"Tình thế và Giải Pháp" của Nguyễn Trần Bạt
Có thể nói chưa khi nào không khí đối thoại dân chủ diễn ra ở xã hội ta sôi nổi như trong giai đoạn hiện nay. Hầu như mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước đều được đem ra bàn bạc công khai, thẳng thắng ở mọi loại diễn đàn, với những cấp độ đề cập và thái độ nhìn nhận khác nhau. Có nhiều vấn đề vốn vẫn tồn tại sự khác biệt, qua tranh luận, phân tích cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung. Nhiều vấn đề mang tính lý luận tưởng đã mặc nhiên là chân lý không cần phải bàn cãi, thì nay, trong tinh thần cầu thị và khoa học, thấy phải xem xét lại, đưa ra để mọi người thỏa sức bàn bạc. Có những triết lý gắn với phát triển, những tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh, những xu thế liên kết và chia sẻ trách nhiệm, những thuật ngữ pháp lý… còn lạ lẫm, mới mẻ với rất nhiều bạn đọc nhưng không bị bài bác hoặc nghi kị. Nói cách khác, sự khác biệt đang tìm thấy cơ hội để cùng chung sống và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Đó là dấu hiệu của một xã hội đầy sức sống, khát khao phát triển.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi vui mừng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách thứ 8, có cái đầu đề đầy tính nhập cuộc: Tình thế và giải pháp, của học giả, nhà nghiên cứu chính trị, nhà nghiên cứu văn hóa, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt. Vẫn trung thành với cách trình bày quen thuộc-đối thoại trực tiếp và không né tránh với các đối tượng cụ thể-những vấn đề tác giả trao đổi trong cuốn sách đều nóng bỏng tính thời sự, xoay quanh chủ đề xuyên suốt là vìtiến bộ xã hội. Đó là vấn đề chủ quyền và bảo vệ chủ quyền; đó là vấn đề cải cách thể chế; đó là vấn đề rèn luyện nền dân chủ trong bối cảnh Việt Nam; đó là những vấn đề quan hệ với các cường quốc; đó là vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân; đó là vấn đề nhà nước pháp quyền; đó là vấn đề chống tham nhũng vv và vv. Mỗi trong nhiều chục vấn đề ấy được đặt ra như một tình thế và tác giả, với tư cách một chuyên gia sẽ đưa ra những giải pháptheo quan điểm và dựa trên học vấn cũng như kinh nghiệm của riêng mình.
Là một tiếng nói có trách nhiệm và đầy cá tính, Nguyễn Trần Bạt cũng là người có niềm tin mãnh liệt vào bạn đọc và xã hội. Vì thế ông không ngại xuất hiện ở bất cứ đâu, đề cập đến bất cứ vấn đề gì, miễn là nó đủ sức cho ông tin rằng sự bàn bạc, trao đổi ấy là có ích cho đất nước. Với các chuyên gia đầu ngành của hệ thống lý luận chính thống, ông thẳng thắn chỉ ra những khuyết tật của nền chính trị theo cách nhìn của ông; với các cán bộ làm công tác ngoại giao, ông chân thành bàn về công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp ý cách thức để có thể quan hệ hòa bình lâu dài với Trung Quốc; tìm được lợi ích cao nhất trong quan hệ với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN và phần còn lại của thế giới; với các cán bộ cao cấp về hưu, ông biết cách khuyến khích họ dùng ảnh hưởng và uy tín cá nhân vào việc tạo dựng đồng thuận xã hội, thứ mà một quốc gia muốn phát triển thì nhất định phải đạt được. Còn khi với các sinh viên, ông khích lệ họ hướng về tương lai, làm chủ cuộc đời mình một cách chân thành…
Tiếp nhận, chấp nhận đến đâu những quan điểm chắc chắn sẽ gây tranh cãi của Nguyễn Trần Bạt, là quyền của mỗi bạn đọc mà bản thân tác giả tin rằng đều rất trưởng thành. Tính đúng đắn, sự cần thiết của những giải pháp ấy đến mức nào còn phải bàn tiếp và cần được chính cuộc sống thử thách. Nhưng có một điểm mọi người dễ dàng đồng thuận là những ý kiến của Nguyễn Trần Bạt, những đề xuất ông đưa ra, những điều ông mong bạn đọc quan tâm… đều là những vấn đề nóng bỏng liên quan mật thiết đến vận mệnh đất nước, với một thái độ cầu thị và chân thành rất cao.
Tác giả Nguyễn Trần Bạt: |
Cái độc đáo của Nguyễn Trần Bạt là ông không dễ để mình bị cuốn vào với số đông khi cần phân tích, đưa ra quan điểm nào đó. Và nó luôn khiến bạn đọc bất ngờ. Là một người luôn tỉnh táo, thiện chí và làm chủ bản thân, Nguyễn Trần Bạt không ít lần chấp nhận mạo hiểm là người đi ngược dòng với số đông để “đánh thức” họ. Ví dụ, khi giàn khoan 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, xu hướng chung là khích lệ chủ nghĩa dân tộc để thể hiện lập trường coi thường sức mạnh của Trung Quốc và cổ vũ xã hội theo đuổi lập trường ấy. Mọi người muốn biết quan điểm của Nguyễn Trần Bạt và ông đã thẳng thắn chỉ ra sự nguy hiểm khi đồng nhất việc cổ vũ tinh thần dân tộc với đề cao chủ nghĩa dân tộc. Ông trả lời: “Theo nghiên cứu của tôi, tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc là động lực cơ bản để hình thành các quốc gia. Nhưng chủ nghĩa dân tộc là(thứ)tinh thần dân tộc đã bị chính trị hóa và trở thành thuốc độc của các quan hệ quốc tế. Cho nên chúng ta tận dụng, khai thác, biểu dương tinh thần dân tộc, nhưng phải rất cẩn thận trong việc dung dưỡng chủ nghĩa dân tộc.”
Khi hầu hết mọi người đều cho rằng, là một nước nông nghiệp thì hiện tượng phải cứu đói ở Việt Nam là vô lý, thì Nguyễn Trần Bạt khẳng định: “Đói kém thường diễn ra ở các nước nông nghiệp. Các nước phát triển công nghiệp không phải chịu đói kém. Họ không ăn các sản phẩm nông nghiệp một cách trực tiếp. Hơn nữa, khi họ sử dụng các sản phẩm nông nghiệp gián tiếp thì nó khích lệ ngành công nghiệp chế biến và làm cho giá của sản phẩm nông nghiệp tăng lên.
Và ông đưa ra lý giải: “Hiện nay, chúng ta xây dựng các chính sách nông nghiệp và nông thôn dựa trên tính từ thiện chính trị(Chúng tôi nhấn mạnh) chứ chưa phân tích lợi ích, cho nên không ổn định”.
Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy bị chạm tự ái khi đọc những luận điểm dưới đây:
“Như vậy, đây (Việt Nam) là một nền kinh tế tài chính xét theo quan điểm phương Tây và là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên xét theo quan điểm Xô Viết trước đây. Tức là Việt Nam học cả Tây lẫn Đông ở những khuyết tật lớn nhất của nó”
Khi không ít người tỏ ra hoan hỉ bởi cuộc khủng hoảng tài chính đã xóa tên hàng ngàn tỉ phú khỏi danh sách, thì Nguyễn Trần Bạt lại nhìn thấy ở đấy một thiệt thòi cho cả những người nghèo nhất của Việt Nam: “Xét về mặt vĩ mô, tỷ phú trên thế giới mất tiền thì người lao động Việt Nam cũng mất tiền”.
Còn ở luận điểm sau đây, ông không chỉ đưa ra cảnh báo: “Chúng ta chưa xây dựng chiến lược công nghiệp mà đã bước ngay vào chiến lược “tài chính hóa nền kinh tế” và biến nền kinh tế Việt Nam từ thể rắn, không qua thể lỏng mà chuyển thẳng đến thể khí. Thể khí chính là bong bóng”.
Thực ra những quan điểm này không hoàn toàn mới mẻ. Nó đã được nhiều học giả bàn luận ở đâu đó có sự tham gia của các phương tiện truyền thông. Không ít các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nhiều lần nêu ra những quan điểm tương tự trong những phát biểu chính thức và không chính thức. Nhưng để lôi kéo sự chú ý của xã hội bằng cách khái quát hóa, đặt tên cho các khái niệm, gọi ra bản chất của vấn đề một cách ngắn gọn…thì có lẽ Nguyễn Trần Bạt là người đặt nhiều ưu tư hơn cả với tư cách là một trong những chuyên gia hàng đầu. Từ một quan điểm, Nguyễn Trần Bạt đã khái quát lên thành một triết lý phát triển, triết lý hợp tác, triết lý tồn tại trong những mâu thuẫn về quyền lợi, triết lý cùng thắng trong bang giao quốc tế và cuối cùng là triết lý về đời sống hòa bình, trong đó cạnh tranh lành mạnh là một xu thế, một giải pháp đồng thời là một một tất yếu phát triển không thể đảo ngược.
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Quốc khánh đất nước, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kêu gọi xã hội chấp nhận sự khác biệt miễn là không làm tổn hại lợi ích quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ trưởng phải lắng nghe những phản biện từ giới trí thức. Điều đó không chỉ cho thấy, phản biện là một hoạt động rất cần thiết trong đời sống, gắn với tiến bộ xã hội, mà còn chứng tỏ năng lực tiếp nhận của xã hội ta đã trưởng thành nhanh chóng. Chúng tôi nhận thấy ở đó sự khích lệ về một tinh thần dân chủ cao trong học thuật, trong quan điểm cá nhân về mọi vấn đề mà cuộc sống đặt ra, cần được cổ vũ, tiếp sức và nuôi dưỡng, bằng những hình thức khác nhau, “miễn là không làm tổn hại lợi ích quốc gia” như lời của Chủ tịch nước.
Chúng tôi mong nhận được càng nhiều càng tốt những góp ý, phê bình thẳng thắn và chân thành của bạn đọc xa gần.
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
Cuốn sách mới "Tình thế và Giải pháp"của tác giả Nguyễn Trần Bạt: 592 trang, có chữ ký tác giả.Đăng ký mua theo mobile: 0903. 205. 306 hoặcinbox theo : facebook.com/MinhChungTa
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh