Hiện tượng Nguyễn Trần Bạt

09:12 SA @ Thứ Tư - 23 Tháng Mười Hai, 2020
TIN BUỒN:
ÔNG NGUYỄN TRẦN BẠT một cộng tác nội dung lâu năm của chungta.com đã đột ngột qua đời hồi 19h30, ngày 15/12/2020 sau một cơn đột quỵ. Hưởng thọ 75 tuổi.
.
ÔNG NGUYỄN TRẦN BẠT, Sinh năm 1946
Nguyên quán: Hưng Nguyên, Nghệ An
Ông là Doanh nhân, Luật sư, Nhà tư vấn, Học giả, Nhà sáng lập và là Chủ tịch InvestConsult Group.
.
Tác giả của 11 đầu sách: Văn hóa và con người, Suy tưởng, Cải cách và sự phát triển, Cội nguồn cảm hứng, Đối thoại với tương lai, Vượt qua những giới hạn, Con người là tinh hoa của nhau, Tình thế và giải pháp, Gạo và sạn, Sức mạnh của cái đúng, Không gian tinh thần.
.
Ông Nguyễn Trần Bạt được vinh danh trong các cuốn sách Barons "Who’s Who in Vietnam", "Who’s Who in Asia Pacific","Who’s Who in the World" và "The Global 500 Leaders for the New Century" như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.
.
Ông đã từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về các vấn đề kinh tế và chính trị.
.
Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Ông Nguyễn Trần Bạt và cầu nguyện anh linh Ông thanh thản về cõi vĩnh hằng, đoàn tụ cùng các bậc tiên hiền Nước Việt.
Thành kính chia buồn cùng gia quyến và Tổng công ty InvestConsult Group, cùng bạn bè của Ông Nguyễn Trần Bạt trước tổn thất lớn lao này!

Nhà báo, nhà văn Thiên Sơn:

"Nhà nghiên cứu văn hóa NGUYỄN TRẦN BẠT, một trong những nhân vật xuất sắc nhất của thời đại chúng ta đã qua đời tối qua tại Hà Nội. Đối với riêng tôi, ông là đồng hương và là một người thân thiết với rất nhiều kỷ niệm.

Xin đăng lại bài viết về ông như một lời tưởng nhớ một con người xuất chúng!"
,
HIỆN TƯỢNG NGUYỄN TRẦN BẠT
(Thiên Sơn)
.
Hiện diện trước tôi là một người đàn ông ngấp nghé tuổi 70. Mái tóc điểm bạc. Trông ông không hề trẻ so với tuổi của mình, nhưng lại là một người hoạt bát và hùng biện. Ít khi Nguyễn Trần Bạt nói về mình, ông thường đắm chìm trong những luận giải về những vấn đề Cổ, Kim, Đông, Tây. Đấy là một người có sức suy tưởng và biện luận khác thường, có thể khiến người đối diện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Với giọng nói vang vọng, rành mạch, luôn đi thẳng vào bản chất vấn đề, quyết liệt và dứt khoát khi tranh luận, ông thường để lại ấn tượng khó phai cho người đối thoại.
.
Nguyễn Trần Bạt xuất hiện trong đời sống văn hóa như một hiện tượng hết sức độc đáo. Lúc đầu giới nghiên cứu còn ngỡ ngàng bởi một giọng điệu lạ, bởi cách đặt vấn đề không giống ai. Và còn bởi, trước đó, Nguyễn Trần Bạt được biết đến là một nhà điều hành doanh nghiệp chứ chưa hề xuất hiện với tư cách một nhà nghiên cứu. Thế mà, chỉ sau khoảng thời gian không dài, ông đã xây đắp lên một sự nghiệp đồ sộ. Đồ sộ và độc đáo đến mức, ở Việt Nam chưa từng có một kiểu tư duy, một lối nghiên cứu thực tiễn và đa diện như vậy.
,
“Tôi là người yêu nước bằng cách lý giải các vấn đề của nó”- Nguyễn Trần Bạt tâm sự. Cái khác biệt của Nguyễn Trần Bạt là ở chỗ, toàn bộ nghiên cứu của ông sinh ra để trả lời những câu hỏi then chốt của thực tại. Nghĩa là, ông luôn đặt mình vào những vấn đề nóng bỏng, khó khăn để tìm ra câu trả lời.
,
Nghiên cứu của ông nằm ở mũi nhọn của cuộc sống.
.
Cái khát vọng tìm đường, cái mong muốn phá bỏ những vật cản trên con đường đi lên của đất nước, riêng điều đó thôi, đã đáng để ta ngẫm suy và trân trọng.
,
*
* *
Nguyễn Trần Bạt có quê gốc ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức. Cha ông từng là cán bộ cốt cán Việt Minh ở Nghệ An. Từ nhỏ, Nguyễn Trần Bạt đã được nghe cha và nhiều nhà trí thức, cách mạng đàm thoại về những vấn đề của thế cuộc. Như một năng khiếu thiên bẩm, ngay những năm tháng thiếu thời, Nguyễn Trần Bạt đã quan tâm và suy nghĩ về những vấn đề cuộc sống, tìm cách để lý giải hoặc suy đoán sự vận động của nó.
,
Nhưng cuộc đời cậu bé Nguyễn Trần Bạt không suôn sẻ. Lớn lên gặp cảnh chiến tranh ly tán. Con đường sự nghiệp của cha ông gặp khó khăn.
Nguyễn Trần Bạt kể:
“Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc trong đời sống chính trị của bố, làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi cũng theo mẹ ra đi từ năm 9 tuổi.Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó. Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cả nhà tôi đều phải làm như thế cả. Tôi từ một cậu ấm đã trở thành một đứa trẻ nghèo, ra đường lao động để kiếm sống… với tôi nỗi đau khổ ấy là một thực tế giày vò trong nhiều năm tháng”.
,
Những bước ngoặt cay đắng của cuộc sống đã trang bị cho Nguyễn Trần Bạt kiến thức thực tế, sự từng trải và óc tưởng tượng và vì thế, cậu không dễ thỏa mãn với những gì mà nhà trường dạy cho mình. Nguyễn Trần Bạt luôn tìm cách phản biện, đặt ngược vấn đề. Có khi, chỉ một mình, Nguyễn Trần Bạt khuấy động cả một tiết học. Và, cậu cũng nhận ra, nhu cầu hiểu biết của mình không chỉ dừng lại ở những kiến thức trong sách giáo khoa. Ông tâm sự:“Tôi là một học sinh cá biệt trong suốt thời kỳ đi học, từ cấp 1 cho đến khi tốt nghiệp đại học. Tôi là một hiện tượng bất quy tắc…” Xu hướng tự hoàn thiện mình, tự trang bị kiến thức cho mình trở thành một xu hướng ngày càng mạnh trong Nguyễn Trần Bạt.
,
Cho đến khi học lớp 9, thì Nguyễn Trần Bạt cảm thấy trường học trở nên chật chội so với trí tưởng tượng của mình, nên ông ghi tên đi thanh niên xung phong. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông lại xung phong đi bộ đội vì nghĩ cuộc đời người lính trên trận tuyến sẽ giúp ông thực hiện được những hoài bão của tuổi trẻ. Sau một trận đánh, ông bị sức ép từ bom, và được cho giải ngũ vì yếu sức khỏe. Bước ngoặt này đã đưa ông trở lại hậu phương. Sau đó Nguyễn Trần Bạt đỗ vào trường Đại học Xây dựng, rồi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành kỹ sư cầu đường.
,
Nguyễn Trần Bạt về làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông thuộc Bộ giao thông vận tải. Năm 1982, khi 36 tuổi, Nguyễn Trần Bạt đỗ đầu trong kỳ thi nghiên cứu sinh, nhưng các nhà lãnh đạo Bộ giao thông không đồng ý cho ông đi học. Lý do đưa ra thật kỳ quặc: “Anh là người kiêu ngạo. Đảng sẽ khó quản lý một người kiêu ngạo mà lại là tiến sĩ”. Sự trục trặc đó, ít nhiều có tác dụng thôi thúc ông tìm kiếm một con đường khác cho cuộc sống của mình.
,
Năm 1984, khi đang giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông thì ông quyết định rời cơ quan này. Nguyễn Trần Bạt chia sẻ: “Nếu tôi kiên nhẫn một chút thì tôi có thể trở thành giáo sư. Nhưng tôi thấy sáng cắp ô đi, tối cắp ô về chán quá”. Cái lối sống viên chức với những quy định ràng buộc, cái cảnh đói nghèo triền miên đã thôi thúc ông phải tìm lấy một con đường khác có thể làm thay đổi tình thế của mình.
.
Thực ra, để có thể chủ động đi đến quyết định ấy, Nguyễn Trần Bạt đã nghiên cứu, nắm bắt xu hướng đổi mới đang ngày càng hiện hữu. Đó là một quá trình mãnh liệt mà âm thầm kéo dài trong nhiều năm nhằm trang bị lại kiến thức của mình và hình thành một chương trình hành động.
,
Năm 1987, Nguyễn Trần Bạt khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
,
Năm 1989, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Đó là công ty đầu tiên ở Việt Nam làm nhiệm vụ kết nối đầu tư nước ngoài. Khách hàng là những nhà đầu tư đến Việt Nam được tư vấn một cách đầy đủ từ luật pháp, đến các quy trình thực hiện một dự án, các phương án gỡ rối cho doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Có thể nói, Nguyễn Trần Bạt đã nắm bắt chính xác và bù lấp một khoảng trống lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
,
Những ngày đầu lập InvestConsult, Nguyễn Trần Bạt còn rất nghèo. “Khi mở công ty tôi chỉ có một cái xe đạp, đi ra bờ hồ làm việc còn bị lấy trộm mất”- ông chia sẻ. Vậy nhưng, chỉ 2 năm sau, Nguyễn Trần Bạt đã trở thành triệu phú đô la. Đó hoàn toàn không phải là chuyện may rủi, mà là câu chuyện của một con người đã hành động đúng thời điểm, tìm ra và chiếm lĩnh một thị trường đặc thù mà cho đến thời điểm ấy, giới kinh doanh ở nước ta còn khá mơ hồ.
.
*
* *
“Tôi có một lý thuyết gọi là lý thuyết Bên bờ vực” – Nguyễn Trần Bạt nói tiếp: “Tôi không làm những gì mà người khác có thể làm. Tôi chỉ làm những gì người khác không làm được, không muốn làm và không dám làm”. Đó cũng chính là bí quyết của ông. Suốt cả cuộc đời mình, ông đi tìm ý nghĩa cuộc sống và sự hiện diện trong đời sống xã hội theo một cách riêng.
,
Ông tâm sự:
“Tôi có mua cho các con tôi bức tranh một đứa bé ăn xin đứng ở cửa lớp học. Các con tôi hỏi, tại sao bố lại mua bức tranh này cho bọn con. Tôi bảo, bức tranh này không phải mô tả các con mà là mô tả bố. Bố là một đứa trẻ ăn xin, không phải ăn xin thông thường mà ăn xin trí tuệ ở cửa các lớp học”.
.
Để có thể thành đạt, thực hiện được mục tiêu của cuộc đời mình, Nguyễn Trần Bạt đã phải nỗ lực tự học không ngừng. Từ tuổi thiếu niên, ông đã thường xuyên tham dự các buổi nói chuyện của các giáo sư nổi tiếng về văn hóa, nghệ thuật ở thư viện Hà Nội hàng tuần. Ông chú ý đến khoa học tư duy, dành nhiều thời gian để đọc logic học, nắm vững logic hình thức và logic biện chứng. Để rồi, theo như ông nói: “năm 22 tuổi, tôi dùng những kiến thức logic để hệ thống lại những hiểu biết của tôi từ năm 7 tuổi”. Ông cũng dành gần 4 năm để học hệ tại chức tại khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và có hiểu biết sâu rộng về văn học Anh, Pháp, Nga… Sau này, khi đã mở công ty, do yêu cầu của công việc, ông tiếp tục theo học Ngành luật và trở thành một luật sư nổi tiếng.
,
Con đường học vấn của Nguyễn Trần Bạt ngày càng phong phú. Ông tự trang bị cho mình những kiến thức về tâm lý học, kinh tế chính trị học, lịch sử các nền văn minh, và nghiên cứu kỹ những bí quyết thành công của các danh nhân trên thế giới...
,
Nguyễn Trần Bạt âm thầm lăn lộn trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, học tập, suy nghĩ và hành động. Ông lấy hiệu quả thực tế để kiểm nghiệm cho những ý tưởng của mình. Cùng với thời gian, Nguyễn Trần Bạt không ngừng tích lũy tri thức đa diện và đến một ngày, ông xuất hiện trước công chúng với tư cách một học giả. Đấy là chặng đời thứ 3 của ông, sau khi đã từng là một viên chức, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc. Đó là một sự chọn lựa trí tuệ, một cuộc dấn thân thầm lặng. Và chính ở chặng đời này, ông thể hiện tầm vóc và sự cống hiến của mình bằng những công trình đầy trí tuệ và tâm huyết.
.
*
* *
Trong 10 năm, Nguyễn Trần Bạt cho ra đời hàng loạt tác phẩm như: Văn hóa và con người (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Suy tưởng (2005), Cội nguồn cảm hứng (2008), Đối thoại với tương lai (2010), Vượt qua những giới hạn (2013), Con người là tinh hoa của nhau (2014)… Với khoảng 6000 trang sách đã in, những nghiên cứu của Nguyễn Trần Bạt trải trên nhiều bình diện của đời sống. Ông là người quan tâm đến văn hóa trong trạng thái động của nó. Nghĩa là, theo ông, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, hơn thế, như là phương tiện, là sức mạnh để con người vượt thoát khỏi những bế tắc của thực tại. Văn hóa tồn tại trong con người như những thành tố cấu tạo nên tư duy, chỉ huy mọi hành động của con người.
,
Nguyễn Trần Bạt xem kinh tế, chính trị như là những mũi nhọn quan trọng của văn hóa, đó là nơi biểu lộ thực trạng văn hóa của đất nước và cũng là nơi phải vận dụng văn hóa như một phương tiện để giải quyết những bế tắc, trì trệ, kém phát triển của nó.
.
Những quan điểm ấy khiến Nguyễn Trần Bạt trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa kiểu mới. Từ những nghiên cứu của mình, ông đã vận dụng nó vào việc đề xuất những xu hướng, những biện pháp nhằm thay đổi thực trạng của đất nước.
.
Nguyễn Trần Bạt nhìn thấy sự phát triển đích thực của con người, của đất nước nằm ở khía cạnh văn hóa của nó. Ông nói: “Bất kỳ một xã hội nào cũng là một sản phẩm văn hóa”. Luận điểm nền tảng trong lý thuyết của ông là “phi cách mạng hóa đời sống chính trị”. Và, trên cơ sở đó, ông cho rằng, sự sửa đổi một cách có hệ thống, liên tục, dựa trên những chuẩn giá trị văn hóa, có thể đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, trì trệ để trở nên văn minh, phồn vinh. Ông đề cập đến TỰ DO, DÂN CHỦ như những giá trị căn bản nhất. Và, ông cho rằng, những nhà lãnh đạo hiện nay nên xem việc dẫn dắt đất nước đi đến nền dân chủ như một nhiệm vụ trọng yếu.
.
Vừa đi vào những nguyên lý phổ quát, vào khững xu hướng chính của thời đại, Nguyễn Trần Bạt cũng không ngừng tác động vào thực thế bằng những kiến giải sâu sắc trước những biểu hiện phức tạp của đời sống.
.
*
* *
Trong nhiều năm làm báo, tôi đã có điều kiện gặp gỡ nhiều trí thức lớn, nhưng Nguyễn Trần Bạt là một ấn tượng đặc biệt. Đặc biệt bởi sức suy nghĩ mãnh liệt luôn trào lên như sóng. Đặc biệt bởi một trí tuệ sắc sảo dường như không né tránh bất kỳ câu hỏi hóc búa nào. Đặc biệt bởi khả năng thấu suốt về sự hài hòa, biện chứng giữa những nguyên lý căn bản và sự biến hóa của các vấn đề trong tình huống cụ thể của đời sống.
.
Trong phần lớn cuộc đời mình, Nguyễn Trần Bạt đã vươn lên không ngừng, học hỏi không ngừng để chống lại hoàn cảnh của mình, mà ông gọi là “sửa đổi những hạn chế” của các trường học mà ông trải qua để trở thành một người uyên bác, năng động, nói đi đôi với làm. Từ một đứa trẻ gặp những nghịch cảnh đau đớn, ông đã vươn lên trở thành một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, một người kết nối nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Và, cuối cùng, ông xác lập cho mình tư cách một nhà tư vấn cho xã hội trước những vấn đề khó khăn và trọng yếu của đời sống. Những công trình nghiên cứu của ông là tiếng nói có trách nhiệm khởi phát từ tấm lòng, từ tình yêu vô hạn với cuộc đời.
(Thiên Sơn)
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt và mối tình đầu với sách

    23/12/2020Tạ Duy AnhGiờ đây ông Nguyễn Trần Bạt, ngoài tư cách một doanh nhân thành đạt, còn là tác giả của 9 cuốn sách (có cuốn phải gọi là bộ) luôn gây bất ngờ cho bạn đọc, một diễn giả luôn đắt khách của mọi diễn đàn quan trọng...
  • Nguyễn Trần Bạt luận về hòa hợp, hòa giải

    01/05/2018Xuân BaTôi nghĩ cuộc sống tự nó làm thay đổi tất cả các ranh giới, các mức độ. Cuộc sống tự điều chỉnh. Khi nó điều chỉnh, nó sẽ tạo nền cho sự hòa hợp chính trị. Cái khó khăn nhất là hòa hợp...
  • Cùng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt bàn về biệt phủ Việt

    05/09/2017Xuân Ba (thực hiện)Muôn mặt xôm tụ của cơ chế thị trường đã ló dạng ra hiện tượng biệt phủ. Một cụm từ hơi bị mới trong tiếng Việt? Một hiện tượng, một thành quả của lộ trình làm giàu, xã hội công bằng văn minh hay biến tướng của nạn tham nhũng và lệch lạc văn hóa Việt? Chúng ta ứng xử với hiện tượng này như thế nào?
  • "Gạo và Sạn" của Nguyễn Trần Bạt

    22/12/2016Nguyễn Trần Bạt là một luật gia, một doanh nhân khá thành đạt. Ông là tác giả đang làm hết sức mình để có thêm nhiều tác phẩm "giải độc cho thế hệ trẻ" và ý tưởng cải cách đất nước để phát triển. "Gạo và sạn" là đầu sách thứ 9 của ông vừa ra mắt dịp Noel tháng 12/2016...
  • Nguyễn Trần Bạt - "Tổng tư lệnh" của những điều khác biệt

    30/03/2016Ngô ChuyênCầu đường, triết học và luật, những khúc nối có vẻ thiếu đồng điệu nhưng lại là những tổ hợp đồng điệu trong con người ông Nguyễn Trần Bạt - một vị tổng giám đốc đam mê quan sát cuộc sống. Chẳng ai ngờ cái thứ đam mê lạ lùng ấy, một ngày kia đã biến ông trở thành một trong những doanh nhân thành đạt bậc nhất Việt Nam...
  • "Tình thế và Giải Pháp" của Nguyễn Trần Bạt

    26/02/2016Minh BùiCuốn "Tình thế và Giải pháp" của tác giả Nguyễn Trần Bạt vừa được ra mắt bạn đọc. Vẫn trung thành với cách trình bày quen thuộc-đối thoại trực tiếp và không né tránh với các đối tượng cụ thể-những vấn đề tác giả trao đổi trong cuốn sách đều nóng bỏng tính thời sự, xoay quanh chủ đề xuyên suốt là vì tiến bộ xã hội...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời báo đài Phần Lan

    04/05/2015Annastina AbondeNăm nay Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhân dịp này chúng tôi thực hiện một phóng sự tìm hiểu về những gì Việt Nam đã làm được sau 40 năm...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt đối thoại với sinh viên Học viện Ngoại giao

    04/03/2015Ông Nguyễn Trần Bạt khác với nhiều người mà tôi đã tiếp xúc. Ông không chỉ là người có khả năng truyền đạt thông tin, truyền đạt tri thức đến người nghe ở mức chất lượng, ở sự tổng hợp cao nhất...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt trò chuyện với Thomas Friedman

    05/09/2014...Trong tất cả các yếu tố cần phải chăm sóc để phát triển ở Việt Nam thì yếu tố đạo đức vẫn là một yếu tố buộc phải chú ý tới. Chúng ta muốn có một thế giới mà con người vẫn còn tử tế, hay nói cách khác là nó vẫn còn giữ nguyên các tiêu chuẩn cơ bản của con người thì chúng ta buộc phải chăm sóc đạo đức...
  • Cuộc trò chuyện giữa ông Ngô Bảo Châu và ông Nguyễn Trần Bạt

    13/06/2014Đây là bài cuối của loạt bài phỏng vấn, đối thoại thực hiện vào cuối năm 2010 của hòa thượng Thích Học Toán đăng trên Blog cá nhân...
  • Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Xác định lại trách nhiệm từng cấu phần gói 30.000 tỉ

    23/03/2014Thảo Nguyễn (Thế giới Tiếp thị)Để gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng phát huy hiệu quả, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, cho rằng, cần phải xác định rõ ràng trách nhiệm, yêu cầu đối với ngành xây dựng, ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà...
  • Tản mạn đầu năm với Nguyễn Trần Bạt

    13/02/2014Định bụng hỏi một vấn đề “nóng” nhưng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt bảo chưa nên bàn vào lúc này, vậy nên, câu chuyện giữa chúng tôi ngẫu nhiên lái sang một vài sự kiện đã qua nhưng dưới góc nhìn của ông thì không cũ...
  • Giới thiệu sách: "Vượt qua những giới hạn" của Nguyễn Trần Bạt

    06/02/2014Minh AnhTháng 12 vừa qua, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã công bố hai tập sách "Vượt qua những giới hạn" của Nguyễn Trần Bạt. Bộ sách đã hình thành từ các câu trả lời của Nguyễn Trần Bạt trong gần 90 cuộc phỏng vấn và giao lưu...
  • Giao lưu giữa ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà lãnh đạo và doanh nhân Nghệ An (phần 2)

    20/08/2010Tôi đã viết một chương dành riêng để luận giải mối quan hệ biện chứng giữa khái niệm cá nhân, khái niệm tôi và khái niệm chúng ta trong quyển sách "Cội nguồn cảm hứng"tôi có mang theo để tặng các anh, các chị ở đây. Đây là một vấn đề khoa học, không phải là vấn đề quan niệm, tôi không đề cao bất kỳ cái gì cả. Khoa học không đề cao, khoa học nói rõ sự thật, khoa học cố gắng mô tả sự thật. Có thể cơ quan tuyên huấn thì cần phải đề cao cái này hoặc cái kia, nhưng khoa học thì không đề cao cái gì cả....
  • Nguyễn Trần Bạt - Người chạm đến chân lý tuyệt đối

    15/03/2010Lê Lam SơnÔng truyền cho tôi cảm hứng mãnh liệt về thứ quan trọng nhất đối với một trang nam tử và một con người: Triết lý nhân sinh và triết lý chính trị. Trong những ngày đầu xuân, thiết nghĩ tôi cần phải có những lời tri ân đến ông đã giúp tôi có những thành công nhất định và quan trọng hơn, tiệm cận đến chân lý tuyệt đối....
  • Suy tưởng cùng Ông Nguyễn Trần Bạt về “Tự do”

    21/10/2009Thư NgânCon người sinh ra có quyền Tự do. “Tự do” – hai tiếng ngọt ngào – đã khiến con người mất bao sức lực và cả máu để mong giành được nó và đâu đó đã tưởng giành được nó. Nhưng tiếc thay, “Tự do” đâu có phải là một thực thể để dễ dàng chiếm giữ!
  • xem toàn bộ