gốc ngoại lai của ảnh hưởng ấy, song do tính đại chúng tầm thường của văn hoá xâm nhập. Phải phân biệt đối kháng tính "hạ cấp" và đối kháng tính ngoại lai, bởi vì chính nhiều nhà văn hoá các nước tư bản Tây phương... cũng than phiền về sự đồi truỵ của văn hoá đại chúng hiện đại, mặc dù họ hoan nghênh toàn cầu hoá".
Trần Hữu Dũng là giáo sư kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ông chuyên về nghiên cứu kinh tế vùng Đông Á, đặc biệt là Việt Nam. Giáo sư Dũng cũng là biên tập viên quản lý của cổng web nổi tiếngArts & Letters Daily Riêng về Việt Nam, ông là tác giả của websiteViet-studies cập nhật thường xuyên các bài báo, báo cáo nổi bật trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam. Xem trang tác giả... |
"Bản chất và hướng tiến của văn hoá phải do chính đại thể cộng đồng định đoạt, qua những tranh luận cởi mở, những trao đổi thông thoáng, xây dựng. Trách nhiệm của nhà nước là đảm bảo sự thông thoáng ấy, là khuyến khích sáng tạo, là bảo tồn những di sản cổ truyền. Trách nhiệm của người “tiêu dùng văn hoá" cũng rất nặng nề, nhưng đối với chính họ. Đó là trách nhiệm trau dồi năng khiếu thưởng ngoạn, nâng cao trình độ kiến thức để thẩm định, và vẫn có thể trao đổi với những người thưởng ngoạn khác. Nhưng sự trao đổi đó phải trong tinh thần tương kính. Toàn cầu hoá là một biểu hiện tự do (thông lưu), bản chất của văn hoá cũng là tự do (sáng tạo và tiếp thu). Nghĩ như vậy thì có một sự hoà hợp tự nhiên giữa hai phạm trù ấy".
“Nội lực” và “Năng lực xã hội”
Chuyển sang thời kì đổi mới, ý niệm "nội lực, phát huy nội lực" ngày càng được nhắc đến nhiều trên sách báo, trong các văn kiện chính trị. Nhưng "nội lực nào”?, "nội lực ở đâu”? vẫn là những câu hỏi chưa có sự trả lời thích đáng. Trong bài Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: vài khảo sát về kinh nghiệm ở Đông Á của Trần Văn Thọ, dựa vào những công trình khảo cứu sự chuyển giao công nghệ tại Đông Á, tác giả đưa ra một giả thuyết riêng trả lời những câu hỏi về "nội lực".
Trong phần cuối của bài viết, tác giả đưa ra hai kết luận:
"Thứ nhất, các nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá cần tận dụng công nghệ của nước đi trước mới rút ngắn khoảng cách phát triển...".
"Thứ hai, để chọn lựa công nghệ thích hợp với nhu cầu phát triển của nước mình và để công nghệ du nhập được sử dụng có hiệu quả và bén rễ, lan rộng trong nền kinh tế, nước du nhập được sử dụng có hiệu quả và bén rễ, lan rộng trong nền kinh tế, nước du nhập công nghệ phải có một năng lực xã hội cao…” (HNH nhấn mạnh).
Trong giả thuyết của tác giả, nội lực của sự phát triển xã hội được định nghĩa bằng năng lực xã hội của năm thành phần trong xã hội hiện đại: giới lãnh đạo chính trị, giới quan chức, giới lãnh đạo kinh doanh, giới trí thức và giới lao động (kể cả nông dân).
“Để có năng lực xã hội thì mỗi giới phải có những tố chất cần thiết và xã hội phải có các cơ chế cần thiết để các giới nối kết với nhau thành một sức mạnh tổng hợp.
Tố chất của giới lãnh đạo chính trị là năng lực lãnh đạo, là khả năng hình thành sự đồng thuận (consensus) cao của toàn dân, nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có phương châm trọng nhân tài. Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lí hành chính, năng lực nghiệp vụ cao và tác phong đạo đức của người công bộc. Tố chất cần thiết của nhà kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) trong đó có tinh thần mạo hiểm, tinh thần và nỗ lực khám phá thị trường mới, nguyên liệu mới, công nghệ và phương thức quản lý mới. Tố chất đòi hỏi ở trí thức: là sự quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội, và nỗ lực nghiên cứu và tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội, góp phần làm cho kinh tế phát triển. Tố chất cần thiết của giới lao động là trình độ giáo dục ngày càng cao, kĩ năng, năng lực chuyên môn ngày càng được bồi dưỡng hăng say và làm việc với tinh thần trách nhiệm [HNH nhấn mạnh].
Để tránh một sự ngộ nhận dễ mắc phải chỉ hiểu “nội lực" như là tổng các "đức tính truyền thống" của dân tộc Việt Nam như yêu nước, dũng cảm, cần cù lao động... tác giả nói rõ: "Các tố chất của các thành phần có thể một phần do bẩm sinh và do kinh nghiệm mà hình thành, nhưng có thể nói phần lớn là do chính sách, cơ chế tạo nên. Chẳng hạn Nhật Bản có đội ngũ quan chức giỏi và nhìn chung hội đủ các đạo đức cần thiết là nhờ chế độ thi tuyển nghiêm minh, chế độ đào tạo bài bản và chế độ đãi ngộ tốt..."
Kết thúc bài nghiên cứu là một công thức ngắn gọn và sáng rõ trình bày tổng quát chiến lược -phát triển của những nước đang phát triển: "... song song với phát huy nội lực (năng lực xã hội) phải biết tận dụng ngoại lực mà công nghệ là một thành tố quan trọng". Thiết nghĩ rằng công thức này cũng tương thích với mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá của nước ta.
1)Từ Đông sang Tây, NXB Đà Nẵng, 2005, Cao Huy Thuần - Nguyễn Tùng - Trần Hải Hạc - Vĩnh Sính (chủ biên)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh