Ông Nguyễn Trần Bạt đối thoại với sinh viên Học viện Ngoại giao

10:55 CH @ Thứ Tư - 04 Tháng Ba, 2015

Sinh viên (SV): Xin kính chào tất cả các vị đại biểu, các quý vị khách quý cùng toàn thể các thầy cô giáo và các bạn sinh viên đã có mặt trong chương trình Đối thoại hướng nghiệp dành cho sinh viên năm cuối của Học viện Ngoại giao ngày hôm nay. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu sự hiện diện của các vị khách quý. Về phía Học viện Ngoại giao, xin trân trọng giới thiệu Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Yên Hương - Phó Giám đốc Học viện; cô Nguyễn Thị Thìn - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao; cô Đỗ Thu Hiền - Phó phòng chính trị và công tác chính trị quản lý sinh viên, Bí thư đoàn thanh niên; thầy Nguyễn Tiến Cường - Phó phòng Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; thầy Phan Vũ Tuấn Anh– Phó Bí thư đoàn thanh niên, Chủ tịch hội sinh viên. Ngoài ra còn có rất nhiều cán bộ Viện nghiên cứu chiến lược, Viện Biển Đông học, Viện Ngoại giao, rất nhiều thầy cô giáo và sinh viên K37, K38 của nhà trường.

Về phía khách mời, xin trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch, Tổng giám đốc InvestConsult Group, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao. Sau đây xin trân trọng kính mời ông Nguyễn Trần Bạt và Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn lên sân khấu.

Hoàng Anh Tuấn (HAT): Kính thưa các thầy cô giáo, kính thưa tất cả các quý vị, thưa các em sinh viên. Hôm nay thực sự là một ngày hết sức trọng đại đối với các em sinh viên. Học viện Ngoại giao tổ chức buổi Đối thoại hướng nghiệp này là một hoạt động hướng các em đến những công việc mình sẽ định hình trong tương lai. Thế hệ của các em mạnh dạn hơn thế hệ của chúng tôi rất nhiều. Khi chúng tôi ra trường cách đây ¼ thế kỷ, chúng tôi rất ít có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nhân, với các nhà chính trị, những người có thể giúp chúng tôi có một định hướng tốt về nghề nghiệp. Môi trường hiện nay cũng thay đổi rất nhiều, giúp các em định hình tốt hơn công việc trong tương lai. Tất nhiên chuyện định hướng về công việc không phải chỉ bắt đầu từ tuần lễ hướng nghiệp, mà còn bắt đầu từ gia đình, từ trong nhà trường, và trong xã hội. Tuy nhiên tất cả những điều đó chỉ mang tính định hướng, còn người quyết định công việc nào phù hợp với khả năng của mình, phù hợp với sự phát triển của mình chính là các em.

Hôm nay, khách mời của chúng ta là một nhân vật hết sức đặc biệt. Ông Nguyễn Trần Bạt là một trong những người Việt Nam tôi thực sự ngưỡng mộ về sự hiểu biết, về khả năng phân tích đánh giá và nhìn nhận các vấn đề. Ông Nguyễn Trần Bạt khác với nhiều người mà tôi đã tiếp xúc. Ông không chỉ là người có khả năng truyền đạt thông tin, truyền đạt tri thức đến người nghe ở mức chất lượng, ở sự tổng hợp cao nhất, mà còn là một doanh nhân hết sức thành công trên thương trường. Một người kết hợp giữa nói được với làm được như ông Nguyễn Trần Bạt là rất hiếm. Sau đây xin nhường lời cho ông Nguyễn Trần Bạt.

Nguyễn Trần Bạt (NTB): Thưa các thầy các cô, thưa các anh các chị, thưa các bạn sinh viên. Phải nói rằng tôi xem cơ hội này là một may mắn lớn của tôi. Tôi là người luôn nghĩ đến đất nước của mình, đi tìm lối thoát con người, đi tìm nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Tôi nghĩ rằng đất nước của chúng ta là một nước bé và nghèo. Một nước bé cần có những con người lớn, những trí thức giàu trí tưởng tượng để bù vào. Các bạn chính là phần bù vào những thiệt thòi của đất nước chúng ta. Vì thế tôi cám ơn các bạn đã có mặt trong buổi nói chuyện với tôi ngày hôm nay.

Với những điều kiện cụ thể và với hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà đất nước chúng ta có, hoạt động đối ngoại, hoạt động ngoại giao có địa vị hết sức đặc biệt trong đời sống nói chung. Học viện ngoại giao là nơi đào tạo những con người thay mặt đất nước để đối thoại, để chỉ cho thiên hạ thấy rằng chúng tôi - Việt Nam là gì, đồng thời cũng chỉ cho người dân Việt Nam thấy rằng những phần còn lại của thế giới là cái gì. Các bạn là cầu nối rất quan trọng để người Việt không nhà quê trong các hoạt động quốc tế và để cộng đồng quốc tế hiểu rằng người Việt chúng ta cũng không nhà quê lắm, hoàn toàn có thể hợp tác được. Học viện của các bạn là một cơ sở giáo dục mà tôi rất để ý. Đã từng có giai đoạn tôi sử dụng một số sinh viên tốt nghiệp ở Học viện này trong công ty của tôi. Cùng với sự trưởng thành, rất nhiều người trở thành nhân viên của những tập đoàn công nghiệp lớn, những tập đoàn kinh tế lớn, các tập đoàn nước ngoài. Công ty của tôi là chỗ để rèn luyện, là bước quá độ từ trong trường ra, còn kích thước của các bạn là kích thước của những GM, GE... Tôi chúc các bạn có những độ may mắn như vậy.

Qua thầy Hoàng Anh Tuấn tôi hiểu rằng chỉ độ 5 - 10% số sinh viên được đào tạo ở Học viện Ngoại giao là được tuyển vào phục vụ trong ngành. Vậy ngành ngoại giao chúng ta có ưu thế như thế nào? Phần nhà quê nhất của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam chính là phần đối ngoại, do vậy tất cả các tập đoàn lớn sẽ phải có những bộ phận đối ngoại để xác lập chiến lược phát triển thị trường. Bởi vì chúng ta có thể đầu tư thế này, đầu tư thế kia nhưng nếu không chiếm lĩnh được, không phát triển được thị trường, tức là không tìm ra được mảnh đất cho hàng hóa - dịch vụ Việt Nam, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ không đi đến đâu cả. Nhưng muốn có chỗ để bán hàng trước hết phải hiểu về đối ngoại. Rất nhiều người cho rằng làm Marketing, nghiên cứu Marketing sẽ rất tốt cho sự phát triển thị trường. Tôi nghĩ rằng điều đó không sai nhưng đấy không phải là việc đầu tiên. Việc đầu tiên chính là việc mà các bạn được đào tạo, đó là đánh giá tình hình thế giới, đánh giá thị trường quốc tế, đánh giá tiềm năng, đánh giá rủi ro, đánh giá tất cả các triển vọng của toàn bộ thị trường liên quan đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Hôm nay tôi không có tham vọng nói nhiều về các vấn đề liên quan đến những người sau này sẽ làm ở Bộ Ngoại giao, nhưng nếu các bạn hỏi những vấn đề động chạm đến thì tôi cũng không từ chối. Tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian cho vấn đề nếu không làm ở Bộ ngoại giao thì các bạn có thể tìm thấy công việc, xây dựng sự nghiệp của mình như thế nào. Việc làm không phải là cái khó nhất, cái chính là việc làm tạo ra sự nghiệp của chúng ta.

Tôi tự giới thiệu một chút với các bạn. Tôi khởi nghiệp là một kỹ sư cầu đường, một nghề không liên quan gì đến cái nghề của tôi sau này là luật sư. Tôi làm luật sư cung cấp các dịch vụ phát triển kinh tế quốc tế, hay nói cách khác là cầu nối giữa kinh tế quốc tế với kinh tế Việt Nam. Từ một kỹ sư cầu đường trở thành một luật sư đã là cố gắng rồi, nhưng từ một luật sư trở thành một người có một số hiểu biết nào đó về đối ngoại với tôi là một sự cố gắng lớn hơn nhiều. Vì có những cố gắng như vậy trong quá khứ cho nên tôi có một số kinh nghiệm để nói chuyện với các bạn. Các bạn hãy đặt cho tôi những câu hỏi, tôi không bao giờ nói một cách độc thoại các suy nghĩ của mình, các ý kiến của mình, tôi trả lời các băn khoăn của các bạn, các câu hỏi của các bạn. Nếu các thầy các cô cho phép hỏi cả những câu tế nhị trong đời sống chính trị tôi cũng sẵn sàng trả lời.

Tuy nhiên trước khi đi vào hỏi và đáp giữa tôi với các bạn, tôi đề nghị chúng ta phải rèn mình, phải làm cho đời sống tinh thần của mình phong phú, phải làm cho chất lượng lý tưởng trong không gian tinh thần của mình trở thành một thực thể có thật. Tôi rất sợ gặp phải người không có lý tưởng. Tôi có khoảng hơn 200 nhân viên, không phải ai trong số họ cũng học hành xuất sắc, nhưng có khá nhiều người thành công. Thành công ở trong công ty của tôi nghĩa là gì? Tất cả các hãng nước ngoài quan trọng trong nghề của tôi đều muốn tranh giành họ thì gọi là thành công, người nào có thu nhập ngang với mức trung bình của châu Âu ở chỗ tôi thì gọi là thành công. Tôi không sợ những người dốt, tôi sợ những người không có lý tưởng, bởi vì nói cái gì nó cũng trơn tuồn tuột. Các bạn cần phải có lý tưởng, cần phải yêu cái gì đó, phải tìm thấy tình yêu ở trong công việc của mình, ở trong cái mình học, ở trong cộng đồng của mình, và sức mạnh của trí tuệ sẽ xuất hiện ở trong giao lưu giữa các bạn với cộng đồng lao động của mình. Không có lý tưởng các bạn sẽ không có cộng đồng lao động.

Tôi từng là một người rất nghèo. Lúc bắt đầu sự nghiệp, tôi chỉ có một cái xe đạp và điểm khởi nghiệp của tôi không phải ở tuổi hai mấy như các bạn, tôi khởi nghiệp vào lúc 45 tuổi, lúc đất nước bắt đầu đổi mới. Sau gần 30 năm chiến đấu trong điều kiện cụ thể như thế, tôi trở thành một người có lẽ cũng thành công, tức là tôi không phải lo đến chuyện tiền bạc, tài chính nữa. Tôi cũng có các tài sản vật chất, tài sản tinh thần. Tôi có những quyển sách được viết ra rất cẩn thận, tôi có các cơ ngơi, tôi có một tập thể hơn 200 người lao động một cách rất vui vẻ và có thu nhập tốt. Nhưng khởi đầu của tôi chậm hơn các bạn và nghèo hơn các bạn, tôi không thể tưởng tượng mình lại có cơ hội học trường Ngoại giao. Tôi chưa bao giờ mơ tưởng mình có thể vào trường Ngoại giao để học. Tôi có mua cho các con của tôi một bức tranh mô tả một cậu bé ăn xin đứng ở cửa lớp học. Các con tôi hỏi tại sao bố lại mua bức tranh này cho bọn con. Tôi bảo, bức tranh này không phải mô tả các con mà mô tả bố. Bố là một đứa trẻ ăn xin, không phải ăn xin thông thường mà ăn xin trí tuệ ở cửa các lớp học. Tôi nghĩ rằng nếu tôi còn trẻ chắc tôi cũng sẽ đến cửa lớp học của các bạn để làm chuyện ấy. Phải có một sự đam mê như vậy, phải có một lý tưởng như vậy, phải có một khát khao như vậy và phải có một cộng đồng cộng tác vui vẻ để chúng ta rèn luyện bản thân mình. Đấy là phần mở đầu của tôi.


Ông Nguyễn Trần Bạt

HAT: Trước khi các em sinh viên đặt câu hỏi với ông Nguyễn Trần Bạt, tôi xin phép được hỏi một câu. Hiện nay các em đang chuẩn bị bước vào đời, bối cảnh của xã hội, bối cảnh của môi trường tất nhiên sẽ khác trước nhiều so với khi anh Bạt bước vào đời. Ngày xưa chủ yếu ta nhìn ở không gian hành chính, chính trị ở quanh nơi chúng ta sống là chính, lúc đó sự đi lại của chúng ta khó. Bây giờ không gian hoạt động, không gian suy tưởng, không gian làm việc của các em lớn hơn, nó không chỉ bó gọn lại ở không gian đất nước mà còn là không gian của khu vực và không gian thế giới. Đứng trước một không gian như thế thì ông nhìn thấy khó khăn, thách thức gì và thuận lợi gì khi các em chuẩn bị bắt đầu sự nghiệp của mình?

NTB: Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng. Nếu chúng ta không lười biếng thì mọi cái mà chúng ta trông thấy đều là các cơ hội, bởi vì càng khó khăn cơ hội càng lớn. Tôi có một lý thuyết cho cá nhân tôi, gọi là lý thuyết bên bờ vực. Tôi không bao giờ làm việc gì dễ và không làm việc gì mà người khác có thể ngay lập tức làm giống tôi được. Tôi gọi là lý thuyết bên bờ vực bởi vì kẻ định cạnh tranh với mình không dám theo ra mép vực để cạnh tranh và kẻ thù cũng không dám theo mình ra mép vực. Tôi nghĩ rằng không lười biếng và phải dũng cảm, hai cái đấy tạo ra cơ hội. Các bạn đừng sợ. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn có gợi ý tôi nói về thách thức, khó khăn. Tôi nghĩ là không có khó khăn. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng. Mọi khó khăn là điềm báo tạo cơ hội. Có nhiều cơ hội lắm.

Tôi lấy ví dụ, mấy tuần vừa rồi có những sự rắc rối đã diễn ra ở châu Âu. Mới cách đấy hơn một tuần, thế vận hội Olympic mùa đông rất đẹp đã diễn ra ở đó, thế mà chỉ một vài tuần sau nó đã trở thành một bãi xấp xỉ chiến trường. Đấy chính là một trong những vấn đề địa chính trị sôi động nhất trên thế giới hiện nay. Các bạn thử tưởng tượng xem đấy có phải là một cơ hội để tất cả những người trí thức Ukraine, những người được đào tạo cẩn thận thi thố tài năng để cứu đất nước của mình? Và liệu các bạn có đặt câu hỏi vậy thì trí thức Ukraine ở đâu mà để đất nước của họ bị đẩy vào một tình trạng như vậy? Những vấn đề ấy là chuyện của người Ukraine, nhưng nó cũng đặt ra cho người Việt chúng ta suy nghĩ là nếu bị đặt vào tình huống như vậy thì chúng ta nghĩ thế nào, chúng ta có giải pháp nào. Tôi nghĩ rằng tất cả các thành tựu của một quốc gia bắt đầu le lói hình thành từ trong ý tưởng. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục suy tưởng rằng liệu đất nước của chúng ta có xảy ra những sự kiện tương tự như vậy không. Cách đây khoảng chừng vài ba chục năm thì Nga và Ucraina không phải là đối thủ mà là những người bạn. Chúng ta có nghiên cứu xem vậy thì tình thế nào đẩy những người bạn thành đối thủ? Cái gì trong tất cả các yếu tố cấu tạo ra đời sống này biến những người bạn trở thành những đối thủ của nhau như hiện tượng Ukraine? Ở Việt Nam, những người chúng ta đã từng gọi là bạn liệu có trở thành kẻ thù hay không và trong trường hợp ấy chúng ta xử lý như thế nào với tư cách là những trí thức? Đương nhiên chúng ta có đảng, chúng ta có Chính phủ, có nhà nước, phải đi qua con đường ấy thì mọi sáng kiến chính trị mới được thực thi. Nhưng nếu không có những sáng kiến tiềm ẩn trong giai đoạn đang còn là sinh viên như các bạn thì làm sao đất nước có sáng kiến được! Đất nước có sáng kiến là vì mỗi một cá nhân trong đó có sáng kiến.

Nhiều thế kỷ trước, vào những năm 1970, khi tôi thấy tiến sĩ Henry Kissinger đi tắt đến Bắc Kinh, tôi giật mình bảo tại sao lại có một người thông minh thế. Và tôi bắt đầu nghiên cứu xem cái gì sẽ xảy ra ở Việt Nam. Chiến tranh Đông Dương sẽ chấm dứt, người Mỹ sẽ ra đi, chúng ta làm thế nào để khi còn người Việt với nhau thì chúng ta thống nhất được đất nước? Vào lúc ấy tôi nghĩ như vậy, và tôi rất phục tiến sĩ Kissinger. Lúc bấy giờ tôi mới yêu nhà tôi, nhà tôi là sinh viên năm cuối của trường Đại học sư phạm, khoa Văn. Tôi bảo cô ấy là ra trường nhanh lên, lấy anh và đẻ cho anh một thằng con trai thông minh như Kissinger. Nhà tôi lúc bấy giờ yêu nước lắm, mà Kissinger lúc bấy giờ đang cho thả bom ở Khâm Thiên. Cô ấy nổi xung lên bảo không cưới xin gì cả. Nhưng rồi tình yêu vẫn lớn hơn sự ghét bỏ chính trị, cuối cùng nhà tôi vẫn lấy tôi. Và không hiểu do số phận thế nào, năm 1995, tôi nhận được thư mời của tiến sĩ Kissinger đến Washington DC để ăn tối với ông ấy và dự một hội thảo quốc tế về kinh tế. Chúng tôi biến hội thảo ấy trở thành hội thảo bàn về vai trò của văn hóa trong toàn cầu hóa.

Phải nói với các bạn rằng, chúng ta cứ mơ tưởng, chúng ta cứ cấu trúc ra tất cả những giải pháp ở trong đầu chúng ta với tư cách một trí thức, thế nào cũng có một nhà chính trị thông minh để sử dụng trí khôn của chúng ta, nếu ý tưởng của chúng ta là thông minh thật. Kissinger khi mới ra trường đã viết quyển sách “Vũ khí hạt nhân và tình hình chính trị thế giới”. Rockefeller lúc bấy giờ với tư cách là chủ tịch một tập đoàn công nghiệp đã tuyển mộ ông ta để làm kinh doanh chứ không phải làm chính trị. Sau này, Rockefeller tham gia chính trị và trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kissinger trở thành phụ tá của ông ta rồi dần dần trở thành trợ lý an ninh quốc gia, trở thành ngoại trưởng. Nixon phải thương lượng với Rockefeller để có được Henry Kissinger. Tất cả những sáng kiến ấy Kissinger có từ thời ông ta là sinh viên.

Tôi nghĩ rằng trong 500 người ngồi đây biết đâu sẽ có người trở thành Kissinger của Việt Nam. Và tôi cầu mong cho các thầy cô ở trường Ngoại giao có diễm phúc đào tạo ra một người như thế trong ngôi trường của mình. Các bạn sinh viên hãy thể hiện sự can đảm, sự thông thái của mình bằng câu hỏi, tôi sẽ trả lời tận tụy như một người già chèo đò để giúp các bạn đi qua những bước đầu tiên của việc tập làm người lớn giả định trong đời sống chính trị đối ngoại.

SV: Cháu có hai câu hỏi muốn hỏi chú. Câu hỏi đầu tiên là chú đã tuyển một vài nhân viên là sinh viên của Học viên ngoại giao, điều gì khiến chú ấn tượng với những sinh viên này để chú nhận họ vào? Cái cụ thể cháu muốn hỏi là về kiến thức và kỹ năng mềm khác. Câu hỏi thứ hai là chú đã từng là một kỹ sư, không phải không có những thành công nhất định, tại sao chú lại rẽ sang một ngành khác là luật sư, rồi lại rẽ nữa sang một ngành là kinh tế. Quyết định gì hay cơ duyên gì khiến chú thay đổi như thế?

NTB: Câu hỏi thứ nhất là vì sao tôi có ấn tượng với sinh viên trường ngoại giao, bởi vì sinh viên trường ngoại giao rất bảo thủ. Tôi có một người bạn là tỷ phú, ông ấy là Simon Keswick, chủ tịch tập đoàn Jardines, là một trong hai tập đoàn sáng tạo ra Hồng Kông. Ông ấy nói với tôi là: “Ông Bạt, tôi là người bảo thủ cho nên kiếm tiền ở chỗ tôi khó lắm.” Tôi bảo: “Tôi biết, vì thế cho nên tôi sẽ kiếm tiền ở những người không bảo thủ để duy trì quan hệ với những người bảo thủ như ông.” Tôi chưa nói đến kỹ năng của sinh viên trường ngoại giao, tôi cũng không định để các bạn ấy ở lại làm việc lâu dài ở công ty của tôi. Tôi muốn nhặt nhạnh một số nhà ngoại giao được đào tạo bài bản như thế này và tôi nối tiếp sự đào tạo để các bạn ấy trở thành những nhà ngoại giao thực thụ cho đất nước. Tôi không biết tôi có làm được không, nhưng tham vọng của tôi là như vậy, lý tưởng của tôi là như vậy. Tôi muốn giống Phó tổng thống Rockefeller. Rockefeller cùng với một chút đào tạo của trường Harvard đã tạo ra cho nước Mỹ Henry Kissinger. Tôi cũng muốn tìm một vài sinh viên như vậy về cơ quan của tôi và góp phần tạo ra hoặc cấu trúc ra một vài nhân vật có kiểu dáng Kissinger. Đấy là tham vọng. Trả lời cho câu hỏi thứ nhất của bạn, tôi nói rằng không phải là kỹ năng, mà là lý tưởng. Ngành ngoại giao của đất nước chúng ta cần phải có những chuyên gia hết sức thực tế, hiểu cuộc đời này và có thể cấu tạo ra một cách chủ động chính sách đối ngoại. Chúng ta không tạo ra họ một cách cầu may mà phải tạo ra họ trên cơ sở những kinh nghiệm thực tế, mà ở chỗ tôi, trong quá trình va chạm chắc chắn sẽ có những kinh nghiệm thực tế như vậy.

Câu thứ hai là tại sao tôi lại chuyển nghề. Tôi có nói với bác Hữu Thọ, lúc bác ấy còn là trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Đảng rằng không có nhà báo, không có nhà văn, không có doanh nhân…, đấy chỉ là những trạng thái khác nhau trong cuộc đời lâu dài của một con người. Cho nên tôi không bị trói mình vào nghề nghiệp, tôi tự do. Trong quyển sách của tôi viết về tự do có tên là “Cội nguồn cảm hứng”, tôi nói rằng không gian tinh thần của con người có ba tầng: tầng thứ nhất là tầng thực dụng, tầng thứ hai là tầng tư tưởng, tầng thứ ba là tầng lý tưởng. Nếu như cấu trúc tinh thần của con người không có ba tầng như vậy thì con người không có triển vọng. Con người nào cũng mong về với thượng đế, cũng mong lên thiên đàng, mong đến niết bàn, mong đến những chỗ đẹp hơn cuộc sống bình thường. Nếu con người không có sẵn một miền tinh thần như vậy thì con người không có cơ hội để đi đến hạnh phúc, và do đó con người sống một cách chắp vá. Tôi nghĩ là chúng ta cần có một miền tinh thần như vậy.

Tôi thay đổi công việc là vì tình thế, chúng ta học cái gì là do tình thế của cuộc đời. Tôi học nhanh lắm. Năm 1990 tôi đến Mỹ, tôi nói chuyện với giới luật gia New York. Sau đó tôi đã đưa Gary Hart, ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm ấy về đây để giúp Thủ tướng Phan Văn Khải trong việc xử lý tài sản của công dân Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam. Khi đó tôi chưa học luật. Sau khi ở Mỹ về tôi bắt đầu học, người dạy tôi là Vụ trưởng Vụ pháp chế của văn phòng Chính phủ - giáo sư Nguyễn Niên, rồi anh Vũ Đức Khiển - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, anh Nguyễn Đình Lộc, v.v… Tôi có lẽ là lứa học viên đầu tiên của lớp luật tại chức nhưng được dạy bởi những người có kiến thức cao nhất lúc bấy giờ của nền tư pháp. Ba, bốn năm sau tôi trở thành luật sư. Trong khi tôi chưa kịp tốt nghiệp trường luật thì tôi đã tham gia vào hợp đồng hỗ trợ tư pháp của Chính phủ Úc cho Chính phủ Việt Nam. Và tôi ký ngang với trưởng lý của Chính phủ Úc, mà trưởng lý của Chính phủ Úc chính là Bộ trưởng tư pháp.

Các bạn phải dũng cảm thay đổi, cuộc sống bắt chúng ta thay đổi. Tôi không phải là một kỹ sư tầm thường, tôi đã trở thành chủ nhiệm một bộ môn mà trong những viện nghiên cứu chuyên nghiệp, làm chủ nhiệm bộ môn còn khó hơn là làm lãnh đạo một viện. Bởi vì chủ nhiệm bộ môn phải chịu trách nhiệm về khuynh hướng phát triển khoa học của một ngành, một nghề, còn quản lý một viện thì chỉ xử lý hành chính. Tôi rất thành công trong nghề kỹ sư của tôi chứ không phải tôi chán nó. Vấn đề là tôi yêu một cái khác và tôi thành cái đấy chứ không phải tôi chán cái cũ. Bây giờ gần 70 tuổi, đôi lúc tôi vẫn giở quyển giải tích toán học ra làm một số bài tập để cho đỡ nhớ toán học. Không phải do tôi chán cái này, thích cái khác mà cuộc đời bắt tôi phải làm. Chúng ta yêu cuộc đời, yêu cuộc sống của mình, yêu đất nước của mình, đất nước ấy có vấn đề gì chúng ta học vấn đề ấy. Tôi phải nghiên cứu nghề đối thoại, nghiên cứu những kiến thức đối ngoại, nghiên cứu những tập đoàn kinh tế quốc tế hình thành như thế nào, nghiên cứu địa vị của nó đối với việc hình thành các chính sách đối ngoại, hoặc các chính sách của các Chính phủ như thế nào. Thậm chí tôi đã từng cùng với công ty GE nghiên cứu, so sánh luật chống tham nhũng của Hoa Kỳ với các thông tư, chỉ thị về chống hối lộ ở Việt Nam, nhằm giúp các nhà đầu tư Mỹ có một căn cứ để hiểu một cách tương đối gần đúng về luật pháp liên quan đến tham nhũng của chúng ta. Sau 25 năm chúng ta vẫn sa lầy trong việc chống tham nhũng, và không phải chỉ chúng ta, người Trung Quốc cũng sa lầy như vậy.

Cuộc sống bắt buộc chúng ta đối mặt với rất nhiều vấn đề, một biển mênh mông những vấn đề để học, để thử thách trí thông minh cũng như sự lương thiện. Chúng ta phải sống như thế nào để không đánh mất sự lương thiện và tôi tin rằng Chúa không quên bất kỳ sự cố gắng có chất lượng lương thiện nào.

SV: Cháu có tìm hiểu và đọc một vài bài phỏng vấn của chú về việc giáo dục giới trẻ hiện nay. Đó là, ngành giáo dục dạy học sinh thi giỏi, nhưng làm chưa chắc đã giỏi, và sống rất tồi. Chú hy vọng thế hệ trẻ có thể có được tầm nhìn hình quạt nan chứ không chỉ nhìn thẳng. Chú có thể nói rõ hơn cho chúng cháu về những quan điểm này, cũng như làm thế nào để sinh viên có thể đạt được những điều đó và khắc phục được những lỗi hiện nay trong giáo dục?

NTB: Câu hỏi rất hay! Nói cho cùng thì chúng ta phải sống như một con người. Tại sao nền giáo dục của chúng ta sai lầm? Vì chúng ta không xem chất lượng hay giá trị con người là quan trọng trong giáo dục. Chúng ta xem trọng kiến thức, chúng ta bắt trẻ em học thêm nhiều quá, từ cấp 1 cho đến tốt nghiệp đại học, đến mức mất tự do. Do đó, phải xem việc đào tạo con người, đào tạo những phẩm hạnh cơ bản của con người như là một trong những nhiệm vụ quan trọng không kém gì đào tạo chuyên môn. Bởi vì các bạn biết rằng cuối cùng thì chúng ta cũng trả bài cho cuộc sống, và trả bài cho cuộc sống một cách thông minh là trả bài thế nào để nó gần cuộc sống nhất. Nếu như không có kinh nghiệm về cuộc sống, không có kinh nghiệm về con người thì rất khó để chúng ta có thể trả bài một cách hợp lý. Cho nên cần phải cải cách giáo dục, cần phải sửa đổi nền giáo dục của chúng ta để cho các sản phẩm giáo dục có chất lượng con người. Tôi lấy ví dụ, gần đây trong đời sống ở châu Âu có những phản ứng của các nhà chính trị làm cho thế giới không hiểu được. Toàn bộ nền văn minh hiện nay là sự phấn đấu của nhiều thế kỷ, nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa khác nhau để xác lập được trạng thái tôn trọng pháp luật một cách ổn định, và người ta gọi đó là tinh thần pháp quyền. Thế nhưng những hành động, những hành vi bất chấp những chuyện như vậy góp phần phá vỡ tất cả những cam kết đã được hình thành, đã ràng buộc nhân loại với nhau. Nếu như chúng ta không được giáo dục để có những phẩm hạnh con người, mà chẳng may chúng ta trở thành ông nọ bà kia thì chúng ta sẽ hành động xa con người, xa kỳ vọng của con người, và như thế thì rất nguy hiểm.

Tôi nói xa xôi như vậy là bởi vì chúng ta đang sống trong tình thế tế nhị, nói gần hơn nữa là khó cho ví dụ mà tôi vừa đưa ra, nhưng tôi muốn nhấn mạnh phải để ý đến phẩm hạnh là vì thế. Phẩm hạnh vô cùng quan trọng. Giáo dục mà cuối cùng cho ra một sản phẩm có thể rất thông minh, nhưng không gần con người, không thuộc về con người thì nó sẽ không được chào đón, không được chấp nhận. Ngay trong công ty của tôi, tiêu chuẩn mà tôi dùng để lựa chọn cán bộ là năng lực hợp tác với cộng đồng lao động của nó. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà rất ít tình huống con người có một sản phẩm chỉ thuần túy là của mình. Tất cả các sản phẩm của nhân loại bây giờ đều là kết quả của sự hợp tác của các yếu tố có thể kết nối với nhau. Cách đây 20 năm, tôi là người đưa IBM vào Việt Nam. Trưởng đại diện của IBM tại Việt Nam có kể về sự thất bại của IBM. Hồi đầu, họ sản xuất các sản phẩm máy tính không tương thích, không lắp ghép được với loại khác và xem đấy là bản lĩnh, là chiến lược sản xuất. Nhưng từ khi ra đời hệ thống điều hành của Microsoft thì họ hiểu ra rằng các thiết bị mình sản xuất ra không tương thích được, không kết nối với cái khác được, đấy chính là mình tự cô lập mình với nhân loại, với thế giới. Cho nên triết lý công nghiệp đối với máy tính cũng bắt đầu thay đổi và IBM phải đi qua hai lần phá sản để có thể tái cấu trúc mình cho phù hợp với các triết lý sản xuất của thời đại. Trả lời cho câu hỏi của bạn là như thế. Chúng ta phải có được phẩm hạnh thuộc về con người, và phát triển theo những đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, ta mới có được năng lực thích nghi.

SV: Cháu là sinh viên năm thứ 4 của Học viện Ngoại giao, cháu đã đọc các tác phẩm của chú. Cháu thấy trong những tác phẩm của chú có nói rất nhiều đến sự tự do, cũng như từ đầu tới giờ chú cũng nhắc đến sự tự do rất nhiều lần. Cháu cảm thấy rất thích thú với tư tưởng này. Tuy nhiên cháu thấy có sự xung đột rất ghê gớm giữa sự tự do chú nói và những khuôn mẫu, những cái người ta thường làm. Chú có thể giúp cháu hiểu thêm về tư tưởng tự do và làm thế nào để giải quyết được sự xung đột ấy hay không?

NTB: Tôi nghĩ sự xung đột giữa tự do và các đòi hỏi của các quyền lực khác nhau cấu tạo ra đời sống là chuyện đương nhiên, nếu không thì tự do không có ý nghĩa nữa. Tự do bao giờ cũng là kết quả của sự đấu tranh, của sự xung đột, của sự giành giật với những đối tượng mâu thuẫn với nó. Trên thực tế không có sự dễ dãi của tự do.

Tôi chia tự do làm hai miền. Thứ nhất là tự do bên trong, tức là không gian tinh thần bên trong con người. Bạn phải sử dụng công cụ tự do để nghĩ cho hết tất cả các giải pháp, các nội dung hay các cách thức ứng phó với cuộc sống. Còn khi nó được đem ra như một giải pháp để đối thoại hay hợp tác với bên ngoài thì nó gắn với cái mà bạn vừa nói, tức là nó mâu thuẫn. Nhưng phải có tiêu chuẩn của mình trước rồi mới có cái để thương lượng với cuộc sống. Thứ hai là tự do bên ngoài, tức là các thể chế trong quan hệ với nhà nước, là sự phải chăng, là sự đồng thuận khi thương lượng với các đối tượng dân sự khác. Nếu không có cái của mình thì bạn không thể thương lượng với ai và bạn trở thành nô lệ của người khác. Cho nên chuẩn bị cái gì đó cho mình để mình trở thành kẻ thương lượng chủ động với người khác, kể cả nhà nước là cách cấu tạo ra cuộc sống của một người có tính chủ thể. Và đừng bao giờ sợ rằng chúng ta khó khăn để tìm kiếm sự đồng thuận, kể cả sự đồng thuận với nhà nước.

Tuy nhiên, để đỡ rủi ro thì chúng ta phải giữ được thiện chí. Tôi là người viết rất mạnh bạo, nhưng tôi lương thiện, tôi có thiện chí nên các quyển sách của tôi vẫn được xuất bản. Khổng Tử trong sách Đại học có đưa ra 8 nguyên lý để rèn luyện học tập. Thứ nhất là “cách vật”, tức là phải khách quan, không hóa thân vào bất kỳ vật gì, không nói tiếng nói chủ quan. Thứ hai là “trí tri”, tức là phải có trí để nhận thức, tức là yêu mến sự thông thái. Nếu không có tình yêu đối với sự thông thái thì anh không phấn đấu học tập. Thứ ba là “thành ý”, thứ tư là “chính tâm”. Đấy là hết pha thứ nhất, pha chuẩn bị những yếu tố ban đầu cho quá trình rèn luyện. Pha thứ hai cũng gồm bốn nguyên lý là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khi sách Đại học về đến Việt Nam thì chúng ta cắt mất một nửa, chúng ta chỉ để ý đến “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chúng ta không xây dựng cơ sở triết học cho con người trước khi nó đi vào nhận thức. Không cách vật, tức là không khách quan, không trí tri tức là không yêu mến chân lý. Không có thành ý và cũng không chính tâm, không có yếu tố thuộc về phẩm hạnh của con người như vậy thì tu thân để làm gì, tu thân trên cơ sở gì, tề gia trên cơ sở gì. Nếu chúng ta lấy thu nhập lớn của người đàn ông để bắt nạt vợ mình thì không tề gia được. Tề gia tức là cách để chúng ta tổ chức ra một xã hội con người ngay trong chính gia đình của mình. Tu thân không biết, tề gia không biết thì làm sao trị quốc, bình thiên hạ được. Chúng ta có một trạng thái rất kỳ lạ là không chỉ đốt cháy bốn giai đoạn ban đầu mà thậm chí còn đốt cháy sáu giai đoạn ban đầu, tức là chúng ta chỉ cần trị quốc và bình thiên hạ, tôi biết có những người như thế. Đấy là khuyết tật của đời sống.

Nếu chúng ta không học lại, không suy ngẫm lại tám bước cơ bản như vậy trong logic để rèn luyện thành người quân tử của Khổng Tử thì chúng ta không có công cụ để phê phán. Các bạn biết một trong những nhà triết học lớn của nhân loại là Kant, triết học của ông ta là triết học phê phán. Chúng ta không có tất cả các công cụ lý thuyết như vậy chúng ta không biết phê phán. Chúng ta không biết phê phán thì chúng ta đành phải tự phê bình và phê bình. Phê bình và tự phê bình là bảo nhau, còn phê phán là khoa học. Khi không có công cụ lý thuyết để tiến hành các hoạt động đấu tranh trên cơ sở của triết học, của khoa học thì chúng ta sẽ rơi vào bế tắc và xung đột. Đấy là những kinh nghiệm, nói xa hơn nữa thì nó không phổ cập, bạn nào cần tìm hiểm thêm thì đến tôi, cánh cửa của tôi luôn luôn mở đối với các bạn.

SV: Cháu là sinh viên năm thứ 4 của trường. Cháu muốn trình bày một chút suy nghĩ của cháu. Từ đầu đến giờ cháu thấy các bạn đặt ra những câu hỏi mang tính chất rất vĩ mô, lý thuyết, cháu cảm thấy nó không đúng với mục đích hôm nay chúng cháu đến đây. Vì chúng cháu là sinh viên năm cuối, cái mà chúng cháu muốn biết bây giờ là làm thế nào để kiếm được công việc ngay khi ra trường và làm thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cháu muốn hỏi hiện nay trong cộng đồng của chú có những vị trí nào cần tuyển dụng, và chỉ tiêu tuyển dụng là bao nhiêu? Chúng cháu cần phải có những năng lực, khả năng nào để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của chú? Liệu chúng cháu có cần thiết phải có tấm bằng khá, giỏi trở lên để có thể có được một công việc như mong muốn không? Hơn nữa, hiện nay hầu hết các công ty đều cần kinh nghiệm, mà chúng cháu mới ra trường thì không thể có kinh nghiệm. Đó là những thắc mắc mà cháu muốn hỏi.

NTB: Bạn rất có lý, nhưng bạn thiếu một chút. Người ta có thể nói về cái lý của mình, nhưng không phê phán cái lý của người khác. Nói vậy thôi nhưng những câu hỏi của các bạn ấy rất quan trọng. Người ta nhận ra giá trị của một con người đôi khi không phải là ở chỗ nói đến những vấn đề có vẻ thiết thực, bởi những giá trị thiết thực đôi khi xuất hiện ở những khía cạnh rất bất ngờ. Ngài Rockefeller chẳng hạn, ông ta không phải là người đam mê vũ khí hạt nhân, ông ta không nghiên cứu vũ khí hạt nhân, ông ta không định biến tập đoàn của mình thành một tập đoàn sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhưng ông ta lại kiếm ngay kẻ lý giải vũ khí hạt nhân có địa vị quan trọng trong thời đại của chúng ta làm trợ lý. Và Henry Kissinger đã trở thành bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ bằng sự lựa chọn ban đầu như vậy.

Cho nên câu hỏi có thể đặt ra bằng nhiều cách. Bạn là một cô gái, bạn không thể nói với cậu bạn trai là: “Anh nói thẳng đi, anh có yêu tôi không thì bảo.” Đôi khi bạn phải hỏi khẽ hơn, hỏi khôn hơn. Tuy nhiên, bạn hỏi với một thái độ vô tư và thể hiện sự duyên dáng bằng thái độ của mình cho nên tôi rất thích trả lời bạn. Nói thật là tôi không cần nhiều sinh viên tốt nghiệp trường ngoại giao. Tôi chỉ cần độ mươi người và tôi cũng không đòi hỏi phải tốt nghiệp xuất sắc, bởi vì phải dành cho bộ ngoại giao những yếu tố mà theo quan niệm của họ là tốt nhất. Tôi nhặt nhạnh tất cả những thứ mà người khác chê để dùng cho mình.

Tôi là học sinh cá biệt trong suốt thời kỳ đi học, từ cấp 1 đến khi tốt nghiệp đại học. Phải nói thật là tôi học rất giỏi nhưng không bao giờ là học sinh tiên tiến. Tôi là một hiện tượng bất quy tắc, cho nên tôi sẵn sàng thảo luận với những người không nằm trong các khuôn khổ chấp nhận của các tiêu chuẩn phổ biến. Động cơ của tôi rất rõ là tôi đi tìm những nhân tài, mà nhân tài là bất quy tắc. Tôi có đến trường Harvard, nói chuyện với ông hiệu trưởng trường Harvard Business School. Ông ta nói về quy tắc tuyển chọn của trường là chọn 90-95% các trường hợp theo tiêu chuẩn và 5-10% các trường hợp cá biệt. Ông ta đưa ra những định nghĩa làm tôi giật mình, đó là nhân loại tồn tại bằng 90-95% những gì theo tiêu chuẩn, nhưng phát triển bằng 5-10% các bất quy tắc. Các bất quy tắc là những đột biến của cuộc sống, nhưng người nào dám dùng những đột biến ấy thì phải đủ bản lĩnh tối thiểu. Để sống cho an toàn, tôi không xui các bạn trở thành các đột biến, nhưng nếu chẳng may số phận biến các bạn thành đột biến thì các bạn có thể đến tìm tôi. Tôi là người thích dùng những cái cá biệt, còn những cái tiêu chuẩn tôi xin nhường cuộc sống.

Cán bộ: Cháu đến từ Viện nghiên cứu chiến lược. Theo cách nhìn của cháu, trên thị trường kinh tế Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp của chúng ta có thể nói là đang thua thiệt so với các tập đoàn đa quốc gia. Một trong những biểu hiện là chúng ta không có khả năng sản xuất từ vật chất cho đến những sản phẩm tri thức, chúng ta đều đang thua thiệt so với các tập đoàn đa quốc gia ngay trên thị trường Việt Nam. Với những kinh nghiệm của chú, chú có thể cho cháu biết đấy có phải thực trạng của thị trường chúng ta hiện nay không? Tại sao người Việt hiện nay, mặc dù đã được trang bị một số kiến thức tương đối cơ bản, nhưng các doanh nghiệp của chúng ta vẫn thua thiệt so với những tập đoàn đa quốc gia đang tiến đến thị trường Việt Nam? Chúng ta cần bổ sung những gì để có thể cạnh tranh trực tiếp với các công ty đa quốc gia hiện nay?

NTB: Đấy là những câu hỏi có chất lượng phổ quát. Tại sao chúng ta lại thua thiệt? Tôi nghĩ là chúng ta sốt ruột, chúng ta tưởng là chúng ta đã đầu tư, nhưng những cái được gọi là đầu tư ở Việt Nam chưa ăn thua gì. Cái mà chúng ta tưởng là chúng ta đầu tư thì nhân loại đã làm 200-300 năm trước rồi. Tôi lấy ví dụ, đến trường Harvard, tôi thấy trong trường có những ngôi nhà mang tên ông Carnegie, ông Ford, ông Rockefeller, v.v. Tức là nhiều thế kỷ trước, nhiều chục năm trước đã có những con người biết cống hiến, biết suy nghĩ, biết tạo lập không chỉ các sáng tạo khoa học, mà cả sáng tạo nền tảng cho khoa học là tình yêu khoa học của xã hội. Ông Ford, ông Carnegie không phải là nhà khoa học, họ là nhà buôn, là nhà công nghiệp nhưng họ bày tỏ với xã hội Mỹ tình yêu của họ đối với các sản phẩm giáo dục. Chúng ta không có những người như vậy. Chúng ta có rất nhiều trường đại học tư thục, nhưng mục tiêu đầu tiên là kiếm tiền. Chúng ta chưa có những người thành đạt có tiền để có ý thức đầu tư vào giáo dục như một chiến lược lâu dài. Chúng ta chưa có những người thừa tiền để đi tìm triển vọng của cuộc sống, chúng ta chưa đầu tư vào triển vọng. Tất cả bây giờ đều chỉ là bước đầu tiên để đi kiếm sống.

Bây giờ Nghị quyết TW 8 khóa XI này mới bàn về đổi mới một cách căn bản nền giáo dục Việt Nam. Đáng ra sự đổi mới một cách căn bản giáo dục phải diễn ra ngay từ năm 1986, nhưng chúng ta không nhận thức được điều ấy. Tôi đã thảo luận với rất nhiều cán bộ ở Hội đồng lý luận TW Đảng, rất nhiều giáo sư ở trường Đảng. Tôi nói rằng: “Các anh cần phải vứt bớt tất cả những nội dung không cần thiết, hành trang đến tương lai của bọn trẻ càng nhẹ càng tốt, bởi vì phải để nó nghĩ, nếu nhồi vào đầu của nó nhiều thứ quá thì nó không tự do nữa. Không tự do nữa thì không bao giờ có triển vọng. Tự do là tiên đề của triển vọng.”

Đừng nghĩ rằng chúng ta đầu tư thế này là đã được rồi. Tôi vừa viết một bài trên báo Đất Việt nói rằng Lào và Campuchia đã vượt chúng ta rồi, trong đó phân tích tại sao chúng ta thua. Người ta phát triển bằng các công cụ cơ bản: bằng di sản tức là quá khứ, bằng tài sản tức là hiện tại, và bằng đạo đức tức là triển vọng. Chúng ta quản lý di sản kém, quản lý tài sản kém, chúng ta bỏ rất nhiều tiền nhưng khó tìm thấy trên đất nước chúng ta có một góc nào hoàn thiện. Mỗi người đều muốn có một phần dự án của mình và đất nước chúng ta nham nhở sau một phần tư thế kỷ đầu tư. Đặc biệt chúng ta không quản lý được đạo đức, xã hội chúng ta là xã hội rất chểnh mảng trong việc quản lý đạo đức. Một vùng đất mà nền đạo đức của nó như thế thì các sản phẩm của nó sẽ bị nghi ngờ về chất lượng, không bán được, mà không bán được thì không thể có phát triển kinh tế.

Bạn nói rằng chúng ta thua thiệt so với đầu tư nước ngoài, chúng ta thua thiệt còn dài dài, chúng ta sẽ thua thiệt 100 năm nữa. Chừng nào chúng ta ý thức được rằng phải xây dựng thể chế đứng đắn, phải xây dựng hệ tiêu chuẩn kỹ thuật đứng đắn, phải xây dựng hệ thống đạo đức thương mại, thì chúng ta mới bắt đầu tiến đến bước đầu tiên của phát triển kinh tế. Bây giờ chúng ta chưa có gì cả. Một giáo sư Nhật Bản gần đây tuyên bố Việt Nam đã chính thức sa vào bẫy thu nhập trung bình. Dưới góc độ triết học, tôi đã mô phỏng nguyên lý của Kant để phân tích vấn đề ấy, tôi gọi đó là trạng thái vị thành niên mãn tính của nền kinh tế. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế không thành người lớn được nếu đánh giá ở giai đoạn hiện nay, cho nên đừng nói là tại sao chúng ta thua trên sân nhà. Chúng ta còn thua một thế kỷ nữa và chúng ta phải sửa mình một cách nghiêm túc một thế kỷ nữa. Nếu chúng ta sửa mình một cách nghiêm túc bắt đầu từ bây giờ thì một thế kỷ nữa chúng ta sẽ có một nền kinh tế thật, bây giờ chưa có.

SV: Cháu học khoa kinh tế quốc tế, cháu muốn hỏi một câu hỏi nhỏ mang tính chất hơi suồng sã một chút, nhưng cháu nghĩ rất thực tế ngoài đời. Năm thứ nhất mới vào trường chúng cháu nghĩ là ra trường làm cán bộ ngoại giao, thứ trưởng, cuộc sống rất nhiều màu hồng. Năm thứ hai, hai rưỡi, năm thứ ba cháu không còn thấy như thế nữa, những mảng đen tối cứ hiện ra. Đến năm thứ tư cháu nghĩ chắc chắn là thất nghiệp. Bây giờ có một vài người bạn xung quanh cháu cũng bảo là không biết ra trường sẽ xin việc gì. Bản thân các bạn cũng giống như một con lạc đà không có hướng đi và phải có người dắt. Chúng cháu rất cần ra trường tìm được việc ở một công ty TNHH nào đó với quy mô nhỏ, dần dần lấy kinh nghiệm để làm cho các tập đoàn lớn. Những tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia thì chúng cháu không thể nào làm được, bởi chúng cháu kiến thức không có gì. Theo bác, chúng cháu cần phải trang bị những kiến thức gì để có thể xin được vào các công ty tư nhân nhỏ lẻ? Như bọn cháu chưa chắc đã xin được vào các công ty nhỏ chứ nói gì đến các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia?

NTB: Cám ơn bạn, câu hỏi của bạn rất đáng để trả lời, bởi vì các bạn của bạn thể hiện một thái độ rất hoan nghênh câu hỏi này. Tất cả những câu hỏi chân thật và bức xúc đều nhận được sự hưởng ứng như vậy. Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi muốn nói với bạn rằng các bạn đã có cái gì và có thể kiếm được gì. Đừng tưởng tốt nghiệp ở trường lớn sẽ có số phận may mắn, cái đó chỉ đủ để đi hỏi vợ, nhưng không đủ để nuôi vợ. Không thiếu gì sinh viên tốt nghiệp trường Harvard thất nghiệp, mà họ không phải loại tồi. Tôi đã gặp rất nhiều người như vậy, có thể công việc ban đầu tốt, nhưng giữa đường đứt gánh. Bạn biết rằng hàng năm các tập đoàn tài chính, tập đoàn công nghiệp thải ra hàng trăm nghìn lao động trên toàn thế giới. Cái rủi ro ấy là rủi ro triết học, không phải là rủi ro của hoàn cảnh cụ thể. Bạn chưa ra trường, chưa ra phố, chưa đối mặt với chuyện đi xin việc cho nên bạn chưa gặp cái may mắn của một kẻ may, bạn cũng chưa gặp cái rủi ro của một kẻ rủi. Bạn thế nào cũng phải gặp những thứ như vậy, lúc đấy tôi và bạn gặp nhau, tôi có địa chỉ, bạn cứ đến. Nếu bí quá có thể nói với tôi rằng cháu cần chú nhận cháu làm một năm thôi để cho cháu có cái từng trải, để đi qua cái đoạn phân vân về chuyện nghề nghiệp là cháu biết gì hay không biết gì. Trong cuộc sống người ta không dùng ngay cái bạn học để làm việc được. Tôi đã từng viết bài nói rằng rủi ro cho sinh viên đào tạo ở Việt Nam không chỉ về chất lượng của các em, mà còn chất lượng của người sử dụng lao động nữa. Bởi vì có biết bao nhiêu ông Tổng giám đốc ở Việt Nam này không biết dùng người, dùng sinh viên ở trường Việt Nam còn khó, chưa nói chuyện sinh viên ở những trường như Harvard. Nhiều nhà quản trị các doanh nghiệp bây giờ không đủ trình độ để sử dụng người lao động có đào tạo cẩn thận, cho nên rủi ro của sinh viên nằm trong cả chính đội ngũ tuyển dụng. Ngay cả nhà trường cũng rất dễ mắc phải khuyết điểm là có khi đào tạo những kiến thức bay bướm quá mà các bạn không nhìn thấy ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam người ta đòi hỏi những kiến thức như vậy. Có thể các thầy các cô cũng lãng mạn một chút, vì các thầy các cô cũng không phải là người thật sự có kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày. Tại sao các bạn không phản ánh chuyện đấy? Ở đây có cả các anh các chị lãnh đạo của Học viện Ngoại giao, tôi cũng nói luôn là cần phải thông báo với thị trường lao động Việt Nam những module đào tạo của trường và cần phải vê tròn tất cả các module đào tạo như vậy trở thành một chất lượng trọn gói để người ta đến tìm. Có thể các anh các chị đã làm rồi mà tôi không biết, nhưng với tư cách là một người đã tuyển dụng lao động, đã sử dụng lao động, tôi nghĩ cần phải làm cho thị trường lao động hiểu rõ những sản phẩm của mình. Cần phải làm như vậy chứ không thể chỉ phân tích tất cả những tư duy, tham vọng lãng mạn về ngành ngoại giao như bạn nói lúc đầu là mơ làm thứ trưởng. Cuộc sống sẽ đưa đẩy, số phận sẽ đưa đẩy, bạn đừng bi quan sớm quá. Tôi nghĩ chắc chắn các bạn phải có cái gì đó, nếu không thì các bạn làm sao sống qua 4 - 5 năm ở trường đại học này được! Tính có hướng của chương trình đào tạo phải có thì các bạn mới đi qua được, mặc dù không có sinh viên nào chăm học. Tôi thấy nhiều trường ở nước ngoài mùa thi xong rồi thì sinh viên cũng ném sách vở, họ đều rất ngán học. Chỉ có những kẻ không học thật thì mới không ngán học, còn học thật thì ai cũng ngán. Nhưng rồi dần dần chúng ta sẽ tìm thấy, cuộc sống sẽ tìm thấy những chất lượng có lý, những kiến thức có lý ở các bạn và các bạn phải đủ vị tha để cho cuộc sống nó tìm kiếm. Các bạn tìm kiếm cơ hội của mình trong cuộc sống và cũng phải để cho cuộc sống tìm kiếm cơ hội của nó trong các bạn. Không nên bi quan và không nên khái quát bi quan đến mức tất cả các bạn đều vỗ tay như thế này. Sự mô tả một cách bức xúc đến mức mọi người vỗ tay về trạng thái bi quan của mình là một lỗi. Cuộc sống không tồi tệ đến thế, sẽ có ai đó thương bạn, sẽ có công ty nào đó thích bạn. Tôi nghĩ rằng một người đàn ông mạnh mẽ như bạn chắc là có người yêu rồi. Bạn thử hỏi tại sao mình tồi tệ thế, mình bi quan về cuộc đời mình thế mà lại có người yêu mình. Chúng ta phải dùng cái này để kiểm nghiệm cái kia. Bạn không việc gì phải bi quan như vậy, thế nào bạn cũng tìm kiếm ra các cơ hội cho mình.

SV: Thưa chú cháu không bi quan mà cháu thấy viễn cảnh trước mắt như thế. Bản thân cháu cũng đã đi xin việc, cháu đã đi làm được hai tháng rồi. Khi cháu bắt đầu đi làm họ hỏi cháu làm được cái gì. Cháu bảo thực ra cháu học rất nhiều thứ, chú thử cho cháu làm xem cháu có làm được không. Họ bảo cháu sửa cái máy in, một việc đơn giản nhưng cháu không làm được. Ai cũng bảo sửa máy in phải dân kỹ thuật mới làm, nhưng không phải, bây giờ sửa máy in dân kinh tế cũng phải làm. Bây giờ trong công ty có những cái rất đơn giản phải biết làm. Vậy chúng cháu phải trang bị những gì để phù hợp với những công ty tư nhân như vậy?

NTB: Bạn nên nhớ bạn được đào tạo ở một ngôi trường mà sự kiêu ngạo nó có là thật. Sự kiêu ngạo mà bạn được đào tạo làm cho bạn cảm thấy không hạnh phúc khi người ta sai bạn sửa cái máy. Einstein đã từng bị đuổi học, Galois đã từng bị trượt đại học, tất cả các nỗi oan khuất có cho tất cả mọi con người và mọi mức độ tài năng. Tất nhiên ở đây chúng ta không ai có thể so với Galois hay với Einstein được, nhưng mà ngay cả những tài năng như vậy cũng gặp phải những bất hạnh. Cái mà chúng ta cần phải có là đủ dũng khí để chịu đựng những nỗi bất hạnh mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Tôi là người như thế. Năm 36 tuổi tôi đi thi nghiên cứu sinh. Thi nghiên cứu sinh ngày ấy khó vô cùng, 1000 người có khi chỉ trúng khoảng dăm ba người. Lần tôi thi, thí sinh ngồi kín hội trường Đại học kinh tế quốc dân to gấp 4 lần hội trường này, nhưng số lượng người đỗ thì chỉ bằng dãy ghế đầu tiên. Tôi đỗ đầu nhưng các nhà quản lý ở Bộ của tôi không cho đi. Họ nói là cậu kiêu ngạo, Đảng ta sẽ rất khó khăn khi quản lý một kẻ kiêu ngạo mà lại thành tiến sĩ, cho nên tôi không được đi. Đấy là một bất hạnh. Tôi còn gặp bất hạnh nữa là con gái tôi 12 tuổi bỗng nhiên bị bệnh máu trắng, không chữa được. Tôi mất đứa con. Nếu tôi là kẻ hèn nhát có thể tôi trở thành một kẻ bất đắc chí, một kẻ thần kinh, nhưng tôi đã vượt qua tất cả những bất hạnh như vậy để trở thành tôi bây giờ.

Các bạn không được phép có một cảm giác tiêu cực rõ rệt và phổ biến cảm giác ấy đối với số đông. Chúng ta là những người được đào tạo, là những người trí thức, chúng ta phải có trách nhiệm với đời sống tập thể. Chúng ta chỉ nói những gì mà mình biết chắc sự nói ấy không có hại cho tinh thần của các đồng nghiệp của mình, các bạn hữu của mình. Tôi tin chắc chắn rằng bạn không phải là người bất hạnh, vì nếu bất hạnh thì giọng bạn không thể sang sảng như thế này được. Nghe bạn nói là thấy ngay bạn có sức khỏe tốt, bạn biết chế giễu trường của bạn là dạy toàn những điều cao siêu, đến mức người ta bảo chữa cái máy cũng không biết chữa. Bạn là kẻ thông minh, thế nào bạn cũng sẽ gặp may nếu bạn giữ được niềm tin vào cuộc sống. Tôi nói với các bạn bằng kinh nghiệm của một người đã trải qua nỗi bất hạnh thật sự chứ không phải với tư cách một người kinh doanh thành đạt hay một luật sư nổi tiếng. Sở dĩ sách tôi viết ra có nhiều người đọc và mặc dù là sách chính trị nhưng người ta vẫn in lậu để bán là vì tôi viết về những chuyện như tôi đang nói với bạn. Tôi không hề khoe khoang về sự thành đạt hay bi kịch hóa tất cả những hoàn cảnh lặt vặt. Chúng ta là con người, nếu chúng ta nghĩ sai chúng ta sẽ sống sai, chúng ta sống sai chúng ta sẽ mất bạn, mất cơ hội. Chúng ta phải sống đúng, muốn sống đúng thì phải nghĩ đúng. Khi nghĩ đúng rồi thì chúng ta sẽ thành công. Cuộc sống tinh khôn lắm. Có hai đối tượng thảo luận với nhau là các bạn và cuộc sống. Các bạn đòi hỏi, yêu cầu cuộc sống phải cho các bạn cơ hội thì ngược lại các bạn cũng phải cho cuộc sống cơ hội để nó tìm thấy giá trị của các bạn nếu bạn là kẻ tự tin. Kẻ tự tin là kẻ biết rõ giá trị của mình, mà kẻ biết rõ giá trị của mình thì phải tạo cơ hội cho cuộc sống tìm thấy giá trị của mình. Khi cuộc sống tìm thấy giá trị của bạn, sự thành đạt chỉ còn cách bạn 1cm.

SV: Cháu là sinh viên năm cuối hệ cao đẳng trường Ngoại giao, cháu chuẩn bị rất nhiều câu hỏi liên quan đến sự nghiệp, kinh tế của đất nước. Nhưng bây giờ cháu hỏi một câu không liên quan gì đến những câu cháu đã chuẩn bị. Cháu muốn biết hiện tại những lúc thảnh thơi chú làm gì và những ngày bận rộn chú làm gì? Câu hỏi này có lẽ hơi mang tính riêng tư.

NTB: Câu hỏi ấy không riêng tư, khi nào người ta tạo ra được cho mình một cuộc sống mà ngay cả những việc riêng tư nhất cũng có thể nói ra được thì đấy là người lương thiện thật sự. Lâu lắm rồi, 25 năm nay tôi không có riêng tư, chỗ riêng tư nhất của tôi là những vấn đề tôi nói với anh Tuấn, tôi nói trên báo, tôi viết trong sách. Tôi là một người hiến mình cho khoa học, cho việc tìm kiếm để hiểu một cách thấu đáo các nếp gấp thật sự của cuộc sống và các nếp gấp thật sự trong đời sống tinh thần của con người. Đại sứ Anh David cách đây mấy chục năm, trước khi chấm dứt nhiệm kỳ có hỏi tôi: “Ông Bạt, một nhà ngoại giao tốt là một nhà ngoại giao như thế nào?”. Tôi trả lời: “Thưa đại sứ, nhà ngoại giao tốt theo quan niệm của tôi là khi họ không làm ngoại giao nữa thì họ có thể sống bình thường như một con người.” Tôi nghĩ rằng một sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại giao là phải hiểu cuộc sống và diễn đạt nó cho tất cả mọi người đều hiểu được. Cái riêng tư của tôi là tìm mọi cách để hiểu cho được những gì diễn ra trong sự quan sát của mình. Tôi không có những sự riêng tư không nói ra được, chỉ có những sự riêng tư không muốn nói ra, bởi vì nó sẽ làm đau những việc khác, đau người khác. Không nói chứ không phải không thể không nói.

SV: Cháu là sinh viên năm cuối của khoa Luật quốc tế, cháu đã được nghe chú chia sẻ về một số kinh nghiệm. Chú có chia sẻ buổi đầu khởi nghiệp của chú rất khó khăn và chú được đào tạo không phải cho công việc đang làm hiện nay. Việc vào được trường đại học là một mốc rất quan trọng, tuy nhiên trong khoảng thời gian 4 năm ở trường đại học, cũng có những giai đoạn chúng cháu cảm thấy mất phương hướng, cảm thấy mọi thứ không được như mình muốn và mình cũng không có đủ năng lực để đáp ứng với những gì mà môi trường yêu cầu. Có một số không nhỏ các bạn thanh niên đã nghĩ đến việc chuyển sang một hướng đi mới và bắt đầu lại mọi thứ theo suy nghĩ là bắt đầu sự nghiệp thì không đặt nặng vấn đề bằng cấp. Tuy nhiên, khi ra xã hội thì bằng cấp, nhất là tấm bằng đại học lại giữ một vị trí rất quan trọng. Cháu muốn được nghe những lời khuyên của chú đối với sinh viên.

NTB: Các bạn mới tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp, ngoài cửa trường các bạn có thể đi làm thêm, cái đấy chưa phải là cái thật. Các bạn sẽ va chạm thật. Tôi không thích việc bầy cho bọn trẻ những thứ chi li quá theo kiểu vẽ đường để hươu đi. Tôi không làm thế vì cuộc sống ngoài kia cần tất cả. 90% cán bộ của tôi tốt nghiệp trường Luật. Chúng tôi có thể cấp học bổng cho một số sinh viên khoa luật quốc tế. Chúng ta làm và chúng ta cùng rút kinh nghiệm. Công ty của tôi không thể chứa được tất cả số đông, nhưng dăm ba người thì có thể. Đối với trường Luật, trong nhiều năm chúng tôi cấp học bổng cho một số sinh viên, chúng tôi duy trì quan hệ tuyển dụng. Tất cả những công ước quốc tế, những thỏa ước quốc tế về các quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi biết và chúng tôi là chuyên gia. Tôi là Phó chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cử các luật sư đến đây để cùng nghiên cứu xem cần làm thế nào để chương trình giảng dạy gần với thực tế hơn, đẹp với thực tế hơn thì khả năng tìm kiếm công việc, tìm kiếm sự hợp tác của các bạn với cuộc sống sẽ tốt hơn. Ở đâu cũng có thể tìm thấy cơ hội để hợp tác với nhau, năng lực hợp tác là năng lực có tính chất triết học của cuộc sống. Các bạn không nên đối đầu với cuộc sống mà nên trở thành một đối tác của nó.

SV: Cháu học Khoa Kinh tế quốc tế của Học viện. Cháu rất cảm ơn chú đã chia sẻ với chúng cháu những điều bổ ích. Cháu muốn đặt ra câu hỏi dựa trên những điều chú đã giới thiệu. Chú là một người rất tôn trọng sự tự do và sự khác biệt để tạo ra sự thành công. Vậy tại sao chú không để cho con trai được tự do mà lại làm việc cho chính công ty của chú? Đấy là câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi thứ hai, cháu được biết chú có nói một câu đại ý là một người phải sớm biết được sở trường của mình và đầu tư thời gian, trí tuệ, tiền bạc cho nó càng sớm càng tốt. Vậy năm bao nhiêu chú tìm ra định hướng con đường của mình và ở lứa tuổi chúng cháu thì một người sẽ tìm ra những năng lực đó ở tuổi bao nhiêu?

NTB: Thứ nhất, các con tôi làm việc ở công ty của tôi hoàn toàn không bị bắt buộc. Tôi đã từng nghĩ rằng các con tôi có quyền ở lại nước ngoài, không cần thiết phải quay về, nhưng con tôi không làm thế. Khi đã về Việt Nam thì rất khó tìm việc dễ làm hoặc thú vị hơn ở chỗ tôi. Con tôi giúp tôi được rất nhiều. Đầu tiên là phổ biến vào trong đời sống tập thể những cách sống mà tôi nghĩ rằng rất nhiều bạn trẻ thích, như tổ chức các lễ hội như thế nào cho lãng mạn, vui vẻ, tổ chức viết bài cho các tạp chí nội bộ như thế nào. Các con tôi làm cho tôi những công việc rất có ích. Tôi không hề ưu tiên theo nghĩa đó là con tôi.

Phần thứ hai của câu hỏi là tôi bắt đầu thức tỉnh về việc lựa chọn công việc cho xây dựng sự nghiệp của mình như thế nào. Lúc nãy tôi nói là 45 tuổi. Tôi bắt đầu nghiên cứu chính trị học từ đầu những năm 70. Năm 1968 khi Henry Kissinger đến Bắc Kinh, Nixon đến Bắc Kinh, tôi bắt đầu thích thú đời sống chính trị và tôi nghiên cứu nó. Tôi cũng là người cá biệt, tôi không hạn chế tự do suy nghĩ của mình. Không ai trên đời này có quyền chi phối tự do suy nghĩ của tôi, nhưng khi làm thì tôi phải tuân thủ các điều kiện pháp luật hiện hành. Tôi đưa ra định nghĩa tự do trong quyển “Cội nguồn cảm hứng” của tôi là: Tự do là điều kiện để cho ý nghĩ và hành vi chuyển động song song với nhau không bị cản trở. Khi nào mà ý nghĩ bị cản trở khi hành động thì tự do có vấn đề, có trục trặc. Các bạn còn ít tuổi, các bạn không biết thời bao cấp khủng khiếp thế nào. Thường thì người ta phải dậy sớm từ 5 giờ sáng để đi xếp hàng mua gạo. Tôi nghĩ ra cách để không phải dậy sớm. Đêm trước, đi chơi về, tôi rẽ qua hàng gạo dùng bút chì viết vào bậu cửa sổ tên của tôi, viết nhỏ li ti để không kẻ nào phát hiện ra mà xóa đi. Sáng hôm sau khi đến mua gạo, tôi bảo tôi đã ghi tên ở đó rồi và tất cả mọi người phải chịu và họ bán cho tôi sớm. Thi thố tài năng ở thời kỳ bao cấp là như thế. Khi bắt đầu có những lợi ích đan xen thì tôi phải tìm cách hợp tác với nông trường này, với trại chăn nuôi kia để cuối năm phải kiếm được cho phòng, cho bộ môn tôi làm chủ nhiệm một vài con lợn hay con bò. Tất cả những bước như vậy mà đất nước phải đi qua thì tôi đều đi qua.

Tôi dự báo trước Liên Xô sẽ sụp đổ, đất nước chúng ta sẽ mở cửa và tôi bắt đầu học kinh tế. Từ những năm 70 tôi học kinh tế thông qua một loạt các tác phẩm kinh tế học, ví dụ giáo trình của giáo sư Samuelson. Tất cả những cái đó tôi tự học để tìm ra cuộc đời của mình, tìm ra con đường của mình, tìm ra sự nghiệp của mình, thậm chí tìm ra cả tiếng tăm của mình nữa một cách lầm lũi. Khi nào các bạn hành động mà không cần ai biết đến, không cần khoe ai cả, đến một ngày đẹp trời nào đó, con chim bắt đầu hót những tiếng hót đầu tiên vào buổi sáng thì lúc bấy giờ bỗng nhiên mình phát hiện ra mình đã thành công. Tôi bây giờ trở thành người của công chúng thành ra cũng không giấu được nữa, nhưng trước đây tôi đã giấu nhẹm tất cả những cố gắng của tôi trong suốt mấy chục năm, không ai biết. Cuộc sống biết dần đến mình sau khi mình đã tiếp cận một cách từ từ cuộc sống. Không có gì là bí mật, đấy là công nghệ. Trong cuộc sống những người có một chút thành công đều có các know-how của mình.

SV: Cháu là sinh viên đến từ khoa Truyền thông quốc tế, khoa mới của Học viện Ngoại giao. Trước hết cháu xin cảm ơn những chia sẻ về lý tưởng và về khái niệm tự do của chú trong buổi hôm nay để giúp cháu cũng như nhiều bạn sinh viên tìm lại lý tưởng màu hồng giống như bạn sinh viên Khoa Kinh tế nói lúc nãy. Chú luôn đề cao cũng như đi tìm những tư tưởng, lý tưởng. Nhưng đôi lúc có những lý tưởng phá cách lại không tốt, kết hợp với lý thuyết bên bờ vực của chú nói lúc đầu, liệu lựa chọn những lý tưởng phá cách ấy có mang lại rủi ro cho doanh nghiệp của chú hay không? 90% nhân lực chú chọn đều xuất thân từ Khoa Luật, vậy 10 % còn lại chú có thể có sự phá cách cho sinh viên Khoa Truyền thông của chúng cháu trong năm nay được không?

NTB: Trước hết phải nói là có cơ hội cho sinh viên học khoa Truyền thông. Chúng tôi cần những cán bộ làm về truyền thông, bởi vì nghề truyền thông thực chất là một nghề có thể rẽ vào khu vực quan hệ công chúng, mà bất kỳ tổ chức nào muốn phát triển đều phải xử lý tốt quan hệ công chúng.

Còn về lý tưởng thì tôi nghĩ rằng lý tưởng là cái mình yêu mến. Đã yêu mến thì đừng rón rén xem sự yêu mến ấy có phù hợp không, nó có chuẩn mực không. Phải tin vào sự lựa chọn của mình nếu mình lương thiện. Phải lương thiện và có động cơ tốt đẹp. Khi bạn thấy động cơ của bạn là tốt đẹp rồi bạn hãy tin vào sự lựa chọn của bạn, sớm muộn con người cũng sẽ bị thuyết phục bởi tính kiên định và sự lương thiện của bạn. Một âm mưu xấu xa thì dù kiên định cũng không làm cho ai yêu mến được, nhưng một động cơ không xấu thì người ta không thể ghét bỏ. Bạn nói rằng lý tưởng màu hồng, tất cả các lý tưởng đều phải màu hồng. Chúng ta phải yêu các màu hồng ấy, không có cách nào khác, nếu không thì chúng ta sống với ai, chúng ta đi đâu? Nếu chúng ta không yêu ngày mai thì chúng ta làm sao kéo dài sự sống được? Hamlet nói “To be or not to be”. Khi người ta xao động, người ta không còn tin vào chất lượng của cuộc sống, tin vào lý tưởng của mình nữa thì người ta sẽ phân vân. Không phải đến thế kỷ này mới thế, Shakespeare viết Hamlet từ thế kỷ XV. Từ thế kỷ XV con người đã bắt đầu biết phân vân thì đến thế kỷ XXI, sự phân vân phải chuyên nghiệp rồi. Bạn phải tin tưởng vào sự lựa chọn của bạn, sự yêu mến của bạn nếu bạn lương thiện. Còn bạn phân vân bao nhiêu thì tùy. Sự thông minh đến sớm thì bao giờ cũng thiếu chín chắn một chút. Thường con người thật sự thành đạt vào thời điểm ở tuổi 35 trở đi, bởi vì không phải trí tuệ, trí khôn hoặc sự lương thiện của bạn chín muộn mà xã hội chín muộn để hiểu được giá trị của bạn. Không phải là quả ngon chỉ bởi vì chúng chín. Chúng ngon còn bởi vì người ta ăn chúng. Khi sự chín chắn của người ăn và sự chín chắn của quả đi cùng với nhau thì cái đó được gọi là may mắn.

SV: Chú nói đến năm 45 tuổi chú mới bắt đầu sự nghiệp của mình. Khi bắt đầu sự nghiệp, trong tay chú có bằng tiến sĩ cũng như chú đã là một luật sư và là một người có tầm nhìn để ông Henry Kissinger có thể mời chú sang Mỹ nói chuyện. Liệu một sinh viên Học viện Ngoại giao như chúng cháu ra trường có cần phải học lên thạc sĩ hay tiến sĩ để có thể có được tầm ảnh hưởng như chú và có thể có một đà cao hơn để bước sang tầm ảnh hưởng mới không?

NTB: Khi tôi thành đạt, tôi chưa có bằng tiến sĩ và tôi cũng không có ý định có nó. Bằng tiến sĩ không phải là điều kiện cần và đủ cho sự thành đạt, trí tuệ của một anh tiến sĩ thì cần, nhưng cái bằng thì chưa chắc. Tôi có một người thầy đã mất rồi, đó là nhà giáo nhân dân Lều Thọ Trình. Ông tốt nghiệp khóa 1 Đại học sư phạm, Khoa Vật lý, cùng lứa với giáo sư Nguyễn Lân Dũng và giáo sư Nguyễn Văn Hiệu. Ông ấy không phải tiến sĩ, nhưng bằng kiến thức vật lý mà ông ấy trở thành nhà cơ học ứng dụng hàng đầu Việt Nam. Con người trong quá trình thành đạt của mình có nhiều nhánh rẽ hoặc sự đột biến rất bất ngờ, càng gần đến khoa học thật sự bao nhiêu, khoa học càng cao bao nhiêu thì tính bất ngờ trong sự sáng tạo càng lớn bấy nhiêu. Bây giờ bạn đang học kiến thức ngoại giao một cách phổ cập, nhưng nếu bạn trở thành người có khả năng lập chính sách đối ngoại chẳng hạn thì có khi sáng tạo của bạn bất ngờ đến mức các thầy cũng không biết trước được và chính bạn cũng không biết trước được. Ở nước chúng ta rất nhiều người nghĩ mình là thiên tài hoặc định trở thành thiên tài. Tôi định nghĩa thiên tài là thứ mà kẻ sở hữu nó là kẻ cuối cùng biết về nó. Khi tôi bắt đầu đi học thêm một số kiến thức, vợ tôi hỏi không biết ông Bạt nhà tôi bây giờ làm nghề gì, suốt ngày thấy lang thang ngoài đường. Tôi có một người bạn, anh ấy cũng mất rồi, vợ anh ấy là chị Minh Châu - một nghệ sĩ điện ảnh rất có tiếng. Có lần mẹ của chị Minh Châu hỏi tôi: “Anh Bạt ơi, thằng Tuấn nhà tôi nó làm nghề gì mà suốt ngày tôi thấy nó ở ngoài đường?”. Con người càng yêu công việc của mình bao nhiêu thì tính bất ngờ đối với những người thân càng lớn bấy nhiêu.

HAT: Trước khi các bạn đặt tiếp câu hỏi, tôi có một câu hỏi với ông Nguyễn Trần Bạt. Bây giờ quay ngược trở lại 50 năm trước, giả sử ông cũng là một trong những bạn sinh viên đang ngồi ở dưới này, đang chuẩn bị tìm kiếm công việc cho mình, ông sẽ dự kiến như thế nào cho bước đi sắp tới và cuộc đời của mình?

NTB: Tôi có một cuộc đời cũng hơi cá biệt. Khi tôi bắt đầu ý thức về sự học giỏi là năm tôi học lớp 9 thì tôi đi thanh niên xung phong. Cái thôi thúc tôi đi thanh niên xung phong là bài thơ của anh Bùi Minh Quốc. Khi tôi cảm thấy cuộc sống học đường không thỏa mãn trí tưởng tượng của tôi nữa thì tôi bỏ đi thanh niên xung phong. Khi đi thanh niên xung phong, tôi thấy thực ra mình cũng chỉ làm những việc lặt vặt, thế là tôi đi bộ đội. Tôi trở thành chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam khi chưa tròn 17 tuổi. Đi bộ đội một thời gian thì tôi bị sức ép, không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ và được về. Người cho tôi về là giáo sư Nguyễn Thuyên. Tôi hỏi tại sao lại đuổi tôi về. Ông ấy bảo tôi: “Thằng ngu, về đi.” Ông ấy là chủ nhiệm khoa ngoại của bệnh viện Quân y 4, ông biết rất rõ là rất nhiều người chết, ông ấy thấy một cậu thanh niên Hà Nội trắng trẻo như thế mà chết thì phí quá nên bảo tôi về. Tôi về và quay trở lại học đại học.

Nếu tôi đã thích thì không có lợi ích nào bắt buộc tôi làm ngược lại được. Nếu tôi kiên nhẫn một chút thì tôi có thể trở thành giáo sư. Chủ nhiệm một bộ môn ở một Viện nghiên cứu thì trở thành giáo sư rất dễ. Không đi nghiên cứu sinh bên ngoài để làm tiến sĩ thì làm trong nước. Lúc ấy muốn làm tiến sĩ thì chỉ cần chịu khó thôi, mà tôi thì rất chịu khó. Nhưng tôi thấy sáng cắp ô đi, tối cắp ô về chán quá, tôi mơ tưởng như Henry Kissinger cơ. Và tôi đã nghiên cứu luật học quốc tế, nghiên cứu kinh tế quốc tế. Tất cả những chuyện ấy tôi làm âm thầm và không định bày bán cho ai, nhưng bỗng nhiên cuộc sống đổi mới, Đảng ta đổi mới và mở cửa. Tôi bảo vậy là những thứ mình làm theo ý thích của mình bây giờ có thể bán được. Khi tôi bắt đầu mở công ty này tôi chỉ có một cái xe đạp, đi ra Bờ Hồ làm việc còn bị lấy trộm mất. Nhưng hai năm sau khi lập công ty, tôi trở thành triệu phú. Lúc bấy giờ tôi bảo các đồng nghiệp của tôi ngồi đây là chịu khó lĩnh lương 500-700 ngàn trong vài tháng, chắc độ vài tháng nữa sẽ lĩnh lương bằng đô la. Các chị ấy cười bảo tôi nói phét. Nhưng đến hẹn lại lên, vài ba tháng sau, các chị ấy bắt đầu lĩnh lương bằng đô la thật. Thu nhập của các chị ấy bằng tiêu chuẩn châu Âu, đủ để nuôi con sang học ở nước ngoài mười mấy năm.

Phải nói với các bạn, cuộc sống đầy rẫy sự bất ngờ dành cho những người dũng cảm và kiên nhẫn. Nói như thế có thể có bạn nghĩ là bây giờ tôi thành công rồi nên mới nói mạnh được. Không phải thế. Sự liều mạng của tôi cũng đã từng làm cho tôi mất khá nhiều. Các bạn biết rằng chủ nhiệm bộ môn tức là có thể trở thành ông nọ bà kia dễ như chơi, nếu biết nhẫn nại một tí, biết khôn khéo một tí. Nhưng tôi vẫn đi tìm cái mình thích. Tôi không khuyên các bạn như thế, nhưng tôi muốn nói với các bạn điều ấy để các bạn thấy khi cái mình học không tạo cho mình được tương lai, không có triển vọng, bí quá thì hãy mạnh dạn mà bổ sung cái khác. Tại sao chúng ta cứ phải trói mình vào những cái được các thầy cô dạy và xem đó là tất cả mọi chân lý ở trên đời này? Nếu cái mình đã được trang bị ban đầu không đủ để mình sống thì mình làm cái khác và mình sẽ quay lại với nó ở một trạng thái khác. Sự chung tình với cái mình được học không phải là sự máy móc. Sự chung tình đối với cái mình được học chính là cách mình quay lại với nó bằng trí tuệ, bằng hiểu biết, bằng một sự liều mạng thông minh hơn. Đây là kinh nghiệm cá nhân tôi, tôi không muốn phổ quát hóa kinh nghiệm này, nhưng tôi nói với các bạn để khi bí quá thì đấy có thể là một giải pháp.

SV: Chú nói rằng năm 45 tuổi chú mới bắt đầu có định hướng sự nghiệp của mình. Vậy từ lúc lập gia đình đến năm 45 tuổi, chú vẫn đang tìm kiếm cái mà mình thực sự mong muốn? Lúc mới lập nghiệp thì mới có một chiếc xe đạp và sau đó còn làm mất, vậy có bao giờ chú nghĩ rằng vợ con chú sẽ sống bằng gì không? Động lực ở đâu để chú có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình?

NTB: Bạn muốn hỏi xem vợ con tôi lúc đầu phải chịu đựng tôi như thế nào đúng không? Tôi nghĩ rằng lấy vợ là một việc vô cùng quan trọng, phải biết lựa mình mà lấy vợ, phải biết đo bò mà làm chuồng. Nếu mình là kẻ liều mạng, là kẻ phiêu lưu thì mình phải chọn một cô vợ ít nhất cũng phải có 50% sức chịu đựng sự phiêu lưu của mình. Tôi chuẩn bị rất kỹ cho sự phiêu lưu của mình. Tôi cũng đi buôn và kiếm được dăm bảy chục triệu gì đấy. Vợ tôi là người làm báo, là chị Thanh Tâm của báo Phụ nữ Việt Nam. Tôi bảo vợ tôi cầm tiền này để gửi tiết kiệm lấy lãi mà sống và hãy quên tôi đi dăm năm xem sao. Lãi suất vào những năm 1983-1984 là 12%/ tháng và vợ tôi đã sống rất thoải mãi với số tiền gửi tiết kiệm ấy, thậm chí còn mua được vàng cất đi. Tôi cũng không muốn vợ con tôi phải phiêu lưu giống như tôi, cho nên tôi chuẩn bị cho họ chịu đựng sự phiêu lưu của tôi mà không có nhiều rủi ro. Nếu như thương vợ con quá mà không dám phiêu lưu thì cũng chỉ ôm vợ sống dở, chết dở trong sự nghèo khổ và đấy không phải là một người đàn ông. Tôi nghĩ là tôi đã hành động như một người đàn ông chuẩn mực.

SV: Ban đầu chú có nhắc đến khái niệm công việc và sự nghiệp. Là một sinh viên sắp ra trường, ưu tiên của cháu là làm sao kiếm được một công việc để nuôi sống bản thân. Cháu không biết liệu có nên bất chấp tất cả các công việc để đảm bảo thu nhập, không cần quan tâm đến sự nghiệp miễn là có thể nuôi sống bản thân hay là cố gắng trau dồi kiến thức để học thật tốt, chờ đến khi có cơ hội thích hợp để chọn một công việc hướng đến sự nghiệp của mình?

NTB: Tôi không thấy có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa công việc và sự nghiệp. Những công việc có ích, những công việc có lợi cho đời sống thì bản thân nó đã hàm chứa sự nghiệp rồi. Khái quát hóa những kinh nghiệm thông thường, những công việc thông thường trở thành những đại lượng có chất lượng triết học, đó là sự nghiệp. Tất cả những gì tôi viết ra chính là sự khái quát hóa những kinh nghiệm thông thường mà tôi nhặt được trong đời sống và tôi tạo ra sự nghiệp của tôi. Đành rằng không phải là ghê gớm lắm, nhưng không ai dám nói đấy không phải là một sự nghiệp. Còn giá trị của sự nghiệp ấy bao lâu tùy thuộc xã hội. Món ăn ngon hay không không chỉ do nó mà còn do người ăn. Quyển sách của tôi là do người đọc khẳng định, ý nghĩ của tôi có giá trị hay không là do đời sống ứng dụng khẳng định. Tôi nghĩ rằng lao động một cách không ngưng nghỉ, tích lũy một cách kiên nhẫn và khái quát hóa tất cả các kinh nghiệm hàng ngày của mình là công việc mang chất lượng của nhà khoa học. Nhà khoa học nào cũng thế, phải biết đi từ đời sống, đi từ những kinh nghiệm thực tế và biết khái quát thành những giá trị có chất lượng tư tưởng và triết học. Nếu không biết khái quát thì Einstein không có thuyết tương đối. Thuyết tương đối của Einstein là một sự khái quát các kinh nghiệm vật lý của ông.

Các bạn học ngành ngoại giao, có những quyển sách của các bậc trưởng lão trong ngành ngoại giao các bạn nên đọc, những quyển sách của bác Lưu Văn Lợi, bác Mai Văn Bộ chẳng hạn. Tôi đọc tất cả những quyển sách của hai bác ấy, thậm chí tôi đến tận nhà bác Mai Văn Bộ để xem bác ấy là người như thế nào. Tôi là người chịu khó đọc đến mức như thế. Những tác giả ấy không liên quan gì đến tôi và không phải là người nổi tiếng lắm, nhưng họ là những cán bộ ngoại giao rất căn bản của một giai đoạn rất thú vị của lịch sử ngoại giao Việt Nam. Các bạn sẽ thấy công nghệ để biến những kinh nghiệm thông thường của đời sống công việc trở thành các giá trị phổ quát như thế nào.

Hiệu phó Nguyễn Thái Yên Hương: Tôi xin trao đổi với bác không phải với góc độ người quản lý mà là một nhà nghiên cứu và một người giảng dạy. Qua quá trình giảng dạy và qua việc nghe các em sinh viên trao đổi với bác, tôi cảm nhận phải chăng đây là lỗi của ngành giáo dục chúng tôi là tạo ra một thế hệ sinh viên không biết mình ở đâu. Năm ngoái tôi có hướng dẫn một em học rất giỏi, viết rất tốt. Khi bắt đầu ra nghề bạn ấy muốn vào Viện Nghiên cứu Biển Đông và bạn ấy thi trượt. Đến khi báo Nhân dân tuyển người thì tôi khuyên bạn ấy đi thi vì bạn ấy viết tốt. Bạn ấy đi thi và được ký hợp đồng thử việc. Khi đi làm thì bạn ấy cũng than phiền như bạn vừa nãy. Thế hệ tôi với bác khi mới đi làm, người ta bảo rửa chén, pha nước cho các bác lớn tuổi là mình lẳng lặng làm. Nhưng có lẽ các bạn sinh viên bây giờ, dù nhà nghèo cũng đều được chiều, đến công sở mà các bác lớn tuổi bảo quét nhà là quay ra cãi. Khoảng một tháng đầu đi làm về bạn ấy kêu là các bác ấy không thương. Tôi không biết nói với bác thế nào, nhưng tôi cảm nhận là tự nhiên chúng tôi có lỗi là tạo ra một lớp sinh viên, một lớp thế hệ trẻ Việt Nam được nuông chiều quá so với thế hệ trước. Ngay cả con chúng tôi ở nhà, chứng tôi cũng không làm cho chúng hiểu được là phải lao vào cuộc sống. Tôi là một nhà nghiên cứu về Mỹ, tôi thấy suốt ngày mình lấy mô hình Mỹ ra áp dụng vào đất nước mình thì rất khó. Giáo sư Mỹ họ phải làm cả những việc như rửa ô tô, nhưng sinh viên học ngoại giao bây giờ mà bảo ra làm tiếp thị thì chắc các bạn ấy sẽ không muốn. Tôi muốn chia sẻ với bác một chút như vậy, bác có kinh nghiệm với một cơ quan có 200 người vừa lớn tuổi, vừa trẻ tuổi, bác có lời khuyên nào với những em chuẩn bị sắp ra trường?

NTB: Cám ơn cô giáo! Tôi rất xúc động trước sự chân thành của chị với sinh viên. Sự lo lắng và sự tự kiểm điểm ấy là rất cần thiết, tuy nhiên không có cách gì để chị sửa chữa, làm cho các em ấy nhận thức khác ngay được. Cuộc sống sẽ dạy các em. Chúng ta phải nhớ rằng nhà trường không phải là nơi chấm dứt quá trình giáo dục. Nhà trường là nơi bắt đầu quá trình giáo dục, nhà trường là nơi bắt đầu quá trình rèn luyện, là nơi trang bị một số “vũ khí” và cả các nguyên lý ban đầu cho quá trình tự rèn luyện để thành một con người thành đạt. Xét về mặt hoạt động thực tiễn, nhà trường không cung cấp nhiều lắm cho sinh viên, nhà trường không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về toàn bộ sự thành bại của sinh viên sau khi ra trường. Khi nào chị nghĩ như thế, chị sẽ thấy cái hạnh phúc của một người may mắn có học sinh thành đạt. Còn nếu như nghĩ rằng sinh viên của mình buộc phải thành đạt thì chị sẽ luôn cảm thấy sự không may mắn của một cô giáo. Tôi nghĩ là các cháu sẽ tự tìm ra và sớm hay muộn, các cháu sẽ thấy giá trị của người thầy, giá trị phải chăng mà một người thầy có thể có. Để thấy được giá trị của thầy mình không dễ.

Lỗi của nhà trường không phải là lỗi của cô giáo, hay lỗi của cô giáo cũng không phải là lỗi của nhà trường. Lỗi của nhà trường cũng không phải chỉ do nhà trường ấy tạo ra. Thể chế chính trị của chúng ta tạo ra rất nhiều lỗi. Lỗi đó được gọi một cách phổ biến là lỗi hệ thống. Tôi nghĩ lỗi hệ thống là lỗi được kéo dài một cách có hệ thống và nó nằm ở tất cả mọi khâu của hệ thống. Chị không phải buồn, chắc là chị cũng không làm hơn được, chị cũng không thể nói cho các cháu chín chắn ngay được. Chúng ta sốt ruột, chúng ta muốn các sản phẩm của mình hoàn chỉnh ngay nên chúng ta dồn bọn trẻ phải học nhiều quá. Chính cách nghĩ tạo ra sự nghiệp của các cháu chứ không phải là cái các cháu được học tạo ra sự nghiệp của các cháu. Cho nên phải làm thế nào để rèn luyện năng lực suy nghĩ một cách độc lập, một cách chủ động và một cách có hệ thống cho sinh viên. Năng lực suy tưởng chính là cái tạo ra sự nghiệp, không phải kiến thức học trong các trường đại học. Kiến thức đã vào sách giáo khoa thì nó phổ biến rồi. Muốn thành công, muốn bứt phá thì phải tạo ra sự bất ngờ trong ý nghĩ của chính mình chứ không phải sử dụng những ý nghĩ được dạy.

SV: Cháu là sinh viên khoa Luật quốc tế. Cháu muốn chú chia sẻ với chúng cháu hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất, cháu băn khoăn đức tính trung thực và trung thành nếu đặt lên bàn cân thì đức tính nào là quan trọng hơn đối với một nhà ngoại giao. Vấn đề thứ hai, lối nghĩ của người Việt Nam là “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Đi thực tế thì cháu thấy Giám đốc sở của tỉnh thì sẽ đưa con vào làm giám đốc một trung tâm trong sở mình quản lý. Chú có dự đoán là sau một vài chục năm nữa lối nghĩ của người Việt Nam sẽ thay đổi? Cháu nghĩ chắc là về sau thì con vua sẽ vẫn làm vua, con sãi ở chùa thì vẫn quét lá đa.

NTB: Nhà ngoại giao là người phải kết hợp được hai yếu tố: thứ nhất là phải trung thực như một con người, và thứ hai là phải khôn ngoan như một nhà chính trị. Tại sao tôi phải nói như vậy, bởi vì những người đối thoại với mình họ cũng là con người, họ rất nhạy cảm với những phẩm chất con người. Nếu anh chỉ diễn trò khôn ngoan thì người ta không tin anh, người ta không tin anh thì không có hiệu quả ngoại giao. Nhà ngoại giao không phải nói cho việc của mình, mà nói cho công việc của đất nước của mình, tổ chức của mình. Do đó, anh không được thay thế nghĩa vụ của mình bằng các tình cảm và phẩm hạnh riêng của mình. Cho nên phải khôn ngoan như một nhà chính trị và kết hợp một cách nhuần nhuyễn với sự trung thực như một con người. Đấy là công thức tốt nhất để rèn luyện trở thành một nhà ngoại giao theo quan niệm của tôi.

Còn ý thứ hai bạn nói đến chuyện con vua thì lại làm vua. Tôi có một lý thuyết, đó là lý thuyết về các không gian. Có một cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hỏi tôi là có phải nhân dân làm chủ không. Tôi bảo không, kẻ làm chủ không gian chính trị là kẻ thắng thầu chính trị, và kẻ làm chủ không gian chính trị mà khôn khéo thì rất có thể trở thành kẻ làm chủ đất nước, cầm quyền đất nước. Tôi nghĩ rằng khi người ta đã cầm quyền thì chuyển giao quyền lực luôn là một vấn đề đòi hỏi khắt khe còn hơn cả chuyển giao công nghệ. Đấy là chuyển giao những giá trị đầu tư, kể cả quyền lực cũng là những giá trị đầu tư có chất lượng lịch sử. Cho nên người ta phải xử sự một cách thận trọng trong mọi việc để đảm bảo không thất lạc các quyền lực. Đấy là một tâm lý thông thường ở tất cả các ngành nghề. Vậy thì chúng ta phải phấn đấu để chúng ta trở thành con vua. Bởi vì vua cũng có thể có con nuôi. Nếu bạn không có may mắn là con của vua thật thì bạn phải phấn đấu để thành con nuôi của vua. Đấy là lời khuyên của tôi với tư cách là một người 70 tuổi đối với bạn.

SV: Trước hết cháu xin cảm ơn về buổi nói chuyện rất ý nghĩa của bác. Theo ý nghĩ của cháu thì bất kỳ một người thành công nào đều phải trải qua những khó khăn và những thử thách nhất định. Đối với bác, những lúc gặp khó khăn hay những lúc bế tắc thì đâu là động lực để vượt qua những khó khăn ấy để bước tiếp trên con đường của mình?

NTB: Đó là tinh thần trách nhiệm. Rồi bạn sẽ lấy vợ, có con. Khi nào bạn làm mọi cách để thỏa mãn trách nhiệm làm chồng, làm cha thì bạn sẽ vượt qua khó khăn mà không cần tính đếm nhiều lắm. Không có gì thay thế được sự cố gắng của người cha bằng tình yêu với con, không có gì xấu hổ hơn việc không hoàn tất nghĩa vụ làm chồng. Là một người đàn ông, bạn hãy bắt đầu thực thi trách nhiệm làm chồng và làm cha, bạn sẽ thấy các khó khăn là bé so với sự thúc bách của nghĩa vụ.

SV: Như vậy nghĩa là bây giờ cháu chưa làm chồng, chưa làm cha thì chưa hiểu được?

NTB: Làm gì cũng phải chuẩn bị. Để làm chồng, để hoàn tất nghĩa vụ làm chồng, bạn phải học từ bây giờ. Nhiều nền giáo dục khác người ta dạy làm chồng làm cha. Trường học không dạy thì chúng ta phải tự học thôi.

Nội dung liên quan

  • Tự do - Tự lập - Tự trọng là những giá trị làm người số một

    12/11/2014Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người. Có những con người nếu mà đầu tư cho nó một chút thì giá của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất vọng...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    29/11/2009Nguyễn Trần Bạt...một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư duy của con người chính là lợi ích. Người không làm chủ các tư duy lợi ích, không thiết kế được công nghệ tư duy lợi ích và không biến tư duy lợi ích thành một nghệ thuật sống là người không có bản lĩnh trên thực tế...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    25/11/2009Nguyễn Trần BạtTrong quyển "Cội nguồn cảm hứng" tôi có nói rằng Tự do sinh ra con người, không có tự do thì không có con người và tôi đưa ra cả khái niệm tiền con người. Tôi thảo luận với rất nhiều GS trên thế giới về khái niệm tiền con người và rất nhiều ông tá hỏa lên hỏi tôi rằng "Liệu ông có xúc phạm đến một số quá đông không? Bởi vì theo tiêu chuẩn của ông thì thế giới này chưa được 1/3 loài người là con người?"...