Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời báo đài Phần Lan
Annastina Abonde (Abonde): Năm nay Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhân dịp này chúng tôi thực hiện một phóng sự tìm hiểu về những gì Việt Nam đã làm được sau 40 năm. Đầu tiên chúng tôi muốn nghe ông kể về mình để chúng tôi có thể vẽ một bức tranh về ông?
Nguyễn Trần Bạt (NTB): Tôi là người sinh ra cùng với nền cộng hòa đầu tiên của Việt Nam là nước Việt Nam DCCH vào năm 1946. Tôi gắn bó với đất nước này và nhà nước này. Tôi nghèo khó cùng với những sai lầm của nhà nước và hoàn cảnh của đất nước và giờ đây tôi trở nên giàu có cũng bởi sự đúng đắn của nó. Đời sống của tôi và gia đình tôi thay đổi khi đất nước chúng tôi mở cửa. Tôi vốn dĩ là một kỹ sư, một nhà nghiên cứu trong một cơ quan của Chính phủ, nhưng làm việc ở đấy rất nghèo và đôi khi đói. Có một chuyện cười để mô tả sự đói của cơ quan tôi. Có hai con ma xếp hàng mua gạo, người ta hỏi con ma thứ nhất: anh chết năm nào. Con ma ấy trả lời: tôi chết vào thời kỳ chiến tranh năm 1972, khi người Mỹ thả bom ở Khâm Thiên. Con ma thứ hai cũng được hỏi chết năm nào mà gầy gò thế. Con ma ấy trả lời: Tôi đã chết đâu, tôi đang làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Vào thời kỳ chưa mở cửa, đất nước chúng tôi khó khăn như thế. Những trí thức như tôi là ví dụ về sự đói kém vào những năm chưa mở cửa. Nhưng sau khi mở cửa, do nhận ra được các cơ hội nên tôi nhanh chóng thoát ra khỏi sự nghèo đói và trở thành người khá thành công.
Tôi nói như vậy để các bạn thấy rằng sự thành công của tôi gắn liền với chính sách đổi mới và mở cửa của Nhà nước chúng tôi. Hiện nay tôi hành nghề luật sư và công ty của tôi là một trong các công ty luật thành công nhất ở Việt Nam. Công ty của chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Tôi tự đặt ra cho mình nghĩa vụ là cầu nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam. Cá nhân tôi vừa là nhân chứng vừa là một trong những người dẫn lối cho quá trình hội nhập của Việt Nam.
Abonde: Sau chiến tranh ở Việt Nam có một chương trình cụ thể nào nối giữa hai miền Bắc và Nam không, thưa ông?
NTB: Có chứ, trên tất cả các phương diện. Trước hết phải nói rằng nhà nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước hợp nhất và kế thừa các nghĩa vụ của các nhà nước trước đó trên lãnh thổ Việt Nam. Họ đã làm tất cả những việc tạo ra sự hòa hợp giữa hai miền. Tôi là một chiến binh cho nên tôi chứng kiến từng phút một sự hòa giải này. Những ngày đầu tiên khi quân đội của miền Bắc Việt Nam có mặt ở miền Nam Việt Nam, chúng tôi đã được dặn dò và kiểm soát trong thái độ cư xử với người dân. Tuy chúng tôi chưa hoàn toàn kiểm soát được một cách chặt chẽ tất cả các hiện tượng tiêu cực, nhưng đại bộ phận các hành vi của bính lính đã được kiểm soát một cách thành công. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng có những hoạt động kiểm soát các hành vi của các công chức của mình. Ngay lập tức họ đã tổ chức các hình thức chính quyền lâm thời để ổn định trật tự xã hội. Dài hơn một chút là tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn các lực lượng chống đối chính quyền mới.
Phải nói rằng tất cả các việc kiểm soát như vậy rất thành công vì không xảy ra đổ máu. Sau chiến tranh một số năm, các bạn thấy rằng những người Việt Nam chạy ra nước ngoài đã trở về và họ tìm kiếm được hạnh phúc khá phổ biến ở trong nước. Do sự khác nhau về chế độ chính trị, đôi khi người ta cũng tranh cãi về các tiêu chuẩn nhân quyền, về vấn đề hòa giải, về các vấn đề dân sự... Tuy nhiên, phải nói rằng xét trên bình diện quyền lợi cơ bản của con người thì những hoạt động hòa giải ấy khá thành công. Bây giờ nếu như chịu khó nghiên cứu thì chúng ta sẽ thấy có những người từng làm việc cho chế độ cũ đã bắt đầu có địa vị trong hệ thống chính trị mới.
Tôi nghĩ rằng đối với một đất nước có cuộc chiến tranh lâu dài như thế thì cách hòa giải như hiện nay là tốt nhất có thể. Hiện nay không còn dấu vết phân biệt Nam Bắc nữa. Trong cơ cấu quyền lực của chúng tôi, sự phân bố Nam Bắc gần như bình đẳng đến mức tuyệt đối. Có thể nói những gì diễn ra trên thực tế tiến bộ hơn rất nhiều so với các định kiến chính trị hay định kiến xã hội có trong từng người. Tôi không phải là đảng viên cộng sản, tôi như thế này không phải là nói cho họ mà nói cho một sự công bằng chung về mặt chính trị.
Abonde: Sau đổi mới thì Việt Nam phát triển kinh tế quá nhanh. Ông có nhìn thấy vấn đề gì trong sự phát triển quá nhanh này không, không phải chỉ vấn đề kinh tế mà cả vấn đề tâm lý?
NTB: Tôi là một người nghiên cứu chính trị học, tôi nghiên cứu về các hậu quả của chính sách đổi mới và mở cửa, các hậu quả từ sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế. Việt Nam có một hiện tượng giống như tất cả các nước có nền kinh tế và chính trị chuyển đổi là khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên một cách tiêu cực. Do đó nó làm nảy sinh những hậu quả chính trị, những sức ép chính trị lên nhà cầm quyền, đặt ra đòi hỏi phải tiến hành cải cách. Sự lạc hậu của nền kinh tế Việt Nam không phải chỉ là kết quả của sự không đổi mới và không mở cửa mà còn là kết quả của chiến tranh, không phải chỉ ở miền Bắc mà cả ở miền Nam. Hệ thống giáo dục trong thời kỳ chiến tranh rất chậm phát triển, cho nên trình độ con người, trình độ người lao động khá thấp, gần như không có hoạt động kinh tế chuyên nghiệp. Do đó sự đào tạo những tạo năng lực để phục vụ cho một nền kinh tế chuyên nghiệp dường như không có, trong khi chúng tôi buộc phải cạnh tranh với những nền kinh tế chuyên nghiệp hơn bên cạnh không phải chịu đựng chiến tranh như chúng tôi.
Giữa miền Bắc và miền Nam cũng có những sự chênh lệch. Miền Bắc Việt Nam chịu đựng cuộc chiến tranh lâu hơn, cho nên họ không có kinh nghiệm điều hành nền kinh tế sau chiến tranh. Hơn nữa về mặt hệ tư tưởng kinh tế họ theo một trường phái khác với các nền kinh tế trên thế giới. Do vậy kinh nghiệm về kinh tế thị trường giữa miền Bắc và miền Nam khác nhau khá lớn. Do đó để tạo ra sự cân bằng, sự bình đẳng giữa kinh tế Nam - Bắc là cả một vấn đề khó khăn của Chính phủ chúng tôi. Để có thể hòa nhập được hai khối này đã là khó, chưa nói chuyện chúng tôi phải hội nhập với các nền kinh tế 100% là kinh tế thị trường ở bên ngoài.
Đưa ra ví dụ về Nam - Bắc để các bạn thấy rằng cái khó khăn của chúng tôi thể hiện cả trong quan hệ đối nội lẫn quan hệ đối ngoại. Đối ngoại là khi hội nhập, đối nội là giải quyết vấn đề cân bằng giữa Nam - Bắc về mặt phát triển kinh tế. Tôi mượn diễn đàn này để nói cho người bên ngoài Việt Nam thấy rõ những vấn đề như vậy, để có thể dàn xếp một sự hội nhập êm ái giữa hai khối xã hội khác nhau.
Abonde: Một vấn đề mà tôi thấy ở Việt Nam là sự đô thị hóa rất nhanh. Ông có thấy đây là một vấn đề cần quan tâm?
NTB: Nó là một vấn đề rất thú vị, rất phong phú và rất đa dạng. Đô thị hóa là một khuynh hướng để phát triển kinh tế. Kinh tế xây dựng là một trong những ngành kinh tế lớn ở Việt Nam do nhu cầu nhà ở của người Việt Nam sau chiến tranh. Chiến tranh liên miên nửa thế kỷ khiến chúng tôi không dám xây dựng những nhà ở quy mô, cho nên khát vọng có nhà ở là một khát vọng phổ biến ở trong xã hội chúng tôi hiện nay. Xét về mặt kinh tế thì kinh tế xây dựng là một ngành dễ triển khai, dễ hơn chế tạo máy, dễ hơn luyện kim, dễ hơn công nghiệp điện tử. Bởi những nền kinh tế kia đòi hỏi phải huấn luyện kỹ mới có nhân lực, còn kinh tế xây dựng thì những người nông dân chỉ cần học vài tuần là có thể trở thành thợ xây. Nếu đi sâu hơn một chút vào các công trường, các bạn sẽ thấy 80% những người thợ xây dựng đều đến từ nông thôn. Như vậy kinh tế xây dựng trở thành cứu cánh cho việc tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đô thị hóa trông thì có vẻ có sự giống nhau giữa chúng tôi với các nước phương Tây, nhưng động cơ của lạm phát công nghiệp xây dựng ở Việt Nam và phương Tây (ví dụ ở Mỹ) là hoàn toàn khác nhau. Lạm phát công nghiệp xây dựng ở Việt Nam hay bong bóng bất động sản ở Việt Nam là sự quá đà của một giải pháp kinh tế sau mở cửa.
Abonde: Khoảng cách về xây dựng giữa nông thôn và thành thị cũng khá lớn?
NTB: Tôi nghĩ ở đâu cũng thế. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở những nước phát triển dễ khắc phục hơn ở Việt Nam. Ở Mỹ chẳng hạn, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị là khoảng cách đầu tư. Do người ta không đầu tư vào nông thôn thì nó tạo ra khoảng cách so với thành thị. Còn ở Việt Nam có cả khoảng cách giữa trình độ học vấn của người nông dân và dân cư đô thị. Cho nên để khắc phục khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở Mỹ chỉ cần đầu tư về mặt kinh tế. Còn ở Việt Nam chúng tôi phải giải quyết bằng đầu tư vào cả kinh tế và giáo dục.
Abonde: Theo ông sẽ mất khoảng bao lâu?
NTB: Tôi nghĩ cùng với thời gian trình độ của người nông dân chúng tôi sẽ tốt dần lên. 25 năm trước đây tôi tham dự một lớp đào tạo cán bộ công chức của Chính phủ do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Một giáo sư của trường Havard hỏi một quan chức của chúng tôi là: trâu bò của các ông là tài sản cố định hay tài sản lưu động. Quan chức ấy trả lời: nó thuộc tài sản lưu động. Ông ta hỏi tại sao. Vị quan chức trả lời một cách rất hồn nhiên: vì nó đi lại được. Nhưng 25 năm sau mọi chuyện đã thay đổi. Các bạn có thể nhìn thấy điều đó ở các bạn trẻ đang làm việc với tôi. Họ là những người rất thông thái, tôi có thể thảo luận với họ về nhiều vấn đề. Họ hiểu các các Công ước quốc tế, các Hiệp định mà các tổ chức quốc tế ký với Việt Nam. Đấy là một bước tiến khổng lồ. Thời gian chữa lành tất cả các căn bệnh mà chiến tranh để lại cho người Việt.
Abonde: Tôi thấy rất thú vị về những câu trả lời của ông. Theo ông còn có những vấn đề gì mà tôi chưa đủ hiểu biết để hỏi ông?
NTB: Chúng tôi có nhiều vấn đề lắm. Tôi lấy ví dụ, nếu chúng tôi tiếp tục hội nhập sâu hơn nữa vào đời sống kinh tế thị trường, đời sống kinh tế quốc tế thì chúng tôi buộc phải cải cách chính trị. Mô hình nào giúp cho người Việt Nam cải cách chính trị mà không làm mất đi trật tự vốn có của nó, đấy là vấn đề khổng lồ đang được thảo luận cả ở Việt Nam lẫn ở Trung Quốc. Người Việt Nam chúng tôi cũng cãi nhau về chuyện này. Những người bảo thủ cho rằng không cần thiết phải cải cách chính trị, còn những người cấp tiến cho rằng không thể không cải cách chính trị nếu muốn tiếp tục phát triển kinh tế. Có người nói rằng, không thể mặc cái áo may năm lên 3 tuổi để làm người lớn được.
Chúng tôi có nhiều vấn đề lắm. Ví dụ, chúng tôi ở cạnh một nền kinh tế khổng lồ, đó là nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng có một chàng trai thỉnh thoảng đưa ra những lời tán tỉnh rất ngọt ngào, đấy là người Mỹ. Người Phần Lan các bạn khôn ngoan, các bạn làm bạn với tất cả, với cả người Trung Quốc, người Nga và người Mỹ. Các bạn có thể cho người Việt Nam một lời khuyên trong ba anh to cao như vậy thì chúng tôi nên chọn anh nào và có nhất thiết phải chọn một anh nào đấy không. Người Phần Lan có một kinh nghiệm rất giống với kinh nghiệm người Việt Nam có, đó là các bạn ở cạnh người khổng lồ Nga, các bạn có thể cung cấp cho chúng tôi những kinh nghiệm xử lý quan hệ với người khổng lồ ấy để chúng tôi có cách thức xử lý quan hệ với người khổng lồ của chúng tôi. Tôi đưa ra ba ví dụ để các bạn đặt cho tôi câu hỏi. Chúng tôi rất muốn thảo luận không phải cho tôi hay cho các bạn mà chúng ta thảo luận cho cả một cộng đồng 90 triệu người Việt Nam học cách xử lý các vấn đề giống ở Phần Lan.
Abonde: Tôi muốn quay lại vấn đề cải cách chính trị, ông nghĩ rằng Việt Nam có thể cải cách chính trị?
NTB: Tôi nghĩ rằng không có gì không thể làm được. Chúng ta càng suy nghĩ sâu sắc, càng xây dựng lý thuyết một cách ổn định để phổ biến nó thành những kinh nghiệm rộng lớn thì khả năng thành công trong cải cách chính trị càng lớn.
Tôi đã viết một quyển sách có tên là “Cải cách và sự phát triển”, ở đó tôi nói về bốn cuộc cải cách cơ bản. Tôi xem cải cách kinh tế là số một, bởi vì Việt Nam là một nước chậm phát triển cho nên cần phải ưu tiên cải cách kinh tế. Thứ hai là cải cách chính trị, thứ ba là cải cách văn hóa và thứ tư là cải cách giáo dục. Bốn cuộc cải cách ấy tôi xem là các mô-đun cơ bản của hoạt động cải cách và phải tiến hành đồng bộ với nhau, tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với sức chịu đựng của tất cả các lực lượng xã hội. Tôi đã thấy cuốn sách ấy bắt đầu được một số nhà chính trị chú ý. Chúng tôi nghiên cứu những việc như vậy, chúng tôi kỳ vọng vào sự thay đổi của chính trị.
Trong diễn văn bế mạc hội nghị Trung ương lần thứ X, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nói rằng Việt nam sẽ đổi mới về chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế. Đấy là tuyên ngôn chính trị. Tôi rất mừng là những tư tưởng như thế của những người cầm quyền phù hợp với những tư tưởng của chúng tôi. Tôi nghĩ đó là con đường duy nhất để đảm bảo cho Việt Nam yên ổn, nếu không khoảng cách giàu nghèo ngày càng khuếch đại và Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định do những cuộc cách mạng. Chính vì Sa hoàng Romanov không dám thực hiện những cuộc cải cách nên mới phải nhường cơ hội cho Lênin.
Abonde: Những người đang cầm quyền không bao giờ muốn mất quyền lực. Tại sao ông lại có thể tự tin nói rằng sẽ không có đổ máu?
NTB: Tôi nghĩ rằng không ai muốn mất quyền lực. Để đổ máu xảy ra cũng là mất quyền lực. Quyền lực không phải chỉ là của một đảng mà còn là của từng người một. Tất cả những người thất bại trong cải cách hoặc không chịu cải cách sẽ bị mất quyền lực do những cuộc cải cách khác, theo khuynh hướng khác. Nếu cải cách thì chúng ta biến rủi ro của một đảng thành rủi ro của từng người, và đấy chính là nghệ thuật tiến hành các cuộc cải cách chính trị trong những nước có nền chính trị cần thiết phải chuyển đổi như Việt Nam.
Người Trung Quốc đã điều khiển nền chính trị của họ một cách rất khôn ngoan. Họ thay thế một cuộc cách mạng có thể xảy ra do khoảng cách giàu nghèo, do sự phát triển một cách chênh lệch bằng các cuộc thanh toán hay những sự thay đổi trong hệ thống cầm quyền của họ. Quan sát những gì mà ông Tập Cận Bình đang làm ở Trung Quốc, các bạn sẽ thấy các hệ thống chính trị khác nên học cách của ông ấy trong việc tiến hành các cuộc cải cách nội bộ để thay thế một cuộc cách mạng trên tổng thể.
Abonde: Nhưng theo tôi thì cải cách chính trị phải dẫn đến hệ thống chính trị nhiều đảng?
NTB: Đấy là điểm đến cuối cùng của quá trình cải cách chính trị. Với tư cách là người nghiên cứu, tôi không thể phủ nhận cái đích cuối cùng của cải cách chính trị là một chế độ chính trị dân chủ và nhiều đảng. Cùng với thời gian người ta sẽ không tham làm chính trị một mình nữa. Chống tham nhũng triệt để cũng là một cách làm cho người ta không tham làm chính trị một mình. Cái mà chúng ta tưởng là một chân lý chính trị thì nó là một quá trình chính trị, và quá trình để tiến đến dân chủ là một quá trình càng từ tốn bao nhiêu càng hòa bình bấy nhiêu.
Abonde: Tôi muốn quay lại vấn đề lúc trước ông có nói là cải cách văn hóa. Hiện nay với sự phát triển của truyền thông cực nhanh, ví dụ những người trẻ có thể lấy thông tin từ bất kì nguồn nào mà không thể chặn lại được. Trong bối cảnh ấy có thể quan niệm về cải cách văn hóa như thế nào?
NTB: Tôi nghĩ đó là một khía cạnh khác của hội nhập. Năm 1995 Tiến sĩ Henry Kissinger có mời tôi đến Washington DC để thảo luận về toàn cầu hóa. Ở đấy chúng tôi thảo luận về vai trò của toàn cầu hóa với văn hóa, bởi vì các quốc gia không chỉ tham gia hội nhập với tư cách là một chủ thể kinh tế mà còn tham gia với tư cách trọn vẹn của một chủ thể văn hóa. Các bạn biết rằng đối với tất cả mọi nền văn hóa, đạo đức luôn là một yếu tố có chất lượng nền tảng. Tất cả những hiện tượng tội ác diễn ra trong quá trình hội nhập là vì nó không mang theo bên cạnh yếu tố kiểm soát của văn hóa. Nó bắt nguồn từ chỗ người ta nhìn sự hội nhập như là hành động của những kẻ đi ra chợ, biệt lập nó với tất cả các cộng đồng văn hóa. Nếu con người hội nhập với cả tư cách là một cộng đồng văn hóa thì con người tự kiểm soát lẫn nhau, cân bằng lẫn nhau, làm giảm bớt sự khốc liệt của quá trình cạnh tranh quốc tế. Khuyến khích sự hội nhập về văn hóa chính là khuyến khích tính tự kiểm soát của các cộng đồng khi tham gia hội nhập.
Việt Nam chúng tôi có giai đoạn là thuộc địa của Pháp. Một số trí thức Việt Nam đến Pháp để nghiên cứu xem tại sao một quốc gia có những nhà văn hóa lớn như Rousseau, Victor Hugo mà lại có những hành vi thực dân tệ hại như vậy ở Đông Dương. Nhiều nhà nghiên cứu của chúng tôi, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện ra một thực tế là người Pháp khi đến Đông Dương không mang theo sự kiểm soát văn hóa Pháp. Tôi nghĩ hội nhập về văn hóa là một trong những cách thức tốt nhất để hạn chế tính thực dân của quá trình hội nhập và giải quyết khá căn bản tương quan giàu nghèo và phát triển giữa các cộng đồng hội nhập ấy.
Abonde: Những cuốn sách ông viết có gây phản ứng gì không? Những cuốn sách ấy đã được dịch chưa? Tôi rất muốn đọc!
NTB: Hiện tại tôi vẫn chưa dịch, Bây giờ tôi đang cố gắng để cho người Việt đọc đã. Khi nào người Việt đọc mà nó trở thành một thành tựu xã hội thì tôi sẽ đầu tư để dịch. Tôi rất vui mừng khi một số nhà chính trị đã gọi điện cho tôi bình luận một đôi lần về những cuốn sách của tôi. Và rất ngạc nhiên rằng sách của tôi là những cuốn sách chính trị hiếm hoi ở Việt nam bị người ta in lậu để bán, thậm chí có những quyển đã tái bản đến lần thứ tư rồi.
Abonde: Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện thú vị này!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn