Nguyễn Trần Bạt luận về hòa hợp, hòa giải
LTS. Trung thành, nhất quán hay là cố hữu một phong cách riêng có trong quan điểm, lập luận của học giả Nguyễn Trần Bạt? Lọt tai êm thuận hay nghịch nhĩ, có lẽ tùy thuộc vào sự thẩm định của bạn đọc về những luận bàn trên báo Tiền Phong thời gian qua những là doanh nhân biệt phủ, và cả về cải cách giáo dục…
Dịp 30/4 này, học giả Nguyễn Trần Bạt lại có dịp tâm sự với bạn đọc qua cuộc trò chuyện với nhà báo Xuân Ba.
Ông Nguyễn Trần Bạt
.
Hòa giải, hình như đã xong?...
Xuân Ba: Thưa anh, 30/4 lại đến. Chắc anh hẳn chưa quên cái thở dài nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...
Rồi không hòa hợp hòa giải được, con người mà không quy tụ được thì nguồn lực nào cũng rơi rụng dần.
Ông Sáu Dân nói câu ấy cách nay đã hơn 10 năm. Ông còn nhấn mạnh muốn hòa giải hòa hợp được thì phải thực tâm khoan dung và nhân ái. Anh nghĩ gì về những chuyện trên? Về thực trạng hòa giải, hòa hợp?
Nguyễn Trần Bạt: Về hòa hợp, ta sẽ bàn đến sau. Riêng tôi thì lại nghĩ khác về hòa giải… Tôi khá băn khoăn về vấn đề anh đặt ra. Thứ nhất là vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi.
Hòa giải là phải có hai bên, bên thắng trận đã được khẳng định và vẫn còn nguyên đó, còn bên bại trận thì ai tập hợp để đặt ra vấn đề hòa giải? Trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài, trong nội bộ một bên thế nào cũng có nhiều quan điểm khác nhau nên cũng có thể đặt ra vấn đề hòa giải giữa những cánh khác nhau của một bên. Thế nhưng bên thắng chưa bao giờ đề cập đến bất cứ một mâu thuẫn nào bên trong, nên chắc là không phải đặt ra vấn đề hòa giải các cánh trong một bên. Xưa cũng có ai dám đặt ra vấn đề giữa Vua Lê và Chúa Trịnh phải có hòa giải đâu. Vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải.
Một vài nhà chính trị trước đây cũng có đặt ra chuyện này, nhưng tôi nghĩ các cụ cũng nói một cách truyền thống thế thôi, chứ thực sự không còn tồn tại khái niệm hòa giải ở giai đoạn sau Giải phóng nữa. Có thể trong lương tâm của một vài cụ có cái áy náy, chủ yếu là cái áy náy thoáng qua của người thắng trận. Mấy năm cuối đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có mối quan hệ với ông cụ. Chúng tôi có vài ba buổi nói chuyện với nhau, tôi không nghĩ ở trong ông có vấn đề hòa giải mà là sự áy náy của một người thắng trận. Một vài nhà lãnh đạo có tình cảm có thể có sự áy náy, lăn tăn về cái gì đó thái quá của người thắng trận, thí dụ như mình có thô lỗ, có kiêu ngạo, có quyết liệt quá chăng? Thế nhưng, đấy là tình cảm không phải là vấn đề chính trị, nên không thể đặt ra vấn đề hòa giải. Nhiều khi những tình cảm như vậy phải giấu đi vì tính dứt khoát tiến công, tính nhất quán của tâm lý cách mạng.
.
Và những sắc thái khác nhau của hoà hợp
Xuân Ba: Thế còn vấn đề hòa hợp?
Nguyễn Trần Bạt: Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ. Hòa hợp là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của những người cộng sản Việt Nam. Họ đã giải quyết vấn đề này qua từng giai đoạn khác nhau trong suốt cuộc chiến tranh. Một Phạm Duy tham gia kháng chiến từ những ngày đầu và một trong những người đầu tiên thẩm định và hát Tiến quân ca của Văn Cao. Một Phạm Duy dinh tê, chống cộng quyết liệt. Một Phạm Duy cùng hàng trăm ca khúc cổ vũ lính tráng Việt Nam cộng hòa (VNCH). Rồi Phạm Duy bùng sang Mỹ, cuối đời lại về xứ Việt ở và chết ở Sài Gòn. Anh thấy từ những ngày đầu tiên sự phân hóa trong các lực lượng tham gia cuộc cách mạng của chúng ta đã rất rõ ràng và ngay từ lúc ấy những người cộng sản đã phải giải quyết vấn đề hòa hợp rồi. Nếu không giải quyết tốt vấn đề hòa hợp thì những người cộng sản không thể tập hợp lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất với người Pháp và cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai với người Mỹ. Tôi biết có khá nhiều Việt kiều lặng lẽ tham gia cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai. Tôi có quen một số người như vậy, trong đó có con gái của luật sư Trịnh Đình Thảo. Tôi gặp chị ấy trên đường đi B. Bố vợ tôi cũng là một Việt kiều, là bạn chiến đấu của những người như thế.
Công nhận người cộng sản đã đưa ra rất nhiều giải pháp cho sự hòa hợp. Tôi từng cộng tác rất gần gũi với hai nhân vật hòa hợp với những người cộng sản, đó là bác Nguyễn Xuân Oánh, quyền Thủ tướng VNCH và Phó chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, bà Ngô Bá Thành. Họ từng là những người cộng tác và lĩnh lương trong công ty của tôi. Tôi biết cả bà Mã Thị Chu, vợ Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu.
Nếu không giải quyết tốt vấn đề hòa hợp thì những người cộng sản không thể tập hợp lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất với người Pháp và cả cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai với người Mỹ.
Những người cộng sản rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức sự hòa hợp dân tộc để xây dựng các lực lượng phục vụ cuộc cách mạng. Cho nên, có thể nói là ở nước chúng ta hòa hợp dân tộc không phải là vấn đề hậu chiến. Ở các quốc gia khác có bộ Cựu chiến binh để giải quyết vấn đề hậu chiến, còn ở Việt Nam, do đặc điểm của cuộc chiến tranh quá lâu dài, cho nên vấn đề hòa hợp dân tộc không chỉ là vấn đề hậu chiến, mà còn là vấn đề xây dựng lực lượng ngay trong cuộc chiến tranh. Đến giai đoạn hiện nay thì mở cửa và hội nhập, tham gia quá trình toàn cầu hóa về bản chất cũng là hòa hợp dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam đã thay đổi bản thân mình từ Đại hội VI để tạo ra năng lực hội nhập, đấy là dấu hiệu triết học của quá trình hòa hợp dân tộc.
Còn việc đặt ra vấn đề hòa giải hòa hợp, đâu đó trên truyền thông và mạng xã hội là chủ ý của một số lực lượng muốn những người cộng sản Việt Nam phải chính thức thừa nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội. Tôi tin chắc rằng những người cộng sản không bao giờ chấp nhận điều ấy, không chấp nhận đòi hỏi ấy, vì họ là lực lượng duy nhất thắng trong một cuộc cách mạng và chiến tranh lâu dài hơn nửa thế kỷ. Ở trong nước bây giờ không còn lực lượng chính thống nào khác để thương lượng về hòa giải, chỉ có vấn đề hòa hợp trên những khía cạnh khác nhau mà thôi. Những ai muốn hòa hợp thì hãy thừa nhận họ. Nếu chúng ta không thảo luận rõ ràng về chuyện này thì tôi với anh vô tình trở thành đồng minh vu vơ của những lực lượng không có tập hợp (hoặc chỉ tập hợp trên một không gian ảo là mạng xã hội).
Xuân Ba: Anh Bạt ạ, hình như việc này phải có một sự chỉ huy thống nhất và chẳng thể thiếu vai trò một thủ lĩnh, một nhạc trưởng chứ không đơn thuần có một chủ thuyết là ổn?
Nguyễn Trần Bạt: Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vô cùng tuyệt vời trong giải quyết vấn đề hòa hợp tất cả các lực lượng để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.
Câu nói của Cụ: “Thôi Bác cháu mình lại lên Việt Bắc vậy” là biểu hiện đầy đủ của khái niệm hòa hợp. Bởi vì nếu không lùi một chút thì ông Cụ không tập hợp được lực lượng lên Việt Bắc. Chính những ứng xử có tính chất hòa hợp dân tộc đã giúp Hồ Chí Minh tập hợp được lực lượng lên chiến khu. Chính sách mặt trận nổi tiếng của Hồ Chí Minh chính là hòa hợp dân tộc, diễn ra ngay trong chính các quá trình cách mạng, chứ không phải hậu cách mạng. Đấy là thành tựu lớn về mặt khoa học chính trị của Hồ Chí Minh. Quá trình học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đừng nên bỏ sót việc tổng kết những kinh nghiệm của ông Cụ trong việc sử dụng khái niệm hòa giải và hòa hợp dân tộc để tổ chức ra lực lượng làm cách mạng.
Như vậy, những người cộng sản Việt Nam đã giải quyết vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc ngay trong chính cuộc cách mạng của chúng ta. Do cuộc cách mạng lâu dài cho nên vấn đề ấy được giải quyết trong từng giai đoạn một, đến năm 1975 chúng ta chiến thắng và không còn phải giải quyết vấn đề hòa giải nữa. Ở qui mô toàn cầu, đất nước chúng ta cũng đã giải quyết vấn đề hòa giải với phương Tây và với thế giới thông qua chính sách mở cửa, hội nhập.
.
Xuân Ba: Thưa anh, khái niệm thường là một cái gì chung chung. Ta nói chuyện thực tế đời thường cùng chi tiết nhé? Lần ấy tôi đi Hải Lăng, Quảng Trị, trên bàn thờ một gia đình thấy có ba tấm ảnh thờ. Hỏi gia chủ là một Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Mạ chỉ ông tê chồng tui là liệt sĩ chống Mỹ. Thằng ni con tui cũng là liệt sĩ chống Mỹ. Còn thằng tê là sĩ quan VNCH chết trận.
Chắc anh biết có rất nhiều những gia cảnh éo le như thế.
Anh nghĩ gì về những mất mát đau thương và lộ trình gian nan nhọc nhằn của việc hòa giải hòa hợp? Và có thực sự cốt lõi của sự hòa giải là giải tỏa những mâu thuẫn trong nội bộ người Việt phát sinh từ năm 1945?
Nguyễn Trần Bạt: Xin lỗi anh, thế giới dạy chúng ta rằng nếu không minh bạch về mặt khái niệm, mọi quá trình chính trị đều bế tắc. Việt Nam chúng ta càng phải dứt khoát về mặt khái niệm, không thể lơ mơ, ề à. Còn thực tế thì luôn có mẫu số chung là sinh động.
Chính sách mặt trận nổi tiếng của Hồ Chí Minh chính là hòa hợp dân tộc, diễn ra ngay trong chính các quá trình cách mạng, chứ không phải hậu cách mạng. Ðấy là thành tựu lớn về mặt khoa học chính trị của Hồ Chí Minh.
Ví dụ nhé, chúng ta phải hòa hợp với thế giới trong việc xây dựng kinh tế thị trường. Trước năm 1986 chúng ta không có kinh tế thị trường. Việc thừa nhận tồn tại kinh tế thị trường trong khuôn khổ không gian chính trị của người Việt là một bước hòa giải về mặt tư tưởng, đấy là bước tiến khổng lồ của những người cộng sản. Tôi cũng có góp phần cá nhân vào quá trình này. Tôi từng đưa đại sứ Leonard Unger, và đại sứ Woodcock, hai quan chức tham gia việc xử lý vấn đề hậu chiến như viện trợ và đền bù chiến tranh đến Việt Nam. Tôi từng dự cuộc thảo luận giữa hai đại sứ với Bộ trưởng Ngoại giao của chúng ta lúc đó là anh Nguyễn Mạnh Cầm.
Bây giờ thỉnh thoảng anh Cầm đến đây chơi với tôi với tư cách là Chủ tịch hội đồng hương Nghệ An ở Hà Nội.
Tôi đưa cho anh một ví dụ khác về hòa hợp. Năm 1989, tôi đến Mỹ, một số người đề nghị tôi gặp anh Đoàn Văn Toại, lúc ấy là giám đốc Viện dân chủ hóa Việt Nam thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Sau này khi về nước tôi có mời anh ấy nhưng công an không cho phép. Cách đây khoảng chục năm, tôi gặp lại và ăn cơm với anh ấy ở Hà Nội, lúc đó tôi mới biết con trai của anh ấy là chồng của ca sĩ Trần Thu Hà, con nhạc sĩ Trần Hiếu. Bữa ăn ấy có cả một vị nguyên đại tá tình báo hải quân Hoa Kỳ, ông ấy có xưởng sản xuất chân tay giả của cựu chiến Mỹ ở Việt Nam để phục vụ những người cụt chân, cụt tay do chiến tranh gây ra. Chính họ là người hậu thuẫn cho tôi trong việc giúp giáo sư Nguyễn Huy Phan sau này tổ chức đội phẫu thuật nụ cười. Nói như thế để anh hiểu những người cộng sản cực kỳ biến tiệp và tế nhị trong việc xử lý những vấn đề chính trị liên quan đến hòa hợp dân tộc.
.
Hòa nhưng phải hợp?
Xuân Ba: Anh Bạt ạ, chiến tranh đã hủy hoại không chỉ thể xác mà còn tàn phá tinh thần của dân tộc Việt. Nó chia rẽ giữa những người Việt Nam với nhau, giữa bên thắng và bên thua. Phía nào cũng có cái lý của mình... Anh lý giải thế nào về sự loay hoay ấy trong vấn đề hòa hợp dằng dặc đến hàng chục năm trời?
Nguyễn Trần Bạt: Không bao giờ có thể làm chuyện ấy một cách triệt để. Tôi từng kể với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về một ví dụ mà tôi đã trải nghiệm. Năm 1990, tôi mua một cái nhà ở Sài Gòn. Nhà của tôi nhìn sang sân thể thao Lan Anh. Bà già bán nhà cho tôi muốn bán được nhanh để có tiền chia cho các con và sau đó sang Mỹ sống với một trong những người con. Em tôi thay mặt tôi mặc cả từ 85 lượng vàng xuống 80 lượng. Tôi nói với em tôi là cứ mua với giá 85 lượng bởi bà ấy có nói với tôi là bà phải chia cho các con tiền bán nhà rồi mới đi Mỹ được. Thế là tôi đã mua nhà của bà ấy với giá cao nhất. Sau đó một vài năm, mỗi lần quay lại Sài Gòn là bà ấy lại đến mượn ghế của quán cà phê đối diện ngồi nhìn ngắm ngôi nhà cũ của mình. Tất cả mọi người khi ra khỏi không gian sống cũ của mình đều lưu luyến như thế, không bao giờ con người có thể hòa hợp thật sự được. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện vĩ mô để con người hòa hợp, chứ không thể sắp đặt để sự hòa hợp đến đồng đều trên từng con người một. Các nhà chính trị đôi khi chủ quan tưởng rằng giữa vi mô và vĩ mô đâu đó có quan hệ logic với nhau, nhưng không phải thế. Quan hệ vĩ mô là quan hệ của chính trị, quan hệ vi mô là quan hệ của tiền bạc. Đất nước chúng ta chắc là không đủ tiền bạc để thu xếp các quan hệ vi mô, cho nên đừng hy vọng vào chuyện ấy. Tôi có nói với ông Sáu Dân rằng, khi nào kiếm được 10 cái nhà ở bên Mỹ thì người ta mới quên được cái nhà cũ ở Sài Gòn. Còn nếu chỉ có 1-2 cái thì không bao giờ họ quên, bởi vì 1 cái nhà ở Sài Gòn bán đi mua được 2-3 cái nhà bên Mỹ.
Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện vĩ mô để con người hòa hợp, chứ không thể sắp đặt để sự hòa hợp đến đồng đều trên từng con người một.
Tôi nói thêm với anh rằng hòa hợp là một quá trình vô cùng tốn kém. Khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Nhà nước ta buộc phải đối mặt với vấn đề xử lý tài sản của người Mỹ ở Việt Nam, trong đó vấn đề nhà đất của Việt kiều chiếm phần chủ yếu. Thủ tướng Phan Văn Khải lúc ấy là phó Thủ tướng phụ trách tài chính rất lo. Trợ lý của ông là ông Nguyễn Thiệu nói với tôi rằng: “Bây giờ tồn tại vấn đề như vậy. Cậu có cách gì không?”. Tôi đem câu chuyện này nói với Gary Hart, chủ của một công ty luật hàng đầu ở Mỹ, từng là ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ông ấy nói, nếu tôi có thể vận động Chính phủ thì ông ấy sẵn sàng đến Việt Nam để giúp tư vấn miễn phí. Tôi đã tìm nhiều cách để ông ấy đến được Việt Nam và đã gặp được Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải. Rốt cuộc chúng ta cũng đi qua được cửa ải ấy chỉ với mấy chục triệu đô la chứ không phải mấy tỷ như dự kiến ban đầu.
Những năm 1980, trước khi nước Đức thống nhất, chúng ta có hàng chục nghìn người lao động ở Đức, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cực kỳ đau đầu. Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức ở Hà Nội đã hợp tác với chúng tôi để nghiên cứu xử lý vấn đề người lao động Việt Nam trốn trại ở Đức. Những câu chuyện như vậy là nội dung của quá trình giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Gần đây những người như anh Phạm Nhật Vượng, anh Lê Viết Lam… về nước gây dựng những doanh nghiệp lớn cũng là kết quả của quá trình hòa hợp dân tộc. Họ là những người khôn ngoan, nếu không thấy có những dấu hiệu hòa hợp thì còn lâu họ mới về.
Xuân Ba: Nhân đây cũng cảm phiền anh thử ngoái lại nhiều quốc gia, dân tộc cũng có bi kịch chia cắt đất nước như nước mình, nhưng lộ trình hòa giải hòa hợp của họ không dai dẳng như mình? Cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ cũng phải đặt ra vấn đề hòa giải và hòa hợp chứ? Đức cũng từng có hai miền Đông-Tây và Bức tường Berlin…
Nguyễn Trần Bạt: Tôi không rành lắm chuyện các dân tộc khác xử lý chuyện hòa hợp và hòa giải dân tộc cụ thể như thế nào, nhưng tôi cho rằng những người Cộng sản Việt Nam xử lý vấn đề này như vậy là rất khoa học. Tôi không nghĩ những người cộng sản Việt Nam vô tâm trong vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, nếu không hòa hợp dân tộc trước năm 1975 chúng ta không thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự thống nhất của người Tây Đức và người Đông Đức là sự sáp nhập hai nhà nước thuần túy, nó là biểu hiện của sự thống nhất chính trị, còn tài sản thì không thống nhất, nên ít phức tạp hơn.
Còn cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ đã có hàng chục tiểu thuyết mô tả chuyện ấy. Anh nên tìm đọc để tìm ra tính đặc thù của nó. Đó là sự thẳng thắn sòng phẳng nhưng không gay gắt.
Xuân Ba: Có hẳn những công trình nghiên cứu về căn tính của người Việt… Không ít người đổ riệt cho căn tính chung chung của người Việt là cực đoan, bảo thủ nên khó ngồi lại được với nhau? Rằng người Việt ngày nay có chỉ số niềm tin vào nhau khá thấp. Ý anh thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Có thể ở một số quốc gia người ta hóa giải hận thù và hòa hợp nhanh vì họ không có các lực lượng đòi hỏi những người cầm quyền phải làm thế này, thế kia để thỏa mãn cho mình. Ví dụ, đôi khi đâu đó có ý kiến cho rằng muốn hòa hợp hòa giải thành công thì hệ thống chính trị này phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Đòi hỏi ấy không thực tế. Không có kẻ thắng nào trên đời này từ bỏ các ưu thế của mình để hòa giải và hòa hợp với các lực lượng thua trận.
Xuân Ba: Tôi thật sự hơi bị choáng khi các phương tiện truyền thông vừa qua đồng loạt nhấn mạnh một sự kiện lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - Un và phu nhân cùng Ban lãnh đạo tối cao xem biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc ngay tại thủ đô Bình Nhưỡng. Rằng ông Kim Jong-un đã mỉm cười, chụp ảnh chung cùng với dàn nhạc K-pop của Hàn Quốc. Rồi ông Kim bắt tay các thành viên của Red Velvet, ban nhạc nổi tiếng nhất của Hàn Quốc mà những bài hát của họ từng được quân đội Hàn Quốc dùng làm “vũ khí” trong cuộc chiến tranh tâm lý nhằm vào các binh sĩ Triều Tiên. Kết thúc buổi biểu diễn hơn 2 giờ đồng hồ, Ông Kim cười tươi “ Hãy gửi lời nhắn của tôi tới Tổng thống Moon rằng, chương trình giao lưu nghệ thuật này thật ý nghĩa. Cảm ơn các bạn vì đã mang món quà này tới cho người dân Bình Nhưỡng”.
Nguyễn Trần Bạt (cười): Họ vẫn làm chính trị là chủ yếu. Thưa với anh, nếu khả năng hòa hợp của họ lớn thật như thế thì họ đã thống nhất lâu rồi. Rất nhiều đại sứ Hàn Quốc đã tự ái với tôi khi họ cổ vũ cho khái niệm thống nhất còn tôi lại nói phải thận trọng với sự thống nhất. Có một ông đại sứ bây giờ làm hiệu trưởng một trường đại học của người Hàn Quốc ở Đà Lạt đã từng cáu với tôi về chuyện đó. Sau này gặp lại, ông ấy đã công nhận tôi nói có lý. Trước đây ông ấy nói về vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên như là một tất yếu, vì Hàn quốc mạnh hơn. Tôi cười và nói rằng từ xưa đến nay tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới này mà sự thống nhất bắt đầu từ miền Nam. Bây giờ anh thấy đấy, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên nếu có xảy ra là bắt đầu từ miền Bắc. Ý chí để thống nhất là yếu tố mạnh nhất chứ không phải vũ khí và lực lượng. Đối với một quả bom hạt nhân thì tất cả sự giàu có của thủ đô Seoul không có mấy ý nghĩa. Người Hàn Quốc từng nghĩ đến chuyện dịch chuyển thủ đô Seoul lùi hơn nữa về phía Nam để tránh bị hủy diệt. Trong đấu tranh chính trị, chưa chắc người giàu đã là người mạnh. Gặp phải những đối tượng ghê gớm và liều lĩnh thì càng giàu càng yếu.
Xuân Ba: Tôi từng gặp không ít những phàn nàn chuyện biểu tình hô hét trương cờ vàng ở nước nọ quốc gia kia sao cứ triền miên dai dẳng vậy? Anh nghĩ gì về việc này?
Nguyễn Trần Bạt: Chuyện anh nhắc làm tôi nhớ từng đọc đâu đó rằng cứ mỗi sáng khi Putin đi làm, cứ đến điện Kremlin là ông ấy hỏi các trợ lý rằng hôm nay người dân biểu tình về vấn đề gì. Phải tập làm quen với các biểu hiện cơ bản của khái niệm dân chủ. Dân chủ không phải là nhường quyền cho ai mà là chuẩn bị thái độ để chấp nhận ai đó, cái gì đó. Tổng thống Mỹ đến đâu cũng gặp biểu tình, thế thì việc gì cá nhân ai đó phải đau đầu khó chịu? Chúng ta từng thích thú những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Tại sao chúng ta phấn khởi về một loại biểu tình mà lại không chuẩn bị sức lực, tâm thế để đối phó với một loại biểu tình khác. Đấy là trạng thái chưa trưởng thành về mặt chính trị học.
Xuân Ba:Hồi nãy nhân anh có nhắc đến loạt bài trên Tiền Phong vừa rồi về cuộc hội ngộ của hai người lính, một QĐND một VNCH sau 45 năm… Tôi nghĩ mạo muội thế này, 45 năm trước, hai bàn tay hai phía chiến tuyến ấy đã từng chìa ra như gợi mở báo hiệu cho một trữ lượng, một tiềm năng hòa hợp ăm ắp tràn đầy. Nhưng 43 năm đã qua, tỷ lệ hòa hợp chỉ là những cá nhân đơn lẻ và không phải số đông. Có phải người Việt mình còn đâu đó chưa thực tâm khoan dung, chân thành hòa hợp như ông Sáu Dân từng bày tỏ?
Nguyễn Trần Bạt: Đó là một câu chuyện thú vị. Nhưng nếu cứ mải mốt đi tìm các bằng chứng về sự thân hữu của con người thì chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều bằng chứng cơ hội. Hòa hợp là một thói quen. Dostoievsky nói như thế này: “Ta yêu loài người nhưng ta rất khó chấp nhận việc ngủ chung phòng với người khác”. Đừng suy luận theo kiểu hai bàn tay của hai cá thể đã bắt từ trước rồi để suy ra vấn đề hòa hợp dân tộc đang diễn tiến chậm chạp. Về nguyên tắc, chính trị kích động những tâm lý tiêu cực có thể dẫn đến các hiện tượng tiêu cực. Chúng ta đã đi qua những bước rất dài trong quá trình giải quyết các vấn đề hòa giải, hòa hợp.
.
Trong cuộc đấu tranh lâu dài của chúng ta, không hòa hợp thì không thể xây dựng lực lượng được, không hòa giải thì không có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Ðình Thảo… tham gia các lực lượng của miền Nam.
Trong cuộc đấu tranh lâu dài của chúng ta, không hòa hợp thì không thể xây dựng lực lượng được, không hòa giải thì không có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo… tham gia các lực lượng của miền Nam. Chúng ta đã hòa giải để xây dựng lực lượng và sau chiến tranh chúng ta đã hòa hợp, đỉnh cao nhất của hòa hợp là cải cách và mở cửa. Phải ghép tất cả các sự kiện vĩ mô như vậy với nhau để tạo ra dòng chảy của tư tưởng về lĩnh vực này, còn các biểu hiện tình cảm là ngẫu nhiên.
Về phương diện vi mô, để thay đổi nếp sống, để hòa hợp con người khó lắm. Còn về vĩ mô thì chúng ta đã làm cái việc hòa hợp dân tộc rồi. Cuộc sống là như thế, sự hòa hợp diễn ra phong phú lắm, thể hiện dưới nhiều hình thức lắm.
Tôi nghĩ cuộc sống tự nó làm thay đổi tất cả các ranh giới, các mức độ. Cuộc sống tự điều chỉnh. Khi nó điều chỉnh, nó sẽ tạo nền cho sự hòa hợp chính trị. Cái khó khăn nhất là hòa hợp. Nó thấm vào mỗi con người với mức độ nông sâu khác nhau, tạo ra các biểu hiện khác nhau của sự hòa hợp.
Chúng ta đôi khi cứ hay lo lắng hơi bị viển vông do xuất phát từ những nhận định quan liêu, cảm tính. Ví dụ, nhiều người lo lắng về hiện tượng người dân Việt cõng thuê hàng lậu qua biên giới đông kìn kìn, cho rằng như vậy là người ta không có lòng yêu nước! Nếu xem xét lòng yêu nước bằng những chuyện như vậy thì chúng ta sẽ mua lấy những nỗi buồn không đáng có. Khuân hàng thì vẫn cứ phải làm để kiếm tiền, nhưng trước họa xâm lăng thì những người sẵn sàng cầm súng chắc chắn là sẽ đông hơn những người đi khuân hàng. Hãy để cho cuộc sống tự thu xếp và đừng sợ dân mình chểnh mảng đánh mất đi lòng yêu nước.
Xuân Ba:Xin cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt về cuộc chuyện trò này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015